Chọn cỡ chữ
A
a
In trang
Phát huy vai trò đầu tàu trong thúc đẩy kinh tế tập thể. Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương cùng những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, bức tranh kinh tế tập thể Vĩnh Phúc đã có những đổi thay ấn tượng, bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện cả về lượng và chất. Đóng góp vào sự phát triển đó không thể không nhắc đến vai trò dẫn dắt, “đầu tàu” của hợp tác xã, góp phần tạo mối quan hệ sản xuất bền vững, hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ để thúc đẩy các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn hình thành và phát triển.Toàn tỉnh có hơn 800 hợp tác xã, tăng hơn 300 hợp tác xã so với năm 2010, trong đó có 220 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động với 26 chuỗi liên kết sản xuất. Năm 2024, doanh thu bình quân của một hợp tác xã đạt hơn 1,6 tỷ đồng/năm, lãi bình quân khoảng 258 triệu đồng/năm. Các chỉ tiêu này đều tăng mạnh so với các năm trước. Những con số trên là minh chứng rõ nét cho thấy khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt cả về chất và lượng theo hướng đa dạng các loại hình dịch vụ với số lượng tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng, địa phương. Các hợp tác xã từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp dịch vụ hoặc việc làm, nhất là hợp tác xã nông nghiệp. Tính liên kết giữa các thành viên trong tổ chức kinh tế tập thể, các hợp tác xã được tăng cường theo hướng cộng đồng, tương trợ để cùng phát triển. Đồng thời, hợp tác giữa các thành phần kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác được mở rộng. Các hợp tác xã nông nghiệp giờ đây không chỉ làm khâu trung gian cung cấp dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp để hưởng phần trăm hoa hồng mà còn tích tụ ruộng đất, hình thành nên các cánh đồng lớn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất làm tăng chất lượng, giá trị sản phẩm làm ra; liên doanh, liên kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các hợp tác xã phi nông nghiệp cũng từng bước mở rộng sản xuất, đa dạng các loại hình sản xuất kinh doanh. Ngày càng có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới thực hiện liên kết và tiêu thụ với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra theo hợp đồng dịch vụ, gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của địa phương, góp phần khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, phù hợp yêu cầu sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới. Công tác phát triển thành viên, huy động tăng vốn góp để tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được cũng được các hợp tác xã quan tâm. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo hợp tác xã dần được trẻ hóa, năng động, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành hợp tác xã. Nhờ đó, số lượng hợp tác xã hoạt động khá, tốt ngày càng tăng với những đại diện tiêu biểu như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, Hợp tác xã Dịch vụ môi trường Tân Phong, Hợp tác xã Vật liệu xây dựng Tuổi Trẻ, Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo… Với sự vào cuộc của các hợp tác xã đầu tàu, các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh ngày càng phát triển, tạo ra các sản phẩm đặc trưng vùng miền, được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên như: Bưởi Vĩnh Tường, thanh long ruột đỏ Lập Thạch, dưa chuột VietGap An Hòa, su su Hồ Sơn…, từ đó mở ra hướng đi bền vững cho nông dân tại địa phương, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất cho nông dân.Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động,nâng cao năng suất cây trồngMặc dù đồng đất bằng phẳng, tưới tiêu thuận lợi, song trước kia, giá trị sản xuất nông nghiệp tại xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên khá thấp, việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn chậm. Ngoài ra, người dân địa phương không mặn mà với đồng ruộng, trong khi đó, công tác dồn thửa đổi ruộng tại địa phương nhiều năm liền bị “đóng băng” bởi thiếu sự thống nhất từ các hộ dân. Tuy nhiên, từ khi Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý ra đời và chuyển đổi thành công theo Luật Hợp tác xã 2012 từ tháng 12/2014, đây được ví như một làn gió mới, đẩy nhanh quá trình ứng dụng cơ giới hóa, khép kín quy trình gieo cấy, đưa Phú Xuân trở thành điểm sáng của tỉnh về mô hình mạ khay, cấy máy. Đến nay, hợp tác xã đã hình thành vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích canh tác hơn 150 ha cùng sự tham gia của hơn 2.450 thành viên, xây dựng thương hiệu “Gạo ngon Phú Xuân” có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Các nút thắt trong sản xuất nông nghiệp dần được tháo gỡ, người dân đồng thuận chủ trương dồn thửa đổi ruộng, hình thành cánh đồng mẫu lớn, tích cực tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất với Tập đoàn Quế Lâm Phương Bắc, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng giống thuần chất lượng cao và phân bón vi sinh hữu cơ, tạo ra gạo ngon chất lượng cao, nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi diện tích canh tác.Mặc dù đã có sự tăng trưởng nhưng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ đóng góp trung bình hằng năm vào kinh tế chung của tỉnh còn thấp. Đa số các hợp tác xã có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật hạn chế, yếu kém và thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều hợp tác xã chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, dẫn đến sức cạnh tranh yếu, hiệu quả thấp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã không ổn định, thiếu sự liên kết lâu dài, chưa có nhiều sản phẩm mang tính mũi nhọn, có giá trị cao. Để khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong nền kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực từ ngân sách các cấp, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; tạo môi trường và cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai… để các hợp tác xã phát triển. Về phía các hợp tác xã, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để tương xứng với vai trò chủ lực, từ đó dẫn dắt các phong trào đổi mới sản xuất nông nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để đem lại những giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp của tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.Phùng Hải