Sign In

Quốc tế cam kết tài trợ 3,4 tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2005

03/12/2004
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

QUỐC TẾ CAM KẾT TÀI TRỢ 3,4 TỶ USD CHO VIỆT NAM TRONG NĂM 2005

          Trong phiên bế mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ chiều nay (2/12), cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam khoản viện trợ chính thức (ODA) ở mức 3,4 tỷ USD - cao kỷ lục trong suốt 10 năm qua.

          Nhật Bản vẫn là quốc gia đứng đầu trong nhóm các nhà tài trợ với khoản ODA cam kết lên tới 92,6 tỷ Yên (tương đương 902 triệu USD), tăng trên 900 triệu Yên so với mức cam kết năm 2004. Ông Norio Hattori, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Nhật Bản ghi nhận những nỗ lực Việt Nam đã thực hiện, đặc biệt thông qua kết quả của việc thực hiện những cam kết trong sáng kiến chung Việt Nhật.

          "Nhật Bản rất quan tâm đến việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam. Nhật Bản cho rằng ODA không phải là nguồn vốn quan trọng nếu so với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đó là lý do Nhật Bản tăng khoản viện trợ", ông Hattori nói.

          Việc Cộng hòa Pháp nâng mức viện trợ cam kết lên 400 triệu USD, gấp 3 lần năm ngoái, đã đưa nước này lên hàng thứ 3 trong số các nhà tại cho Việt Nam. Nguồn vốn ODA của Pháp được ưu tiên cho lĩnh vực hạ tầng giao thông. "Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Trong giai đoạn 2006-1010, Việt Nam phải thực hiện tốt một chính sách chặt chẽ về cải tổ cơ cấu và đầu tư cơ sở hạ tầng", ông Alexis Andres, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Pháp, cho biết.

          Liên quan đến những quan ngại về các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam, ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu, và không cao so với mức của các nước đang phát triển. "Các khoản nợ đều có lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ dài (30-40 năm) và có thời gian ân hạn (thường là 5 năm). Hiện mức nợ của Việt Nam vào khoảng 4-5USD/người/năm. Đó là chi phí phải trả cho hàng ngàn km đường giao thông, trường học, nhà máy điện... Các khoản vay ODA cũng là tín hiệu tốt cho phát triển của đất nước và khoản nợ này được chia sẻ giữa các thế hệ", ông nói.

          Tại phiên bế mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã xác định những công việc quan trọng cần làm sau hội nghị là thực hiện giải ngân tốt khoản vay, hài hòa hóa các thủ tục và xác định những nhiệm vụ cụ thể. Phó Thủ tướng cho biết Nghị định 17 của Chính phủ về khung pháp lý cho việc sử dụng vốn ODA đang được chỉnh sửa.

          Theo ông Klaus Rohland, năm 2003, đánh giá của Ngân hàng thế giới về tốc độ giải ngân ODA của Việt Nam rất khả quan, tương đương các nước khác trong khu vực. "Tuy nhiên Việt Nam vẫn phải đẩy nhan hơn nữa quá trình ra quyết định, cần phân cấp cụ thể cho các bộ, ngành", ông cho biết.

          Theo các thông tin từ đại diện Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế... tại cuộc họp báo công bố cam kết viện trợ, tỷ lệ cho vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại trong tổng số ODA cho Việt Nam là 2:1. Trong số 600 triệu USD vốn ODA tăng có khoảng 170 triệu USD do sự thay đổi của tỷ giá so với năm 2003 và khoảng 100 triệu USD do tính gộp cả cam kết của các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Nguyễn Hoàng
 ( Theo Thời Báo Kinh tế Việt Nam)

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 2367 bản ghi
EMC Đã kết nối EMC