Đảng Cộng sản Việt Nam
ra đời đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại, mở ra một trang sử mới trong
cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Từ khi thành lập, với
đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng đã tiến hành xây dựng cơ sở Đảng và
quần chúng trong các địa bàn của cả nước. Từ đó, Đảng đã từng bước lãnh
đạo các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân từ thấp đến cao.
Với truyền thống yêu nước của dân tộc, kết hợp với sự lãnh đạo của một
Đảng Mác xít chân chính, phong trào đấu tranh của nhân dân ta đã phát
triển mạnh mẽ. Nhận thấy Vĩnh Phúc là nơi có nhiều đồn điền, lại án ngữ
các trục đường giao thông quan trọng nên cán bộ của Đảng đã sớm tìm cách
bắt rễ vào cơ sở để gây dựng phong trào.
Hai
tháng sau khi Đảng ra đời đã có cán bộ về gây dựng cơ sở đầu tiên tại
tỉnh Vĩnh Phúc. Các đồng chí cán bộ của Đảng đã bí mật đi sâu vào Vĩnh
Yên và một số vùng nông thôn lân cận để tìm hiểu tình hình, từng bước
thâm nhập, tuyên truyền và giác ngộ quần chúng. Ngoài những hoạt động
bất hợp pháp, còn lợi dụng điều kiện hợp pháp mở rộng công tác tuyên
truyền như việc lập hội bóng đá ở Vĩnh
Yên. Mục đích của hội không chỉ mang tính chất thể thao đơn thuần mà
còn bao hàm ý nghĩa chính trị sâu sắc là tập hợp, giáo dục thanh
niên học sinh, chỉ ra cho họ con đường theo Đảng làm cách mạng. Sau
này, nhiều người trong số thanh niên, học sinh tham gia hội đó đã được
tuyển lựa và kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản.
Thông
qua những hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp, chỉ sau một thời gian từ
tháng 4 đến tháng 8/1930, các đoàn thể quần chúng của Đảng như Phụ nữ
giải phóng, Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn đã được xây dựng tại
một số địa điểm như Vĩnh Yên, Thanh Vân, Đạo Tú, làng Chùa, Thụy Yên,
làng Me (Tam Dương), Bích Đại, Đồng Vệ, Bạch Hạc (Vĩnh Tường), Vĩnh Mỗ
(Yên Lạc), Nội Phật (Bình Xuyên), Bàn Giản (Lập Thạch)... Tính đến tháng
8/1930, các tổ chức quần chúng ở Vĩnh Yên cả ở
nông thôn và thành thị đã tập hợp được 50 đoàn viên và hội viên. Ngoài
những đoàn viên và hội viên chính thức được tuyển lựa và kết nạp, còn
có hàng trăm quần chúng cảm tình cũng hăng hái tham gia hoạt động cách
mạng. Họ đều là những người thuộc các tầng lớp bần cố trung nông, dân
nghèo thành thị đa phần trong số đó đều là thanh niên mới lớn.
Sau
một thời gian thử thách, một số hội viên trung kiên, hăng hái, tích cực
được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Hai chi bộ đảng đầu tiên của
tỉnh ra đời ở Vĩnh
Yên và làng Bích Đại là hai cơ sở có phong trào sớm và mạnh nhất lúc
đó. Ngoài ra, các chi bộ đồn điền Đa Phúc, chi bộ đồn điền Tam Lộng
(Bình Xuyên), chi bộ Vĩnh Tường cũng có đóng góp không nhỏ đối với phong
trào cách mạng trong tỉnh.
Song song với quá trình xây dựng và tổ chức các cơ sở, đảng đã đưa quần chúng vào đấu tranh. Mở đầu
phong trào là các hoạt động tuyên truyền nhân dân vào những ngày kỷ
niệm Quốc tế lao động 1/ 5, kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11 )…
bằng các hình thức cắm cờ, rải truyền đơn, căng biểu ngữ. Lần đầu tiên,
lá cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện ở nhiều
nơi như: cây đa cụt dốc Láp - Vĩnh Yên, chợ Cói - Tam Dương, chợ Kiệu
(Vĩnh Tường), chợ Quán (Lập Thạch)… Các biểu ngữ: "Tinh thần Quốc tế
lao động 1- 5 muôn năm", "Cách mạng Tháng Mười Nga muôn năm". "Đảng Cộng
sản Đông Dương muôn năm"… và những truyền đơn vạch tội ác thực
dân, kêu gọi quần chúng hành động xuất hiện tại nhiều địa điểm trong
tỉnh như Hướng Lại, chợ Cói, chợ Quán, làng Me…
Mặt
khác, cán bộ đã lợi dụng những nơi đông người để diễn thuyết tuyên
truyền nhân dân (chợ Kiệu, chợ Quán). Các hoạt động của các cán bộ và
cảm tình của Đảng đã nâng cao nhận thức của nhân dân, làm cho phong trào
đấu tranh của quần chúng ngày càng sôi nổi, vừa đòi quyền lợi thiết
thực vừa ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh: phong trào công nhân ở mỏ
than Bỉnh Di (Lập Thạch) đòi tăng lương, phong trào nông dân làng Bích
Đại đứng lên làm đơn kiện bọn cường hào lạm dụng tiền công quỹ, vận động
nhân dân chống mê tín dị đoan . . .
Khi phong
trào quần chúng đang lên cao và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng, thực dân
Pháp tìm mọi cách chống phá cách mạng. Sau lần rải truyền đơn của cơ sở
Bích Đại tại đền Thính (Yên Lạc) đầu năm 1931 bị lộ, bọn thực dân
Pháp tập trung lực lượng khủng bố hàng loạt các cơ sở bị lộ, nhiều cán
bộ và cốt cán bị bắt. Tuy vậy, hầu hết đảng viên, quần chúng bị bắt vẫn
trung thành với cách mạng, không khai báo nên nhiều cơ sở vẫn được đảm
bảo.
Năm
1932, Đảng đề ra chương trình hành động, nhắc lại đường lối cơ bản của
Đảng trong luận cương chính trị và vạch kế hoạch thực hiện đường lối đó
trong tình hình mới. Dưới ánh sáng của chương trình hành động, với tinh
thần hoạt động linh hoạt, nhạy bén, dũng cảm của các chiến sĩ, phong
trào cách mạng trong tỉnh dần dần được khôi phục. Cuối năm 1932, sau khi
trốn khỏi nhà tù Hoả Lò, một số Đảng viên đã lên gây dựng cơ sở ở vùng
bắc Đa Phúc. Đây là vùng nằm trong đồn điền của đại địa chủ Đỗ Đình
Thông. Nắm vững đời sống và hoàn cảnh của tá điền, cán bộ Đảng đã đi sâu
vào gây dựng được cơ sở ở hai
ấp: Tân Yên, Đồng Thố (Hồng Kì - Đa Phúc), đào tạo thành cán bộ của
phong trào. Từ hai ấp, các tổ chức này nhanh chóng phát triển ở hầu
hết làng ấp xung quanh. Tháng 6/1933, trên cơ sở phong trào mở rộng,
chi bộ Đảng đầu tiên của Phúc Yên được thành lập. Ngay sau khi ra đời,
chi bộ đã đưa ra nghị quyết rõ ràng về việc giáo dục tinh thần đoàn kết
trong phong trào nông dân, phát triển tổ chức nông hội, phát triển thận
trọng đối với tổ chức Đảng, phân công cán bộ tuyên truyền gây dựng cơ sở
mới ở vùng Tam Lộng.
Các
cán bộ đã tổ chức hướng dẫn các hội viên phản đế thiết lập đường lối
cách mạng của Đảng và tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ cho quần chúng.
Để có tài liệu học tập, chi bộ cho ra tờ tạp chí "Tia sáng", in những
tài liệu thư từ của chi bộ nhà tù Hoả Lò như "Nông dân vận động", "Công
nhân vận động". Thơ ca, hò vè cách mạng cũng được kịp thời sáng tác và
truyền bá rộng rãi trong nhân dân. Kết quả là đến tháng 10/1933 tổng số
hội viên nông hội của 24 ấp vùng bắc Đa Phúc lên tới 200 người.
Cùng
với công tác tuyền truyền phát triển cơ sở, vụ mùa năm 1933, chi bộ đã
vận động tổ chức nông dân, tá điền đấu tranh đòi khất tô ruộng, giảm tô
trâu. Trước sức mạnh đoàn kết của quần chúng, chủ điền phải nhượng bộ
giảm một phần tô ruộng, tô trâu. Trên đà thắng lợi, cuối năm 1933, nhân
dân lại tiến lên đấu tranh đòi bỏ lễ tết chủ. Tết năm đó, không một gia
đình nào nộp lễ cho chủ. Thắng lợi của hai cuộc đấu tranh trên đã làm
cho nông dân, tá điền tin vào sức mạnh, khả năng cách mạng của mình vào
sự lãnh đạo của Đảng.
Trước
những hoạt động của Đảng và quần chúng, địch tung gián điệp, mật thám
lùng sục cơ sở. Nhân vụ rải truyền đơn của cơ sở Tân Yên tổ chức tại xã
Phù Lôi - Thái Nguyên đêm 20/9/1933 bị lộ, tên tri huyện Đa Phúc liền
dẫn lính về ấp Tân Yên và các ấp khác tiến hành truy lùng và khủng bố
rất tàn ác. Qua 3 đợt khám xét, chúng đã bắt gần 40 đảng viên và quần
chúng cốt cán, một số đảng viên, cán bộ lánh đi nơi khác nhưng rồi cũng
bị sa vào tay giặc.
Sau
cuộc khủng bố đó, phong trào cách mạng vùng bắc Đa Phúc tạm thời lắng
xuống, song thành tích hoạt động của nó đã gây một tiếng vang mạnh mẽ
trong nhân dân toàn tỉnh Phúc Yên và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng bắc
huyện Bình Xuyên.
Tại
vùng Tam Lộng, từ tháng 7/1933, một số cán bộ của Đảng từ Tân Yên đã
sang hoạt động gây cơ sở tại đây. Sau một thời gian, các đồng chí đã bí
mật xây dựng được một số tổ Nông hội đỏ và Thanh niên Cộng sản đoàn. Từ
những tổ chức này, cơ sở cách mạng được mở rộng ra các ấp Tam Lộng, Châu
Sơn, Gia Dụ, Phục Khả, Cam Lâm, Hương Vị, Hương Đà.
Ngoài
các tổ chức bí mật, cán bộ Đảng đã xây dựng được những tổ chức công
khai như: học hội (hội chữ quốc ngữ), hội âm nhạc, hội tương trợ, hội
kiếm củi, thu hút hàng trăm quần chúng tham gia. Một số quần chúng cốt
cán qua thử thách được đứng trong hàng ngũ những người cộng sản. Trên cơ
sở đó, tháng 8/1933, chi bộ Tam Lộng chính thức được thành lập. Sau khi
tổ chức chi bộ đảng và các tổ chức quần chúng, chi bộ Tam Lộng quyết
định đưa quần chúng vào đấu tranh, tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh
chống tên tri huyện Bình Xuyên đem lính về bắt rượu phạt dân ngày
15/01/1934. Dưới sự lãnh đạo vừa cương quyết vừa mềm dẻo của chi bộ và
sự hưởng ứng của toàn dân, cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi.
Sau
đó, do một số cơ sở ở Hà Nội bị khủng bố tan vỡ, nên địch liên tiếp
khủng bố các cơ sở ở Tam Lộng. Vì vậy, cán bộ của các chi bộ Tam Lộng
phải phân tán ra tỉnh ngoài. Các tổ chức quần chúng tuy vẫn duy trì được
để mong chắp nối lại nhưng trước sự theo dõi, vây ráp gắt gao của địch,
hoạt động của các cơ sở cách mạng cũng dần giảm sút. Phong trào cách
mạng ở Vĩnh Phúc đến đây tạm thời bị lắng xuống.