Sign In

Giai đoạn 1873 - 1889

07/09/2011
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Giai đoạn 1873 - 1889
8:12' 23/9/2009

Giai đoạn này, phong trào đấu tranh của nhân dân Vĩnh Phúc do các sĩ phu, văn thân yêu nước chỉ huy. Dọc các triền sông, khắp các địa bàn của tỉnh đều có căn cứ kháng chiến của các đề đốc: vùng Liễn Sơn (Lập Thạch) có cơ sở kháng chiến của Đốc Giang, Đốc Khoát, vùng Kim Anh, Đa Phúc có nghĩa quân do Đốc Kết chỉ huy, vùng Yên Lạc, Vĩnh Tường có Đốc Khoát, Lãnh Giang hoạt động. . .

Trên mặt trận phía bắc Lập Thạch: từ những năm 1884 nghĩa quân của các đề đốc đã hoạt động mạnh Lập Thạch, Bạch Hạc, Tam Dương, Vĩnh Tường. Trước phong trào kháng chiến mạnh mẽ, bọn thực dân Pháp đã phải dùng một binh đoàn hàng nghìn quân do Muốc Lăng (Mourlin) chỉ huy. Ngày 23-6-1885, chúng càn quét phía bắc thành phố Vĩnh Yên, tiến đến Liễn Sơn, nhưng không bình định được vùng này, phải đóng lại một số đồn Liễn Sơn. Nghĩa quân rút về hoạt động vùng Tam Đảo.

Trên mặt trận vùng các huyện phía nam dãy núi Tam Đảo sau khi Sơn Tây thất thủ, nhiều binh lính sĩ quan của triều đình nhà Nguyễn đã rút về đây để hoạt động chống Pháp. Được nhân dân giúp đỡ phong trào kháng chiến vùng này đã phát triển nhanh chóng dưới sự chỉ huy của các ông Đốc Khoát, Đốc Giang, Tuần Bốn, Đốc Huỳnh, các đội nghĩa quân đã đánh phá các đồn lính Pháp, chống càn, tập kích các huyện lị bắt bọn tri phủ, tri huyện. Tri huyện Yên Lạc bị nghĩa quân bắt giam làm con tin. Phủ Vĩnh Tường, huyện Bạch Hạc cũng luôn luôn bị nghĩa quân uy hiếp.

Để bảo vệ bọn tay sai, thực dân Pháp phải đặt một đồn lê dương Bạch Hạc với quân số một đại đội, đặt một đồn khố xanh phủ lị. Ngoài 2 đồn Bạch Hạc, Vĩnh Tường, chúng còn đặt thêm một số hệ thống đồn bốt Liễn Sơn, Phương Ngạc, Chợ Vàng gồm lính lê dương, khố xanh, khố đỏ để càn quét vùng này trong những năm 1886 - 1887.

Mặt khác, bọn thực dân Pháp còn thẳng tay đàn áp nhân dân, triệt hạ nhiều làng xóm ủng hộ nghĩa quân để đe doạ. Năm 1885, thực dân Pháp đã bắt một phần dân làng Me để tách khỏi nghĩa quân kháng chiến. Tuy vậy, phong trào kháng chiến vùng này vẫn phát triển, làm cho bọn thống trị nhiều phen lao đao.

Trên mặt trận vùng Kim Anh, Đa Phúc đêm ngày 27 - 4 - 1884, nghĩa quân của Đốc Kết chỉ huy gồm 200 người đã tập kích toán quân thám binh của Pháp thuộc đạo binh Bắc Kì thứ 3 do tên thiếu uý Grivê (Grivet) chỉ huy đóng đồi Đa Phúc làm chúng thiệt hại đáng kể.

Để chống lại các cuộc nổi dậy của nhân dân, đi đôi với bình định bằng quân sự, thực dân Pháp ra sức mua chuộc, dụ dỗ và lừa phỉnh, chia cắt để cai trị, đồng thời lập ra một hệ thống tay sai quan lại từ tỉnh xuống xã. Chúng đóng đồn binh dọc trên các triền sông, những vị trí quan trọng để đàn áp phong trào kháng chiến; lập ra cả những đội lính cơ, giao cho bọn tay sai Nam triều chỉ huy để phối hợp càn quét. Song với tinh thần yêu nước, nhân dân ta không những tham gia nghĩa quân trực tiếp kháng chiến, mà còn tích cực ủng hộ nghĩa quân bằng nhiều hình thức khác. Các phong trào kháng chiến vì thế mà không bị dập tắt.

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 8 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.586.903

EMC Đã kết nối EMC