Sign In

Phong trào yêu nước ở Vĩnh Phúc đầu thế kỉ XX (1897 - 1930)

07/09/2011
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Phong trào yêu nước ở Vĩnh Phúc đầu thế kỉ XX (1897 - 1930)
8:20' 23/9/2009
            - Giai đoạn 1897 - 1914

Sau khi hoàn thành quá trình xâm lược, thực dân Pháp bắt đầu triển khai kế hoạch bình định Việt Nam với chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Trước chính sách bóc lột thậm tệ của thực dân Pháp, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng đã liên tiếp đứng dậy đấu tranh. Trong gần 30 năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, các phong trào đấu tranh của nhân dân bùng nổ khắp nơi, trong đó phong trào Yên Thế (1884 - 1913) đã có những tác động to lớn Vĩnh Phúc.

Yên Thế là một vùng đồi núi trung du thuộc tỉnh Bắc Giang, phía bắc có dãy núi Cai Kinh thông sang Bắc Sơn (Lạng Sơn), Thái Nguyên, Tam Đảo, phía Đông Nam có đường toả về miền trung du Phúc Yên, Vĩnh Yên. Bắc Ninh, Yên Thế lại áp sát Hà Nội, là địa bàn có tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn thực dân Pháp mới xây dựng chạy qua, nên cuộc tranh chấp, giành giật giữa bọn xâm lược với lực lượng khởi nghĩa diễn ra rất quyết liệt.

Từ những năm 1907 - 1908, Đề Thám đã cử những đơn vị do Đội Ca, Đội Nghĩa, Quản Tiên, Đội Hoà từ Yên Thế đến vùng Kim Anh, Đa Phúc, Lập Thạch hoạt động chuẩn bị cho nghĩa quân mở rộng địa bàn hoạt động. Các làng Phú Đa (Phúc Yên), Ái Liên, Liên Sơn, Sóc Sơn, Cẩm La, Trinh Nữ nghĩa quân đã thường xuyên xuất hiện.

Sau một thời gian hoà hoãn tạm thời, phát hiện được âm mưu của thực dân Pháp tập trung quân tiêu diệt lực lượng nghĩa quân, Đề Thám đã chủ động rút khỏi Phồn Xương sang đất Vĩnh Phúc. Tại đây, nghĩa quân của Đề Thám được nhân dân che chở, nuôi dưỡng và bổ sung lực lượng, thường tổ chức đánh du kích tiêu hao địch, và đã có những trận đánh lớn, gây ra nhiều khó khăn cho công cuộc bình định của Pháp, lực lượng nghĩa quân cũng bị hao mòn dần. Trong trận chiến núi Hàm Lợn (Kim Anh) đầu năm 1909, nghĩa quân mất hai tướng chỉ huy có tài là Cả Huỳnh, Cả Tuyển. Trong các trận chiến khu vực Tam Đảo (Tam Dương) và các làng Lập Trí, Xuân Lai, Hiền Lương, Ninh Bạch, Bạch Đa (Kim Anh cũ), Thượng Yên, Thái Lai (Yên Lãng cũ), nghĩa quân đều gây nhiều thiệt hại cho địch. Đặc biệt là trận núi Sáng (Lập Thạch) ngày 5/10/1909, nghiã quân đã giáng cho quân của quan năm Bonifacy và tay sai Lê Hoan một đòn chí tử, khiến cho Lotzer, Công sứ Vĩnh Yên phải thú nhận trong Địa chí tỉnh Vĩnh Yên: trận này là một trận đẫm máu nhất trong suốt quá trình chinh phục người phiến loạn nổi tiếng này. Song nghiã quân cũng bị thiệt hại đáng kể, nhất là bị lùng sục, truy kích hơn hai tháng nên một số đã hi sinh, trong đó có nhiều tướng thân cận tài giỏi của Đề Thám.

Sau những thiệt hại Vĩnh Phúc, Đề Thám chuyển sang Thái Nguyên và sau cùng lại trở về Yên Thế hoạt động. Hơn ba năm sau, ngày 10/ 2/1913, vị lãnh tụ nghiã quân Yên Thế bị một tên nội phản sát hại tại khu rừng gần chợ Gồ (Bắc Giang). Phong trào nghĩa quân nông dân Yên Thế đến đây coi như bị thất bại hoàn toàn. Tuy vậy, cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Yên Thế cũng đã để lại trong nhân dân Vĩnh Phúc những ấn tượng sâu sắc về tinh thần chiến đấu, hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và cũng để lại nhiều bài học quý giá về chiến lược, chiến thuật.

Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Đề Thám trên đất Vĩnh Phúc chấm dứt, cũng là kết thúc những phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự chỉ huy của các văn thân, sĩ phu và thổ hào địa phương.

            - Giai đoạn 1914 - 1918

Giai đoạn này, phong trào đấu tranh của nhân dân Vĩnh Phúc chịu ảnh hưởng của Việt Nam Quang phục hội và Đông kinh nghiã thục, đặc biệt là hoạt động của nghiã quân Đội Cấn.

Vào những năm 1917 - 1918, cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ nhất bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt. Để tăng cường thế lực cho các mặt trận Châu Âu, thực dân Pháp là một bên tham chiến, nên đã vơ vét của cải và bắt hàng loạt binh lính người Việt Nam đưa về Pháp tham gia chiến tranh. Do thức tỉnh lòng yêu nước và chán ghét chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến, binh lính Thái Nguyên đã vùng dậy khởi nghĩa vào đêm 30/8/ 1917.

Đội Cấn tên thật là Trịnh Văn Cấn, còn gọi là Trịnh Văn Đạt, người Yên Nhiên, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, xuất thân trong một gia đình nông dân lao động, lớn lên bị bắt đi lính Vĩnh Yên. Khi đóng quân Thái Nguyên, ông phải chứng kiến cảnh tra tấn những người yêu nước, trong đó có Lương Ngọc Quyến, là uỷ viên quân sự trong Bộ chấp hành của Việt Nam Quang phục hội bị thực dân Pháp bắt và đày lên Thái Nguyên. Dần dần, Đội Cấn được Lương Ngọc Quyến giúp đỡ, giác ngộ và trở thành hai người lãnh đạo của phong trào khởi nghĩa Thái Nguyên.

Đêm 30/8/1917, nghĩa quân quyết định nổi dậy chiếm tỉnh lị Thái Nguyên. Lực lượng chủ yếu là binh lính đóng ở tỉnh lị Thái Nguyên và các đồn nhỏ xung quanh các chính trị phạm đã được Lương Ngọc Quyến tuyên truyền giác ngộ nhà lao.

Dưới sự chỉ huy của ban khởi nghĩa, nghĩa quân đã chiếm được tỉnh lị Thái Nguyên, tuyên bố Thái Nguyên độc lập, đặt quốc hiệu là Đại Hùng, đặt quân kì có 5 ngôi sao và thêu 4 chữ "Nam binh phục quốc". Lực lượng nghĩa quân cho đến hôm sau (31/8) đã lên tới 623 người, trong đó có 50 công nhân mỏ than Phấn Mễ, mỏ thiếc Lang Hít tham gia.

Cuộc binh biến và khởi nghĩa đã đạt được kết quả nhất định, song đáng tiếc nghĩa quân đã không dốc sức diệt nốt trại lính Pháp giữa trung tâm tỉnh lị. Vì vậy, ngày hôm sau, thực dân Pháp điều quân từ Hà Nội lên bao vây và tấn công chiếm lại thị xã, bọn lính Pháp bên trong thị xã đánh ra phối hợp, nghĩa quân đã phải rút lui về Đại Từ (12 /9), rồi vượt Tam Đảo sang vùng Liễn Sơn, Đạo Trù.

Được tin Đội Cấn sang đất Vĩnh Yên, thực dân Pháp đã tập trung quân để truy kích. Đạo quân này đặt dưới quyền chỉ huy của tên thiếu tá Đơ vi lê (Deviller) phối hợp với tên Tổng đốc Vĩnh Yên. Trên mảnh đất quê hương, Đội Cấn đã lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu với địch nhiều trận đánh lớn, tiêu biểu là trận Hoàng Xá Hạ. Chiều ngày 18/9, nghĩa quân đến đóng Hoàng Xá Hạ. Ngày hôm sau, thực dân Pháp cho 7 đại đội chính quy và lính khố xanh do tên giám binh Hô lê (Hollet) chỉ huy, kéo đến bao vây không cho nghĩa quân vượt sang Hoà Bình liên hệ với Quách Cực. Trận chiến đấu kéo dài từ suốt chiều 19 - 9 đến 20 - 9, địch vẫn không vào được làng và bị thiệt hại khá nặng nề. Trước tình hình đó, ngày 20 - 9, địch phải cử tên đại tá May-a (Maillard) chỉ huy cuộc hành quân tiếp viện. Tuy địch chưa vào được làng, song nghĩa quân thấy làng Hoàng Xá Hạ nhỏ hẹp, không thể chống cự lâu dài nên đã chủ động rút về phía sông Hồng, định vượt sông, song bị ca nô, tàu chiến giặc chặn, nghĩa quân phải rút về Trung Hà, Trung Thôn.

Tại đây, ngày 22/9, nghĩa quân lại chạm trán với địch rồi phải rút về Thường Lệ. Sáng ngày 23/9, khi nghĩa quân vừa đến Thường Lệ, chưa kịp bố trí phòng ngự, thực dân Pháp đã truy kích. Cuộc chiến đấu kéo dài tới 7 giờ tối,  2 sĩ quan nghĩa binh đã hạ, bắn bị thương 12 tên lính, trong đó có 5 lính Âu Phi.

Đêm 24/ 9, nghĩa quân rút khỏi Thường Lệ, sau đó chia làm 2 đoàn: Đoàn thứ nhất rút về Tân Ấp, đã phải đánh nhau với địch ngay trong ngày 24/9, tiêu diệt được 6 tên lính khố xanh, 8 tên bị thương nặng. Song nghĩa quân cũng bị thiệt hại nặng, số còn lại rút về Nội Đồng lại bị địch tập kích, sau đó rút về Thái Nguyên. Đoàn thứ hai do Đội Cấn chỉ huy rút về Đa Phúc, ngày 27, 28 tháng 9 nghĩa quân lại rút về Cổ Bái rồi phân tán thành 2 đội, một đội rút qua Xuân Phách, Hiệp Hoà về Gia Lâm sau đó tan rã. Bộ phận còn lại do Đội Cấn chỉ huy rút sang Thái Nguyên qua đường Làng Lầy. Đầu tháng 10/1917, nghĩa quân lại trở về Thái Nguyên. Ngày 24/12/1917, nghĩa quân bị địch chặn đánh. Trong trận này Đội Cấn bị thương.

Trước tình hình ngày càng khó khăn, không muốn bị sa vào tay giặc và để nghĩa quân bị tiêu diệt vì mình, Đội Cấn đã anh dũng hi sinh ngày 11/10/1918, nêu tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước nồng nàn và chí khí quật cường quyết chiến đấu cho chủ quyền dân tộc. Tuy cuộc binh biến Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến chỉ huy không giành được thắng lợi, nhưng đã một lần nữa nêu cao truyền thống yêu nước và tinh thần dũng cảm của nhân dân ta.

            - Giai đoạn 1919 - 1930

Sau đại chiến thứ nhất, Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ra đời, đã chiến thắng 14 nước đế quốc, làm cho cục diện thế giới thay đổi hẳn. châu Á, cách mạng Tân Hợi - Trung Quốc thành công năm 1911, từ đó chủ nghĩa Tôn Văn với cương lĩnh Tam dân có tác động lớn đến tư tưởng các nhà cách mạng cấp tiến nước ta.

Những tổ chức yêu nước theo khuynh hướng mới ra đời: Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Tân Việt cách mạng Đảng…những sách báo tiến bộ cũng được phát hành công khai, hoặc bí mật (như tổ chức Nam Đồng thư xã của Phạm Tuấn Tài chuyên xuất bản sách ái quốc… ) Những tư tưởng, trào lưu và tổ chức đó đang diễn ra và có ảnh hưởng nhất định đến phong trào cách mạng cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng. Tiêu biểu là hoạt động của Việt Nam quốc dân Đảng.

           Việt Nam quốc dân được thành lập ngày 25/12/1927, lấy Nam Đồng thư xã làm hạt nhân, do Nguyễn Thái Học làm Đảng trưởng. Nguyễn Thái Học người làng Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, năm 1926 là sinh viên trường Cao đẳng thương mại Đông Dương. Chịu ảnh hưởng tư tưởng cách mạng Tân Hợi Trung Hoa, cách mạng tư sản Pháp, Nguyễn Thái Học đã sôi nổi tham gia các hoạt động của thanh niên tân tiến lúc bấy giờ, ông và một số bạn bè cùng chí hướng đã thành lập một Đảng bí mật lấy tên là Việt Nam Quốc dân Đảng, tôn chỉ mục đích giống tư tưởng Tam dân của Tôn Dật Tiên.

Việt Nam Quốc dân Đảng nêu mục tiêu: "đánh đổ nền quân chủ chuyên chế, lập Việt Nam dân quốc cộng hoà, ban bố các quyền tự do dân chủ, tự do đi lại, hội họp, tín ngưỡng". Chương trình hành động của Quốc dân Đảng là trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới, gồm ba bước: phôi thai (bí mật), dự bị (bán công khai) và khởi nghĩa.

Ở Vĩnh Phúc, cơ sở Việt Nam Quốc dân Đảng được xây dựng nhanh chóng một số nơi thuộc các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, trong đó, có những chi bộ khá mạnh như Thổ Tang, Vũ Di, Cao Mại . . .

Những yếu nhân như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính thường xuyên về hoạt động đã được cơ sở bảo vệ chu đáo. Hội nghị của Trung ương quốc dân họp Võng La, bàn kế hoạch khởi nghĩa tuy bị bại lộ song tất cả cán bộ dự hội nghị đều chạy thoát, các cơ sở khác vẫn giữ được bí mật và tích cực chuẩn bị điều kiện khởi nghĩa: chế tạo vũ khí, huấn luyện quân sự, các xã thường tự làm lấy dao quắm, giáo mác và bom xi măng.

Các cuộc khởi nghĩa trên đất Vĩnh Phúc của Việt Nam Quốc dân Đảng nổ ra nhưng đều thất bại. Địch tập trung lực lượng khủng bố, chúng ra lệnh giới nghiêm toàn tỉnh, bắt thiết lập các trạm canh gác các làng, kiểm tra người qua lại, kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra những người tình nghi, cấm tụ họp đông người, mổ trâu, mổ lợn cũng phải xin phép tri huyện. Chúng còn tiến hành bắt bớ, chém giết nhân dân và các chiến sĩ của Đảng.

Có thể nói, trong mấy chục năm đầu thực dân Pháp đặt ách thống trị, các phong trào yêu nước kháng Pháp nối tiếp nhau nổ ra trên đất Vĩnh Phúc: hoạt động của Đề Thám, Đội Cấn đến Việt Nam Quốc dân Đảng. Tuy các phong trào đều bị thực dân Pháp đàn áp dã man, các khuynh hướng cứu nước kế tiếp nhau bị thất bại nhưng những bài học lịch sử mà phong trào để lại là vô cùng quý báu, kết tinh nên truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất của người dân Vĩnh Phúc.

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 8 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.588.933

EMC Đã kết nối EMC