Trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, ở Vĩnh
Phúc cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước vẫn tồn tại chính
quyền phong kiến với nền kinh tế căn bản là nông nghiệp. Thời gian này,
tuy cũng có thợ thủ công và các phường hội nhưng công, thương nghiệp
không mấy phát triển.
Tháng
2/1897, Pôn Đume, Bộ trưởng bộ Tài chính Pháp được cử sang Đông Dương
nhận chức toàn quyền. Ngày 22/3/1897, Pôn Đume đã báo cáo về Bộ thuộc
địa Pháp, nêu chương trình hành động của mình, trong đó có hai điểm:
…"Xây dựng cho Đông Dương một thiết bị kinh tế to lớn, một hệ thống
đường sắt, đường sá, sông hào, bến cảng, những cái cần thiết cho việc
khai thác xứ Đông Dương".
…"Đẩy
mạnh sản xuất và thương mại của người thuộc địa bằng việc phát triển
công cuộc thực dân của Pháp và lao động của người bản xứ".
Với kế hoạch này, Đume được bọn thực dân coi là người mở đầu cho cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp ở Đông Dương.
Năm
1905, thực dân Pháp đã cắt đất của các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hoá, Thái
Nguyên để lập ra 3 tỉnh mới: Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phủ Lỗ (sau đổi thành
Phúc Yên). Vĩnh Phúc ngày nay gồm phần đất của hai tỉnh Vĩnh Yên và Phủ
Lỗ khi ấy, án ngữ cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, nên ngay từ chương trình
khai thác thuộc địa lần thứ nhất, thực dân Pháp đã chú ý đến vùng này,
đặc biệt là sau chương trình khai thác lần thứ hai chúng càng tập trung
đầu tư khai thác.
Những năm đầu thế kỉ XX khi nguồn nguyên liệu chất đốt còn khó khăn, để phục vụ cho công nghiệp quốc phòng tại chỗ thực dân Pháp đã tuyển khoảng vài chục dân phu khai thác than gỗ (than lim) ở khu vực Bỉnh Di thuộc xã Hợp Lí, huyện Lập Thạch, với hình thức lao động thủ công, khai thác gỗ lim đốt thành than.
Để
phục vụ cho nhu cầu ăn chơi của các quan chức người Pháp, từ năm 1904,
thực dân Pháp đã tiến hành thăm dò và xây dựng các biệt thự trên núi Tam
Đảo, đến năm 1922 có 80 biệt thự được xây dựng hoàn chỉnh.
Giao
thông vận tải cũng là ngành được thực dân Pháp đầu tư sớm, nhằm phục vụ
cho công cuộc khai thác lâu dài và nhu cầu quân sự để đàn áp các cuộc
nổi dậy của nhân dân ta. Tiêu biểu là tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai -
Vân Nam; đường quốc lộ 2 Hà Nội - Hà Giang đều chạy qua đất Vĩnh Phúc
được xây dựng vào những năm đầu thế kỉ XX. Ngoài ra, các tuyến đường
liên tỉnh, liên huyện cũng được khẩn trương xây dựng như quốc lộ 2B Vĩnh
Yên đi Tuyên Quang quốc lộ 2C Vĩnh Yên đi Tam Đảo…cầu Việt Trì, cầu
Liễn Sơn (Lập Thạch) đều là những công trình quan trọng được thực dân
Pháp tập trung xây dựng.
Để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh năm 1930, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng một xưởng đạn ở Đình
Ấm (Vĩnh Yên). Cùng với việc vơ vét tài nguyên, thực dân Pháp còn trắng
trợn cướp đoạt ruộng đất của nhân dân ta để lập đồn điền. Tỉnh Vĩnh Yên
và Phúc Yên là hai tỉnh có nhiều đồn điền lớn ở Bắc Kì. Việc
chiếm đất của thực dân Pháp được bắt đầu ngay từ khi chúng còn đang
đánh chiếm, kéo dài cho tới khi phát xít Nhật vào chiếm đóng.
Theo thống kê của Công sứ Phúc Yên báo cáo gửi Thống sứ Bắc Kì năm 1930, tỉnh Phúc Yên có 116.861 mẫu thì 3 tên địa chủ người Pháp là Gôbe, Đờ Pêretti, Ben lăng đã chiếm 29.883 mẫu. Ở tỉnh
Vĩnh Yên, theo thống kê năm 1933 cho biết toàn tỉnh có 21 đồn điền của
chủ Pháp, chiếm 1.863 ha (riêng tên Ri nê chiếm 1.520 ha)... để kinh
doanh theo lối tư bản chủ nghĩa. Ngoài ra, nhiều tên địa chủ Pháp cũng
chiếm số ruộng đất khá lớn, nhưng không lập đồn điền mà chủ yếu phát
canh thu tô. Dựa vào quan thầy Pháp, địa chủ phong kiến người Việt cũng
ra sức chiếm đoạt ruộng đất, bóc lột nhân dân thậm tệ. Bọn địa chủ người
Việt và tư bản Pháp lập đồn điền chủ yếu sử dụng đội ngũ nông dân người
Vĩnh Phúc bị mất ruộng và chiêu mộ dân các tỉnh lân cận bị bần cùng
hoá. Thủ đoạn bóc lột của chúng là sự pha trộn giữa bóc lột địa tô phong
kiến và phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa.
Vừa
áp bức, bóc lột nhân dân ta nặng nề về kinh tế, giai cấp thống trị còn
áp bức về tinh thần, trong đó thể hiện rõ nét nhất là về giáo dục. Toàn
tỉnh chỉ có 11 trường cấp tiểu học (trung bình 47 làng mới có 1 trường)
với trên 1000 học sinh (chiếm 0.25% dân số trong tỉnh). Song trường học
cũng chỉ dành cho con em bọn địa chủ, bọn tay sai trong bộ máy chính
quyền. Trong khi đó, về mặt xã hội, bọn thực dân phong kiến lại dung
túng, khuyến khích các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện, đĩ điếm.
Riêng về rượu cồn, chính quyền thực dân còn dùng chính sách phân bổ số
lượng cho từng làng phải mua về bán lại cho dân.
Về Y
tế, cả hai tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên trước Cách mạng tháng Tám chỉ có 2
bệnh viện nhỏ và 1 đại lí thuốc. Người dân ốm đau chủ yếu dùng phương
pháp chữa bệnh đông y do các thầy thuốc địa phương khám và kê đơn chữa
bệnh. Tình trạng chữa bệnh bằng cúng bái, mê tín dị đoan khá phổ biến
nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với
những chính sách khai thác của thực dân Pháp, đời sống kinh tế - xã hội
Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng có những biến chuyển khá sâu
sắc. Chính sách này với sự du nhập của phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa (dù chỉ là hạn chế) trong quá trình khai thác, đã làm cho nền kinh
tế Việt Nam có những bước chuyển biến nhất định theo hướng tư bản. Về
mặt xã hội, cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp cũng đã tác động
làm phân hóa giai cấp xã hội cũ (địa chủ phong kiến và nông dân), làm
xuất hiện những lực lượng xã hội mới: giai cấp công nhân, tầng lớp tư
sản và tiểu tư sản…