Giai đoạn này, thực dân Pháp tăng cường các đồn bốt, lính lệ với quyết tâm bình định cửa ngõ phía tây nam Hà Nội.
Ở
Lập Thạch, thực dân Pháp đóng tại Liễn Sơn một đại đội lê dương, có
lính khố đỏ tăng cường và một hệ thống đồn khố xanh: Bá Hạ, Sơn Đình,
Bảo Chúc, Đạo Trù, Vĩnh Ninh, Ngọc Mĩ, Lãng Sơn, Phương Ngọc, Chợ Vàng.
Chốt một đại đội lê dương ở Bạch Hạc và một đồn khố xanh ở Vĩnh Tường để bảo vệ phủ lị và đàn áp phong trào cách mạng. Tuy vậy, phong trào kháng chiến của nhân dân ta vẫn lên cao.
Ở
Yên Lãng, trận tập kích của nghĩa quân đã diễn ra ngày 5 - 2 – 1892.
Đồn Yên Lãng khá lớn, có tới 90 lính khố đỏ do tên quan ba Puligo thuộc
trung đoàn 1 lính khố đỏ chỉ huy. Chớp cơ hội có tới một nửa số lính đi
áp tải hàng hóa, chọn đúng lúc chập tối, khi bọn lính còn lại trong đồn
đang ăn cơm, nghĩa quân với khoảng 200 người đã vượt bờ rào giết lính
gác, đánh thẳng vào trong đồn Yên Lãng. Bị đánh bất ngờ, bên địch trong
đồn không kịp về lấy súng nên tên bị chết, tên hốt hoảng bỏ chạy về Tu
Vũ. Trong trận này, nghĩa quân đã tiêu diệt tại chỗ 7 tên (tên quan ba
Puligo, 2 tên đội, 4 lính khố đỏ), làm bị thương và mất tích 17 tên (1 tên
quản, 2 tên đội Pháp bị thương, 1 cai và 13 lính mất tích). Nghĩa quân
thu được 50 khẩu súng, 35.000 viên đạn và tất cả quân trang, lương thực
thực phẩm.
Ở Lập Thạch, ngày 11 - 9 - 1892, Đốc Khoát đã phục kích đơn vị lính Pháp do trung uý Ganơven chỉ huy ở Đạo Trù, tên trung uý Breil bị thương. Đêm
12 - 9, nghĩa quân còn phục kích toán lính Pháp chở thương binh từ Liễn
Sơn ra Việt Trì. Ngày 14 - 3 - 1892, Đốc Khoát đã dẫn nghĩa quân gồm
200 người tiến về phía sông Cà Lồ đuổi đánh toán quân Pháp ở Yên Lạc.
Các
ngày 18 - 10 - 1892 và 17 - 12 - 1892, hơn 150 tên bao gồm lính khố
xanh và lính cơ của địch từ Vĩnh Yên lên phối hợp với bọn lính khố đỏ
địa phương càn quét ở Liễn Sơn, Phan Lương, cuộc càn quét thất bại, nghĩa quân vừa đánh tiêu hao sinh lực địch, vừa chủ động rút lui an toàn.