Sign In

Quá trình vận động đấu tranh tiến tới Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự thành lập chính quyền nhân dân ở tỉnh Vĩnh Phúc

07/09/2011
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Quá trình vận động đấu tranh tiến tới Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự thành lập chính quyền nhân dân ở tỉnh Vĩnh Phúc
8:37' 23/9/2009

      -  Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Vĩnh Phúc thời kì Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế (từ tháng 9/1939 đến tháng 10/1941)

           Giữa lúc phong trào vận động dân chủ đang phát triển thì tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ 2 do phát xít Đức châm ngòi bùng nổ, đẩy nhân loại vào một cuộc chiến thảm khốc chưa từng có trong lịch sử. Ở Pháp, chính phủ Bình Dân sụp đổ, chính phủ mới lên cầm quyền nhảy vào vòng tham chiến. Ở Đông Dương, thực dân Pháp thi hành chính sách tổng động viên, thủ tiêu các quyền tự do dân chủ, tăng cường đàn áp cách mạng, ra sức vơ vét sức người, sức của phục vụ chiến tranh.

Để đối phó với tình hình đó, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp Hội nghị lần thứ VI, phân tích tình hình trong nước và thế giới, đề ra nhiệm vụ: "đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng dân tộc". Hội nghị chủ trương tiếp tục gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc… nhằm đoàn kết tất cả các dân tộc, các giai cấp, các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc và bè lũ tay sai, giành nền lập dân tộc. Hội nghị còn đề ra việc chuyển trọng tâm công tác từ thành phố về nông thôn, rút các cơ quan công khai, nửa công khai vào hoạt động bí mật.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Hội nghị cán bộ tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên họp ngày 21/2/1940 do đồng chí Lê Xoay chủ trì đã bàn biện pháp duy trì, phát triển phong trào đấu tranh của quần chúng và bảo vệ cơ sở cách mạng.

Nhờ có chủ trương kịp thời mà các cơ sở Vĩnh Yên, Phúc Yên vẫn tồn tại và chuyển các tổ chức quần chúng sang mặt trận phản đế. Nhiều cơ sở mới được thành lập Xuân Kì, Phú Vinh, Hạc Sơn, Chùa Tiếng, xưởng vũ khí Đình Ấm…Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được đẩy mạnh. Tháng 3/1940, Ban cán sự liên tỉnh Vĩnh Yên - Phúc Yên được thành lập tại ấp Hạ (Tam Dương) do đồng chí Lê Xoay làm bí thư. Việc thành lập Ban cán sự liên tỉnh (Tỉnh uỷ) là một bước phát triển mới của phong trào cách mạng Vĩnh Phúc. Từ đây, các cơ sở của hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên có bộ máy lãnh đạo chung, thống nhất.

Sau khi xây dựng các tổ chức Đảng và cơ sở quần chúng, các Đảng bộ đã tổ chức nhân dân đấu tranh dưới nhiều hình thức. M đầu phong trào là cuộc treo cờ, rải truyền đơn nhân ngày 1/ 5 /1940.

Cuối năm 1940, Ban cán sự Vĩnh Yên đã tiếp tục tổ chức hàng chục cuộc mít tinh, rải hàng nghìn truyền đơn kêu gọi ủng hộ Nam Kì và Bắc Sơn khởi nghĩa.

Trong thời gian này, các cơ sở Đảng trong tỉnh bị địch khủng bố rất ác liệt, nhiều cán bộ bị bắt. Song với kinh nghiệm chiến đấu qua nhiều lần bị địch khủng bố, lại được nhân dân ủng hộ nên các cơ sở nhanh chóng được khôi phục.

Nhân dân Vĩnh Phúc tích cực đẩy mạnh mọi hoạt động, tiến lên lên khi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh dưới ngọn cờ cứu nước của Đảng và Mặt trận Việt Minh.

               Tháng 9/1940, nhân cơ hội nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, Phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Ở Vĩnh Phúc, hơn 2000 tên lính Nhật đã vào chiếm đóng. Hàng vạn đồng bào bị Phát xít Nhật bắt đi phu xây trại lính Vĩnh Yên, kiến thiết hệ thống hầm vũ khí núi Dược Thượng (Đa Phúc)…

              Trước sự bành trướng thế lực của phát xít Nhật, thực dân Pháp cũng dốc sức chạy đua cạnh tranh. Một mặt, chúng rùm beng những khẩu hiệu mị dân như: "Pháp - Việt đề huề", "Pháp - Nam phục hưng"…Mặt khác, chúng thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng, ra sức vơ vét lương thực, tăng mọi thứ thuế…

Trước tình hình trên, Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ VII, VIII hoàn chỉnh sự thay đổi chỉ đạo chiến lược cách mạng được bắt đầu từ Hội nghị VI. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ Tịch (Hội nghị VIII), Hội nghị đã xác định mục tiêu trước mắt của cách mạng là đánh Pháp, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị lực lượng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Phong trào Việt Minh đã được xây dựng và nhanh chóng phát triển trên toàn quốc.

Cuối năm 1941, đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp phổ biến Nghị quyết đó cho Ban cán sự khu Đ và xứ uỷ Bắc Kì. Sau đó, Nghị quyết đã nhanh chóng được phổ biến đến các chi bộ và cơ sở cách mạng trong tỉnh. Các Đảng bộ đã kịp thời chuyển các tổ chức của Mặt trận thống nhất phản đế sang các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh và tiến hành mở rộng cơ sở mặt trận tại một số nơi. Nhưng mở đầu thời kì Mặt trận Việt Minh, các cơ sở của Vĩnh Yên bị địch khủng bố ác liệt.

Ngày 23/11/1941, chúng bắt đầu đàn áp vào cơ quan khu Đ ở chùa Tiếng (Bình Xuyên) và lần lượt phá vỡ các cơ sở: Dẫn Tự, Hoà Lạc, Thượng Trưng, Tề Lỗ, Vĩnh Yên…

Mặc dù bị khủng bố dữ đội, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Vĩnh Phúc vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ, nơi này cơ sở bị phá vỡ thì nơi khác phong trào lại dấy lên… Cứ như thế, phong trào Việt Minh Vĩnh Phúc từng bước được củng cố và xây dựng vững chắc.

Trong khi phong trào cách mạng Vĩnh Yên bị khủng bố khốc liệt thì Phúc Yên, phong trào lại có điều kiện phát triển thuận lợi. Do vị trí thuận tiện từ đây có thể bám sát khu trung tâm Hà Nội, nên Phúc Yên đã được Trung ương cử cán bộ về cùng địa phương xây dựng và chỉ đạo an toàn khu.

Nhiệm vụ chủ yếu của an toàn khu là bảo vệ một bộ phận cơ quan đầu não Trung ương Đảng. Để làm được trọng trách đó, một trong những công tác hàng đầu của Đảng bộ Phúc Yên là phải cùng với công tác xây dựng các cơ sở chính trị vững chắc làm chỗ dựa cho các cơ quan Trung ương. Vì vậy, từ cuối năm 1942 đến đầu 1945, Phúc Yên đã tiến hành củng cố những nơi có phong trào từ trước như Xuân Kì, Lâm Hộ, thị xã Phúc Yên và phát triển các cơ sở mới như Đình Phú, Bảo Tháp, Thanh Nhàn. . . .

          Cùng với quá trình động viên, tập hợp quần chúng vào các đoàn thể mặt trận Việt Minh, công tác vận động đưa quần chúng vào các hoạt động cách mạng đã được đẩy mạnh. Để có thể vừa mở rộng được phong trào quần chúng, vừa hoàn thành được nhiệm vụ trọng yếu bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng, các đồng chí phụ trách đội công tác Trung ương và Ban cán sự Phúc Yên đã quy định những hình thức đấu tranh cụ thể cho từng khu vực. Khu an toàn và nhà máy xe lửa Đông Anh chỉ được sử dụng hình thức đấu tranh bí mật… phải tiến hành xa cơ sở an toàn khu, nhằm đánh lạc hướng tập trung chú ý của địch đối với địa điểm cơ quan của Đảng.

Dựa vào phương hướng trên, các chi bộ vùng an toàn khu đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi thiết thân trước mắt. Các phong trào dưới các hình thức bí mật, công khai đã diễn ra sôi nổi nhiều địa phương trong tỉnh.

           Để tuyên truyền nhân dân, Đảng bộ Phúc Yên đã cho ra tờ báo "Mê Linh" phát hành sâu rộng tới các cơ sở để chỉ đạo phong trào. Cuối năm 1941, một số nơi, có cơ sở mạnh như Xuân Kì, Lâm Hộ, Thanh Nhàn, Yên Lỗ, Võng La… lực lượng tự vệ bí mật ra đời, đánh dấu bước phát triển mới, mạnh mẽ của phong trào cách mạng Phúc Yên. Đến giữa năm 1943, đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư Trung ương Đảng đã về Đình Phú, Hạ Lôi trực tiếp chỉ thị cho Ban cán sự Phúc Yên và công tác đội tích cực xây dựng cơ sở, mở rộng địa bàn an toàn khu, đẩy mạnh các mặt hoạt động tuyên truyền đấu tranh, gấp rút chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Từ đây phong trào đấu tranh của nhân dân Phúc Yên ngày càng đi lên sôi nổi mạnh mẽ hơn. Phong trào đấu tranh mạnh mẽ và quyết liệt nhất là phong trào nông dân chống thu thóc tạ, chống nhổ lúa trồng đay đã diễn ra và giành thắng lợi nhiều nơi.

Ở Vĩnh Yên, sau cuộc khủng bố cuối năm 1941 đầu năm 1942, xứ uỷ đã cử đồng chí Trần Tử Bình - xứ uỷ viên và đồng chí Lê Xoay - cán bộ của xứ uỷ về Vĩnh Yên chỉ đạo xây dựng phong trào. Vào mùa hạ năm 1942, cơ sở Việt Minh đã được phục hồi hai huyện Vĩnh Tường và Lập Thạch.

Năm 1944, xứ uỷ đã cử về Vĩnh Yên một đội công tác nhằm xây dựng một an toàn khu dự bị. Tiếp theo, tháng 10/1944, một đội công tác khác lại được điều về làm nhiệm vụ mở đường liên lạc từ Vĩnh Yên lên phía Nam khu giải phóng Tuyên Quang. Tính đến đầu năm 1945, phong trào đã được phục hồi, ở hầu hết các cơ sở cũ và được mở rộng thêm nhiều làng xã như Phan Lâm, Thản Sơn, Tiên Định, Đạo Nội (Lập Thạch), Yên Nhiên, Hoàng Xá (Vĩnh Tường), Tam Canh (Bình Xuyên)…Vùng bắc Tam Dương, Lập Thạch, Kim Anh được mở rộng tiến tới xây dựng thành căn cứ địa của tỉnh trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Lực lượng tự vệ chiến đấu ra đời hàng chục làng xã. Một tiểu đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên của tỉnh cũng được thành lập tại vùng bắc Tam Dương.

Tuy phải trải qua những năm tháng gian khổ, do các chiến dịch khủng bố ác liệt của địch gây ra, nhưng phong trào cách mạng Vĩnh Phúc đã nhanh chóng được phục hồi và ngày càng phát triển mạnh, tạo tiền đề trực tiếp cho cao trào chống Nhật cứu nước và khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

- Cao trào kháng Nhật cứu nước và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945

Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Cũng như trong phạm vi toàn quốc, cuộc đảo chính Vĩnh Phúc diễn ra rất nhanh chóng, thực dân Pháp hầu như không kháng cự.

Chớp thời cơ, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 9/3/1945, Thường vụ Trung ương đã họp và ra một bản chỉ thị lịch sử: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", vạch ra đường lối chủ trương, biện pháp đấu tranh cách mạng trong thời gian tới.

Vận dụng sáng tạo chỉ thị đó vào hoàn cảnh cụ thể trong tỉnh, các Đảng bộ Vĩnh Phúc đã chớp thời cơ phát động một cao trào cách mạng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh. Các tổ chức Đảng nắm lấy những vấn đề cơ bản để phát động quần chúng là:

           1- Đấu tranh giải quyết nạn đói;

           2- Đẩy mạnh các cuộc đấu tranh chính trị, các hoạt động quân sự, phát động chiến tranh du kích, thực hiện khởi nghĩa vũ trang từng phần những địa phương có điều kiện;

           3- Khởi nghĩa giành chính quyền tại các huyện, tỉnh khi thời cơ đến.

Trên mặt trận đấu tranh giải quyết nạn đói, hàng loạt các cuộc biểu tình tuần hành được tổ chức thu hút hàng vạn quần chúng tham gia. Mạnh mẽ hơn cả là phong trào phá kho thóc cứu đói cho dân đã lan nhanh khắp tỉnh.

Ngày 16/5/1945, Tỉnh uỷ Vĩnh Yên trực tiếp chỉ đạo cho hơn 1 vạn quần chúng thuộc 3 huyện: Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch phá hai kho thóc lớn đồn điền Văn Lãng (Bình Xuyên) và đồn điền Song Vân (Lập Thạch). Sau đó, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương…hàng chục vạn quần chúng đã vùng lên phá hết các kho thóc của Nhật chia cho nhân dân. Trong đợt phá kho thóc này, nhân dân Vĩnh Phúc đã giành được từ tay kẻ thù hơn 60 kho thóc lớn nhỏ chia cho hàng chục vạn người dân cứu đói.

Từ các cuộc phá kho thóc, quần chúng đã tiến lên vũ trang đập tan âm mưu cướp thóc của giặc như cuộc đấu tranh của nhân dân các làng Vũ Di, Yên Nhiên, Bích Đại, Đồng Vệ, cướp lại 18 xe thóc của Nhật cầu Lác (Yên Lạc). Hay tự vệ huyện Lập Thạch kiên quyết đánh trả hành động cướp thóc của tri huyện ngày 29/5/1945.

Song song với phong trào phá kho thóc, chống thu thóc, cuộc đấu tranh đòi đong thóc, cứu tế, chống thu thuế phát triển rất mạnh mẽ. Liên tiếp trong tháng 4, 5 nhân dân hai huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc tổ chức hàng chục cuộc biểu tình lên huyện đòi cứu tế. Ở những địa phương có cơ sở Việt Minh mạnh thuộc các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương quần chúng đã bắt bọn tổng lí, đem giam lỏng một nơi.

Trên mặt trận đấu tranh chính trị, các cơ sở chính trị của quần chúng đã được tổ chức. Đảng bộ các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh sôi nổi và kịp thời, phong phú về hình thức, thu được kết quả tốt, thức tỉnh sâu rộng lòng yêu nước trong lòng quần chúng. Hình thức chủ yếu là truyền đơn, lợi dụng các buổi tập hợp của bọn phản động để vạch mặt chúng và tuyên truyền cho Việt Minh…

Có thể nói trong thời gian này, các hoạt động đấu tranh chính trị diễn ra mạnh mẽ trong toàn tỉnh, nhiều nơi, nhân dân công khai bàn chuyện Việt Minh, tuyên truyền chính sách của Việt Minh. Cùng với việc phát động quần chúng đấu tranh phá kho thóc giải quyết nạn đói, phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi, công khai nhiều vùng đã tạo thành một không khí tiền khởi nghĩa hết sức sôi sục. Hình thái khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện, chính quyền địch thôn xã tan rã, chính quyền nhân dân được thành lập với các Uỷ ban dân tộc giải phóng hầu hết các xã. Có nơi còn lập được đến cấp huyện như Lập Thạch. Tình thế cách mạng đang chín muồi, chuyển mạnh sang tổng khởi nghĩa.

Ngoài các tổ chức chính trị, các cơ sở trong tỉnh còn tổ chức lực lượng vũ trang và tiến hành từng bước đấu tranh vũ trang. Từ tháng 4/1945, khu căn cứ phía bắc các huyện Kim Anh, Lập Thạch, Tam Dương được xây dựng. Sau khi tổ chức các lực lượng vũ trang, các cơ sở đã từng bước tiến lên đấu tranh vũ trang từ thấp đến cao, như tước súng, cướp thuyền đạn của địch Đại Tự (Yên Lạc), kết hợp vũ trang và chính trị nghi binh uy hiếp chống Nhật vào Thanh Lãng cướp phá. Trong ngày 16/7, lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh Vĩnh Yên phối hợp với quân giải phóng, có sự tham gia của một trung đội lính khố xanh đã giác ngộ, cùng tiến đánh đồn Tam Đảo, ta đã tiêu diệt được đồn Tam Đảo.

Khoảng tháng 7, đầu tháng 8, lực lượng vũ trang được bổ sung thêm những chi đội giải phóng quân từ Việt Bắc về, do đó các hoạt động quân sự ngày càng được đẩy mạnh hơn. Hình thái khởi nghiã từng phần đã xuất hiện một số huyện có cơ sở chính trị, cơ sở vũ trang mạnh và hệ thống chính quyền địch bị suy yếu, lỏng lẻo. Thời cơ cách mạng đã chín muồi, nhiều huyện đã được giải phóng.

Uỷ ban dân tộc giải phóng được thành lập các huyện và khắp các xã, đã thi hành các chính sách lớn do Uỷ ban Chỉ huy lâm thời Khu Giải phóng ban hành như ban bố các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, tập hợp lực lượng chống Nhật, cứu nước, xây dựng trật tự cách mạng trong làng xóm, cứu tế dân nghèo…Trận thắng Nhật đồn Tam Đảo cũng đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chống Nhật, cứu nước trong các tầng lớp nhân dân ta, thôi thúc thanh niên tham gia du kích đánh Nhật.

Đi đôi với công tác quân sự, công tác binh vận cũng được chú ý. Một số nơi đã vận động được binh lính mang súng về với nhân dân như Đình Ấm, Vĩnh Yên…

Công tác trấn phản trừ gian, ngăn chặn sự chống phá của các đảng phái phản động, cảnh cáo bọn ngụy quyền các cấp từ xã đến tỉnh cũng được đẩy mạnh.

Như thế, hai Đảng bộ Vĩnh Yên, Phúc Yên đã vận dụng sáng tạo các chủ trương của Trung ương Đảng nên đã tạo được một cao trào chống Nhật, cứu nước, chuẩn bị khởi nghĩa rộng rãi, mạnh mẽ khắp các địa bàn trong tỉnh.

Chớp thời cơ, ngay khi quân đội Liên Xô tấn công quân phát xít Nhật, Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn quốc tại Tân Trào ngày 13/ 8. Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16/ 8, Đại hội Quốc dân khai mạc, thông qua lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra chính phủ lâm thời. Vĩnh Yên và Phúc Yên, mặc dù chưa nhận được lệnh khởi nghiã của Trung ương, nhưng khi được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh và một số tỉnh đã khởi nghĩa, căn cứ vào điều kiện và thời cơ khởi nghiã mà Chỉ thị của Trung ương ngày 12/3/1945 đã vạch ra, đã chủ trương huy động lực lượng tiến hành khởi nghĩa trong toàn tỉnh.

- Khởi nghĩa giành chính quyền Phúc Yên

Phúc Yên là tỉnh nằm trong an toàn khu của Trung ương, trong cùng một lúc có đội công tác của Trung ương, đội công tác Xứ uỷ và Ban cán sự tỉnh phụ trách nên công cuộc khởi nghĩa các huyện trong tỉnh có nhiều mối chỉ đạo khác nhau.

Nơi khởi nghĩa đầu tiên của Phúc Yên là huyện Đông Anh. Được tin Nhật đầu hàng, Hà Nội đã biểu tình, tối ngày 18/8/1945, Chi bộ nhà máy xe lửa Đông Anh chủ động chỉ huy đội công nhân nhà máy và tự vệ các làng lân cận ra chiếm huyện. Lực lượng khởi nghĩa giải tán chính quyền tay sai, thu ấn tín, sổ sách, 6 khẩu súng trường, bố trí tự vệ canh giữ huyện đường. Tiếp sau Đông Anh, hai ngày 19 và 20/8/1945, ba huyện còn lại và thị xã Phúc Yên liên tiếp khởi nghĩa và giành thắng lợi. Riêng khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh gặp nhiều trở ngại, khó khăn vì phải đối phó với bọn chỉ huy bảo an binh, bọn Đại Việt, với sự can thiệp của Nhật và phải chiến đấu quyết liệt chống bên Quốc dân Đảng phản động từ Vĩnh Yên xuống.

Ngay sau khi Nhật đầu hàng, Ban cán sự tỉnh Phúc Yên đã lập tức triệu tập hội nghị cán bộ tại đình làng Chi Đông vào ngày 18/8/1945. Hội nghị đã quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa của tỉnh và ngày 19/ 8 sẽ phát động nhân dân chiếm tỉnh lị. Hội nghị còn phân tích tình hình địch trong thị xã, khả năng phát động quần chúng và phương pháp trấn áp bọn đầu sỏ nhằm làm tan rã những tổ chim phản động. Ngày 19/ 8/1945, hàng vạn quần chúng có các đội tự vệ dẫn đầu từ các ngả đường rầm rộ kéo vào khu vực thị xã. Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng, tỉnh trưởng phải đầu hàng, giao lại chính quyền cho cách mạng. Còn bọn chỉ huy bảo an binh, vốn là những tên Quốc dân Đảng phản động, ngoan cố không chịu hạ vũ khí đầu hàng mà chỉ nhận điều kiện hợp tác, nhận treo cờ đỏ sao vàng trong doanh trại của chúng. Để tránh tình trạng căng thẳng, ta tạm chấp nhận "điều kiện hợp tác" với chúng. Ngay chiều hôm đó, tại sân vận động thị xã, mà cuộc mít tinh lớn được tổ chức để khuyếch trương thắng lợi và khích lệ tinh thần quần chúng, Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ ách thống trị của đế quốc, phong kiến, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.

Nhưng với bản chất giai cấp phản động, bọn cầm đầu bảo an binh đã trắng trợn phản bội. Chúng bí mật cho người đi cầu cứu quân Nhật và bọn Quốc dân Đảng Vĩnh Yên. Vì vậy, khi cuộc mít tinh vừa kết thúc, quân Nhật đã hùng hổ kéo vào thị xã. Trước tình thế đó, Đảng bộ kiên quyết tập trung toàn bộ lực lượng tự vệ chuẩn bị chiến đấu bảo vệ chính quyền. Căn cứ vào tâm lí của một đạo quân thất trận, ủy ban giải phóng chủ trương dùng cách thuyết phục để làm lui địch. Kết quả, trước thái độ vừa kiên quyết vừa mềm dẻo của cách mạng, bọn Nhật phải nhận điều kiện rút quân khỏi thị xã. Nhưng ngày 27/8/1945, một đại đội lính Quốc dân Đảng từ Vĩnh Yên kéo xuống Phúc Yên phối hợp với bọn phản động bên trong định tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ. Cuộc chiến diễn ra hết sức gay go, lực lượng tự vệ đã dũng cảm mưu trí đánh chặn địch trong từng căn nhà, từng khu phố. Hơn 50 tên bị tiêu diệt và bắt sống. Bọn sống sót phải vứt súng tháo chạy. Khi thấy âm mưu phối hợp với bọn Quốc dân Đảng Vĩnh Yên không thành, bọn chỉ huy bảo an binh vội thu quân vào thành, chuẩn bị rút lên Vĩnh Yên, nhưng một số binh lính được cách mạng tuyên truyền giác ngộ từ trước đã kịp thời nổ súng bắn chết bọn đầu sỏ chỉ huy. Cả đơn vị bảo an binh tan rã, thị xã Phúc Yên hoàn toàn giải phóng.

Ở hai huyện còn lại của Phúc Yên là Đa Phúc và Yên Lãng, khởi nghĩa diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn. Huyện Đa Phúc khởi nghĩa ngày 19/8/1945, cùng ngày với khởi nghĩa tỉnh. Sau 5 ngày chiến đấu, sáng ngày 23/ 8, ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Đa Phúc đã ra mắt nhân dân toàn huyện trong cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi khởi nghĩa tổ chức sân vận động phố Nỉ. Tại huyện Yên Lãng, Đội công tác Trung ương đóng ở Tráng Việt đã huy động quần chúng các cơ sở trong huyện biểu tình chiếm huyện ngày 20/8/1945. Cùng ngày, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Yên Lãng đã ra mắt nhân dân trong cuộc mít tinh toàn huyện. Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày, từ 18 đến 20/8/1945, cuộc khởi nghĩa đã diễn ra và giành thắng lợi trọn vẹn trong toàn địa bàn Phúc Yên.

- Khởi nghiã giành chính quyền tỉnh Vĩnh Yên

Khác với Phúc Yên, cuộc khởi nghĩa Vĩnh Yên diễn ra ở các huyện xong mới đến tỉnh. Huyện khởi nghĩa đầu tiên là Lập Thạch, tiến hành ngày 17/ 8/1945

Được tin Nhật đầu hàng, Ủy ban dân tộc giải phóng huyện Lập Thạch đã chủ động huy động hơn 200 tự vệ đến chiếm huyện ngày 17/8/1945. Tri huyện đã bỏ trốn từ hôm trước, bọn nha lại và một số binh lính hoảng sợ giao nộp đầy đủ sổ sách, ấn tín và 18 khẩu súng cho Việt Minh. Đầu tháng 9/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Lập Thạch ra mắt nhân dân trong cuộc mít tinh toàn huyện được tổ chức sân vận động xã Sơn Đông.

Tiếp sau Lập Thạch, khởi nghĩa diễn ra huyện Bình Xuyên (18/8). Vĩnh Tường (21/8), Yên Lạc (22/8), Tam Dương (23, 24/8). Các cuộc khởi nghĩa đều giành thắng lợi, các huyện trong tỉnh căn bản đã hoàn toàn giải phóng, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các huyện được thành lập.

Tình hình thị xã Vĩnh Yên trong những ngày tổng khởi nghĩa diễn biến đầy phức tạp, gây cho ta nhiều khó khăn. Lực lượng Nhật đóng trong thị xã còn khá đông (hơn 200 tên), bọn phản động Quốc dân Đảng, bên Đại Việt lợi dụng lúc nhân dân còn đang đối phó với nạn lụt và đang khởi nghĩa tại các huyện đã cấu kết với bọn chỉ huy bảo an binh thúc ép tỉnh trưởng giao chính quyền cho chúng. Có chính quyền, có vũ khí và dựa vào Nhật, bọn Quốc dân Đảng âm mưu xây dựng nơi đây thành sào huyệt cố thủ chờ đón quân Tưởng kéo vào.

Trước tình hình ấy, Tỉnh uỷ đã họp tại ấp Vân Hội ngày 28/8/1945 quyết định: dùng lực lượng chính trị đông đảo kết hợp với lực lượng vũ trang tiến vào thành phố biểu tình thị uy làm áp lực cho đại biểu của tỉnh tiến hành đấu tranh buộc địch phải giao lại chính quyền. Thực hiện chủ trương đó, ngày 31/8/1945, Đảng bộ đã huy động hơn 2 vạn quần chúng trong đó có hàng nghìn tự vệ cùng với 2 đại đội vũ trang tập trung tiến hành biểu tình vũ trang thị uy rầm rộ từ các huyện lên tỉnh. Do bản chất ngoan cố, bên Quốc dân Đảng đã nổ súng vào đoàn người biểu tình.

Sau sự kiện 31/8, Đảng bộ Vĩnh Yên đã thiết lập chính quyền cách mạng lâm thời của tỉnh tại vùng nông thôn và gấp rút chuẩn bị lực lượng giải phóng thành phố. Ngay sau đó, quân đội Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa Đồng Minh kéo vào Vĩnh Yên. Bọn Quốc dân Đảng dựa vào quân Tưởng chiếm giữ thành phố gây tội ác. Sau khi quân đội Tưởng rút đi ta mới giải phóng được thành phố Vĩnh Yên.

Như vậy, trong một tuần lễ từ 17 đến 24/8/ 1945, hàng chục vạn đồng bào các dân tộc Vĩnh Yên, Phúc Yên theo lời hiệu triệu của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất tề vùng lên dồn dập khởi nghĩa giành chính quyền. Từ tỉnh đến làng xã, về cơ bản chính quyền đã về tay nhân dân lao động. Xiềng xích phong kiến hàng nghìn năm và ách thống trị thực dân đè nặng hơn 60 năm trên quê hương đã bị đập tan. Hơn 50 vạn đồng bào các dân tộc Vĩnh Yên và Phúc Yên được đổi đời, từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ quê hương, đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 8 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.592.477

EMC Đã kết nối EMC