Bước
sang năm 1935, tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi lớn
tác động mạnh mẽ đến phong trào cánh mạng nước ta. Trước tình hình mới,
Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương lập Mặt trận Dân chủ Đông
Dương, tập hợp mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ, đấu tranh chống kẻ thù
chủ yếu trước mắt là bọn phát xít, bọn phản động thuộc địa Pháp và bọn
tay sai, giành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, chống phát xít xâm
lược, bảo vệ hoà bình thế giới. Do ảnh hưởng từ thắng lợi của Mặt trận
Dân chủ tại nước Pháp và đường lối đúng đắn của Đảng là giai đoạn phát
triển mới của cách mạng Đông Dương được dấy lên trong cả nước.
Bước
vào thời kì mới, Vĩnh Phúc có thuận lợi lớn là được tăng cường cán bộ
Đảng về gây cơ sở và hoạt động. Tại Vĩnh Yên, ngoài các cơ sở cũ được
khôi phục như: Vĩnh Yên, Thanh Vân, Đạo Tú, Bích Đại, Đồng Vệ… còn phát
triển nhiều cơ sở mới ở Dẫn Tự, Hoà Lạc, Vũ Di, Thượng Trưng
(Vĩnh Tường), Thị trấn Bạch Hạc, ấp Hạ (Tam Dương), Như Sơn, Thụy Điền,
Đạo Nội, Tiên Định (Lập Thạch). Tại Phúc Yên từ nhóm nghiên cứu sách
báo đầu tiên do cán bộ của Đảng về thành lập năm 1936, cơ sở cách mạng
đã được mở ra ở nhiều làng xã như Tháp Miếu, Xuân Phương, Cầu Xây, Bảo Tháp, Lâm Hộ (Thanh Lâm - Yên Lãng).
Các
cơ sở trên đã tồn tại dưới hình thức các tổ chức hội: hội ái hữu, hội
tương tế, hội truyền bá quốc ngữ, hội lợp nhà, hội cấy gặt… Đây là hình
thức tập hợp quần chúng thích hợp nhất, hiệu quả nhất. Bên cạnh những tổ
chức hoạt động công khai đó, Đảng cũng bí mật thành lập các tổ chức bất
hợp pháp như Nông hội, Thanh niên dân chủ làm nòng cốt cho phong trào
quần chúng. Các hội viên được giáo dục, giác ngộ cách mạng thông qua
việc đọc sách báo tiến bộ của Đảng in công khai như: "Nhành lúa", "Tin
tức", "Vấn đề dân cày". . .
Sau
khi xây dựng tổ chức quần chúng và tuyên truyền giác ngộ, các tổ chức
cơ sở đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Trong thời gian này, lợi dụng
tình hình thuận lợi là Chính phủ bình dân Pháp được thành lập, các tổ
chức cách mạng ở Vĩnh Yên, Phúc Yên đã tổ chức nhiều hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp.
Mở đầu
phong trào là cuộc vận động lấy chữ kí vào bản hưởng ứng Đông Dương đại
hội do Đảng ta phát động (11/1936). Kết quả là đã có hàng ngàn chữ kí
đòi tự do hội họp, tổ chức, tự do ngôn luận, tự do đi lại, xuất dương
cải thiện đời sống nhân dân, ân xá chính trị phạm.
Ngày
4/2/1937, hai đoàn đại biểu quần chúng của Vĩnh Yên và Phúc Yên đã về
Hà Nội gặp phái đoàn Gôđa đưa yêu sách. Sau cuộc biểu tình, bọn thống
trị ở Phúc
Yên trở mặt, tiến hành khủng bố, bắt bớ một số người tham gia biểu
tình. Trước tình hình đó, Đảng đã vận động đấu tranh công khai, vạch
trần trên báo chí buộc chúng phải tha và lập phiên toà xử bọn thống trị
địa phương. Tuy việc xét xử của chúng chỉ là hình thức, song cũng cho
thấy chúng đã phần nào phải chùn bước trước sức mạnh đấu tranh của nhân
dân ta. Cuộc lấy chữ ký vào bản yêu sách, cử người ra tranh cử nghị viện
hàng tỉnh cũng là những dịp tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng trong quần
chúng và vận động quần chúng đấu tranh có kết quả.
Ngoài
những phong trào đấu tranh mang ý nghĩa chính trị, Đảng đã vận dụng
những hình thức đấu tranh có nội dung thiết thực: Tại Vĩnh Yên đã nổ ra
cuộc đấu tranh của nhân dân trong tỉnh và các vùng lân cận đòi giảm thuế
chợ, thuế môn bài nổ ra vào cuối năm 1937 đã giành thắng lợi (thuế chợ
giảm 1/4). Cũng ở Vĩnh Yên, còn có phong trào chống thuế cư trú, thuế thổ trạch, thuế nóc nhà làm cho bọn thống trị lúng túng.
Cùng với thành thị, ở
nông thôn phong trào đấu tranh của nông dân cũng phát triển hơn những
giai đoạn trước. Mục tiêu đấu tranh bao gồm chống bọn cường hào tham
nhũng, chống những hủ tục. Nhưng sôi nổi và có tác dụng hơn cả là phong
trào đòi giảm thuế, khất thuế. Các xã Lâm Hộ, Xuân Phương, Phù Lai, Yên
Mĩ (Phúc Yên); Thanh Vân, Đạo Tú, Lạc Trung (Vĩnh Yên) đã tổ chức những
đoàn biểu tình lên huyện hoặc làm đơn phản đối bọn cường hào thu tăng
thuế, phản đối những loại thuế bất công…
Ngày
12/7/1937, các cơ sở huyện Vĩnh Tường đã vận động hơn 300 người dân
biểu tình lên huyện gặp Thống sứ Saten nhân dịp tên này về địa phương. Đoàn
biểu tình đã giương cao khẩu hiệu đòi "tự do, cơm áo, hoà bình"… Cuộc
đấu tranh đã giành thắng lợi, địch buộc phải thực hiện một số yêu sách
như giải quyết công ăn việc làm, cấp ruộng đất cho một số chính trị phạm
được tha.
Ngày 1/5/1938,
hưởng ứng cuộc biểu dương lực lượng do Đảng ta tổ chức nhân kỉ niệm
ngày Quốc tế lao động tại Hà Nội, công nhân, nông dân và nhân dân thành
thị của tỉnh đã tổ chức những đoàn biểu tình về tham gia. Đây cũng là
một dịp tuyên truyền, giác ngộ ý thức giai cấp cho đội ngũ công nhân
trong tỉnh.
Phong
trào quần chúng càng mạnh thì các cơ sở của mặt trận dân chủ càng được
củng cố và mở rộng. Trên cơ sở đó, cuối năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ
là Thường vụ xứ uỷ Bắc Kì đã về làng Vũ Di (Vĩnh Tường) thành lập một
chi bộ Đảng gồm 3 đồng chí do đồng chí Lê Xoay làm bí thư. Chi bộ này
không những là hạt nhân lãnh đạo các cơ sở cách mạng huyện Vĩnh Tường mà
còn phát huy tác dụng lãnh đạo, cầu nối các cơ sở trong tỉnh Vĩnh Yên
và một phần tỉnh Phúc Yên. Nó chính là nòng cốt cho việc thành lập Ban
cán sự tỉnh (tức Tỉnh uỷ Vĩnh Yên bí mật) về sau.
Đầu
năm 1939, nội các Đalađiê lên cầm quyền thay thế chính phủ Mặt trận
nhân dân Pháp. Chính sách đối nội, đối ngoại của chính phủ Pháp ngày
càng phản động. Bọn thực dân ở thuộc
địa Đông Dương nhân đó ra mặt phát xít hoá, đàn áp tự do dân chủ, tăng
cường bóc lột nhân dân ta. Phong trào cách mạng nước ta nói chung, tỉnh
Vĩnh Yên, Phúc Yên nói riêng dần lắng xuống.
Như
vậy, từ khi Đảng ra đời (2/1930) đến năm 1939, Vĩnh Yên và Phúc Yên tuy
chưa có Đảng bộ, nhưng các đảng viên và các chi bộ Đảng ra đời vào thời
kì này đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh theo mục tiêu mà Đảng
đề ra, hoà chung với các cao trào cách mạng của cả nước.