TÌNH HÌNH KINH TẾ
Bên
cạnh vị trí chính trị - ngoại giao, bản thân vùng đất Vĩnh Phúc thế kỉ
XVII - XVIII cũng có những vị thế đặc biệt về kinh tế. Cũng giống như
hầu khắp các địa phương trên phạm vi cả nước cùng thời điểm, kinh tế khu
vực này cho đến trước năm 1945 chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Vào nửa
cuối thế kỉ XVII và nửa đầu thế kỉ XVIII, nếu như phần lớn các bãi phù
sa ven sông Hồng của Vĩnh Phúc trở thành vùng đất nông nghiệp trù phú và
giàu có; thì vùng rừng núi của các huyện phía tây mang lại nhiều nguồn
lâm thổ sản quý giá. Mặt khác, trong bối cảnh các trấn phía nam và đông
nam của Thăng Long bị lôi kéo vào cuộc chiến với Đàng Trong, thì sự ổn
định dù trong những khoảng thời gian không dài đã làm biến đổi nhanh
chóng diện mạo kinh tế - xã hội của vùng đất này. Truyền thuyết dân gian
của địa phương cho biết, bản thân chính quyền Lê - Trịnh cũng có ý định
biến Sơn Tây - Vĩnh Phúc trở thành một bộ phận cơ sở kinh tế quan trọng
của triều đình. Tương truyền, chỉ riêng huyện An Lãng đã có tới hơn 100
mẫu đồn điền do vợ Trịnh Tùng khai phá. Bên cạnh đó, nhà nước thời Lê
cũng đã thi hành nhiều chính sách khuyến khích nông nghiệp và nông dân.
Triều đình đã tiến hành đặt chức khuyến nông sứ ở trung ương và hệ thống nông quan ở các trấn. Đối với các vùng đất ven sông như các huyện thuộc trấn Sơn Tây, vấn đề đê điều trở thành
nội dung mấu chốt. Ban đầu, nhà nước trực tiếp huy động dân chúng đi
lao dịch và khám đạc đê điều; sau đó là trích tiền thuế điệu để thuê
mướn nhân công.
Sự
suy giảm vị thế quốc phòng và an ninh mở ra những điều kiện cho sự phát
triển của vùng đất này gắn liền với các hoạt động kinh tế, thương mại
như một hệ quả tự nhiên. Mặt khác, sự xuất hiện của các thuyền buôn
phương Tây cũng góp phần vào việc đẩy mạnh quá trình trao đổi hàng hoá
giữa vùng thượng du và vùng duyên hải. Với vị trí giáp vùng rừng núi
phía bắc, trấn Sơn Tây trở thành cửa ngõ cung cấp các nguồn nguyên liệu
lâm thổ sản có giá trị - món hàng hấp dẫn đối với các lái buôn trong và
ngoài nước đến buôn bán ở Đàng
Ngoài. Những mô tả của các thương nhân Việt Nam và phương Tây cho biết,
trong thời kì này đã từng tồn tại một tuyến buôn bán liên vùng giữa các
tỉnh thượng du - kinh đô Thăng Long - vùng hạ châu thổ sông Hồng.
Các
tuyến buôn bán đường dài dù tiềm ẩn nhiều mạo hiểm song đem lại lãi
suất rất lớn và nhất là sự lưu thông hàng hoá giữa các vùng miền. Trong
khi nông nghiệp nằm bên bờ sông thường xuyên bị đe doạ bởi những biến cố
tự nhiên thì thương nghiệp nhanh chóng trở thành một nguồn lợi quan
trọng trong đời sống của cư dân địa phương. Phần lớn, việc kiểm soát các
hoạt động kinh tế này rơi vào tay các thương nhân Trung Hoa. Những
người Việt chủ yếu tham gia vào các hoạt động chuyên chở hoặc là tập kết
hàng hoá cho các lái buôn song chỉ chừng ấy cũng đã đem lại một sự thay
đổi đáng kể trong đời sống kinh tế của cộng đồng cư dân địa phương.
Các tư liệu văn bia thời Lê ở Vĩnh
Phúc đã góp phần minh chứng cho sự tồn tại một tầng lớp thương nhân
giàu có và những đổi thay kinh tế trên vùng đất này. Bia Ân lưu vạn đại bi minh tại
chùa xã Hậu Dưỡng, huyện Mê Linh dựng vào năm Vĩnh Thọ 4 (1661) cho
biết vợ chồng ông Nguyễn Tiến Tài và bà Nguyễn Thị Ngọc Lễ, người xã Hối
Dương, tổng Thác Vọng, phủ Yên
Lãng là nhân vật đệ nhất vùng Sơn Tây, Tam Đới, ông bà đã đóng góp công
đức dựng hai toà hành lang chùa và ruộng để gửi giỗ cho cha mẹ. Trước
sau ông bà đã đóng góp 22 nén bạc cho xã chi dùng.
Bia Vĩnh truyền hậu phật tương bi kí dựng
tại chùa xã Đại Định, huyện Bạch Hạc tạo vào năm Cảnh Trị 2 (1664) kể
lại câu chuyện về bà Lê Thị Khám lớn lên học nghề nữ công ở xã
Định Ấp nhờ đi buôn bán mà trở nên giàu có nhưng goá bụa không ai chăm
sóc. Vì vậy, bà cúng ruộng vào chùa để gửi giỗ. Số ruộng trị giá 160
gánh thóc và lại thêm 5 dật bạc. Bia Tu tạo hậu thần thạch bi tại
chùa xã Mộ Chu, huyện Vĩnh Tường tạo vào năm Cảnh Trị 6 (1667) cho biết
bà Nguyễn Thị Đam là người làng Mộ Chu là người đoan trang đã bỏ ra 6
dật bạc.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế hàng hoá ở khu
vực này lại chịu sự tác động không nhỏ từ các chính sách kinh tế của
nhà nước, đặc biệt là hệ thống thuế khoá. Đáng kể nhất là loại thuế
chuyên lợi đánh vào ba mặt hàng khai thác là: quế, muối, đồng. Đây là
những mặt hàng chủ yếu mang lại giá trị kinh tế cao ở vùng
thượng du nhưng những người buôn bán hoặc sản xuất các mặt hàng này
phải nộp một phần sản phẩm cho nhà nước (từ 20% đến 50%) hoặc một khoản
thuế tính bằng tiền.
Bên
cạnh đó, chính quyền nhà Lê còn thiết lập một hệ thống trạm kiểm soát
và đánh thuế tuần ti vào những người buôn chuyến đường sông để kiểm soát
thuyền bè, hàng hoá ẩn lậu và thu thuế. Tuy nhiên, phần lớn các trạm
tuần ti này đều đánh thuế quá mức quy định, đánh nhiều lần hay đòi hối
lộ. Trước
thực trạng đó, có lần chúa Trịnh đã bãi bỏ hẳn các sở tuần ti, nhưng
sau đó lại cho tái lập lại, vin vào cớ “bọn hào phú và kẻ tiểu nhân phần
nhiều đua nhau bỏ nghề gốc làm nghề ngọn... Mối tệ ấy cần phải uốn nắn,
thể theo ý trọng bản ức mạt của người xưa…”.
Nhìn
chung, trong một chừng mực nào đó, chính quyền Lê - Trịnh cũng đã có
những cố gắng nhất định trong việc duy trì một sự đảm bảo cho sự phát
triển kinh tế ổn định. Tuy nhiên phần lớn các chính sách này đều được
thi hành hết sức chậm chạp, thiếu nhất quán. Sự thụ động của chính quyền
nhà Lê - Trịnh đối với công thương nghiệp chẳng những không thúc đẩy
cho quá trình phát triển kinh tế tư nhân và sự lưu thông hàng hoá mà nó
đã gián tiếp đẩy nhanh quá trình tha hoá của hệ thống quan lại địa
phương và các hoạt động buôn lậu diễn ra dưới nhiều hình thức.
Trong
nông nghiệp, bất chấp những nỗ lực của nhà nước, trong nhiều năm lũ lụt
vẫn trở thành thảm hoạ của nhân dân. Tháng 8, năm 1684 đê sông Nhị bị
vỡ, các huyện phía tây bắc ruộng lúa bị thiệt hại rất nhiều. Tháng 7 năm
1713, mưa dầm không ngớt, nước sông tràn ngập, đê ở 13
huyện thuộc Sơn Tây, Sơn Nam, Thanh Hoá đều vỡ, cuốn trôi hàng vạn nóc
nhà, nhân dân đói khổ. Tháng 10 năm 1757, trấn Sơn Tây có 11 huyện dân
bị đói lại phát bệnh dịch, dân cư chỉ còn độ một hai phần mười . . .
Các
tài liệu bi kí cũng cho biết từ cuối thế kỉ XVII cho đến đầu thế kỉ
XVIII, nhiều làng xã các huyện Bạch Hạc, An Lãng, Lập Thạch phải bán lại
quyền hát ở cửa
đình để lo việc công của làng xã. Nguyên nhân căn bản của tình trạng
này là khi công việc đắp đê giao về cho địa phương tự thuê mướn nhân
công, chức dịch cường hào các làng xã thường hay trục lợi bới xén tiền
thuê, làm ăn dối trá, không đảm bảo chất lượng kỹ thuật. Sự yếu kém của
hệ thống chính trị địa phương cùng nạn đói và tình trạng nông dân xiêu
tán đã đẩy mâu thuẫn xã hội lên mức gay gắt. Sự manh nha của các cuộc
khởi nghĩa ban đầu mới chỉ có tính chất phản ứng bộc phát nhưng sau đó
đã nhanh chóng phát triển thành những cuộc đấu tranh của nông dân diễn
ra với quy mô rộng lớn và quyết liệt.