Sign In

VĨNH PHÚC THẾ KỶ XVII - XVIII

07/09/2011
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

VĨNH PHÚC THẾ KỶ XVII - XVIII

Tổ chức hành chính địa phương dưới thời Lê - Trịnh chủ yếu được kế thừa tổ chức hành chính thế kỉ XV. Mười ba thừa tuyên cũ được đổi thành mười ba trấn (còn gọi là đạo hay xứ, cũng có khi lấy lại tên cũ là thừa tuyên). Các đơn vị hành chính dưới trấn là phủ (miền núi gọi là châu), huyện, xã. Xã là đơn vị hành chính cơ sở. Đứng đầu cấp xã là xã trưởng do dân bầu lên, được nhà nước duyệt hoặc công nhận.

Vùng đất Vĩnh Phúc thế kỉ XVII - XVIII bao gồm 4 huyện của phủ Tam Đại, trấn Sơn Tây là huyện Yên Lãng, Yên Lạc, Bạch Hạc, Lập Thạch, cộng với huyện Tam Dương, phủ Đoan Hùng cùng trấn và huyện Bình Tuyền thuộc phủ Bình Tuyền, trấn Thái Nguyên. Cuối thế kỉ XVIII, Trịnh Sâm lấy cớ rằng nhân dân trong nước điêu tàn hao hụt, nếu đặt nhiều quan chức chỉ phiền nhiễu cho dân, nghĩ thay đổi tệ tập ấy, bèn bàn định thi hành việc hợp lại hoặc bỏ bớt gồm 4 phủ, 29 châu huyện. Những phủ và châu huyện này đều cho phủ huyện tiếp cận tùy tiện kiêm lí. Trong đó trấn Sơn Tây bao gồm một phủ 6 huyện và huyện Tam Dương kiêm lí cả huyện Sơn Dương và Đương Đạo. Ở trấn Thái Nguyên, huyện Bình Tuyền (sau đổi thành Bình Xuyên) được kiêm lí vào huyện Phổ Yên. Như vậy, về căn bản trong thế kỉ XVII - XVIII, tổ chức hành chính của vùng đất Vĩnh Phúc ngày nay không khác nhiều so với thời Lê Sơ, phần lớn vẫn thuộc về trấn Sơn Tây, một trong bốn nội trấn quan trọng xung quanh kinh thành.(Bốn nội trấn bao gồm: Sơn Tây, Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương)

Tuy năm 1598, Trịnh Tùng huy động một lực lượng lớn đánh bại tàn quân Mạc ở Lạng Sơn, Thái Nguyên và làm chủ toàn bộ vùng trung du phía bắc, trấn giữ con đường hiểm yếu Lâm Thao, bình định vùng đệm phía bắc kinh thành, nhưng vùng đất phên giậu phía tây bắc của kinh thành trong các thế kỉ XVII - XVIII không phải không đứng trước sóng gió. Sự phát triển mạnh mẽ của các thế lực địa phương biên giới phía bắc trở thành mối thách thức đe dọa đến việc xây dựng một quốc gia thống nhất. Nhiều lực lượng tàn quân của nhà Mạc phải chạy sang nương nhờ nhà Thanh, đã tìm mọi cách quay trở lại phá hoại vùng biên giới và mở rộng phạm vi hoạt động. Các cuộc khởi nghĩa nông dân và nạn giặc cướp khoảng nửa cuối của thế kỷ XVIII cũng có những ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh khu vực.

Năm 1623, Mạc Kính Khoan lợi dụng sự suy yếu của chính quyền nhà Lê, nhân lúc sơ hở đã từ Cao Bằng tiến thẳng đến Gia Lâm đóng quân vùng Đông Dư, Thổ Khối khuấy động cả một khu vực rộng lớn phía bắc Thăng Long. Năm 1683, người huyện Lập Thạch làm phản, đặt quan thuộc ngụy đánh nhau với lính trấn. Sai Trấn thủ Sơn Tây là Nguyễn Công Triều đem quân đi đánh, bắt được. Dư đảng giặc đều bị dẹp yên. Năm 1175, Lai quận công Đặng Đình Sơ, Trấn thủ Sơn Tây cầm quyền binh nới lỏng khiến trộm cướp đây nổi lên khắp nơi, dân bị thiệt hại nên bị phạt và giáng chức.

            Trong bối cảnh đó, xuyên suốt trong các chính sách đối nội của chính quyền họ Trịnh là việc duy trì các cận trấn như là các trung tâm quân sự nhằm bảo vệ kinh thành. Chính quyền họ Trịnh một mặt phải cử nhiều tướng lĩnh thân tín làm trấn thủ và các chính quyền cấp địa phương vùng đất này. Đặc biệt là vai trò các võ quan cao cấp như Đinh Văn Giai, Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đình Bảo, Hoàng Phùng Cơ . . . Những người này về sau đều trở thành những người nắm quyền lực và có ảnh hưởng lớn trong quân đội và chính sách của nhà nước Lê - Trịnh thế kỉ XVII - XVIII.

Mặt khác, nhà Lê - Trịnh cũng thẳng tay đàn áp các lực lượng chống đối khi có đủ điều kiện cần thiết. Có thể thấy trong khoảng hơn một thế kỉ, vấn đề phía tây luôn trở thành một nỗi lo lắng lớn đối với chính quyền Lê - Trịnh. Năm 1740, Chinh Tây Đại tướng quân Thể quận công Vũ Tá Lí, cùng giặc tên là Tế đánh nhau Yên Lạc, bắt được Tế. Tế cùng người đất Bình Ngô tên là Bồng đều có tiếng là hiệt kiệt. Đến nay bắt được, chúa ban cờ gươm và nêu thuởng Vũ Tá Lí. Năm1741, giặc Nguyễn Diên cướp Sơn Tây. Sai Lê Thì Lệ đem quân đi đánh tan quân Diên Yên Lạc. Diên lại sai tướng đem thuỷ quân thuận dòng đi xuống hẹn nhau đến ngày 13 tháng 6 đến Bến Cốc. Hiệp đồng đạo Tuyên Quang Nguyễn Tông Quai đánh úp, thuyền giặc bị chìm hết. Quai cật vấn tù binh mới biết được mưu kế của giặc mới chọn khinh binh cầm cờ đen, đội nón tre giống như quân của Diên cho xuống thuyền đi trước. Quả nhiên Diên dẫn quân đến trông thấy tưởng là quân mình, không phòng bị. Quai thình lình đem quân đến đánh. Giặc hoảng sợ bỏ chạy, vứt hết khí giới quân dụng.

Năm 1748, chúa Trịnh Doanh dụ Đinh Văn Giai rằng: "Sơn Tây là phên giậu của nhà nước, phía bắc gần bọn Canh Ngũ, phía nam liền với Tương Mật, thế giặc lan tràn, nhân tình sợ hãi. Ông nên đem quân đến đấy trấn. Công việc trấn cho được tiện nghi biện lí để cho ta thư được cái lo về mặt phía tây".

             Tháng giêng năm 1751, nhằm vỗ yên dân chúng phía tây, Trịnh Doanh sai mở cuộc duyệt binh lớn, khao thưởng chư quân. Chúa sai tuyên dụ các xứ sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hoá hoãn thu tiền thuế thiếu lâu năm của dân vùng cao các huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, Tam Dương, Sơn Dương, Sơn Vi, Phù Khang, Đông Lan, Tây Lan, Thanh Ba, Bình Tuyền, Yên Lãng, Yên Lạc . . . Dụ chỉ này ban xuống, nhân dân vui mừng. Những người trước đây bị giặc sai khiến đều nhận khi chúng sơ hở bỏ đi.

Trong những năm 1777 - 1780, thổ tù mỏ đồng Tụ Long là Hoàng Văn Đồng làm phản vây trấn Sơn Tây và Tuyên Quang. Trấn thủ Sơn Tây là Nguyễn Khản phải huy động một lực lượng lớn của các trấn Thái Nguyên, Sơn Tây, Tuyên Quang mới tiêu diệt được.

Từ những thập niên 70 - 80 của thế kỉ XVIII, khi những mâu thuẫn bên trong của chính quyền nhà Lê - Trịnh lên đến đỉnh điểm, các thế lực quân sự địa phương các khu vực xung quanh kinh thành, trong đó có khu vực Vĩnh Phúc - Sơn Tây trở thành một trong những chỗ dựa vững chắc quyền lực, cũng như các âm mưu binh biến, soán đoạt vương quyền. Năm 1780, Trịnh Tông liên kết cùng với trấn thủ Kinh Bắc là Nguyễn Khắc Tuân và trấn thủ Sơn Tây là Nguyễn Khản nhằm tiến hành một cuộc thay thế quyền lực nhưng cuối cùng âm mưu bị bại lộ, Nguyễn Khắc Tuân phải tự sát, Nguyễn Khản bị tống giam. Năm 1785, khi kiêu binh làm loạn kinh thành, lực lượng quân đội từ Sơn Tây, Kinh Bắc, Sơn Nam dưới sự chỉ huy của Hoàng Phùng Cơ, Nguyễn Khản vào thành tiêu diệt kiêu binh. Khi nghĩa quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long năm 1786, Trịnh Tông sau các trận đánh thất bại đã phải chạy về phía tây đến vùng Yên Lãng, Bạch Hạc nhưng cuối cùng cũng bị bắt và phải tự vẫn. Sự kiện này cũng đồng thời chấm dứt lịch sử của thể chế chính quyền của các chúa Trịnh Đàng Ngoài.

Tóm lại, nhìn trong toàn bộ tiến trình phát triển của Đàng ngoài thế kỉ XVII - XVIII, có thể thấy Sơn Tây và cụ thể là các huyện Yên Lạc, Bạch Hạc và vùng cửa ngõ của kinh thành Thăng Long phía tây có một ý nghĩa chiến lược trên nhiều phương diện. Phần lớn những biến cố của kinh thành đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vùng đất này. Cũng từ đây, mối quan hệ giữa các chính quyền trung ương kinh đô với các thủ lĩnh dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, với người Trung Hoa vùng Vân Nam, Quý Châu được thực hiện. Vùng đất thượng du ven sông Hồng trong một chừng mực nào đó như một cầu nối, góp phần làm nên một phần lịch sử, sự hội tụ và lan toả vị trí hành chính - chính trị của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 8 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.593.143

EMC Đã kết nối EMC