VĨNH PHÚC TỪ THẾ KỈ XVI ĐẾN CUỐI THẾ KỈ XIX (THỜI MẠC 1527 - 1592)
Những
năm đầu của thế kỉ XVI đánh đấu sự suy yếu của triều đại nhà Lê. Sau
những năm tháng thịnh trị dưới thời Lê Thánh Tông, tình hình kinh tế -
xã hội của nước Đại Việt bước đầu đã có dấu hiệu khủng hoảng. Điều đó
được phản ánh qua sự khủng hoảng triều chính và các cuộc khởi nghĩa nông
dân với quy mô lớn. Đến đầu thế kỉ XVI hầu hết các cuộc khởi nghĩa này
đều thất bại, song nó đã góp phần đẩy nhanh quá trình suy vong của triều
Lê cũng như mở ra cơ hội cho Mạc Đăng Dung và chính quyền họ Mạc lên
nắm quyền lực vào năm 1527. Tuy nhiên, các lực lượng trung thành với nhà
Lê được thành lập ở
phía nam Thanh Hóa tạo thành một thế lực mới đối chọi với triều đình
nhà Mạc, từ đó mở ra cục diện chính trị Nam - Bắc triều. Nằm ở một
vị trí trọng yếu thuộc khu vực tây bắc của kinh thành Thăng Long, vùng
đất Vĩnh Phúc thế kỉ XVI nhanh chóng trở thành địa điểm có ý nghĩa chiến
lược trong cuộc chiến tranh Nam - Bắc.
Từ giữa thế kỉ XVI, nhà Mạc liên tiếp gặp phải thất bại, trong khi đó phạm vi ảnh hưởng của triều đình nhà Lê - Trịnh ở phía nam lan rộng ra vùng đồng bằng và duyên hải Bắc Bộ.
Trong
những năm từ 1557 - 1569, nhà Lê nhiều lần mở các cuộc tấn công ra các
phủ Khoái Châu, Hồng Châu, Văn Giang (trấn Sơn Nam), các huyện Đông
Triều, Giáp Sơn, Chí Linh, An Dương (trấn Hải Dương) rồi lại rút về
Thanh Hoá. Thậm chí, Trịnh Kiểm còn sai các tướng lĩnh thân tín đóng giữ
Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang làm chủ khu vực miền núi phía bắc
liên tiếp tấn công vào phủ Phú Bình (bao gồm huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh
Phúc hiện nay). Trước tình hình đó, đầu năm 1560, Mạc Phúc Nguyên phải
sai tướng đem quân giữ thành Thăng Long, bên ngoài đóng đồn một dải từ
dọc sông về phía tây, trên từ Bạch Hạc, dưới đền Nam Xang, doanh trại
gần nhau, thuyền bè san sát, ban ngày thì phất cờ đánh trống báo nhau,
ban đêm thì đốt lửa làm hiệu cho nhau đề chống giữ.
Sau
khi Trịnh Kiểm mất, cuộc tranh giành quyền lực giữa Trịnh Tùng và Trịnh
Cối đã khiến lực lượng quân đội nhà Lê bị suy yếu, tạo điều kiện cho
một cuộc phản công lớn từ phía nhà Mạc. Năm 1570, hai cánh quân thuỷ bộ
dưới sự chỉ huy của Mạc Kính Điển tiến vào kinh đô của nhà Lê ở Thanh
Hoá, trong đó một cánh quân theo đường bộ đi từ Thăng Long ngược lên
vùng đất phía tây bắc, theo con đường thượng đạo xuôi xuống phía nam, áp
sát miền tây Thanh Nghệ.
Tuy nhiên, về căn bản các thế lực quân sự của cựu thần nhà Lê vẫn giữ vững được một số vùng đất ở thượng
nguồn phía tây và tây bắc thuộc khu vực các trấn Tuyên Quang, Hưng Hoá
tạo thành một mối nguy hiểm trực tiếp đe doạ Thăng Long. Vũ Văn Mật ở Tuyên
Quang thường xuyên cho quân lính xuống cướp phá vùng Hưng Hoá. Năm
1587, nhà Mạc phải sai các xứ trong nước đắp luỹ đất và trồng tre, trên
từ sông Hát (nay là khu vực huyện Mê Linh) xuống tới sông Hoa Đình,
huyên Sơn Minh, kéo dài đến vài trăm dặm để đề phòng. Quân đội triều Mạc
dù những giai đoạn chiếm ưu thế
đã nhiều lần bình định các lực lượng nhưng không có hiệu quả. Nhà Mạc
chỉ có thể làm chủ được toàn bộ khu vực châu thổ phía đông của sông Hồng
ra đến biển. Trấn Sơn Tây và toàn bộ vùng đất Vĩnh Phúc hiện nay gần
như trở thành chốt chặn quan trọng cho tuyến phòng thủ kinh thành.
Từ
cuối những thập niên 80, trên cơ sở thống nhất được các lực lượng chính
trị - quân sự và đẩy lui được các đợt xâm lấn của quân Mạc, và nhất là
sau khi Mạc Kính Điển, một tướng lĩnh tài giỏi của nhà Mạc qua đời, dưới
sự chỉ huy của Trịnh Tùng, quân đội nhà Lê - Trịnh đã hoàn toàn nắm thế
chủ động trên chiến trường. Trận chiến quyết định cục diện được diễn ra
trên phòng tuyến sông Hồng của nhà Mạc thuộc các huyện Phúc Thọ, Đan
Phượng và Mê Linh vào mùa đông năm 1591. Trước sức tấn công mãnh
liệt của quân đội nhà Lê, Mạc Mậu Hợp sợ đến vỡ mật, xuống thuyền vượt
sông mà chạy. Trên đà thắng lợi, Trịnh Tùng đốc thúc quân lính tiến vào Thăng Long.
Sau
khi làm chủ kinh đô, quân đội nhà Lê - Trịnh liên tiếp tổ chức các
chiến dịch quân sự nhằm bình định các khu vực lân cận xung quanh kinh
thành. Tháng 4 năm 1492, tướng Mạc là Mạc Ngọc Liễn dàn thuyền, cắm cọc
gỗ ở cửa sông Hát, đắp luỹ đất trên bờ sông làm thế
hiếm vững để chống cự song cuối cùng cũng phải bỏ thuyền lên bộ chạy
đến chân núi Tam Đảo dựa thế núi mà cầm cự. Nhưng kể cả khi lực lượng
chủ yếu của triều Mạc thất bại và Mạc Mậu Hợp bị bắt thì các lực lượng
địa phương của nhà Mạc vẫn còn khá mạnh.
Trong
các lực lược này có Đức Quốc Công chiếm giữ Hạ Hoà, Khánh Quốc Công
chiếm giữ Sơn Dương, Văn Quốc Công chiếm giữ huyện Tam Dương. Năm 1594,
Việt Quốc Công, một tướng lĩnh cũ của nhà Mạc tự mặc áo hoàng bào dấy
binh chiếm giữ huyện Tam Dương, cướp bóc nhân dân. Trịnh
Tùng phải sai phó tướng Bạt Quận Công Phạm Doãn Sinh đem quân bản bộ
trấn giữ huyện Tam Nông để giữ yên dân Hưng Hoá. Ngay năm sau 1595, bọn
Thắng Quận Công, Quế Quận Công tập hợp được hơn 500 quân lại đi cướp bóc
ở huyện
Tam Dương. Khi ấy huyện quan đem nhiều binh dân, chặn đón đường hiểm
yếu chém được 46 thủ cấp của giặc. Như vậy là cuộc chiến tranh Nam - Bắc
kéo dài suốt bảy thập kỉ dù đã chấm dứt trên danh nghĩa nhưng cả một
dải các trấn Sơn Tây, Thái Nguyên, Hưng Hoá vẫn chưa yên. Nhà Mạc mặc dù
phải chạy lên Cao Bằng song cho tới trước khi suy vong hoàn toàn vào
giữa thế kỉ XVII vẫn thường xuyên hành quân về cướp bóc các phủ Lâm
Thao, Vĩnh Tường.
Dù
phải trải qua những năm tháng chiến tranh, song chúng ta vẫn có thể
nhận ra những biến chuyển trong đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi
quốc gia đã có ảnh hưởng nhất định đến trọng trấn phía tây bắc của kinh
đô Thăng Long. Cho đến thế kỉ XVI, bên cạnh nông nghiệp thì các làng
nghề thủ công được ra đời và phát triển khá mạnh như các làng gốm Kẻ Cánh (Tam Canh, Bình Xuyên), nghề đục đá cối ở Hải Lựu (Lập Thạch). . . Đời sống văn tư tưởng của nhân dân vùng đất Vĩnh Phúc bấy giờ ít thấy có tài liệu ghi chép.
Những hiểu biết được phản ánh qua các văn bia ít ỏi thời Mạc đã được tìm thấy trên mảnh đất này.
Các tấm bia Đại Đồng tự bị và Đại Đồng Linh Am nhi tự bi dựng vào các năm Hưng Trị 1 (1588) và Hưng Trị 3 (1590) tại chùa Đại Đồng xã
Cẩm Viên, huyện Yên Lạc cho biết việc các nho sinh và quan lại tại địa
phương đã bỏ công bỏ của xây dựng và tôn tạo ngôi chùa, xây thêm các
công trình công cộng. Hai tấm bia Phượng tường tự và Phượng Tường tự bi kí đều được dựng ở chùa
Phượng Tường xã Kiên Cương, huyện Vĩnh Tường vào năm Đoàn Thái 2
(1587), cuối đời Mạc Mậu Hợp cho biết chùa Phượng Tường là một danh lam,
bị phá huỷ sau nạn binh đao, nay đã được khôi phục lại nhưng quy mô còn
nhỏ. Nhân dân địa phương cùng với nhiều quý
tộc của nhà Mạc như Đô uý Thái bảo Mạc Ngọc Liễn, Trưởng công chúa là
Mạc Ngọc Lâm, Quận chúa Mạc Ngọc Lương cùng nhau góp tiền sửa chữa, mua
ruộng tam bảo. Nhân dân tạ ơn ấy bèn khắc bia lưu truyền mãi mãi. Bia Trùng tu Bào Quang tự bi kí dựng năm Đoàn Thái 2 (1587) và Tân tạo ngọc hoàng chư Phật Bảo Quang tự bi kí dựng
năm Hưng Trị 4 (1591) tại chùa Bảo Quang, xã Thượng Trung, huyện Vĩnh
Tường ghi lại ngôi chùa Bảo Quang, một ngôi chùa cô nổi tiếng ở huyện
Bạch Hạc, sau nạn binh đao đã được tu sửa, sau đó được bổ sung làm mới
thêm tượng thờ. Tất cả công việc này đều do những người dân địa phương
thực hiện.
Rõ
ràng, qua những thông tin ít ỏi có thể thấy tuy phải gánh chịu sự tàn
phá của chiến tranh, vùng đất Vĩnh Phúc thế kỉ XVI đã có những biến đổi
rõ rệt. Đời sống kinh tế dần được hồi phục. Với vai trò là cầu nối giữa
vùng thượng du với Thăng Long và vùng hạ châu thổ đã tạo ra những cơ hội
thay đổi của vùng đất này được thể hiện trong đời sống tín ngưỡng, tâm
linh. Phật giáo ngày càng có ý nghĩa quan trọng và có ảnh hưởng tới cả
một bộ phận quý tộc. Tất cả những điều đó cho thấy sự hiện diện đầy đủ
của vùng đất này trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của quốc gia
Đại Việt.