Sign In

ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VĨNH PHÚC THẾ KỶ XVII - XVIII

07/09/2011
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

ĐỜI SỐNG VĂN HÓA

Những biến động trong đời sống kinh tế - chính trị của vùng đất Vĩnh Phúc trong các thế kỉ XVII - XVIII không những không làm suy giảm sự phát triển văn hoá của các cộng đồng dân cư nơi đây mà thực tế chính từ những khó khăn thử thách ấy, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân lại càng phong phú đa dạng, đặc biệt là đời sống tôn giáo tín ngưỡng. Bên cạnh Nho giáo được chính quyền nhà Lê duy trì như một bệ đỡ tư tưởng thì trong giai đoạn này đánh dấu sự phục hồi trở lại của các tôn giáo truyền thống, đặc biệt là Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.

Sự phát triển của đạo Phật trên vùng đất ngã ba sông được gắn liền với các cư dân thường xuyên phải đối phó với thiên tai sông nước, của những thương nhân buôn bán trên tuyến sông Hồng với đầy những rủi ro bất trắc đã tạo nên hệ thống chùa chiền được xây dựng với quy mô lớn hầu khắp các làng xã. Việc xây dựng chùa chiền và gửi hậu không chỉ có các tầng lớp bình dân mà nhiều quan lại, quý tộc của chính quyền nhà Lê cũng tham gia. Bia Thanh Tước Sùng Ân bi tại chùa Sùng Ân, xã Thanh Tước, huyện Mê Linh dựng vào năm Hoàng Định 1 (1601) đã ghi lại việc Bình An Vương Trịnh Tùng và nhiều quan lại cao cấp của triều đình tham gia đóng góp tiền của xây dựng. Phật giáo dù không còn đóng vai trò là tư tưởng trong các thiết chế nhà nước nhưng những triết lí của nó dường như vẫn để lại những dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm linh của mọi tầng lớp xã hội.

Bên cạnh Phật giáo, thời kì này cũng đánh dấu sự phát triển nở rộ của các hình thức tín ngưỡng dân gian truyền thống như tín ngưỡng thờ thành hoàng, thờ cúng tổ tiên, những người anh hùng có công với đất nước và tín ngưỡng thtự nhiên vẫn được duy trì. Đền Bạch Trì xã Long Trì, huyện Tam Dương ghi lại thần tích ba vị đại vương được thờ ở đền đã có công đánh giặc Hán. Điện Bắc Cung tại xã Thư Xá, huyện Yên Lạc là một di tích có từ lâu đời thờ thần Tản Viên đã được tu sửa nhiều lần. Hiện tượng gửi hậu phổ biến các làng xã trở thành một tập tục khá quen thuộc của nhân dân địa phương.

         Song thành tựu nổi bật nhất về văn hoá của Vĩnh Phúc trong các thế kỉ XVII - XVIII chính là sự phát triển của nền giáo dục Nho học. Người ta có thể nhận ra hầu hết các làng xã và các phủ huyện đều xây dựng văn chỉ với quy mô lớn như là những hình thức tôn vinh những người trí thức Nho giáo. Nhiều làng còn dành ra những khoản ruộng công của mình để làm học điền cho những người theo nghiệp khoa cử. (Bia Tiên hiền từ vũ lập bi kí tạo năm Vĩnh Thịnh 2 (1706) dựng tại văn chỉ xã Bình Hoà, huyện Tam Dương ghi nội dung xã Bình Khang, An Khang dựng chung một văn chỉ để thờ các bậc tiên hiền và những người có đỗ đạt trong hàng xã có bài thơ ca tụng đạo học được chấn hưng.

Bia Từ vũ  bi kí  tạo năm Cảnh Hưng 44 (1783) văn từ xã tại thôn Đông xã Vĩnh Mỗ, tổng Đông Lỗ, huyện Yên Lạc ghi việc xây dựng ván chỉ xã Vĩnh Mỗ, huyện An Lạc phủ Tam Đới.

Bia Học xá điền thổ bi kí tạo năm Chính Hoà 23 (1702) dựng tại văn chỉ Văn Trưng phủ Vĩnh Tường có nội dung ca ngợi nền quốc học, được thịnh hành khắp nơi. Hai xã Văn Trưng và Lăng Trưng muốn có nơi giáo dục nhân tài đã góp công để xây dựng trường học và để nuôi dưỡng thầy.

 (Bia Hương trại điều lệ bi ở đình xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường dựng vào năm Cảnh Hưng 28 (1767) ghi lại 7 điều hương lệ của làng trong đó ngay điều thứ nhất ghi việc dân làng trích đất công của xã để dựng hai dãy nhà học, mỗi dãy 5 gian, mời thầy về dạy học, chung góp 800 quan cổ tiền để mua 8 mẫu ruộng, trong đó dùng hoa lợi để chi cho học xá và chi cho công việc của hội tư văn).      

Với ý chí và truyền thống của cả một cộng đồng cư dân đề cao và coi trọng việc giáo dục, vùng đất này đã sinh ra nhiều trí thức đã có những đóng góp sự phát triển văn hoá của đất nước trong các thế kỉ XVII - XVIII. Theo thống kê chưa đầy đủ thì chỉ riêng dưới thời Lê - Trịnh, vùng đất Vĩnh Phúc ngày nay có 17 người đỗ tiến sĩ, trong đó có nhiều người giữ nhiều trọng trách quan trọng của đất nước. Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết về khoa mục cả 5 huyện của phủ Tam Đới thì huyện nào cũng có người đỗ và nhiều nhất là Lập Thạch.

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 8 bản ghi

Số lượt truy cập: 45.201.612

EMC Đã kết nối EMC