Sign In

CÁC PHONG TRÀO KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN VĨNH PHÚC THẾ KỶ XVII - XVIII

07/09/2011
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

CÁC PHONG TRÀO KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN

Các cuộc khởi nghĩa nông dân trên vùng đất Vĩnh Phúc và miền núi phía Tây trong phần lớn thế kỉ XVIII là một trong những hiện tượng phản ánh tinh thần quật khởi đấu tranh chống lại ách áp bức của các tầng lớp nhân dân trước chính sách cai trị của nhà Lê. Thực ra, các phong trào đấu tranh này xuất hiện từ khá sớm, song ban đầu nó chỉ mang tính chất tự phát với quy mô nhỏ. Hơn thế nữa nhiều cuộc đấu tranh lúc đầu không hoàn toàn là các cuộc khởi nghĩa mà chủ yếu là các toán cướp được hình thành từ các lực lượng tàn binh nhà Mạc.

Từ khoảng thập niên 30 của thế kỉ XVIII, tính chất giai cấp trong các cuộc đấu tranh đòi quyền sống của những người nông dân, của cộng đồng các dân tộc thiểu số phải sống dưới nhiều tầng áp bức ngày càng được thể hiện một cách rõ rệt, nhất là khi họ là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn để lại. Tiêu biểu nhất là hai cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Dương Hưng và Nguyễn Danh Phương.

Nguyễn Dương Hưng vốn là một nhà sư vùng rừng núi Tam Đảo, đã đứng lên cầm đầu cuộc khởi nghĩa tại vùng núi Tam Đảo. Từ đây, nghĩa quân đã nhiều lần về đánh phá Thăng Long và toả đi nhiều nơi, lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Đến năm 1738, nghĩa quân đã làm chủ cả miền Tam Đảo rộng lớn với hàng nghìn người tham gia. Chính quyền nhà Lê - Trịnh phải cử Đốc đồng Sơn Nam Nguyễn Bá Lân cùng bọn Nguyễn Lịch, Nguyễn Trọng Côn chia đường tiến đánh mới dẹp yên được. Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Dương Hưng tạm yên chưa lâu thì cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương lại bùng nổ.

Nguyễn Danh Phương (có tên gọi khác là Ngũ Thập, dân gian quen gọi ông là Quận Hẻo) vốn là nho sĩ, quê Tiên Sơn, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Lúc đầu ông tham gia cuộc nổi dậy của thủ lĩnh Tế, Bồng trấn Sơn Tây. Khi cuộc nổi dậy này bị đàn áp, thủ lĩnh bị sát hại, Nguyễn Danh Phương đã kế tục và tập hợp quần chúng còn lại, phát triển thêm lực lượng đến hàng vạn người. Ông xưng là Thuận Thiên khai vận đại nhân chiếm cứ vùng Thanh Lãng, Việt Trì, Độc Tôn huyện Tam Dương làm căn cứ. Lợi dụng chính quyền họ Trịnh đang phải tập trung đối phó với các cuộc khởi nghĩa diễn ra rộng khắp Đàng Ngoài, từ Việt Trì, lực lượng Nguyễn Danh Phương có điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng sang miền đông bắc trấn Sơn Tây và phần trấn Thái Nguyên. Ban đầu, triều đình tìm mọi cách dụ dỗ mua chuộc song Nguyễn Danh Phương đã khôn khéo một mặt dùng lễ vật rất hậu đút lót cho các quan lại triều đình, mặt khác, nghĩa quân nhanh chóng bố trí đồn lũy, chiếm cứ nơi hiểm yếu, đặt Đại đồn Độc Tôn, Trung đồn Hương Canh, Ngoại đồn Úc Kì (Phú Bình - Thái Nguyên), lập các Chi đồn lũy riêng nhiều gấp đôi xung quanh…để nuôi dưỡng lực lượng. Trong vùng làm chủ, Nguyễn Danh Phương cho xây dựng cung điện, sắp đặt quan chức theo quy thức một triều đình, tổ chức làm ruộng, tích lũy lương thực thực phẩm, thu các loại thuế mỏ, thuế lâm thổ sản (chè, sơn, tre, gỗ).

Trịnh Doanh cho “triệu” Nguyễn Danh Phương về triều. Thủ lĩnh nghĩa quân không nhận lệnh. Doanh sai quân đi đánh. Nguyễn Danh Phương dùng tiền bạc của cải để vô hiệu hóa bọn tướng Trịnh. Bọn này hám lợi, “dung túng để bảo toàn lấy thân”. Năm 1744, nghĩa quân tấn công sang Bạch Hạc. Đốc suất Sơn Tây, Tạo sĩ Văn Đình ức đem vệ binh Kinh thành hợp với vài vạn người do bọn hào mục, chức dịch địa phương huy động đến bao vây, đóng quân xã Nghĩa Yên. Nguyễn Danh Phương nhân đêm tối đã tổ chức rút lui. Đình ức vừa tránh, vừa tưởng nghĩa quân suy thế quân đội của y, không đánh gấp. Nguyễn Danh Phương đưa quân an toàn về Thanh Lãng.

Nửa cuối những năm bốn mươi, từ căn cứ Thanh Lãng - Sơn Tây, các toán nghĩa quân thường bất ngờ tấn công đánh ra các vùng xung quanh, hoặc chọc thẳng xuống Kinh thành. Khâm định Việt sử thông giám cương mục gọi chung là "giặc Sơn Tây", là hành động "quấy nhiễu cướp bóc".

Tháng 8 năm 1748, nghĩa quân bất ngờ tiến sát xuống vùng Thăng Long. Phủ chúa Trịnh phải hạ lệnh cho bọn Lê Hữu Kiều, Hà Huân, Vũ Khâm Lân, Ngô Đính Oánh chia nhau giữ nơi xung yếu, ngày đêm tuần hành xem xét, dự định mưu kế ngăn ngừa, chống chọi. Trịnh Doanh đã phải điều gấp "lão tướng" Hoàng Ngũ Phúc đem quân đi tuần hành trấn dẹp phía Sơn Tây nhưng kế hoạch cũng không thực hiện được bởi Nguyễn Hữu Cầu và các lực lượng Sơn Nam đẩy mạnh các hoạt động và thường xuyên đe dọa kinh thành.

Cuối năm 1749, nghĩa quân từ Bạch Hạc tấn công Cổ Đô - Tiên Phong (Hà Tây). Hiệp trấn Sơn Tây là Hà Huân dâng thư cấp báo. Trịnh Doanh hạ lệnh cho Cai cơ Nguyễn Phan, Phó đốc thị Bùi Trọng Huyến đi đánh. Trấn thủ Đinh Văn Giai xem xét thời cơ tìm cách ứng tiếp. Bọn Nguyễn Phan hội họp các đạo quân tập kích vào khu căn cứ Thanh Lãng, bắt được Văn Bì, Văn Quảng - hai em của Nguyễn Danh Phương. Bất ngờ, Nguyễn Danh Phương đem đại quân trở lại vây bọc Thanh Lãng. Quân Trịnh trở lên nguy khốn, phải thả ngay hai em của Danh Phương mới được giải vây.

Tháng 2 năm 1751, sau khi đánh bắt nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu, Trịnh Doanh đã tập trung binh lực và đích thân đem đại binh với các viên tướng dày dạn trận mạc như Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Nghiễm, Đoàn Chú tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Đại quân của Trịnh Doanh vòng lên đường Thái Nguyên, đang đêm tập kích vào các đồn luỹ Úc Kì, Hương Canh rồi tập trung binh lực vào hạ căn cứ trung tâm Ngọc Bội. Dẫu làm chủ trên điểm cao, nhưng trước áp lực tấn công của tổng binh lực quân Trịnh, đại đồn Ngọc Bội của lực lượng nghĩa quân không trụ được, Nguyễn Danh Phương phải chạy về cố thủ ở núi Độc Tôn rồi về Tính Luyện (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Quân Trịnh tiếp tục bao vây truy kích bắt được Nguyễn Danh Phương rồi giải về Thăng Long. Tháng 3 năm Tân Mùi - 1751, cùng với Nguyên Hữu Cầu - Quận He, Nguyễn Danh Phương - Quận Hẻo, thủ lĩnh của nghĩa quân vùng Sơn Tây, bị họ Trịnh đưa lên đoạn đầu đài kinh thành Thăng Long.

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 8 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.595.142

EMC Đã kết nối EMC