Sign In

Khuyến khích đoàn viên thanh niên khởi nghiệp

10/10/2022
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Với những chính sách thiết thực hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp của tỉnh, phong trào khởi nghiệp của thanh niên Vĩnh Phúc đang có sức lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp đoàn viên, thanh niên nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.

Công ty TNHH V&T Vĩnh Phúc tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động
với thu nhập trung bình từ 10-15 triệu đồng/người/tháng

Vốn yêu thích nghề cơ khí từ nhỏ, ngay từ khi còn là học sinh cấp 3, Nguyễn Văn Vũ, phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên đã vừa dành thời gian học văn hóa vừa theo học nghề cơ khí tại một cơ sở sản xuất gần nhà. Chia sẻ với chúng tôi, Vũ cho biết, hành trang khởi nghiệp mà anh có được thuở ban đầu chỉ là ý chí quyết tâm vượt khó. Sau 3 năm vừa học văn hóa vừa học nghề để học hỏi kinh nghiệm, ra trường, Vũ tiếp tục đi làm thuê tại một số cơ sở sản xuất cơ khí để tích lũy vốn và kinh nghiệm nghề nghiệp. Với sự chăm chỉ, chịu khó, đam mê tìm tòi, sáng tạo, anh nhanh chóng trở thành thợ cơ khí lành nghề.

Năm 2010, anh quyết định mở xưởng sản xuất gia công cơ khí tại nhà từ số tiền ít ỏi tích lũy được sau nhiều năm đi làm thuê và vay mượn anh em, người thân, bạn bè cùng nguồn vốn hỗ trợ của Đoàn thanh niên. Ban đầu với 20 triệu động khởi nghiệp, anh chỉ đầu tư một số máy móc cơ bản đủ điều kiện để một người thợ cơ khí có thể làm nghề, bao gồm: 1 máy hàn, 1 máy cắt, 1 máy cầm tay và 1 máy khoan. Không chỉ khó khăn về vốn mua sắm thiết bị, thuê mặt bằng, xưởng sản xuất của anh có quy mô nhỏ, chưa xây dựng được thương hiệu nên việc tiếp cận khách hàng không ít khó khăn.

Với sự kiên trì, luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, quan tâm đến từng chi tiết lỗi nhỏ, những sản phẩm cơ khí do anh sản xuất và lắp đặt bảo đảm độ bền và tính thẩm mỹ cao, từng bước tạo được lòng tin đối với khách hàng. Sau khoảng 5 năm xây dựng hình ảnh, xưởng cơ khí của anh dần được nhiều người biết đến; tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và các công trình anh làm, nhiều người đã tìm đến hợp tác đầu tư. Công việc thuận lợi, năm 2020, anh thành lập công ty TNHH V&T Vĩnh Phúc. Vừa làm vừa mở rộng về quy mô diện tích và lao động, đến nay, xưởng sản xuất công ty anh đã có diện tích khoảng 700m2, có cả dàn máy tiên tiến nhất để dành sản xuất cửa nhôm và đầy đủ các loại máy móc phục vụ việc gia công cơ khí, gồm: Máy cắt 2 đầu, ép góc, khoan quét, dập khóa, máy hàn, bình hơi, máy phay, máy đột… Anh cũng đầu tư 2 xe ô tô phục vụ công việc và vận chuyển hàng hóa. Nhận sản xuất và lắp đặt tổng thể về cửa, cầu thang, các mặt hàng về cơ khí, công ty của anh đã  chiếm lĩnh được niềm tin của khách hàng trong tỉnh và một số địa phương lân cận: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, thành phố Hà Nội.

Thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, số đơn đặt hàng của công ty ngày càng nhiều. Hiện công ty thường xuyên tạo việc làm cho 15 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 10 -15 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, lợi nhuận thu về của Công ty TNHH V&T Vĩnh Phúc đạt khoảng 700 triệu đồng.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, cuộc sống còn nhiều khó khăn, anh Ngô Văn Hùng, xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên luôn trăn trở tìm hướng đi để thay đổi cuộc sống. Anh quyết định tham gia lớp học chăn nuôi thú y tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc để tìm hướng khởi nghiệp. Năm 2007, tốt nghiệp ra trường, được sự giúp đỡ của gia đình, của tổ chức Đoàn cùng với nghị lực bản thân, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại. Thời gian đầu do thiếu vốn và kinh nghiệp nên trang trại của anh không phát triển được. Nhờ sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, trong đó có đoàn thanh niên về vốn, kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, anh đã tập trung mở rộng trang trại về quy mô, hạ tầng và cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi. Đến nay, trang trại gia đình anh đã được mở rộng với 32.000m2, nuôi hơn 100 con lợn nái, sản lượng trung bình mỗi năm được hơn 1.300 lợn giống, cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại với tổng diện tích gần 6.000m2 để nuôi hơn 10.000 con gà theo hình thức bán công nghiệp kết hợp với truyền thống, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình còn trồng 100 cây bưởi diễn, 30 cây mít và 50 cây cam canh, mỗi năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng.

Với mô hình trang trại tổng hợp, bình quân mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình anh Hùng đạt khoảng 750 triệu đồng. Mô hình còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian qua, Ban thường vụ Tỉnh đoàn đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2027, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thanh niên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội vận động đoàn viên, hội viên, thanh niên hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo” do Trung ương Đoàn phát động, tham gia đăng tải ý tưởng sáng tạo vào “Ngân hàng ý tưởng sáng tạo Việt Nam”. Đến nay, đã có trên 16.900 ý tưởng, sáng kiến đăng ký qua Cổng thông tin ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam. Đồng thời, nhiều cuộc thi, diễn đàn được Tỉnh đoàn phát động, đã góp phần thúc đẩy, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. Trong đó, phải kể đến các cuộc thi: Ý tưởng dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022; Ý tưởng khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên, năm 2022 với chủ đề “Khởi nghiệp trong thời kỳ công nghệ chuyển đổi số”; hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên thanh niên tham gia Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn, Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp Quốc gia, Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022… Nhiều chương trình tọa đàm, đối thoại về khởi nghiệp cũng được tổ chức gắn với tuyên dương thanh niên tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp như: Tọa đàm Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; tọa đàm Thanh niên với khởi nghiệp và việc làm; diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp và tuyên dương thanh niên tiêu biểu khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022; chương trình Hướng nghiệp Gen Z năm 2022 với chủ đề “Hướng nghiệp tận tâm - Gen Z chọn đúng”.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và đoàn thanh niên cấp huyện cũng thành lập Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp tỉnh, Câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kịp thời hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trong quá trình khởi nghiệp. Trong năm 2022, Tỉnh Đoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức xây dựng dự án khởi nghiệp cho thành viên các câu lạc bộ, thu hút 140 thành viên tham gia. Đồng thời, tổ chức tập huấn ứng dụng chuyển đổi số trong tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho gần 130 cán bộ, đoàn viên thanh niên.

Công tác hướng dẫn và hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay khởi nghiệp, giải quyết việc làm được triển khai khá hiệu quả song song với việc rà soát hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ thực hiện các dự án. Trong 9 tháng năm 2022, Đoàn thanh niên các cấp đã hỗ trợ 80 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có 5 hợp tác xã, 92 tổ hợp tác và 262 mô hình, câu lạc bộ phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ hoạt động hiệu quả với 2.668 đoàn viên tham gia; tổng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội qua Đoàn thanh niên quản lý trên 456,7 tỷ đồng. Từ đó, đã góp phần giải quyết việc làm, khuyến khích đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Hồng Yến

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 4422 bản ghi
EMC Đã kết nối EMC