Sign In

Gia tăng đột quỵ ở người trẻ

01/04/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Nếu trước đây các trường hợp đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi thì hiện nay, đột quỵ đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa ở nhóm đối tượng 30 - 50 tuổi. Trong đó, các triệu chứng của đột quỵ bao gồm: Liệt, yếu nửa người; méo miệng; giảm thị lực; đau đầu dữ dội…
 

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện can thiệp hút huyết khối ở người bệnh đột quỵ
 
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những năm gần đây, số ca bệnh đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng. Theo đó, tỷ lệ người bệnh từ 30 - 50 tuổi mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận trong năm 2024 đã tăng trên 30% với các năm trước.

Gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và cấp cứu thành công nam bệnh nhân 32 tuổi, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên bị đột quỵ do nhồi máu não. Được biết, người bệnh không có tiền sử về các bệnh lý mạn tính, nhập viện với triệu chứng liệt nửa người phải, nói khó, được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trái. Ngay lập tức, người bệnh được các bác sĩ Khoa Cấp cứu thăm khám và chỉ định chụp mạch não số hóa xóa nền, can thiệp mạch lấy huyết khối. Sau khoảng 40 phút can thiệp, ekip đã lấy thành công các mảnh huyết khối kích thước 0,5 x 6cm, mạch máu não của người bệnh được tái thông hoàn toàn. Sau can thiệp 2 ngày, người bệnh tỉnh táo, vận động tay và chân phải đượ cải thiện, tiếp tục được theo dõi điều trị phục hồi chức năng và tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ, đồng thời có phác đồ theo dõi và điều trị dự phòng đột quỵ tái phát.

Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứ kịp thời thì bệnh viện cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân nhập viện muộn bỏ qua giờ vàng sơ cứu. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết như: Chóng mặt, nói khó, tê bì nửa người, khó phát âm, nhiều người thường xuyên bỏ qua và nghĩ bị vấn đề khác chứ không phải đột quỵ, nhất là những người trẻ thường nghĩ đột quỵ là bệnh của người già.

Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Trừ Văn Trưởng, Phó Trưởng khoa, phụ trách Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đột quỵ ở người trẻ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân liên quan đến các bệnh lý miễn dịch, di truyền và đặc biệt do tác động của lối sống bao gồm: Sử dụng thuốc tránh thai; lạm dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá; thừa cân béo phì; lười vận động; thức khuya; căng thẳng trong cuộc sống, công việc; đặc biệt, nhiều người nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên không khám sức khỏe định kì, chỉ tới khi đột quỵ vào viện mới phát hiện mình mắc các bệnh nền như huyết áp, tim mạch... Hay nhiều tình trạng bệnh lý cũng có thể làm tăng khả năng bị đột quỵ. Do vậy, không nên chủ quan với những dấu hiệu bất thường của cơ thể; nếu xuất hiện các triệu chứng như đau đầu kéo dài, chóng mặt, tê bì chân tay không rõ nguyên nhân, cần đến bệnh viện để kiểm tra và phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
 
Bác sĩ cũng khuyến cáo mỗi người dân cần cân đối giữa các nhóm thực phẩm với nhau, tăng cường rau xanh nhưng đồng thời vẫn bảo đảm những nhóm chất sinh năng lượng như protein (cá, thịt trắng, trứng, hạn chế các loại thịt đỏ), bổ sung lipit, gluxit... Bên cạnh đó, duy trì thói quen luyện tập thể thao tối thiểu 30 phút/ngày và nên khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc và phát hiện yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe.

 

Không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện muộn bỏ qua giờ vàng điều trị đột quỵ
 
“Khi một người có dấu hiệu đột quỵ, thời gian là yếu tố quyết định sự sống. Thời gian vàng để điều trị đột quỵ não là 4,5 giờ nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối (làm tan cục máu đông) hoặc trong 6 - 8 giờ nếu sử dụng phương pháp lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Nếu người bệnh được điều trị trong khoảng thời gian này hoặc sớm hơn thì hoàn toàn có cơ hội hồi phục, hạn chế tối đa biến chứng. Ngược lại, nếu cấp cứu muộn hơn, việc điều trị sẽ trở nên rất khó khăn, cơ hội phục hồi sẽ thấp đi, khả năng tiên lượng xấu rất cao”, bác sĩ Trưởng nhấn mạnh.

Những dấu hiệu ban đầu của đột quỵ có thể nhận biết qua các biểu hiện như tê hoặc yếu cơ, thường xảy ra ở một bên cơ thể; thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt; chóng mặt, mất thăng bằng, khó đi lại hoặc cử động; nói ngọng, nói khó, lưỡi bị tê cứng... Nếu bản thân hoặc người thân xuất hiện những triệu chứng này, cần gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa đến bệnh viện nhanh nhất có thể; bất kỳ sự trì hoãn nào cũng có thể khiến cơ hội phục hồi của bệnh nhân giảm đi đáng kể.

Đột quỵ không còn là bệnh của riêng người già mà ngày càng trẻ hóa với tốc độ đáng lo ngại. Việc chủ động nhận thức về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng. Để đột quỵ không trở thành nỗi ám ảnh của người trẻ, mỗi cá nhân cần thay đổi lối sống ngay từ bây giờ, xây dựng thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học, đồng thời thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Thu Thủy

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 533 bản ghi
EMC Đã kết nối EMC