Sign In

Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai

02/04/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Trước diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường của các hiện tượng thời tiết cực đoan, tỉnh đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp, phương án phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, nhanh chóng ổn định đời sống cho Nhân dân, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến trái quy luật, khó lường. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn bất thường, lũ, giông lốc, bão, mưa đá, nắng nóng gay gắt… có chiều hướng gia tăng về tần suất và cường độ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Điển hình như năm 2024, cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão đã làm 2 người chết, 2 người bị thương; 338 ngôi nhà, 32 cơ sở giáo dục, 9 cơ sở y tế, 4 di tích lịch sử, 11 công trình văn hóa các loại, 14 trụ sở cơ quan, 11 nhà kho, phân xưởng bị thiệt hại; 27.210 cây xanh, 234 cột điện bị gãy, đổ. Đối với ngành Nông nghiệp, mưa lớn làm 9.830 ha lúa, 2.296 ha hoa màu, 941 ha thủy sản bị ảnh hưởng; gần 18.000 con gia cầm, 600 con gia súc bị chết.

 
Lực lượng chức năng diễn tập các phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố thiên tai

Nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hằng năm, tỉnh đã chủ động xây dựng và linh hoạt triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời. Công tác chỉ huy, điều hành, điều phối; công tác chuẩn bị, huy động lực lượng, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” kịp thời, chính xác. Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở cả 3 cấp và các sở, ban, ngành, đoàn thể được kiện toàn. Quán triệt phương châm “4 tại chỗ” và phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” trong phòng, chống thiên tai, hằng năm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng và quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; diễn tập, huấn luyện kỹ năng và kiểm tra năng lực bảo đảm sẵn sàng ứng phó thiên tai... góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tùy theo cấp độ của hình thái thiên tai, các địa phương sẵn sàng sơ tán Nhân dân khỏi vùng bị ảnh hướng đến nơi an toàn gắn với chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị lương thực, nước uống, thuốc dự phòng...

Trước mùa mưa bão hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tiến hành kiểm tra hiện trạng hệ thống các công trình phòng, chống thiên tai, công trình thủy lợi, đê điều… để đánh giá hiện trạng, phân loại, xây dựng phương án bảo vệ; chủ động triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho các vị trí trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm ứng phó kịp thời các sự cố thiên tai theo phương án đã xây dựng. Nhằm thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như mở rộng, nâng cấp các tuyến đê Trung ương, đê địa phương bảo đảm chống lũ kết hợp làm đường giao thông; cải tạo, nâng cấp các hồ chứa nước, bảo đảm cắt lũ. Đồng thời, tích nước phục vụ sản xuất; khơi thông, nạo vét các luồng tiêu; xây dựng mới, sửa chữa các trạm bơm trên địa bàn tỉnh; xây dựng các cầu vượt qua ngầm, tràn trên các tuyến đường giao thông.

Năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến xu hướng gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão mạnh, mưa lớn kéo dài và hạn hán khắc nghiệt do tác động của biến đổi khí hậu. Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp, lực lượng vũ trang; lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của tỉnh theo hướng kết hợp đa mục tiêu, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực. Cùng với đó, tập trung xử lý các trọng điểm đê điều xung yếu; sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...; tăng cường đầu tư nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai các cấp; đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
Phùng Hải
 

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 4426 bản ghi
EMC Đã kết nối EMC