Chọn cỡ chữ
A
a
In trang
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực số . Xác định nhân lực công nghệ thông tin là chìa khóa, yếu tố tiên quyết nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tạo nền tảng, cơ sở cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thời gian qua, bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng, công nghệ, tỉnh luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức phát triển nguồn nhân lực số. Qua đó, góp phần tích cực vào hiện thực hóa các mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số của tỉnh.Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 cán bộ, công chức, viên chức làm chuyên trách và kiêm nhiệm về chuyển đổi số, hơn 140 công chức, viên chức làm chuyên trách và kiêm nhiệm về an toàn thông tin. Đến nay, hầu hết các sở, ngành, địa phương đều đã bố trí tối thiểu 1 cán bộ phụ trách kỹ thuật về công nghệ thông tin của đơn vị. Đội ngũ cán bộ này đều có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin, cơ bản đáp ứng việc tham mưu, vận hành hệ thống công nghệ thông tin tại đơn vị. Cùng với đó là hơn 1.200 “Tổ công nghệ cộng đồng và Đề án 06” được thành lập trên cơ sở hợp nhất “Tổ công tác Đề án 06” với “Tổ công nghệ cộng đồng” tại các huyện, thành phố với tổng số thành viên lên tới gần 10.000 người với lực lượng chủ chốt là đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ, hội viên nông dân. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số, hằng năm, tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ, lãnh đạo quản lý, cán bộ cơ quan Nhà nước. Hoạt động bồi dưỡng, tập huấn những năm gần đây đang từng bước thay đổi để phù hợp với tình hình mới, chuyển từ các khóa bồi dưỡng tập trung thành khóa bồi dưỡng online theo các hướng dẫn của Trung ương. Chỉ tính riêng giai đoạn 2023 - 2024, có tới gần 20.000 lượt cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng. Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số, hiện, 100% cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh có đào tạo về công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Mỗi năm, có hơn 800 sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp chuyên ngành liên quan đến chuyển đổi số.Cán bộ, công chức tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dânTừ sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, chất lượng nguồn nhân lực số thời gian gần đây đã có sự cải thiện và từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong giai đoạn mới, nguồn nhân lực dành cho lĩnh vực này chưa tương xứng, còn thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Hiện, phần lớn nhân lực công nghệ thông tin tại các đơn vị là kiêm nhiệm, bán chuyên trách nên gặp nhiều khó khăn trong việc quản trị, vận hành hệ thống công nghệ thông tin; vẫn còn tình trạng cán bộ công nghệ thông tin xin thôi việc trong cơ quan Nhà nước; thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin để chủ động triển khai các ứng dụng, nền tảng số cho địa phương. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển, bố trí nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin tại đơn vị; người đứng đầu một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao ý thức, chưa thực sự trách nhiệm, thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoặc tham mưu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Ngoài ra, nguồn nhân lực tham mưu trong công tác chuyển đổi số tại một số đơn vị còn thiếu, hạn chế về năng lực do đó khó khăn trong đề xuất các nội dung, giải pháp triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.Để không chậm chân, lỗi nhịp trong công cuộc chuyển đổi số, tỉnh tiếp tục dành nguồn lực và đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số. Trong đó, trọng tâm là nghiên cứu, xây dựng các cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi để thu hút chuyên gia, nhân lực tham gia xây dựng, phát triển chính quyền điện tử; triển khai thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn thông tin, viễn thông, bao gồm các cơ chế ưu đãi về thu nhập, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến nhằm khuyến khích nhân tài đến làm việc tại tỉnh; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực số tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các tổ chức trong và ngoài nước có nhu cầu đầu tư, hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản, kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; rà soát, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức về quản trị hệ thống, an toàn thông tin... cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin làm việc tại các đơn vị, địa phương; cử cán bộ có năng lực tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu phù hợp với chuẩn của trong nước và quốc tế về quản trị mạng, an toàn, bảo mật thông tin.Phùng Hải