Sáng 25/8, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Chỉ thị số 16 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị. Các đồng chí: Đào Ngọc Dung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Tại điểm cầu Vĩnh Phúc
Báo cáo 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho thấy, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đến năm 2022, cả nước có khoảng 451 tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, cao hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị 16. Thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ở nước ngoài ngày càng mở rộng, phát triển từ 9 thị trường năm 2013 tăng lên 25 thị trường, với hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đã đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của người lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ chuyên gia, lao động chuyên nghiệp, với thu nhập bình quân 200 triệu đồng/lao động/năm. Mỗi năm, người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ đô la, tăng 5 lần so với năm 2013.
Thực hiện Chỉ thị số 16 của Ban Bí thư, Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; thành lập ban chỉ đạo giải quyết việc làm cấp tỉnh; ban hành các chính sách riêng để hỗ trợ người lao động tham gia xuất khẩu lao động với mức hỗ trợ cao hơn Trung ương. Đến nay, nhận thức của nhân dân nói chung, người lao động nói riêng về xuất khẩu lao động ngày càng được nâng cao. Công tác quản lý, theo dõi, xây dựng kế hoạch đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và theo dõi, hỗ trợ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được thực hiện thường xuyên. Đến hết tháng 3/2022, toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động; từ năm 2013 đến nay, Vĩnh Phúc có trên 15.400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đề xuất Ban Bí thư ban hành chỉ thị mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong hình hình mới, đồng thời, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới. Tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan về báo cáo, thông tin, thẩm quyền cấp phép đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với quản lý lao động trong nước, bảo đảm đồng bộ, liên thông, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hóa, bảo hộ công dân đi làm việc ở nước ngoài.
Khẳng định việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là xu hướng tất yếu nhằm bảo đảm hài hòa việc cung ứng nguồn lao động giữa trong nước và ngoài nước, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đưa người lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài. Chủ động rà soát, có các cơ chế, chính sách phù hợp; lựa chọn một số địa bàn trọng tâm, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, bảo đảm tốt việc cung cầu của thị trường lao động cả trong nước và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, người lao động về công tác này. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm các quy định của Nhà nước về đào tạo, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; khuyến cáo, cảnh báo đến công dân về các thị trường lao động rủi ro…
Thanh Nga