Sign In

Tạo bước đột phá từ nông nghiệp công nghệ cao

18/03/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Xác định ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu nhằm tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng nông sản, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ và thu hút người dân, doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và kinh doanh nông sản.

Bằng tư duy đổi mới, sáng tạo cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, những năm gần đây, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Xuyên đã nghiên cứu, trồng thử nghiệm thành công sâm Hàn Quốc, một số giống sâm quý bản địa Việt Nam và cây Wasabi ứng dụng công nghệ Smart farm. Ngoài ra, công ty cũng phối hợp, liên kết với các đơn vị, đối tác trong và ngoài nước thử nghiệm các giống phân bón mới, các chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi và trồng trọt; xây dựng mô hình nhà màng trồng một số giống nho mới và phòng thử nghiệm nuôi cấy ứng dụng công nghệ sinh học cho một số giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao; sản xuất một số giống nấm của Hàn Quốc tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Bích Thủy, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng các máy móc nông nghiệp hiện đại như máy làm đất, máy bón phân, máy thu hoạch và công nghệ AI vào các hoạt động trồng trọt, nuôi cấy, nghiên cứu. Việc ứng dụng công nghệ thông minh đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, mở ra nhiều triển vọng hợp tác kinh tế. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở thêm thị trường để chuyển giao, mở rộng diện tích trồng sâm, cúc chi vàng, Wasabi Nhật Bản... ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, phục vụ lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ uống; hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, có giá trị kinh tế cao trong nước và xuất khẩu”.
 
Công ty TNHH Nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Xuyên trồng thử nghiệm thành công cây Wasabi
ứng dụng công nghệ Smart farm
Công ty TNHH Nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Xuyên chỉ là 1 trong số hơn 80 doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng nông nghiệp thông minh, có hoạt động thương mại điện tử. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hơn 130 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý kinh doanh. Những năm gần đây, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc, công nghệ được áp dụng rộng rãi vào tất cả các công đoạn trong sản xuất nông nghiệp như: Quy trình canh tác như sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP; ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI, quản lý dịch hại tổng hợp IPM; hệ thống quản lý cây trồng tổng hợp ICM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM; ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản; ứng dụng các mô hình chăn nuôi khép kín công nghệ cao… Đến hết năm 2024, 95% tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn tỉnh đã được làm đất bằng máy, trong đó có 75% diện tích thu hoạch bằng máy. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp tiết kiệm nhân công, tăng năng suất cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm mà còn góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản, từng bước thực hiện công nghiệp hóa sản xuất trong nông nghiệp, tiến tới nền nông nghiệp hiện đại. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh đứng thứ thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước năm 2023. Năm 2024, mặc dù chịu thiệt hại do thiên tai, đặc biệt ảnh hưởng bởi bão số Yagi, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc vẫn đạt mức tăng trưởng 1,53%.

Có được kết quả trên là nhờ những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 202 về chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 86 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Nghị quyết số 87 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn cả về số lượng, quy mô cũng như chất lượng, chưa tương xứng với tiềm năng. Đa số nông dân vẫn còn chậm trong làm chủ ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất của người dân vẫn còn theo tập quán cũ, tự do, thiếu liên kết, chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất còn thấp. Theo tìm hiểu, nguyên nhân là do đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi đó, lợi nhuận thu về không cao khiến khả năng quay vòng vốn chậm, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh nên doanh nghiệp, người dân chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất của người lao động còn hạn chế; việc tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi vẫn gặp nhiều khó khăn; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn.

Để mở ra cơ hội mới cho phát triển nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh dồn thửa, đổi ruộng, thực hiện công tác tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tiếp cận các nguồn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi, nguồn lực đất đai, góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung, quy mô lớn; đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ quy mô trang trại tập trung kết hợp với nuôi trồng công nghệ kỹ thuật cao. Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân đăng ký thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng các trang website quảng bá sản phẩm; xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương; quan tâm hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trực tiếp tham gia nghiên cứu hoa khọc, nhận chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiện đại như: Công nghệ sinh học, công nghệ gens, công nghệ tưới tiêu, cơ giới hóa...; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sử dụng và trao đổi thông tin về công nghệ cao trong nông nghiệp; tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm công nghệ cao trong nông nghiệp với quy mô quốc gia, quốc tế.
Phùng Hải
 

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 20 bản ghi
EMC Đã kết nối EMC