Sign In

ĐỜI SỐNG CỦA CƯ DÂN TRONG THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC HÙNG VƯƠNG - AN DƯƠNG VƯƠNG

07/09/2011
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

ĐỜI SỐNG CỦA CƯ DÂN TRONG THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC HÙNG VƯƠNG - AN DƯƠNG VƯƠNG

Vào thời này, người Việt cổ đã chiếm cứ hầu khắp các vùng từ vùng núi, trung du đến đồng bằng và ven biển, trong đó phát triển mạnh nhất là lưu vực sông Hồng. Đất Vĩnh Phúc nằm trong khu vực này - cái nôi của nền văn minh Việt cổ. Trình độ kỹ thuật và kinh tế giai đoạn này không những kế thừa trực tiếp những thành tựu, kinh nghiệm sản xuất của các giai đoạn văn hoá Tiền Đông Sơn, mà còn tạo ra bước nhảy vọt mới trong đời sống kinh tế - xã hội. Nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo, các ngành thủ công nghiệp, đặc biệt là nghề luyện kim đồng phát triển và ngày càng phổ biến, nghề luyện sắt ra đời, cùng sự giao lưu trao đổi trong vùng với các nền văn hoá láng giềng đã làm cho bộ mặt kinh tế, văn hóa thời Đông Sơn trở nên phong phú đa dạng hơn trước. Với sự ra đời và phổ biến nhiều loại công cụ bằng đồng như rìu, cuốc, thuổng, xẻng và đặc biệt là lưỡi cày đồng, không những đẩy mạnh việc khai phá mở rộng diện tích trồng trọt, mà còn giúp con người có điều kiện thâm canh tăng năng suất. Văn minh Đông Sơn, vì vậy, đã trở thành một nền văn minh nông nghiệp lúa nước phát triển ở trình độ khá cao.

            Thư tịch cổ Trung Quốc như Thuỷ Kinh chú, Giao Châu ngoại vực kí, Nam Việt chí, Cựu Đường thư, Thái Bình hoàn vũ kí, Phiên Ngung tạp kí đều nói đến vùng lưu vực sông Hồng trước thời Bắc thuộc đất đai mầu mỡ, nông nghiệp lúa nước phát triển. Cư dân Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc đã sinh sống trên một vùng đất phì nhiêu sẵn nước, thừa ánh sáng mặt trời, rất thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây lúa. Đồng thời lại được trang bị công cụ, nông cụ bằng đồng và sau đó là bằng sắt đã thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh. Chứng cứ cụ thể là nhiều loại hình rìu từ rìu hình thang, rìu xoè cân, rìu xéo gót tròn, rìu xéo gót vuông hình hia, hình bàn chân được tìm thấy ở các di tích Đồng Đậu, Nghĩa Lập, Gò chùa Biện Sơn, Ngõ Bụt, Đồng Cốc, Đồng Ba Bậc, Đôn Mục, v.v…Đây là những công cụ đa năng, dùng cho nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cách Vĩnh Phúc không xa, trong khu mộ Làng Cả, Gò De thuộc Phú Thọ đã tìm thấy thuổng đồng hoặc xuôi về Hà Nội, trong các di tích Mã Tre, Xóm Nhồi, Đình Tràng thuộc khu vực Cổ Loa đã phát hiện được các loại cuốc có vai, lười cuốc hình chữ U, xẻng, và đặc biệt là trên một trăm lưỡi cày hình quả tim trong lòng trống đồng. Nông cụ thu hoạch thường có liềm, dao hái, nhíp. Liềm thì đã có từ giai đoạn trước ở Gò Mun, Chùa Thông, nhíp đồng hình vỏ trai, hình bán nguyệt đã tìm thấy trên khu ác Cổ Loa.

            Sự xuất hiện của lưỡi cày đồng đánh dấu bước nhảy vọt quan trọng nhất trong nền kinh tế nông nghiệp lúc bấy giờ. Trên lưu vực sông Hồng, suốt từ Lào Cai, Yên Bái qua Phú Thọ về tới Hà Nội đều đã phát hiện được lưỡi cày đồng hình quả tim hay hình gần tam giác, số lượng lên đến gần 200 chiếc. Vĩnh Phúc nằm trong không gian đó, lại ở ven sông Hồng không lí do gì người nông dân ở đây lại không biết sử dụng lưỡi cày đồng - loại nông cụ tiến bộ nhất lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, trong các di chỉ giai đoạn Tiền Hùng Vương phát hiện được khá nhiều xương răng trâu bò, các nhà nghiên cứu xác định phần lớn là trâu bò nhà. Song phần đông các nhà nghiên cứu đều cho rằng trong giai đoạn này trâu bò được nuôi để lấy thịt, chưa phải dùng làm sức kéo trong nông nghiệp. Dùng trâu bò trong nông nghiệp, nếu có, thì chỉ là để dẫm làm nhuyễn đất các loại ruộng sâu mà thôi. Đến giai đoạn văn hoá Đông Sơn, với việc ra đời của lưỡi cày đồng, có thể người Đông Sơn đã dùng trâu bò kéo cày, cả cày gỗ lẫn cày đồng. Ở Vạn Thắng ven bờ sông Hồng thuộc Phú Thọ, lưỡi cày đồng phát hiện được cùng một chỗ với xương hàm trâu bò. Theo thư tịch cổ Trung Quốc thì vài thế kỉ trước sau Công nguyên người quận Cửu Chân đã biết cày bằng trâu bò. Giao Chỉ, trong đó có Vĩnh Phúc luôn được xem là có nền kinh tế phát triển hơn Cửu Chân chắc hẳn cũng đã biết dùng trâu bò kéo cày. Như vậy là cư dân văn hoá Đông Sơn đã thực hiện bước nhảy vọt từ nền nông nghiệp dùng cuốc lên nền nông nghiệp dùng cày trâu bò kéo.

            Các nhà nông học đã tiến hành đo đạc các hạt lúa gạo và vỏ trấu trong các di tích văn hoá Tiền Đông Sơn và Đông Sơn và đi đến nhận định lúa ở lưu vực sông Hồng lúc bấy giờ chủ yếu là dạng hạt tròn hay bầu, có thể thuộc giống Japonica, còn ở sông Cả lại phổ biến giống lúa hạt thon. Vĩnh Phúc nằm trong khu vực dạng lúa hạt tròn, là loại lúa gần với nếp và lúa nương..

            Như vậy, trên đất Vĩnh Phúc vào thời dựng nước, cư dân đã có một tập hợp giống lúa khá đa dạng, có thể đã có cả lúa nếp, lúa tẻ, cày cấy cả vụ mùa và vụ chiêm. Đáng chú ý là lúa nếp đóng vai trò quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của cư dân nơi đây. Với vùng đất nửa trung du nửa đồng bằng, nền nông nghiệp Vĩnh Phúc thời này cũng rất đa dạng. Ngoài trồng lúa, người dân ở đây còn phát triển nghề làm vườn trồng rau củ, cây ăn quả và cây công nghiệp. Phổ biến hơn cả là rau muống, cà, hành, rau cải, gừng, riềng.

            Sách cổ Trung Quốc cũng nói đến việc trồng cây công nghiệp trên đất Giao Chỉ, Cửu Chân như mía, đay, gai bông, dâu trong khoảng vài ba thế kỉ trước sau Công nguyên. Rất có thể lúc bấy giờ trên đất Vĩnh Phúc những loại cây ưa khô, chịu hạn như bông, mía đã được trồng trên vùng đồi gò, còn loại chuối, đay, dâu được trồng trên vùng châu thổ gần sông. Tóm lại vào thời dựng nước trên đất Vĩnh Phúc cũng như cả vùng lưu vực sông Hồng đã có một nền nông nghiệp đa dạng lấy nông nghiệp trồng lúa nước làm cơ bản và đã đạt đến trình độ cao - nông nghiệp dùng sức kéo của trâu bò.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi gia súc trong giai đoạn này cũng có bước phát triển mới. Bên cạnh những gia súc đã có từ trước như trâu, bò, lợn, chó, gà vẫn ngày càng phổ biến thì một số thú lớn như voi đã được thuần dưỡng. Không kể xương răng các loại gia súc này đã được phát hiện trong các di tích khảo cổ, một số hình ảnh gia súc như bò, gà, chó cũng đã được khắc trên trống đồng, rìu đồng. Tượng voi có bành chở trống đồng cũng đã được thể hiện trên cán dao găm hay tượng voi gắn trên cán muôi cho thấy việc thuần dưỡng voi làm phương tiện chuyên chở là việc không xa lạ với người Đông Sơn. Thư tịch cổ Trung Quốc cho biết voi và trâu bò cũng là những cống phẩm của nước ta cho nhà Hán. Nhưng so với trồng trọt, chăn nuôi chỉ đóng vai trò phụ trợ. Chăn nuôi gia súc vẫn là việc làm của từng gia đình. Môi trường cảnh quan ở Vĩnh Phúc cũng như cả vùng trung du đồng bằng miền Bắc nước ta không thuận lợi cho chăn nuôi lớn, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc.

Với sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp, diện tích rừng cây ngày càng thu hẹp, hoạt động săn bắn hái lượm ngày càng giảm. Song với một hệ thống sông suối đầm hồ dày đặc, công việc đánh bắt cá vẫn ngày một phát triển và có nhiều cải tiến. Trong nhiều di tích đã phát hiện được chì lưới bằng đất nung, cho thấy nghề chài lưới khá phát triển.

            Nông nghiệp phát triển thúc đẩy các nghề thủ công nghiệp phát triển. Sự mở rộng tăng trưởng của các nghề thủ công mà trước hết là nghề luyện kim lại thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Và cả nông nghiệp, thủ công nghiệp phát triển đã thúc đẩy xã hội tiến lên. Đương nhiên thủ công nghiệp phát triển không chỉ nhờ và chỉ để phục vụ nông nghiệp. Nó còn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố xã hội khác. Thời văn hoá Đông Sơn là thời kì có các cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc, liên minh bộ lạc trong quá trình hình thành nhà nước, và cũng là thời kì chuẩn bị đối phó với sự xâm lược của phong kiến phương Bắc nên việc sản xuất các loại vũ khí bằng đồng và bằng sắt là vô cùng bức thiết. Chính sự phát triển của nghề luyện đúc đồng và sự ra đời của nghề luyện rèn sắt đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết đó của xã hội.

Nghề luyện đúc đồng ở Vĩnh Phúc được phát triển dựa trên cơ sở truyền thống của hai trung tâm luyện đồng lớn nhất lưu vực sông Hồng thời Tiền Đông Sơn là Đồng Đậu và Thành Dền. Nghề luyện đúc đồng thời này đã có bước tiến mới. So với giai đoạn trước, đồ đồng lúc này không những nhiều hơn hẳn về số lượng mà còn phong phú đa dạng về loại hình, trong đó có những đồ đồng to lớn, hoa văn trang trí đẹp mắt như trống, thạp, thố, v.v.

Nhưng trước hết, sự tiến bộ được thể hiện trên thành phần hợp kim đồng. Đến giai đoạn này đồ đồng là hợp kim 3 thành phần, trong đó phần lớn là đồng thiếc chì và đồng chì thiếc. Việc thêm thành phần chì vào hợp kim đồng thau là một sáng tạo của cư dân Đông Sơn. Loại hợp kim này có nhiều ưu điểm rất phù hợp để đúc các vật phẩm giai đoạn trước chưa có như trống, thạp, thố, bình âu, chuông, tượng động vật, tượng người, v.v. Hầu hết các trống đồng Đông Sơn đều được đúc từ hợp kim 3 thành phần: đồng, thiếc, chì. Đối với các loại vũ khí như giáo, lao, nông cụ cần độ cứng và sắc thì vẫn dùng hợp kim hai thành phần là đồng và thiếc, trong đó đồng chiếm khoảng trên dưới 4/5.

            Sự tiến bộ của luyện kim đồng còn được thể hiện qua kỹ thuật đúc. Thời này đã có thể đúc được những vật lớn, phức tạp về đường nét, tinh tế và phong phú về hoa văn trang trí như trống đồng, thạp đồng bằng việc sử dụng khuôn phá, đúc một lần. Đỉnh cao của luyện đúc đồng thời này được thể hiện trên trống đồng về kĩ thuật cũng như nghệ thuật. Để đúc được một chiếc trống đồng to hoa văn trang trí đẹp cần phải có những người thợ giỏi về kĩ thuật luyện kim, tay nghề vững chắc, điêu luyện, đồng thời phải am hiểu nghệ thuật sâu sắc. Đồng thời, còn phải có đầu óc tổ chức khoa học nhịp nhàng trong việc nấu đồng đổ khuôn.

Một thành tựu nổi bật của người Đông Sơn là sự ra đời của kĩ thuật luyện sắt. Vĩnh Phúc là một tỉnh có nhiều quặng sắt và đã phát hiện được hai trung tâm luyện sắt lớn là Thanh Vân - Đạo Tú và Hương Ngọc. Ở đây đã phát hiện được quặng sắt với khối lượng lớn hàng chục tấn, nhiều xỉ sắt, bầu lò, ống bễ cho thấy quặng sắt nơi đây đã được khai thác từ rất sớm, có thể là ngay từ buổi đầu dòng nước.

Trên lưu vực sông Hồng, ở những vùng xung quanh Vĩnh Phúc đã phát hiện được khá nhiều đồ sắt từ thời dựng nước như những mẫu sắt phát hiện ở Gò Chiền (Phú Thọ), Tiên Hội (Hà Nội), và đặc biệt ở Chiền Vậy (Hà Tây) đã phát hiện được 1 lưỡi cuốc sắt hình chữ U, mà lớp đất phủ trên đó có niên đại khoảng 2400 - 2200 năm cách ngày nay. Trong khoảng một, hoặc hai thế kỉ trước sau Công nguyên, công cụ, vũ khí và vòng trang sức bằng sắt được tìm thấy khá nhiều trong các di chỉ, và mộ táng trên lưu vực sông Hồng quanh Vĩnh Phúc. Điều này cho thấy cư dân Vĩnh Phúc thời dựng nước đã nắm vững kỹ thuật luyện kim sắt để sản xuất ra công cụ và vũ khí bằng sắt.

            Đồ gốm gắn bó khăng khít lâu dài với con người, nhất là cư dân nông nghiệp. Trên cơ sở của nghề gốm thời Tiền Hùng Vương, đến giai đoạn này đồ gốm của cư dân Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển và có những đặc trưng riêng. Sự tiến bộ của nghề gốm lúc này thể hiện ở bước pha chế nguyên liệu và kĩ thuật nung. Gốm ở đây thuộc loại hình gốm Đường Cổ. Xương gốm tương đối mịn, đất sét được lựa chọn, sàng lọc cẩn thận. Gốm có màu trắng đục ngả vàng, hồng nhạt hay xám móc. Độ nung gốm tương đối cao. Những đồ gốm phát hiện được trong thời kì này có kích thước tương đối lớn, có những chiếc nồi, vò rộng tới 0,50m, cao tới 0,60m. Kiểu dáng gốm cũng phức tạp hơn trước, song hoa văn trang trí trái lại vô cùng đơn giản, chủ yếu là văn thừng thô và khắc vạch đơn giản.

            Những hoạt động kinh tế gần cư dân thời Hùng Vương trên đất Vĩnh Phúc là tương đối đồng bộ nhịp nhàng, trên cơ sở của nền nông nghiệp lúa nước khá phát triển và ngành luyện kim đồng - sắt ngày một phổ biến, nhiều ngành nghề phụ thủ công như nghề làm đồ gỗ, nghề dệt, nghề đan lát có mặt khắp các thôn làng, không khác mấy cuộc sống nông thôn Việt Nam thời phong kiến.

Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành nghề thủ công, nhất là nghề luyện kim, nghề làm gốm, những nghề đòi hỏi phải có trình độ kĩ thuật cao, tay nghề thành thạo, điêu luyện, đã làm nảy sinh một tầng lớp tách rời khỏi nông nghiệp, quanh năm tập trung vào nghề thủ công. Với quy mô sản xuất của các lò gốm, lò luyện kim loại, rõ ràng một gia đình không thể thực hiện được, mà phải có một tổ chức bao gồm các thợ chuyên môn, có phân công, cắt đặt công việc chu đáo hàng ngày. Có người đã nghĩ đến những "quan xưởng" ra đời trong thời này. Sản phẩm làm ra đã được giao lưu trao đổi trong cả khu vực rộng lớn dọc theo các dòng sông.

Còn các ngành nghề phụ như đan lát, làm đồ gỗ, dệt sợi vẫn chưa tách khỏi nông nghiệp, sản phẩm của họ làm ra chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu trong gia đình hoặc thôn xã.

Trên cơ sở một nền kinh tế phát triển khá cao, cư dân Đông Sơn Vĩnh Phúc đã có một cuộc sống tinh thần phong phú, lành mạnh. Những vòng trang sức, những hoa tai, khuyên tai, bao chân, bao tay, nhẫn bằng đồng và bằng đá. Những hình tượng người và động vật trên vũ khí, đồ dùng, và đặc biệt là những đồ án hoa văn trang trí trên các trống đồng, thạp đồng, không những thể hiển trình độ kĩ thuật cao mà còn chứng tỏ tư duy thẩm mĩ của cư dân Vĩnh Phúc đã phát triển khá sâu sắc.

Nhưng người Việt lúc này lại sắp phải đối mặt với một nguy cơ xâm lược từ phương Bắc. Năm 221 TCN, nhà Tần thống nhất Trung Quốc và ngay lập tức lao vào các cuộc viễn chinh bành trướng lãnh thổ. Người Việt phương Nam - trong đó có nước Văn Lang của các vua Hùng - trở thành một trong những đối tượng của công cuộc bành trướng này. Theo các nguồn sử liệu, cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tần vào đất nước ta diễn ra trong khoảng thời gian từ 214 TCN đến năm 208 TCN. Các vua Hùng và nhân dân Văn Lang - người Lạc Việt - với địa bàn cư trú chủ yếu là vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã đoàn kết chặt chẽ với người âu Việt mà thủ lĩnh là Thục Phán - với địa bàn cư trú chủ yếu là vùng núi phía Bắc cùng chống kẻ thù chung. Đây được coi là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và đã kết thức với thắng lợi thuộc về người Việt phương Nam. Sau khi giành được thắng lợi, theo truyền thuyết, Hùng Vương quyết định nhường ngôi cho Thục Phán. Thục Phán lên làm vua - tức An Dương Vương - hợp nhất lãnh thổ của người Lạc Việt (nước Văn Lang) và Âu Việt, lập ra nước Âu Lạc. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của người Việt trong quá trình hình thành và phát triển quốc gia.

            Sau khi lên ngôi, An Dương Vương đã quyết định chuyển kinh đô về trung tâm châu thổ sông Hồng, đóng đô ở Cổ Loa (nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội). Quyết định này hoàn toàn không tùy tiện. Cổ Loa hay rộng ra toàn vùng Đông Anh - Hà Nội và Vĩnh Phúc nói chung, từ rất sớm và ngày càng thể hiện rõ nét, tính chất của một trung tâm - nơi hội tụ của văn minh Đông Sơn - văn minh sông Hồng. Chỉ tồn tại trong một thời gian ngăn ngủi trên dưới ba mươi năm (208 TCN - 179 TCN), nhưng An Dương Vương và nhân dân Âu Lạc, trong đó có đóng góp to lớn của nhân dân Vĩnh Phúc với tư cách là một vùng kề sát có tiềm lực mạnh mẽ về kinh tế và cư dân, xây dựng được công trình kiến trúc thành Cổ Loa đồ sộ mà dấu vết vẫn còn rất rõ đến ngày nay (tất nhiên có sự bồi trúc thêm trong các thời kì sau này). Thành Cổ Loa là biểu hiện tập trung nhất của trình độ kỹ thuật và tiềm lực kinh tế của cư dân Âu Lạc thời An Dương Vương, trong đó trước hết và chủ yếu được huy động từ các vùng xung quanh. Với thành Cổ Loa kiên cố - có thành cao hào sâu, có thuỷ bộ liên hoàn - An Dương Vương và nhân dân Âu Lạc đã nhiều lần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Triệu Đà. Song năm 179 TCN An Dương Vương thất bại, từ đây bắt đầu một thời kì đen tối của lịch sử Việt Nam - thời kì mất nước kéo dài hơn một nghìn năm. Nhân dân vùng Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào một thử thách vô cùng khắc nghiệt một mất một còn với kẻ thù phương Bắc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo tồn các truyền thống văn hóa vốn được tạo dựng trong thời đại dựng nước Hùng Vương - An Dương Vương.

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 6 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.362.551

EMC Đã kết nối EMC