Sign In

DI CHỈ KHẢO CỔ HỌC THỜI TIỀN HÙNG VƯƠNG

07/09/2011
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

DI CHỈ KHẢO CỔ HỌC

Chỉ vào khoảng 4.000 năm trước, cùng với sự hình thành vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và sự xuất hiện của kĩ thuật luyện đúc đồng, con người đã từng bước tiến xuống chiếm cứ khai phá vùng đồng bằng châu thổ và các thung lũng sông suối. Họ mới dần lấn xuống sinh sống ở Vĩnh Phúc, đoạn tuyệt với thời đại đá để bước vào thời kì đồng thau.

Tư liệu khảo cổ phát hiện trong mấy chục năm gần đây trên lưu vực sông Hồng đã phác họa được các bước phát triển của con người nơi đây trước buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Đó là giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên - lấy di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ làm tiêu biểu, thuộc sơ kì thời đại đồng thau. Tiếp đến là giai đoạn văn hoá Đồng Đậu - lấy tầng văn hoá giữa di chỉ Đồng Đậu ở huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc làm tiêu biểu, thuộc giai đoạn phát triển của thời đại đồng thau. Và giai đoạn văn hoá Gò Mun - lấy di chỉ Gò Mun ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ làm tiêu biểu, thuộc hậu kì thời đại đồng thau. Ba bước phát triển kế tiếp nhau này là tiền đề để hình thành văn hoá Đông Sơn sau đó nên thường được gọi là văn hoá Tiền Đông Sơn hay Tiền Hùng Vương.

Cũng giống như các vùng khác trên đất trung du và đồng bằng Bắc bộ, vào khoảng đầu thiên niên kỉ 2 trước Công nguyên, trên nhiều vùng của tỉnh Vĩnh Phúc đã có con người thời đại đồng thau cư trú. Với 3 giai đoạn phát triển văn hoá của quá trình chuẩn bị cho sự ra đời nhà nước đầu tiên của dân tộc: nước Văn Lang của các Vua Hùng.

- Giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên

Giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên mở đầu vào khoảng 4.000 năm và kéo dài trong khoảng 700 năm. Đây là giai đoạn văn hoá phát triển rực rỡ nhất trên đất Vĩnh Phúc. Di chỉ phát hiện được không những nhiều mà hiện vật thu lượm được cũng cực kì phong phú, đa dạng. Chúng ta hãy lần lượt điểm qua các di chỉ đã được phát hiện.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có các di chỉ khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên:

- Di chỉ Gò Đặng và Gò Sỏi đều thuộc xã Đôn Nhân, huyện Lập Thạch và cách nhau khoảng 200m, trước đây được gọi chung là di chỉ Đôn Nhân. Những di chỉ này có diện tích không lớn, chỉ khoảng 2.000m2, đều nằm trên sườn quả đồi thấp. Hai di chỉ này chưa được khai quật. Các cuộc điều tra cho thấy tầng văn hoá ở đây tương đối mỏng, chỉ khoảng 0,20 - 0,50m là loại đất núi có nhiều rĩ sỏi màu nâu đỏ. Trong quá trình canh tác nhân dân thường thu nhặt được rìu bôn đá mài nhẵn, mảnh vòng đá, bàn mài và làm xuất lộ nhiều mảnh gốm thô mỏng màu hồng. Trong đợt điều tra năm 2000 ở Gò Sỏi thu được 1 lưỡi rìu tứ giác mài nhẵn bằng đá bazan, 3 mảnh bàn mài rãnh và nhiều mảnh gốm thô. Còn ở Gò Đặng thu được 3 lưỡi rìu tứ giác và nhiều mảnh gốm thô.

- Di chỉ Gò Hội thuộc thôn Đồng Xoi, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô lại nằm trên cánh đồng trồng màu tương đối cao, cách sông Lô khoảng 300m. Di chỉ có diện tích hoảng 2ha được phát hiện năm 2000 và đã qua 2 lần khai quật vào năm 2002 và 2003 với diện tích 267m2. Tầng văn hoá tương đối mỏng, chỉ khoảng 0.50m, là loại đất sét pha cát vàng sẫm pha rĩ sỏi. Đáng chú ý là dưới tầng văn hoá có nhiều hố đất đen ăn sâu xuống sinh thổ. Không kể thu lượm trong các lần điều tra thám sát, hai cuộc khai quật đã thu được 413 hiện vật đá, trong đó có số lượng nhiều nhất là rìu bon tứ giác và bàn mài, 87 đồ gốm nguyên hoặc có thể phục nguyên được cùng gần 10 vạn mảnh gốm thô.

- Huyện Vĩnh Tường có các di chỉ Nghĩa Lập, Lũng Hoà, Đồng Hương.

Di chỉ Nghĩa Lập nằm trên cánh đồng thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng, có diện tích khoảng 26.000m2, nằm trên dải đất cao có tên là Gò Chùa, cách sông Lô khoảng 4km. Di chỉ đã qua nhiều lần thám sát và hai lần khai quật. Tầng văn hoá tương đối dày, khoảng 1,50m nhưng phân bố không đều, là loại đất sét màu xám nâu hoặc xám đen. Đáng chú ý là dưới tầng văn hoá có nhiều hố đất đen hình vuông hoặc chữ nhật sâu khoảng 1m, trong chứa nhiều đồ đá, mảnh gốm và than củi. Trên mặt sinh thổ có nhiều lỗ cả. Hiện vật thu được khá phong phú, gồm đồ đá và mảnh gốm. Đáng chú ý đồ gốm ở đây có trên 11% trang trí hoa văn khắc vạch chấm giải tạo thành các đồ án đối xứng rất đẹp. Những đồ án hoa văn khắc vạch chấm dải trên gốm Nghĩa Lập là những đồ án đẹp nhất trên đồ gốm Phùng Nguyên trên đất Vĩnh Phúc. Trong các đợt điều tra cũng như khai quật còn thu được một số đồ đồng văn hoá Đông Sơn như rìu xéo gót vuông, giáo. Đây có thể là vật được chôn trong mộ hoặc trong các hố đất đen thời văn hoá Đông Sơn.

Di chỉ Lũng Hoà nằm trên khu đất cao trồng màu thôn Hoà Loan, cách sông Hồng khoảng 2,5km, có diện tích khoảng trên 31.000 m2. Di chỉ đã qua nhiều đợt điều tra và 3 mùa khai quật. Tầng văn hoá tương đối mỏng, chỉ khoảng 0,30 - 0,40m, là loại đất sét pha cát màu xám đen, chứa nhiều mảnh gốm thô và hiện vật đá mài nhẵn. Dưới đáy tầng văn hoá có một số hố đất đen gần hình tròn sâu khoảng 1m, trong chứa nhiều mảnh gốm tương đối lớn. Đáng chú ý là trong cuộc khai quật năm 1965 - 1966 đã phát hiện được 3 ngôi mộ gạch thời Bắc thuộc, 2 ngôi mộ vò, 1 ngôi mộ đất cận hiện đại và 12 ngôi mộ đất kích thước lớn được chôn theo hướng tây bắc - đông nam, trong đó một số mộ chôn theo kiểu tầng đài, một số mộ còn giữ được một phần xương cốt có thể nghiên cứu được. Hiện vật chôn theo vô cùng phong phú, gồm có rìu, đục, vòng trang sức bằng đá, nồi, bát, bình, chạc gốm. Một số mộ còn chôn theo hàm răng lợn. Đáng chú ý là đồ đá cũng như đồ gốm trong tầng văn hoá, trong đất lấp mộ và đồ tuỳ táng về cơ bản giống nhau như đồ đá thì có rìu tứ giác, đục, vòng trang sức, khuyên tai, hoa tai, hai chuỗi, ống chuỗi, giáo, qua, bàn mài; đồ gốm thì có nồi, vò, bát chân đế, bình chân đế, bát hình ống nhổ, dọi xe sợi, chạc gốm, v.v... Điều đó cho thấy tuổi của tầng văn hoá và mộ táng là cùng thời hoặc cách nhau không bao lâu.

Ngoài ra, tại xã Lũng Hoà còn phát hiện di chỉ Gò Mát và Gò Đồng Củ ở gần nhau thuộc thôn Lũng Ngoại và cách di chỉ Lũng Hoà khoảng 800m. Tầng văn hoá rất mỏng, chỉ khoảng 0,20m ở di chỉ Gò Mát và không rõ ràng ở Gò Đồng Củ. Tại đây đã phát hiện được gốm thô, gốm mịn trang trí văn khắc vạch, trổ lỗ và rìu đá tứ giác mài nhẵn.

Di chỉ khảo cổ học Lũng Hoà vừa là một di chỉ cư trú, vừa là một khu mộ địa của cư dân văn hoá Phùng Nguyên quan trọng nhất lần đầu tiên được phát hiện. Đây là lần đầu tiên khai quật được một khu mộ có cấu trúc độc đáo, phát hiện được một bộ sưu tập đồ tùy táng có số lượng khác nhau giữa các mộ, và cũng là lần đầu tiên có được một bộ sưu tập đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên nguyên vẹn, trong đó có một số loại hình độc đáo như chiếc bình miệng vuông đáy trốn. Đây là một nguồn tư liệu quý hiếm hoàn chỉnh nhất để tìm hiểu cuộc sống và sinh hoạt xã hội của cư dân văn hoá Phùng Nguyên, cư dân thời Tiền Hùng Vương.

Xã Thổ Tang có di tích Đồng Hương và di tích Ma Cả. Điều tra cho thấy tầng văn hoá ở đây tương đối mỏng, chỉ khoảng 0,50m, riêng Ma Cả có dày hơn chút ít, đều là loại đất sét pha cát màu xám. Ở Đồng Hương đã thu được một số rìu đá tứ giác và mảnh gốm thô. Còn ở Ma Cả đã thu được 12 công cụ đá bao gồm rìu bôn tứ giác, độc, bàn mài lõm lòng chảo, bàn mài rãnh. Đồ gốm ở đây cực kì phong phú, có bi gốm, chạc gốm, mảnh gốm có chỗ chất thành đống. Chủ yếu là gốm thô màu hồng nhạt, hoa văn ngoài văn thừng, có văn khắc vạch chấm dải tạo thành các đồ án đối xứng đẹp mắt, trong đó có một số mô típ hình chữ S chạy dài thành băng giống như gốm ở Nghĩa Lập. Đáng chú ý là ở phía đông bắc di tích có một ngôi mộ bị đào phá, song có thể nhận biết huyệt mộ hình chữ nhật, đáy mộ có 4 nồi gốm xếp ngửa liền nhau cùng 3 dọi xe sợi và một lưỡi rìu đá tứ giác. Huyệt mộ cũng như đồ đá, đồ gốm ở đây phảng phất khu mộ Lũng Hoà. Di tích Gò Đuông thuộc xã Bồ Sao, cách di tích Lũng Hoà không đầy 1km. Tầng văn hoá ở đây không rõ ràng, trên mặt gò xuất lộ một số mảnh gốm thô màu hồng nhạt về chất liệu cũng như hoa văn có nhiều nét gần với mảnh gốm phát hiện ở Gò Ma Cả.

Huyện Yên Lạc có các di chỉ Đồng Đậu (lớp dưới), Gò Chùa Biện Sơn, thuộc thị trấn Yên Lạc; Gò Quán Đôi, Gò Mã Hòn, xã Đồng Cương; Gò Gai thôn Cốc Lâm, xã Bình Định và Đinh Xá, xã Nguyệt Đức.

- Di chỉ Đồng Đậu thuộc thôn Trung, thị trấn Yên Lạc (trước kia thuộc xã Minh Tân). Di tích nằm trên một gò đất cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 15m, có diện tích khoảng 85.000 m2.

Quan sát vết tích tầng văn hoá, có thể xác định khu di chỉ Đồng Đậu có diện tích khoảng 64.000m2. Di chỉ được phát hiện khá sớm, từ năm 1962. Không kể nhiều đợt điều tra thám sát, cho đến nay đã qua 6 lần khai quật với tổng diện tích là 752m2.

Đồng Đậu không chỉ là một di chỉ có diện tích lớn mà còn là một di chỉ có tầng văn hoá dày và hiện vật phong phú đa dạng vào loại bậc nhất ở nước ta.

Tầng văn hoá ở đây dày trên 3m, nếu tính cả độ sâu các hố đất đen thì có chỗ sâu tới trên 5m, là loại đất sét pha cát có màu sắc khác nhau và chứa các loại hiện vật bằng đá, đồng, xương và gốm có chất lượng và số lượng khác nhau giữa các lớp. Các nhà khảo cổ tham gia khai quật đã phân chia ra được 3 lớp văn hoá khác nhau phát triển liên tục từ lớp dưới lên lớp trên ở di tích Đồng Đậu. Lớp văn hoá Phùng Nguyên ở dưới cùng dày khoảng trên 1m, cùng các bếp và hố đất đen ăn sâu vào sinh thổ, lớp văn hoá Đồng Đậu ở giữa dày khoảng 1m, và lớp trên cùng thuộc văn hoá Gò Mun. Đó là chưa kể trong tầng văn hoá di tích Đồng Đậu còn phát hiện được một vài ngôi mộ văn hoá Phùng Nguyên chôn theo vòng trang sức bằng đá, nồi gốm, chạc gốm và mộ văn hoá Đông Sơn chôn theo rìu xéo và giáo đồng.

Tầng văn hoá Phùng Nguyên là loại đất sét pha cát màu xám nâu phớt vàng giống loại đất nhân dân thường gọi là đất lộn mề gà, có nhiều bếp than tro lớn trong chứa nhiều nhiều hạt gạo cháy và xương răng động vật như trâu, bò, lợn nhà, lợn rừng, hươu, nai, hoẵng, v.v…và đặc biệt có nhiều hố đất đen góc vuông thành thẳng đứng có cùng phương hướng cắt xén lẫn nhau. Trong tầng văn hoá Phùng Nguyên cũng như trong các hố đất đen có nhiều đồ đá, đồ xương và đồ gốm, song hầu như không thấy đồ đồng.v.v...Có thể nói Đồng Đậu là di chỉ phát hiện được nhiều đồ xương đẹp nhất nước ta. Đồ gốm cực kì phong phú, chủ yếu là gốm thô mỏng có áo gốm màu hồng nhạt, trang trí văn thừng mịn, văn chải và tiêu biểu hơn cả là văn khắc vạch chấm dải tạo thành các đồ án đổi xứng, nhưng không phong phú và đẹp bằng gốm ở di chỉ Nghĩa Lập. Về loại hình, nổi bật hơn cả là loại nồi vò miệng gần đứng thành miệng dày bụng sâu đáy tròn, bát chân đế cao miệng loe rộng, bình hình ống nhổ miệng loe và chắc gốm có chân đế cao,v.v…

Với 3 lớp văn hoá kế tiếp nhau và các mộ táng Đông Sơn cùng có mặt trên di chỉ Đồng Đậu, lần đầu tiên chúng ta xác lập được một phổ hệ văn hoá thời dựng nước trên lưu vực sông Hồng. Qua đó, có thể thấy tầm quan trọng của di chỉ Đồng Đậu không chỉ với Vĩnh Phúc mà còn vô cùng quan trọng đối với việc tìm hiểu nguồn gốc dân tộc Việt cũng như quá trình hình thành nhà nước đầu tiên của dân tộc.

Cũng thuộc thị trấn Yên Lạc, sát gần Đồng Đậu có di tích gò chùa Biện Sơn. Đây cũng là một gò đất nổi lên giữa vùng đồng chiêm trũng, song nhỏ và thấp hơn gò Đồng Đậu nhiều. Tầng văn hoá xuất lộ ở góc tây bắc gò, nằm sâu dưới lớp mặt khoảng 1m, dày khoảng 0,85m phân làm 2 lớp. Lớp dưới dày khoảng 0,60m màu xám đen chứa công cụ đá như rìu bôn tứ giác, mảnh vòng trang sức, bàn dập hai mặt đối nhau có rãnh song song và mảnh gốm kiểu văn hoá Phùng Nguyên. Lớp trên mỏng hơn chỉ dày khoảng 0,25m màu nâu xám có nhiều mảnh gốm, một lưỡi rìu đồng cân xứng nhỏ nhắn được phát hiện trong lớp này.

Tại xã Đồng Cương đã phát hiện được 2 di tích văn hoá Phùng Nguyên là Gò Mã Hòn và Gò Quán Đôi.

- Gò Mã Hòn là một gò đất cao nằm giữa cánh đồng thôn Chi Chi. Tầng văn hoá ở đây tương đối mỏng, chỉ khoảng 0,20 - 0,40m dưới lớp đất canh tác dày khoảng 0,20m. Tại đây, qua điều tra đã thu được một số rìu đá tứ giác kích thước nhỏ mài nhẵn cùng nhiều mảnh gốm thô trang trí văn thừng mịn và văn khắc vạch chấm dải, trong đó có một số mô típ văn hình chữ S giống đồ gốm phát hiện ở Gò Gai. Theo những người phát hiện thì di tích Gò Mã Hàn thuộc giai đoạn phát triển của văn hoá Phùng Nguyên.

- Gò Quán Đôi cách Gò Mã Hòn không xa, còn gọi là Gò Đồng Quan. Ngày nay xung quanh gò là đồng chiêm trũng, phía tây nam gò là Đầm Vạc quanh năm đầy nước. Tầng văn hoá ở đây có 2 lớp: Lớp trên chứa nhiều gốm vỡ thời phong kiến, lớp dưới là loại đất sét pha cát màu xám chứa nhiều mảnh gốm thô và rìu đá. Chỉ mới qua điều tra sơ bộ đã thu được 3 lưỡi rìu đá tứ giác nhỏ nhắn mài nhẵn, nhiều mảnh bàn mài và mảnh gốm. Gò Quán Đôi có trình độ tương đương Gò Gai thuộc giai đoạn phát triển của văn hoá Phùng Nguyên.

Di tích Gò Gai ở thôn Cốc Lâm, xã Bình Định, cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 3km, có diện tích khoảng 400m2. Di tích đã qua một lần khai quật với diện tích 138,75m2. Tầng văn hoá phân bố không đều, dày từ 0.20 - 0.70m, là loại đất sét pha cát, đá ong hoá mạnh, có màu xám đen. Cuộc khai quật đã thu được một số đồ đá và mảnh gốm. Đáng chú ý là ở đây chỉ thu được một lưỡi rìu có vai và có tới 4 bàn dập có rãnh song song ở hai mặt đối nhau. Đồ gốm, ngoài dọi xe sợi, bi gốm, chạc gốm, đã thu được gần 15 ngàn mảnh gốm vỡ. Ở đây số lượng gốm mịn nhiều hơn gốm thô, phần lớn có màu đỏ xám, hơi mốc và xám đen. Hoa văn trang trí, ngoài văn thừng mịn, có nhiều hoa văn khắc vạch chấm dải tạo thành những đồ án 2 móc hình tam giác đối xứng tiêu biểu cho gốm văn hoá Phùng Nguyên. Những người khai quật xếp Gò Gai vào giai đoạn điển hình của văn hoá Phùng Nguyên.

 Di tích Tháp Miếu thuộc xóm Gạo, thôn Tháp Miếu, thị xã Phúc Yên. Di tích phân bố trên gò đồi thấp hiện chỉ cao hơn xung quanh khoảng 8m, có diện tích khoảng 1.500 m2, nhưng do nhân dân làm nhà, đào hào rãnh nên tầng văn hoá bị xáo trộn nghiêm trọng. Tầng văn hoá dày khoảng 0,40m, là loại đất sét pha cát màu xám đen, chứa nhiều mảnh gốm thô mỏng trang trí văn khắc vạch. Trong quá trình làm nhà, nhân dân ở đây đã nhặt được một số rìu đá kích thước nhỏ mài nhẵn. Những người phát hiện cho rằng gốm ở đây gần với gốm Nghĩa Lập nên xếp vào văn hoá Phùng Nguyên.

- Ở thôn Nội Phật, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên đã phát hiện được di tích Gò Ngành, còn gọi là Gò Môi, Gò Miếu, Gò Dâu, bốn bề đều có đồng chiêm trũng bao quanh. Di tích rộng khoảng 200m2, tầng văn hoá dày khoảng 0,35m, là loại đất sét có nhiều rĩ sỏi. Qua điều tra đã thu được 9 lưỡi rìu, trong đó có 8 chiếc là rìu tứ giác, 7 bàn mài, 4 mảnh vòng mặt cắt ngang hình chữ T và hình bán nguyệt, cùng nhiều mảnh gốm thô bở,  trang trí hoa văn thừng mịn và khắc vạch chấm giải kiểu gốm văn hoá Phùng Nguyên.

Trên xã Đại Đình, huyện Tam Dương bước đầu đã phát hiện được di tích Suối Trại. Di tích Suối Trại phân bố trên một gò đất thấp, tầng văn hoá không thật rõ ràng. Qua điều tra đã thu được một số rìu đá tứ giác kích thước nhỏ mài nhẵn và nhiều mảnh gốm thô. Những người phát hiện cho rằng, di tích này có khả năng thuộc văn hóa Phùng Nguyên.

Cũng cần nói thêm là nằm sát ngay địa giới Vĩnh Phúc và trước đây thuộc huyện Kim Anh, nay thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội có di tích Núi Xây là một di tích văn hoá Phùng Nguyên khá điển hình. Di tích nằm ở sườn đông nam hai quả đồi đất cao khoảng 20m bên bờ sông Cà Lồ, chỉ cách thị xã Phúc Yên khoảng 3km. Di tích rộng khoảng 4.000m2. Tại đây đã khai quật 100m2, tầng văn hoá dày khoảng 1m là loại đất sỏi màu xám đen xốp có lẫn nhiều than tro, chứa nhiều hiện vật bằng đá và mảnh gốm. Hiện vật thu được khá phong phú về số lượng cũng như loại hình. Trong diện tích 100m2 đã thu được 351 hiện vật đá, bao gồm 107 lưỡi rìu bôn, 176 bàn mài, 11 đục và 38 mảnh vòng. Đáng chú ý là ở đây đã phát hiện được 5 phiến thạch có rãnh đôi song song thường được gọi là “dấu Bắc Sơn” cho thấy nguồn gốc xa xưa của văn hoá Phùng Nguyên có thể truy tìm từ văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn. Rìu đá ở đây chủ yếu là rìu tứ giác, song cũng có 3 lưỡi rìu có vai và 3 lưỡi rìu có nấc phản ảnh mối giao lưu văn hoá lúc bấy giờ giữa vùng trung du đồng bằng này với vùng núi phía tây, tây bắc và vùng ven biển Đông Bắc. Ở đây thu được trên một vạn mảnh gốm thô, trong đó có tới 17% hoa văn khắc vạch chấm dải và miệng gốm thành dày rất đặc trưng cho gốm văn hoá Phùng Nguyên.

Qua đó có thể thấy đến giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên, con người đã có mặt ở hầu khắp các huyện thị trên đất Vĩnh Phúc, khai phá vùng đồi gò gần sông suối lẫn vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu mầu mỡ.

- Giai đoạn văn hoá Đồng Đậu

Giai đoạn văn hoá Đồng Đậu tiếp nối giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên, có niên đại vào khoảng 3.300 - 3.000 năm cách ngày nay. Chính cuộc khai quật di tích Đồng Đậu đã cung cấp tư liệu cho các nhà khảo cổ xác lập sự tồn tại của giai đoạn Đồng Đậu trong tiến trình lịch sử thời Tiền Hùng Vương trên lưu vực sông Hồng.

Cũng giống như các tỉnh khác trong vùng trung du đồng bằng Bắc bộ, trên đất Vĩnh Phúc, các di tích giai đoạn văn hoá Đồng Đậu tìm thấy được không nhiều. Tiêu biểu hơn cả là lớp giữa di tích Đồng Đậu, Đinh Xá và Thành Dền.

- Di tích Đồng Đậu (lớp giữa): Lớp văn hoá giữa di tích Đồng Đậu dày khoảng 1m, phân bố đều khắp di tích ở phía bắc cũng như phía nam, là loại đất sét pha cát màu xám nhạt hoặc xám xanh tơi xốp, trong có lẫn nhiều than tro. Trong lớp văn hoá này, thỉnh thoảng bắt gặp một số nền đất sét vàng mịn, rãi dài rộng khoảng 3 đến 5m, dày từ 10 đến 20cm, trên đó có nhiều lỗ tròn ăn sâu xuống. Cũng trong lớp này phát hiện được nhiều xương răng động vật, nhiều nhất là xương sừng hươu, nai, hoãng, hàm răng lợn, trâu, bò và cả xương cá, mai rùa, càng cua.v.v…Trong cuộc khai quật gần đây phát hiện được một đoạn xương voi rất lớn. Đây cũng là lớp văn hoá phát hiện được nhiều hiện vật nhất ở di tích Đồng Đậu, gồm đồ đá, đồ xương sừng, đồ gốm và đồ đồng. So với hiện vật ở lớp văn hoá Phùng Nguyên phía dưới, hiện vật ở đây không những nhiều mà còn có phong cách riêng.

Đồ đá vẫn còn phổ biến, hiện vật bằng xương như mũi tên, mũi lao, mũi lao có ngạnh có số lượng lớn, tương đương hoặc nhiều hơn lớp văn hoá Phùng Nguyên phía dưới. Bên cạnh các loại dụng cụ săn bắn đó đã xuất hiện vòng trang sức bằng xương. Chất liệu, hoa văn và kiểu dáng của đồ gốm cũng khác giai đoạn trước. Gốm thô giảm, gốm mịn tăng, độ nung cao hơn, gốm chạc, thành dày, có nhiều đồ đựng kích thước lớn. Hoa văn khắc vạch chấm dải tiêu biểu cho giai đoạn trước nay không còn mà phổ biến là loại hoa văn khuông nhạc nhiều răng chải thành các đồ án làn sóng, hình chữ S nối đuôi nhau, hình số 8, hình thừng bện, hình đan bu gà.v.v… Hoa văn này không những trang trí trên thân mà còn được trang trí cả phía trong thành miệng. Chạc gốm cũng có khác trước, chân đế thấp hơn, đế có hình bán nguyệt trang trí hoa văn, bắt đầu xuất hiện chạc gốm chân đế hình rùa đơn giản. Đáng chú ý là trong lớp này đã phát hiện được một số tượng bò, tượng gà bằng đất nung, tạo hình đơn giản nhưng rất sinh động. Lớp văn hoá này đánh dấu một bước nhảy vọt trong kỹ thuật luyện đúc đồng. Nếu như ở giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên, rất hiếm hoi mới gặp một tí xỉ đồng, thì ở lớp này không những phát hiện được khá nhiều đồ đồng, mà còn có cả khuôn đúc đồng, nồi nấu đồng và muôi múc đồng, rìu xoè cân nhỏ, rìu hình chữ nhật, mũi tên cánh én, mũi lao, mũi nhọn, lưỡi câu. Đặc biệt đã phát hiện được một số bàn chải đồng. Chính những đồ đá, đồ xương, đồ gốm và đồ đồng ở lớp này đã tạo nên phong cách đặc trưng cho giai đoạn văn hoá Đồng Đậu.

Huyện Yên Lạc có di tích Đinh Xá. Di tích này thuộc xã Nguyệt Đức, cách di tích Đồng Đậu khoảng 2km về phía đông, gần sông Cà Lồ. Tại đây qua điều tra đã phát hiện được ở độ sâu 1,50m của một hố đào 4 lưỡi rìu bôn tứ giác kích thước nhỏ mài nhẵn, 4 vòng đá lớn mặt cắt ngang hình chữ nhật, 1 vòng đá lớn mặt cắt ngang hình chữ D cùng nhiều mảnh gốm thô, trong đó có một số mảnh trang trí hoa văn khuông nhạc chải thành các đồ án khác nhau. Trước đây khi mới phát hiện, di tích Đinh Xá được xếp vào văn hoá Phùng Nguyên, nay có thêm tư liệu về vòng trang sức và gốm chải hoa văn khuông nhạc, nhiều khả năng di tích Đinh Xá thuộc giai đoạn văn hoá Đồng Đậu.

Đáng lưu ý là trong tầng văn hoá có 2 ngôi mộ, tử thi được đặt nằm trên nền đất sét vàng hình chữ nhật, một mộ đơn táng không có đồ tuỳ táng, một mộ song táng, giữa 2 tử thi có 1 bôn đá và 1 chạc gốm. Những người khai quật cho 2 ngôi mộ này thuộc văn hoá Đồng Đậu.

Hiện vật thu được khá phong phú. Trong diện tích 143m2 của cả ba mùa khai quật đã thu được 305 hiện vật đá, 70 hiện vật đồng, 5 hiện vật xương, nhiều đồ gốm và trên 11 vạn mảnh gốm các loại. Đồ đá tập trung nhiều ở các lớp sâu, càng lên trên càng giảm. Nhiều hơn cả là rìu bôn hình tứ giác kích thước nhỏ, bàn mài, rồi đến vòng trang sức, hoa tai, hạt chuổi. Ngoài ra còn thu được 50 mảnh khuôn đúc, trong đó có khuôn đúc lìu và lao có ngạnh. Đồ đồng lớp dưới ít, càng lên trên càng nhiều. Ngoài rìu xoè cân, cán đồng, mũi nhọn, mũi tên, lưỡi câu.v.v. . Ở đây còn thu được 866 cục xỉ đồng.

Đồ gốm nguyên không nhiều. Có số lượng nhiều hơn cả là bi gốm: 150 viên, rồi đến dọi xe sợi. Ngoài ra, còn phát hiện được 2 khuôn đúc bằng đất nung và 32 mảnh nồi nấu đồng cùng một số tượng bò bằng đất nung. Mảnh gốm Thành Dền tương đối mịn, độ nung cao, gốm cứng, màu xám, trang trí văn khuông nhạc chải thành các đồ án hình chữ S, làn sóng, văn thừng bện, v.v... Đáng chú ý là ở lớp dưới cùng có một số mảnh gốm trang trí văn khắc vạch chấm giải kiểu văn hoá Phùng Nguyên và ở lớp trên cũng có một số mảnh mang phong cách gốm văn hoá Gò Mun. Do vậy, những người khai quật cho di tích Thành Dền thuộc văn hoá Đồng Đậu từ giai đoạn sớm đến muộn.

Cho đến nay, Thành Dền là di tích phát hiện được nhiều khuôn đúc đồng nhất trong số các di tích thời đại kim khí miền Bắc nước ta. Với số lượng 52 khuôn đúc, nhiều mảnh nồi nấu đồng cùng hàng trăm cục xỉ đồng đã được phát hiện, có thể khẳng định Thành Dền không chỉ là một di chỉ cư trú mà còn là một trung tâm luyện đúc đồng quan trọng lúc bấy giờ.

Như vậy là lớp giữa di tích Đồng Đậu cùng với Đinh Xá và Thành Dền đã tạo nên bộ mặt văn hoá giai đoạn đồng thau phát triển không chỉ cho Vĩnh Phúc, mà là cho cả lưu vực sông Hồng. Cho đến nay, trong giai đoạn Đồng Đậu, trên lưu vực sông Hồng chưa có một di tích nào phong phú toàn diện như di tích Đồng Đậu và Thành Dền.

- Giai đoạn văn hoá Gò Mun

Tiếp theo giai đoạn Đồng Đậu là giai đoạn Gò Mun. Giai đoạn Gò Mun là đỉnh cao của văn hoá Tiền Đông Sơn, có niên đại vào khoảng 3.000 - 2.700 năm cách ngày nay. Tiêu biểu cho giai đoạn văn hoá Gò Mun trên đất Vĩnh Phúc là lớp trên di chỉ Đồng Đậu, Núi Cả và Thành Vượn.

-Lớp trên di chỉ Đồng Đậu thuộc giai đoạn văn hoá Gò Mun, có tầng văn hoá dày mỏng không đều, ở khu vực trung tâm gò, tầng văn hoá Gò Mun tương đối dày, khoảng 1m, mỏng dần ra xung quanh. Lớp văn hoá Đồng Đậu phân bố đều khắp di chỉ, còn lớp văn hoá Gò Mun không thấy xuất hiện ở phía nam gò.

Hiện vật thu được trong lớp văn hoá Gò Mun khá phong phú. Hiện vật đá ít hơn hai lớp dưới, chủ yếu vẫn là các loại rìu bon tứ giác, đục, bàn mài, vòng trang sức,v.v... song số lượng vòng trang sức giảm hẳn. Hoa tai đá lại có hiện tượng ngược lại. Hoa tai giai đoạn này là loại tròn mỏng dẹt, có lỗ tròn và khe hở, mặt cắt ngang gần hình thang vuông. Cũng ở lớp này xuất hiện loại ống chuổi hình gối quạ khá độc đáo.

Hiện vật bằng xương tuy vẫn còn, nhưng số lượng rất ít. Đồ đồng trong lớp này không thật phong phú, song về số lượng cũng như loại hình so với lớp văn hoá Đồng Đậu có tăng thêm, gồm có các loại rìu xoè cân, đục, mũi nhọn, lưỡi câu, mũi lao, mũi lao có ngạnh, mũi tên, bàn chải, v.v…Đồ đồng giai đoạn này không những có tiến bộ trong kĩ thuật đúc mà cũng có đặc trưng riêng về kiểu dáng.

Đồ gốm trong lớp văn hoá này có độ nung cao, gốm dày, cứng, màu xám. Điển hình hơn cả là loại miệng gốm bản rộng loe cong và miệng gốm bản rộng gãy ngang, trên bản rộng trang trí văn khắc vạch hình kĩ và kết hợp chấm dải, chấm tròn hình cuống rạ. Trong giai đoạn sớm bản miệng tương đối hẹp, chỉ khoảng 2cm, đến giai đoạn muộn bản miệng tương đối rộng, có bản rộng tới 5 - 6cm. Văn thừng thô cũng được dùng để trang trí nồi, vò. Đến giai đoạn này, chân đế bình, bát tương đối thấp, chỉ khoảng 1 - 2cm hình vành khăn đơn giản, không trang trí hoa văn. Chạc gốm có số lượng lớn và phổ biến loại chân đế hình con rùa.

So với di chỉ Gò Mun trên tỉnh Phú Thọ - di chỉ được chọn làm tiêu biểu cho giai đoạn văn hoá này thì lớp văn hoá Gò Mun ở đây tương đương với giai đoạn sớm ở đó hoặc sớm hơn chút ít, có nghĩa là thuộc giai đoạn sớm của văn hoá Gò Mun.

- Di tích Núi Cả thuộc thị xã Phúc Yên, huyện Mê Linh. Thời Pháp thuộc, người Pháp xây toà sứ trên núi Cả nên di tích bị phá hoại nghiêm trọng. Di tích được phát hiện khá sớm, từ năm 1967, lúc đó di tích cũng chỉ còn một rẻo đất dài khoảng 20 - 25m, phần trên cũng đã bị đào xới làm ụ súng phòng không.

Quan sát vách hào thấy tầng văn hoá ở đây dày khoảng 0,30 – 0,40m dưới lớp đất sỏi. Tầng văn hoá là loại đất sét pha cát xốp màu xám đen, chứa nhiều mảnh gốm thô. Gốm ở đây thuộc loại gốm miệng loe ngang, phía trong thành miệng hơi lõm lòng máng, không trang trí hoa văn và loại miệng loe ngang, thành miệng trang trí văn khắc vạch hình kĩ hà và văn cuống rạ. Với loại gốm này, những người phát hiện xếp Núi Cả vào giai đoạn văn hoá Gò Mun.

Ngoài những di tích vừa kể trên, ở nhiều nơi trên đất Vĩnh Phúc, trong quá trình sản xuất, đào mương, đào đất nung gạch, đào công sự, nhân dân thường phát hiện được công cụ bằng đá như rìu, bàn mài, chày, v.v. . . nhưng cán bộ khảo cổ, bảo tàng chưa có điều kiện tiếp cận nghiên cứu. Rất có thể đó là những tín hiệu ban đầu tốt đẹp dẫn đến những phát hiện khảo cổ quan trọng.

- Xóm Đồng Chằm, xã Quang Yên, huyện Sông Lô phát hiện 1 lưỡi cuốc đá mài nhẵn khá đẹp bằng đá bazan. Về kiểu dáng, nó giống lưỡi rìu có vai song kích thước lớn hơn. Cuốc dài 11,50cm, lưỡi rộng 8cm, dày l,50cm, chuôi tra cán dài 2,8cm, rộng 2,6cm.

- Xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường phát hiện được 2 lưỡi mai đá rất đẹp. Mai có lưỡi dài, chuôi tra cán ngắn mà rộng. 2/5 phía trên lưỡi dày, 3/5 phần lưỡi phía dưới mỏng dần đến rìa lưỡi. Mai được mài nhẵn toàn thân. Loại mai này đã phát hiện được lẻ tẻ ở một vài nơi ở cả miền Bắc lẫn miền Nam nước ta. Những chiếc mai đá này không nằm trong hệ thống phát triển văn hoá từ văn hoá Phùng Nguyên đến văn hoá Gò Mun trên lưu vực sông Hồng và được phần lớn các nhà khảo cổ xếp vào thời đại kim khí.

Di tích thời Tiền Hùng Vương trên đất Vĩnh Phúc

TT

Di tích

Vị trí xã, huyện

Giai đoạn văn hóa

Đặc trưng di tích và di vật

1

Gò Đặng

Đôn Nhân, Sông Lô

Văn hóa Phùng Nguyên (VHPN)

Gò đồi có rìu đá, gốm thô

2

Gò Soi

Đôn Nhân, Sông Lô

Văn hóa Phùng Nguyên

 Gò đồi có rìu đá, bàn mài, gốm thô

3

Gò Hội

Hải Lựu, Sông Lô

Văn hóa Phùng Nguyên

Rìu đá, chạc gốm, gốm thô

4

Nghĩa Lập

Nghĩa Hưng, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Có rìu bôn, đục, bàn mài, vòng, hoa tai, nhiều hố đất đen

5

Lũng Hòa

Lũng Hòa, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Di chỉ cư chú và mộ địa lớn, có rìu bôn, đục, hoa tai, qua đá, nhiều gốm nguyên

6

Đồng Hương

Thổ Tang, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Có rìu tứ giác, gốm thô

7

Ma Cả

Thổ Tang, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Di chỉ cư chú, có 1 mộ Phùng Nguyên, có rìu tứ giác, đục, bàn mài, gốm thô

8

Gò Mát

Lũng Hòa, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Có gốm thô, chày đá

9

Gò Đồng Củ

Lũng Hòa, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Có gốm, rìu tứ giác, tầng văn hóa không rõ

10

Gò Đuông

Bồ Sao, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Có gốm, rìu tứ giác, tầng văn hóa không rõ

11

Đồng Đậu

Thị trấn Yên Lạc (trước kia là xã Minh Tân)

3 giai đoạn văn hóa:

-Phùng Nguyên
- Đồng Đậu
- Gò Mun

Di chỉ cư trú, luyện đúc đồng, 1 mộ Gò Mun, 2 mộ Phùng Nguyên, có nhiều khuân đúc đồng, đồ xương, đồ đồng có rìu xòe cân, mũi tên, lao, lưỡi câu, bàn chải, có tượng bò, gà, đàu người bằng đất nung

12

Gò Chùa Biện Sơn

Thị trấn Yên Lạc

Văn hóa Phùng Nguyên  và sau Phùng Nguyên

Có rìu đá tứ giác, gốm thô, lớp trên có rìu đồng xòe cân

13

Gò Mã Hòn

Đồng Cương, Yên Lạc

Văn hóa Phùng Nguyên

Có rìu đá tứ giác, gốm thô

14

Quán Đôi

Đồng Cương, Yên Lạc

Văn hóa Phùng Nguyên

Có rìu đá tứ giác, gốm thô

15

Gò Gai

Bình Định, Yên Lạc

Văn hóa Phùng Nguyên

Có rìu tứ giác, rìu có vai, bàn dập có rãnh song song gốm mịn nhiều hơn gốm thô

16

Tháp Miếu

Thị Xã Phúc Yên,
 Mê Linh

Văn hóa Phùng Nguyên

Gò đồi, có rìu đá tứ giác, mảnh vòng, gốm thô

17

Gò Ngành

Tam Hợp, Bình Xuyên

Văn hóa Phùng Nguyên

Có rìu tứ giác, mảnh vòng, gốm thô

18

Suối Trại

Đại Đình, Tam Dương

Văn hóa Phùng Nguyên

Có rìu tứ giác, gốm thô

19

Đình Xá

Nguyệt Đức, Yên Lạc

Văn Hóa Đồng Đậu

Có rìu đá, vòng mặt cắt hình chữ nhật lớn, gốm thô

20

Thành Dền

Tự Lập, Mê Linh

Văn Hóa Đồng Đậu

Di chỉ cư trú, luyện đúc đồng, có 2 mộ và 52 khuân đúc, rìu xòe cân, lưỡi câu, mũi tên bằng đồng, có một số tượng bò, gà bằng đất nung

21

Núi Cả

Thị Xã Phúc Yên

Văn hóa Gò Mun

Gò đồi có gốm hoa, văn hóa kiểu Gò Mun

22

Thành Vượn

Tam Đồng, Mê Linh

Văn hóa Gò Mun

Gò đồi có gốm hoa, văn hóa kiểu Gò Mun

23

Yên Lập

Yên Lập, Vĩnh Tường

Thời đại Kim khí

Phát hiện 2 mai đá kích thước lớn

24

Đồng Chằm

Quang Yên, Sông Lô

Thời đại Kim khí

Phát hiện cuốc đá có vai

 

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 6 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.360.935

EMC Đã kết nối EMC