DẤU TÍCH VĂN HÓA ĐÔNG SƠN TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC
Cũng
như ở Phú Thọ trước đây, cho đến nay, di tích văn hoá Đông Sơn trên đất
Vĩnh Phúc phát hiện được chưa nhiều, chỉ mới phát hiện được những di
vật, những nhóm di vật lẻ tẻ, chưa tìm thấy những khu cư trú quy mô hay
những khu mộ lớn của cư dân văn hoá Đông Sơn.
Trong
khi đó các thư tịch cổ đều cho rằng đất Vĩnh Phúc xưa nằm trong bộ Văn
Lang, bộ lạc gốc của các vua Hùng. Để có được kết luận chính xác và đầy
đủ thì cần phải tiến hành những cuộc điều tra tìm kiếm khảo cổ dài ngày
đều khắp các vùng trong tỉnh. Trong lòng đất Vĩnh Phúc còn dấu kín nhiều
di tích di vật thời dựng nước, đã có một số di tích và di vật được biết
đến, nhưng chưa qua khai quật như:
Tại
thôn Hương Ngọc, huyện Bình Xuyên, cách suối Cầu Bôn 500m về phía đông
nam, quanh khu vực có nhiều quặng sắt, bầu lò, ống bễ đã phát hiện được
một số đồ đồng, và có gốm thô xuất lộ ở một
vài nơi gần đó. Đó là một lưỡi dao đồng mặt không mịn, có chuôi tra
cán, mặt hơi vát hình xéo dao bị gãy mũi, hiện dài 17cm, rộng 2,5cm. Một
mũi giáo bị gãy, lõi xốp, mặt không mịn, có họng tra cán rộng 2cm dài
4cm vát đầu, lưỡi dài xoè rộng và kéo dài đến mũi, có một đường gờ ở giữa
lưỡi kéo dài từ họng đến mũi, nên mặt cắt ngang lưỡi có hình thoi dẹt.
Đây là loại giáo thường gặp trong các di tích văn hoá Đông Sơn vùng
trung du đồng bằng Bắc bộ. Với phát hiện này, Hương Ngọc trước lúc trở
thành một trung tâm luyện sắt đã là một điểm cư trú của cư dân văn hoá
Đông Sơn.
Thôn
Xuân Đài thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Bình Xuyên cách sông Cà Lồ không
đầy 1km, cách không xa sông Hồng, có nhiều gò đất cao nổi lên giữa vùng
đồng chiêm trũng. Trên những gò này đã phát hiện được nhiều ngôi mộ gạch
thời Bắc thuộc như Ngõ Bụt, Gò Tống Bình, Gò Chùa. Ở đây còn phát hiện
được nhiều gốm thô, dọi xe sợi hình nón cụt, lưỡi rìu đá và lưỡi rìu
đồng. Căn cứ vào các hiện vật đó những người phát hiện xếp di tích Ngõ
Bụt vào văn hoá Đông Sơn. Xã
Nguyệt Đức còn có các di tích Đồng Cốc, Đồng Hai Cây. Di tích Đồng Cốc
là một khu lò gạch, trong quá trình đào đất làm gạch, nhân dân đã phát
hiện được nhiều gạch và đồ gốm thời Bắc thuộc. Tại đây cũng đã phát hiện
được ríu xoè cân, hình dáng tương tự như rìu đồng ở Ngõ Bụt. Di tích
Đồng Hai Cây nằm hai bên con mương thuỷ lợi mới đào, nơi đối diện với gò
Tống Bình. Tầng văn hoá dày khoảng 0,30 - 0,40, là loại đất màu xám đen chứa
nhiều mảnh gốm thô màu trắng mốc hoặc đỏ gạch, trang trí văn thông thô
và văn in ô vuông, nên có thể xếp di tích Đồng Hai Cây vào văn hoá Đông
Sơn muộn. Với Đinh Xá thuộc văn hoá Đồng Đậu, cùng với các di tích Ngõ
Bụt, Đồng Cốc, Đồng Hai Cây thuộc văn hoá Đông Sơn và các ngôi mộ thời
Bắc thuộc trên các gò đất cao, Nguyệt Đức là một vùng đất cổ, là một
trung tâm khá phát triển trước sau thời dựng nước.
Di
tích Bãi Mía thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường nằm trên đồng trồng
màu cao hơn cánh đồng trồng lúa xung quanh. Tầng văn hoá tương đối mỏng,
chỉ khoảng 0,30m, là loại đất sét pha cát màu xám, chứa nhiều gốm thô.
Theo những người phát hiện, gốm thô ở đây về chất liệu cũng như hoa văn
rất khác với gốm ở các di tích giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên quanh
vùng, có thể thuộc văn hoá Đông Sơn.
Cùng
với những di tích trên, trên đất Vĩnh Phúc còn phát hiện được nhiều di
vật tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn, trong đó có cả những di vật quý hiếm
như trống đồng. Phần lớn những đồ đồng Đông Sơn này được phát hiện
trong các di tích văn hoá tiền Đông Sơn hoặc ở gần đây.
Huyện
Lập Thạch, đã thu lượm được 2 lưỡi rìu đồng ở xã Đôn Nhân. Trong đó, ở
đồng Ba Bậc có một rìu gót vuông khá lớn bị gãy mũi, cán rìu hơi ngã về
phía sau, họng tra cán gần hình bầu ông, bản lưỡi rộng sống lưỡi hơi
chúc xuống, rìa lưỡi thẳng, gót vuông, góc hơi lượn tròn, có một đường
gờ nối chạy ngang giữa họng và lưỡi. Chiếc còn lại được phát hiện ở thôn
Đôn Mục là rìu xoè cân bị gãy mất phần họng tra cán. Đây là một lưỡi
rìu xoè rộng, rìa lưỡi cong tròn hình bán nguyệt khá sắc, họng tra cán
gần hình bầu dục.
Ở huyện Vĩnh Tường đã phát hiện được rìu đồng, giáo đồng trong di tích văn hoá Phùng Nguyên Nghĩa Lập. Những đồ đồng Đông Sơn được phát hiện trong các hố đất đen trong tầng văn hoá Phùng Nguyên.
Phong
phú nhất, tập trung nhất là bộ sưu tập đồ đồng văn hoá Đông Sơn thu
được ở di tích Đồng Đậu. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thì ở Đồng
Đậu đã phát hiện được 14 hiện vật đồng văn hoá Đông Sơn, trong đó số
lượng nhiều nhất là giáo và rìu gót vuông. Ở đây cũng phát hiện được một
mũi tên đồng bị gãy mất phần mũi và phần chuôi. Đây là loại mũi tên có
mặt cắt ngang hình tam giác cân, tương tự loại mũi tên đá có mặt cắt
ngang hình tam giác trong văn hoá Phùng Nguyên. Trong cuộc khai quật năm
1987 tìm thấy một vật bằng đồng có kiểu dáng khác lạ, chưa thấy ở bất
cứ đâu. Bộ di vật đồng khá đặc trưng cho văn hoá Đông Sơn này tập trung ở
một chỗ phía nam gò và chỉ nằm sâu khoảng 0,30m. Nhiều khả năng đây là
đồ tuỳ táng của một ngôi mộ văn hoá Đông Sơn. Như vậy, di tích Đồng Đậu
không những là nơi cư trú của cư dân từ văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu
đến Gò Mun, mà còn là mộ địa của cư dân văn hoá Đông Sơn.
Cách
Đồng Đậu chỉ vài chục mét, tại góc phía bắc gò chùa Biện Sơn, phía trên
tầng văn hoá Phùng Nguyên có một tầng văn hoá màu xám dày khoảng 0,25m
có chứa gốm thô. Ngay trong lớp này đã phát hiện được 1 lưỡi rìu đồng
cân xứng, là loại hiện vật cũng thường gặp trong sưu tập đồ đồng văn hoá
Đông Sơn.
Trống
đồng là một di vật tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn, cho đến nay, trên
đất Vĩnh Phúc mới phát hiện được 2 chiếc: trống Minh Quang và trống Đạo
Trù. Trống Minh Quang được phát hiện năm 1999. Trống gồm 3 phần: tang
thân và chân cân đối. Nhìn tổng thể trống tương đối thấp, thuộc dạng
trống lùn. Trên rìa mặt trống có 4 tượng cóc hiện đã bị gãy, chỉ còn vết
dấu chân, giữa tang và thân có 2 đôi quai. Hoa văn trang trí tương đối
đơn giản chủ yếu là văn vòng tròn kép đồng tâm, văn răng cưa và văn các
đoạn xiên song song. Mặt trống, tính từ trong ra ngoài được trang trí
làm bốn phần. Trống được đúc không thật tinh xảo, đường nét hoa văn thô to, các vòng tròn kép
bố trí không đều đặn, có chỗ chồng lên nhau, có chỗ cách rời nhau một
khoảng. Chiếc trống này về kiểu dáng cũng như hoa văn gần với trống Làng
Vạc V được các tác giả cuốn Trống Đông Sơn xếp vào nhóm C3 và
hoa văn cũng gần gũi trống Cổ Loa II. Trống Minh Quang là một trống còn
khá nguyên vẹn trong gia đình trống Đông Sơn.
Trống
Đạo Trù được phát hiện đầu năm 2000. Trống tương đối nguyên vẹn, ngoại
trừ trên mặt và thân có các lỗ thủng hình vuông mỗi cạnh khoảng 1cm.
Hiện tượng này thường gặp trên các trống Đông Sơn. Theo các nhà nghiên
cứu thì hiện tượng này có liên quan đến kĩ thuật con kê trong quá trình
đúc trống. Trống Đạo Trù cũng có 3 phần tang thân và chân, có dáng thấp
lùn, mặt trống chờm ra ngoài tang trống gian ít. Trống có 2 đôi quai và
trên rìa mặt trống có 4 tượng cóc đứng ngược chiều kim đồng hồ. Mặt,
tang, thân và chân đều được trang trí hoa văn. Giữa mặt trống là văn mặt
trời kiểu núm tròn nổi 12 tia nhọn, giữa các tia là họa tiết hình lông
công biến điệu. Bao quanh mặt trời có 11 vành
hoa văn. Chân trống hơi choãi, ranh giới giữa chân vả thân trống không
thật rõ ràng lắm, chỉ cỏ 1 đường gờ nổi. Trống này về kiểu dáng và hoa
văn khá giống với trống Mông Sơn ở Yên Bái, trống Na Dương ở Lạng Sơn,
trống Hích ở Thái Nguyên, trống Hà Giang I, v.v... là những trống được
xếp vào nhóm Đ1 trong cuốn Trống Đông Sơn. Trống Đạo Trù
tuy thuộc trống Đông Sơn, song đã có những biến chuyển sang giai đoạn
muộn như mặt chườm ra ngoài tang, chân cao và không phân biệt với thân,
văn hình mặt trời hay văn gần hình tam giác ở chân lả những yếu tố
thường thấy trên trống giai đoạn muộn hơn và kĩ thuật đúc cũng đã có
phần suy giảm.
Ngoài
những di vật phát hiện lẻ tẻ có lí lịch rõ ràng trên đây, trong kho Bảo
tàng tỉnh Vĩnh Phúc còn lưu giữ một số đồ đồng văn hoá Đông Sơn như rìu
xéo hình bàn chân, rìu xoè cân, mũi giáo, mũi lao, v.v. Theo ghi chú trong
kho bảo tàng thì những hiện vật này được phát hiện lẻ tẻ trên đất Vĩnh
Phúc, do bảo tàng Vĩnh Phú chia lại khi tách tỉnh, mà không rõ lai lịch,
nơi phát hiện.
Qua những di tích và di vật văn hoá Đông Sơn vừa kể trên, có thể nói cuộc sống thời dựng nước đã in đậm nét trên đất Vĩnh Phúc.