Năm 2004, tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Vũ Văn Long quyết định về quê (xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên) và làm việc tại Trung tâm Viễn thông Bình Xuyên. Nhiệm vụ của anh là lắp đặt, phát triển thuê bao mới và sữa chữa, bảo dưỡng đường dây. Sau những ngày đầu bỡ ngỡ vác đồ nghề, sổ tay, bút sách theo các đồng nghiệp học tập kinh nghiệm, khi về nhà lại thức đến 1 – 2 giờ sáng tự trau dồi thêm kiến thức công nghệ thông tin, kỹ năng về nghề, Long nhanh chóng bắt nhịp với công việc, dần quen với chuyện làm xong việc mới nghỉ ngơi, ăn uống, cơm trưa cũng là cơm tối của anh em kỹ thuật.
Với Vũ Duy Long, bí quyết để thuyết phục, giữ được chân khách hàng
chính là lòng yêu nghệ, sự nhiệt tình trong cộng việc
Sau 12 năm miệt mài bên những đường dây, trạm, cột, kiên trì thuyết phục khách hàng sử dụng các dịch vụ của VNPT, Vũ Duy Long đã trở thành một trong những nhân viên kỹ thuật cứng của Tổ kỹ thuật Hương Canh, Trung tâm Viễn thông Bình Xuyên. Cũng nhờ am hiểu kỹ thuật, khi tiếp xúc khách hàng, ngoài việc khắc phục, sửa chữa đường dây, anh sẵn sàng tư vấn để họ có thể sử dụng thiết bị an toàn, hiệu quả nhất, tránh mất tín hiệu đường truyền do lỗi chủ quan của người dùng. Chính từ những tư vấn nhỏ ấy, cùng sự nhiệt tình trong công việc đã giúp anh thuyết phục nhiều khách hàng khó tính yên tâm sử dụng các dịch vụ của VNPT. Riêng năm 2015, bên cạnh việc đảm đương tốt nhiệm vụ lắp đặt, sửa chữa, đảm bảo thông tin liên lạc các địa bàn được giao phụ trách, anh đã phát triển được hơn 1.300 dịch vụ mới, đem về doanh thu tính cước đạt gần 3,6 tỷ đồng cho Trung tâm Viễn thông Bình Xuyên.
Nghe chúng tôi hỏi về kỷ niệm những năm tháng gắn bó với nghề, Long cười đáp: "Kỷ niệm thì có nhiều lắm, nhưng nhớ nhất là cuối năm 2008, đúng vào ngày cưới, khi mình đang nhận rượu chúc mừng của bạn bè, người thân thì nhận được điện thoại của một khách hàng báo mất đường truyền. Quay đi quay lại thấy đồng nghiệp đều đang vui vẻ ăn uống, không muốn để khách hàng phải chờ lâu, mình lẳng lặng vào lấy đồ nghề, phóng xe đến địa điểm được báo. Cũng may, chỉ mất khoảng 10 phút để xử lý sự cố, đến khi chủ nhà mời vào uống nước mình mới nói thật “hôm nay là ngày cưới của cháu” rồi vội vàng chào về. Đến giờ, thỉnh thoảng người thân vẫn nhắc trêu “tưởng chú rể bỏ trốn vì quan khách tìm mãi không thấy đâu”.
Một kỷ niệm khác là lần đi khắc phục sự cố, đảm bảo thông mạng cũng khiến anh không thể nào quên bởi nó diễn ra đúng đêm giao thừa năm 2010. Đêm đó, đang quây quần bên gia đình chờ đón năm mới thì nhận được tin báo xảy ra sự cố đứt cáp truyền tại xã Tân Phong, nếu không được khắc phục, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đường truyền toàn bộ khu vực các xã Tân Phong, Phú Xuân và thị trấn Thanh Lãng. Mặc vội cái áo khoác, vừa dắt xe ra cửa vừa dặn vợ ở nhà chủ động cúng giao thừa, Long nhanh chóng cùng anh em trong đội có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, công việc sửa chữa không hề đơn giản do hệ thống dây cáp nằm dưới lòng đất, dù máy đo đã xác định được khu vực bị đứt nhưng vẫn không chính xác, cộng thêm trời tối, lại ở giữa cánh đồng khiến việc di chuyển tìm vị trí cáp đứt gặp nhiều khó khăn. Mãi đến trưa mùng 1 Tết, khi công việc hoàn tất mấy anh em mới có thời gian bắt tay chúc mừng năm mới nhau, ai cũng mệt nhoài vì đói và lạnh nhưng vẫn vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Với những nỗ lực trong công tác, tháng 11/2015, Vũ Duy Long là một trong những nhân viên xuất sắc được VNPT Vĩnh Phúc đề nghị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tặng danh hiệu Nụ cười VNPT; trong năm, anh cũng đã được cử tham gia lớp cảm tình Đảng, trở thành nguồn phát triển Đảng của đơn vị. Thế nhưng, với anh, phần thưởng quý nhất vẫn là khi thuyết phục, giữ chân được những khách hàng khó tính, tạo thêm niềm tin và để lại những ấn tượng đẹp trong khách hàng khi họ sử dụng các dịch vụ mang thương hiệu VNPT.
Hoàng Phúc