Sign In

Những bước chân không mỏi...

28/07/2016
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Hàng ngày, công việc của chị Trần Thị Phương Thảo, nhân viên Bưu cục Vĩnh Yên bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng với  việc chia, chọn thư từ, báo, công văn, vào sổ sách và sắp xếp theo hành trình đường thư. Mỗi bưu tá phụ trách một tuyến hay còn gọi là một hành trình thư, bao gồm một phường hoặc nhiều khu phố tại các phường khác nhau, chị Thảo phụ trách hành trình Đống Đa. Sau khi giao hết thư, bưu phẩm buổi sáng, đến 13 giờ chị lại quay về Bưu điện thành phố để nhận thư, bưu phẩm buổi chiều. Công việc này không tính theo giờ hành chính, đến khi nào chuyển hết thư được giao thì mới coi như kết thúc công việc của một ngày. Có nhiều hôm đến khi thành phố lên đèn rồi chị mới hoàn tất công việc trong ngày.

Trung bình mỗi tháng, chị phát gần 1 tạ thư, báo, bưu phẩm với gần 26.000 tờ báo và hơn 31.000 công văn, thư, EMS, bưu phẩm các loại và di chuyển quãng đường gần 1000km  để chuyển hết số thư được giao theo tuyến. Ngoài ra, chị còn phụ trách giao hàng COD (hình thức giao hàng thu tiền hộ) cho các khách hàng mua qua mạng. Để thực hiện tốt công việc này, đòi hỏi bưu tá phải là những người có tuổi nghề và phải biết kiên nhẫn, chiều lòng khách.

“Khác với thư thường, loại hàng hóa này cần phải được ký nhận và giao tận tay khách hàng, đồng thời thu tiền giúp phía bán hàng rồi mới có thể yên tâm ra về. Và khách hàng thì không phải lúc nào cũng có sẵn ở nhà để nhận hàng, cần phải biết khéo léo gọi điện thoại, hẹn giờ để giao hàng và đặc biệt là không được làm mất lòng khách mua hàng. Có khi gặp khách hàng khó tính, họ hiểu lầm mình là người của bên bán hàng, đòi kiểm tra hàng hóa trước khi trả tiền nên phải giải thích rất lâu. Vì vậy, đôi lúc chúng tôi chỉ chuyển vài món hàng đã mất hết một ngày rồi” – Chị Thảo tâm sự.

Theo chị, điều khó khăn nhất của bưu tá mới vào nghề chính là thuộc lòng từng địa chỉ nhà tại tuyến được giao. Mỗi khách hàng lại có một kiểu ghi địa chỉ khác nhau, có người thậm chí ghi sai cả tên đường, hoặc chỉ ghi tên đường, không rõ phường, xã nào. Khi đó, bưu tá phải biết xử lý linh hoạt để thư, bưu phẩm chuyển đến đúng chỗ.

“Như chúng tôi làm lâu năm mới có thể nhớ rõ địa chỉ đó thuộc phường xã nào, đường đi như thế nào cho nhanh. Còn anh em mới vào nghề phải tự tìm cách riêng để thuộc đường, hoặc đi nhiều lần cho quen. Nghề nào không biết, chứ nghề này phải lạc đường vài lần mới nhớ đường chuyển thư lần sau” – chị Thảo bộc bạch.

Chia sẻ về công việc của mình, chị cho biết, nghề bưu tá rất vất vả, hầu như phải đi nhiều, ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hè, có khi phải đi cả vào những ngày nghỉ để kịp phát thư cho khách hàng. Đây cũng là nghề “làm dâu trăm họ”, người bưu tá phải rất kiên nhẫn và biết cách “tùy cơ ứng biến”. Sau 7 năm làm công việc bưu tá, bằng sự thân thiện và nhiệt tình, chị đã tạo được mối quan hệ rất tốt với khách hàng, nhất là những cơ quan, công sở trên tuyến hành trình của mình.

Được biết, chị Trần Thị Phương Thảo nhiều năm liền được bình bầu là lao động giỏi của ngành, năm 2014 chị được Tổng công ty Bưu chính Việt Nam trao tặng danh hiệu Bưu tá chuyên nghiệp. Chị cũng là người rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ thể thao của cơ quan.

Mai Loan

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-4 / 4 bản ghi

Số lượt truy cập: 46.086.367

EMC Đã kết nối EMC