Sign In

Chuyện về vị Giám đốc đầu tiên của Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc

17/08/2016
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Trong những ngày tháng Tám lịch sử, khi ký ức ùa về cùng với niềm xúc động hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (15/8), không ai bảo ai, nhưng rất nhiều người trong ngành Bưu điện Vĩnh Phúc đều nhớ đến một người.

Đó là ông Nguyễn Văn Thành - nguyên Giám đốc đầu tiên của Bưu điện Vĩnh Phúc từ thời điểm tái lập tỉnh.
Năm 1965 là năm đánh dấu mốc quan trọng của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thành khi ông gia nhập ngành Bưu điện. Tại Ty Bưu điện Phú Thọ, ông được giao nhiệm vụ kéo dây, trực tổng đài, tham gia đội xây dựng. Từ đây bắt đầu cuộc hành trình với bao gian nan vất vả, dãi nắng dầm mưa. Cuộc sống tá túc nương tựa vào nhà dân, cái ăn cái mặc cũng thiếu thốn mọi bề; sắn, bo bo chiếm 1/2 lương thực. Thế mà mỗi sáng sớm, những công việc quen thuộc được phân công: Rải cột, đào lỗ, khiêng cột, dựng cột, lắp xà, ra dây... đều được hoàn thành một cách xuất sắc.  Sau những năm tháng lăn lộn với thực tế, ông được cử đi đào tạo chuyên môn, trải qua nhiều cương vị khác nhau đến năm 1997, khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, ông được bổ nhiệm Giám đốc Bưu điện tỉnh.         

Ông Thành nhớ lại, thời điểm ông tiếp nhận đơn vị, cơ sở hạ tầng của Bưu điện tỉnh chỉ là một ngôi nhà 2 tầng nhỏ và một dãy nhà lá lụp xụp; hệ thống máy móc thông tin có 19 tổng đài độc lập ban đầu với dung lượng 9.936 số, 7.400 máy hoạt động trên mạng, mật độ bình quân ở mức 0,68 máy/100 dân, các dịch vụ chủ yếu là dịch vụ truyền thống, chưa đáp ứng đươc nhu cầu sử dụng của nhân dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin liên lạc, việc đầu tiên ông làm là truyền lửa cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong đơn vị về truyền thống của ngành Bưu điện“Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”. Ông thường xuyên gần gũi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, kịp thời động viên anh em trong đơn vị khắc phục phó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Để nâng cao thu nhập, ông giữ nguyên biên chế, bố trí lại các vị trí việc làm hợp lý, tích cực tham mưu Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị; quy tụ được một tập thể lãnh đạo đoàn kết và trí tuệ, chăm lo cho đời sống của cán bộ, nhân viên... Vượt lên những khó khăn chồng chất, dưới sự chèo lái của người thủ trưởng quyết đoán nhưng cũng rất nhân hậu và giản dị, Bưu điện tỉnh đã vững vàng vươn lên, vừa tổ chức sản xuất kinh doanh vừa từng bước nâng cấp, thay mới thiết bị và phát triển mạng lưới, hoàn thành kế hoạch được giao, dần đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc tại địa phương.

Chưa đầy 10 năm sau, năm 2005, Bưu điện tỉnh đã xây dựng được 25 tổng đài và trạm chuyển mạch với tổng dung lượng lên 74.394 số, 14 trạm BTS với 78.744 máy hoạt động trên mạng, đạt mật độ 6,82 máy/100dân. Cùng với đó là hàng trăm tuyến cáp các loại với chiều dài hàng nghìn km. Từ năm 2000, đơn vị đã đạt chỉ tiêu 100% số xã, phường của tỉnh có máy điện thoại và đến năm 2005, trên 90% số thôn, xóm có máy điện thoại. Các huyện, thị trong tỉnh đã được lắp đặt hệ thống tổng đài điện tử kỹ thuật số hoà mạng quốc gia, quốc tế với hệ thống truyền dẫn viba kỹ thuật số và truyền dẫn cáp quang. Cùng với hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tốc độ phát triển các dịch vụ bưu chính viễn thông luôn đạt mức tăng trưởng cao; đã tập trung phát triển mạnh các dịch vụ mới, dịch vụ giá trị gia tăng đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội. Đặc biệt, tăng trưởng doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước từ 20-30%/năm. Nếu như năm 1998, doanh thu của Bưu điện tỉnh mới đạt 33,6 tỷ đồng  thì năm 2005 đạt 170 tỷ đồng, góp phần đưa đơn vị đi từ doanh nghiệp loại III lên doanh nghiệp loại I.

Nói về “người anh cả của ngành Bưu điện Vĩnh Phúc” Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Viễn thông Vĩnh Phúc Nguyễn Tất Sáng chia sẻ: “Thời kỳ anh Thành lãnh đạo đơn vị (1997- 2006) là thời kỳ Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đi tắt đón đầu, đổi mới công nghệ từ analog sang công nghệ số; đồng thời, đổi mới công tác quy hoạch, quản lý hạ tầng mạng. Bưu điện tỉnh từ cơ sở vật chất nhỏ lẻ, lạc hậu đã tiến thẳng vào hiện đại hoá, hoà nhập với công nghệ mới về bưu chính viễn thông thế giới; riêng về doanh thu, đã chuyển dần từ phụ thuộc sang tự chủ. Đây cũng là thời kỳ các hoạt động xã hội, từ thiện nảy nở và ngày càng phát triển với việc nhận phụng dưỡng 4 bà mẹ VNAH;  động viên và thu hút cán bộ, nhân viên tham gia đóng góp mỗi năm hàng trăm triệu đồng để chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng: thân nhân liệt sỹ Bưu điện, thương binh và cán bộ cách mạng lão thành, cán bộ, nhân viên về hưu đời sống khó khăn, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, đóng góp xây dựng quỹ nhà ở của ngành…Di sản vị Giám đốc đầu tiên của Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc để lại không hề nhỏ. Tuy hiện giờ Bưu chính – Viễn thông đã chia tách, trong lòng mỗi cán bộ, nhân viên Bưu điện và Viễn thông Vĩnh Phúc, anh vẫn là người lãnh đạo mẫu mực, đáng kính”.

Và dù về hưu đã ngót chục năm, vị lãnh đạo ngành Bưu điện Vĩnh Phúc một thời vẫn luôn dõi theo những diễn biến của thời cuộc; những chủ trương, chính sách mới của ngành ông đều cập nhật, suy ngẫm; ông cũng âm thầm cổ vũ cho những bước tiến mới của 2 đơn vị: Bưu điện tỉnh, Viễn thông Vĩnh Phúc. Hiểu rõ việc hoạt động trong điều kiện kinh tế khó khăn, môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu sử dụng các dịch vụ bưu chính truyền thống ngày càng giảm, ảnh hưởng tiêu cực tới từ nguy cơ tăng chi phí đầu vào… là những thách thức đang đặt ra cho bưu chính, viễn thông Vĩnh Phúc, ông cho rằng: "Tái cơ cấu là chủ trương đúng đắn, nếu không tái cơ cấu sẽ rất khó khăn. Trong điều kiện "một người mua, nhiều người bán" như hiện nay, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh chính là 2 yếu tố cơ bản để chinh phục khách hàng. Tinh giản biên chế cũng là biện pháp hiệu quả: giảm người, tăng cường các đại lý để giảm chi phí. Bộ máy giảm nhưng năng suất lao động phải cao hơn. Bên cạnh đó, phải tiếp tục củng cố, xây dựng đội ngũ có năng lực, tận tụy và tâm huyết với nghề."

 Khi được hỏi ông nghĩ nhiều về ai trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành, ông Thành trầm ngâm trong niềm xúc động: "Tôi nghĩ đến hàng vạn cán bộ ưu tú của ngành Bưu điện lớp lớp đi vào cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ trên mặt trận thông tin liên lạc trên khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó, gần 1 vạn ngươi đã thành liệt sỹ và hàng nghìn người bị thương tật do bom đạn, kẻ địch tù đày, tra tấn. Tôi nghĩ đến nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Việt Nam Đặng Văn Thân với chủ trương "bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa, đa dạng hóa dịch vụ" đã tạo ra cơ hội cho bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam vượt lên và ngày càng phát triển. Tôi nghĩ đến những người đồng chí, đồng nghiệp đã cùng tôi vượt qua khó khăn, gian khổ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi; đến các bạn trẻ trong ngành Bưu điện hiện nay đang ngày đêm miệt mài, nỗ lực cống hiến cho sự phát triển của đơn vị, của ngành. Đặc biệt, tôi dành nhiều tình cảm cho Bưu chính – lĩnh vực mà lịch sử đã ghi nhận là “khó khăn hơn, khổ hơn”, và cũng đi đầu, cống hiến nhiều hơn cho truyền thống của ngành Bưu điện”.  

Ông Thành cũng bày tỏ lạc quan với tương lai của lĩnh vực bưu chính khi mà bưu chính ngày càng tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào các lĩnh vực đời sống xã hội với các dịch vụ đa dạng, phong phú hơn.       

Ngọc Khánh

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 15 bản ghi

Số lượt truy cập: 46.097.942

EMC Đã kết nối EMC