Sign In

Những cán bộ trẻ yêu nghề Bưu điện

01/07/2016
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Thường xuyên phải đi sớm về muộn, thế nhưng với lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề và khát vọng cống hiến, những cán bộ trẻ ngành Bưu điện Vĩnh Phúc hôm nay đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đơn vị, của ngành.  

Bí thư Đoàn thanh niên Bưu điện tỉnh Tạ Văn Qúy: “Một quyết định đúng đắn” 

Đầu năm 2009, quyết định từ bỏ việc làm tại một công ty lớn ở Hà Nội với mức lương, thưởng hấp dẫn để vào làm ở Bưu điện tỉnh của tôi khiến bạn bè, gia đình không khỏi ngỡ ngàng. Nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc khi tôi từ bỏ phố về quê.  

6 năm gắn bó với nghề, là quãng thời gian rất quan trọng để tôi phát huy tinh thần của tuổi trẻ, chứng tỏ năng lực của bản thân. Năm 2012, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, sau đó được tín nhiệm bầu làm Bí thư đoàn thanh niên và Phó trưởng phòng Khai thác- nghiệp vụ. Trên cương vị mới, tôi tích cực học tập, nâng cao kiến thức về CNTT, ứng cứu, hỗ trợ kịp thời các sự cố về máy tính, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin mạng nội bộ và cơ sở dữ liệu của ngành. Bên cạnh đó, tôi luôn tìm cách khơi dậy sức trẻ của các đoàn viên thanh niên trong đơn vị tham gia vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng các dịch vụ, xây dựng cơ quan xanh – sạch – đẹp…

 

Với tuổi trẻ, niềm vui thường có nhiều hơn nỗi buồn. Trong 3 năm làm Bí thư đoàn, kỷ niệm khiến tôi vui nhất là vào năm 2012, Bưu điện tỉnh triển khai dịch vụ truyền hình trả tiền An Viên. Để tăng doanh số bán hàng và cạnh tranh được với các dịch vụ đã “ăn sâu” vào tiềm thức của khách hàng là: dịch vụ truyền hình cáp, Mytivi, đầu thu kỹ thuật số…tôi đã mạnh dạn đề xuất với Ban Giám đốc cho phát động phong trào “đoàn viên Bưu điện tỉnh với dịch vụ AVG”. Lúc đầu tôi rất lo lắng vì chưa biết triển khai công việc này thế nào, trong khi đó, 45 đoàn viên, thanh niên mỗi người một công việc và mức khoán từ hàng chục dịch khác nhau. Tuy nhiên, sau nhiều lần họp, BCH Đoàn quyết định thành lập các tổ, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đoàn viên thanh niên phụ trách từng địa bàn và hứa sẽ khen thưởng cho những tổ, đoàn viên thanh niên có thành tích xuất sắc. Kết quả là đợt đó, chúng tôi đã bán được 1.200 đầu thu, tăng 1.000 đầu thu so với các tháng trước đó. 

Giao dịch viên Hoàng Thị Hồng Nhung: Tất cả vì sự hài lòng của khách hàng 

Trong thời đại CNTT, lại chịu sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, bản thân tôi và các nhân viên khác trong tổ giao dịch của Bưu điện tỉnh đều ý thức được rằng, để giữ chân và làm hài lòng khách hàng khi đến giao dịch, trước hết phải am hiểu tất cả các loại dịch vụ, kể cả những dịch vụ ít người sử dụng. Cùng với đó, phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử và biết cách"chiều" khách hàng, nhất là đối với những khách hàng khó tính.  

 Chị Nhung hướng dẫn khách hàng điền thông tin 

Trong số hàng trăm nghìn lượt khách đến giao dịch mỗi năm, chúng tôi gặp không ít trường khách đến quầy để khiếu nại, thậm chí dùng những lời thô tục chửi bới khi các dịch vụ, bưu phẩm, bưu kiện họ gửi đến chậm, hoặc không đến tay người nhận…Gặp những tình huống như vậy, chúng tôi không được phép nóng vội mà phải bình tĩnh lắng nghe, hiểu những thắc mắc của khách hàng là gì rồi dùng những lời lẽ mềm mỏng làm dịu đi sự nóng giận tức thời. Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của khách hàng, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh lại tất cả các quy trình từ khâu kê khai, điền phiếu, nhập mã cho đến địa chỉ, mã thẻ, nhất là đối với các dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ tiết kiệm, dịch vụ thu hộ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…Quầy giao dịch bưu điện và hình ảnh của các giao dịch viên là ấn tượng đầu tiên của khách hàng về Công ty. Vì thế, chúng tôi không chỉ nỗ lực giải quyết những ổn thoả những tình huống hiện tại mà còn có trách nhiệm làm hài lòng và thiết lập được mối quan hệ thân thiết với tất cả khách hàng”- chị Nhung chia sẻ.

 

Bưu tá Trần Văn Dũng: Vui niềm vui của người nhận 

Sinh ra ở miền quê Lập Thạch, ngay từ nhỏ, hình ảnh bác đưa thư đạp xe mang niềm vui đến cho người dân từ những lá thư, tờ báo, bưu phẩm đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng tôi. Năm 2006, tốt nghiệp THPT, tôi quyết định không thi tiếp lên đại học mà làm bưu tá tại Bưu điện thành phố Vĩnh Yên. Cũng như các nghề khác, người bưu tá gặp rất nhiều khó khăn, áp lực do công việc bưu tá không theo giờ hành chính, không kể trời nắng hay mưa, khi nào chuyển hết thư, báo được giao thì mới kết thúc một ngày làm việc. Đặc biệt, do mỗi một lá thư, trang báo đều là tài sản của người dân nên tôi luôn phải cẩn trọng giữ gìn, sắp xếp ngăn nắp, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thông tin và không được để thư, báo nhàu nát khi đến tay người nhận. 

Làm bưu tá ở thành phố, tôi có thuận lợi là không phải trèo đèo, lội suối như các bưu tá vùng cao, nhưng không vì thế mà công việc của tôi nhàn hơn vì hiện nay, số lượng báo, tạp chí, bản tin như: Báo Vĩnh Phúc, báo Nhân dân, bản tin Thông tin truyền thông Vĩnh Phúc được phát hành rộng khắp đến từng khu dân cư, trường học và lượng bưu phẩm chuyển phát có trọng lượng lớn ngày càng tăng lên. Hiện trung bình mỗi ngày, tôi chở từ 1,5 - 2 tạ thư, báo, bưu phẩm đến 100 điểm khác nhau trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Tuy mức lương còn thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn cảm thấy vui, hạnh phúc và tự hào về nghề mình gắn bó, bởi có rất nhiều người gọi tôi với cái tên trìu mến -"sứ giả thông tin".

Nhân viên khai thác Nguyễn Thị An: Không được phép làm chậm  thời gian đường thư đi 

Cũng như 12 nhân viên khác trong tổ, hằng ngày tôi đều có mặt tại Trung tâm khai thác, Bưu điện thành phố Vĩnh Yên từ 6 giờ sáng để nhận, phân loại bưu phẩm từ Hà Nội chuyển về theo từng khu vực để đúng 8 giờ sáng, 3 chuyến xe thư đồng loạt chuyển bánh đến bưu điện các huyện, thành, thị trong tỉnh. Xong công việc này không có nghĩa là chúng tôi được nghỉ ngơi vì ngay sau đó lại bắt tay vào việc tổng hợp, đóng gói thư, bưu phẩm kịp cho các xe đi liên tỉnh và thành phố Hà Nội lăn bánh vào khoảng 12 giờ trưa.

 

5 năm làm nhân viên khai thác, không phải dầm mưa, dãi nắng như các bưu tá, nhưng công việc của tôi cũng có những áp lực riêng, đó là luôn phải rèn cho mình đức tính cẩn trọng, nhanh mắt, nhanh tay, đặc biệt là luôn phải tập trung cao độ để phân loại chính xác hàng nghìn bưu phẩm đến từng vùng thư, đảm bảo thư đi đúng luồng, đúng thời gian quy định.  

Những ngày này, cùng với tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng 70 năm ngày truyền thống của ngành, bản thân tôi thấy rằng phải nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, để góp phần cùng đồng nghiệp xây dựng ngành Bưu điện Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, đặc biệt là làm tốt vai trò “mạch máu” thông tin.  

Thanh Nga

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 15 bản ghi

Số lượt truy cập: 46.500.240

EMC Đã kết nối EMC