Sign In

Kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống ngành TT&TT (28/8/1945 - 28/8/2016): Từ Bưu điện đến Thông tin và Truyền thông - sáng mãi truyền thống "Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình"

26/08/2016
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Thông tin và Truyền thông ngày nay là ngành kinh tế, chính trị, kỹ thuật, dịch vụ tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Bắt đầu từ ngành Bưu điện, rồi đến Bưu chính – Viễn thông và bây giờ là Thông tin và Truyền thông, ngành đã trải qua 71 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Trong hành trình hơn 7 thập kỷ, dù trong hoàn cảnh nào, bom đạn chiến tranh hay xây dựng đất nước, hội nhập với thế giới, lá cờ truyền thống của ngành vẫn lấp lánh 10 chữ vàng “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình”.

Cách đây 71 năm, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra trong 2 ngày 14, 15 tháng 8 năm 1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định: "Lập Ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ". Từ đó, ngành Bưu điện chính thức ra đời và trong nhiều thập kỷ, "Bưu điện" đã trở thành cái tên thân quen với bao thế hệ người dân Việt Nam.

Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Bưu điện đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ để giữ vững mạch máu thông tin liên lạc của Đảng luôn thông suốt. Mồ hôi và máu của những chiến sỹ Bưu điện đã đổ xuống trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc, thấm đẫm vào từng bức điện gửi ra tiền phương, trên từng lá thư chan chứa tình thương yêu của người mẹ, người vợ gửi cho chiến sỹ nơi tiền tuyến; hoà vào trong tín hiệu vô tuyến truyền đi trong không gian mịt mùng khói lửa chiến tranh hay trải dài theo những đường dây thông tin khắp mọi miền đất nước. “Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương” - khẩu hiệu có một không hai này duy nhất chỉ có ở ngành Bưu điện Việt Nam từ những năm tháng đó.  Qua 2 cuộc kháng chiến, ngành Bưu điện có gần một vạn cán bộ, công nhân viên là liệt sỹ và trên 23 nghìn người được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân, huy chương các loại; 45 Bưu điện tỉnh, thành trở thành anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau chiến tranh, cả đất nước nói chung, ngành Bưu điện Việt Nam nói riêng phải đối mặt với những thử thách mới. Nhiệm vụ đặt ra cho toàn ngành lúc bấy giờ là phải làm sao để phát triển, hiện đại hoá nhanh, đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của xã hội, phục vụ sự chỉ đạo của Đảng - Nhà nước, tạo tiền đề cho các ngành kinh tế, kỹ thuật khác phát triển. Mặt khác, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng kinh tế đối ngoại, đưa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

Ngành đã định hướng và quyết tâm "đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hoá, tự động hoá và đa dịch vụ", thực hiện thành công chiến lược tăng tốc, đưa mạng viễn thông Việt Nam lên bản đồ thế giới. Với những thành tựu nổi bật, ngành Bưu điện được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

Như vậy, từ khi thành lập đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ngành Bưu điện đã trải qua những mốc phát triển quan trọng với các tên gọi khác nhau: Nha Bưu điện (1945), Nha Bưu điện - Vô tuyến điện (1951), Tổng Cục Bưu điện (1968), Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông vận tải (1990), Tổng Cục Bưu điện (1992).

Ngày 05/8/2002, Quốc hội nước CHXH Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ nhất đã ban hành Nghị quyết số 02/2002/QH11 thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông trên cơ sở Tổng cục Bưu điện. Bộ Bưu chính, Viễn thông ngoài việc đảm nhận chức năng quản lý Nhà nước của ngành Bưu điện như bưu chính, viễn thông, Internet, tần số vô tuyến điện còn gánh vác thêm trách nhiệm quản lý Công nghệ thông tin, điện tử. Sự ra đời của Bộ Bưu chính Viễn thông đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngành Bưu điện, thể hiện sự lớn mạnh, đủ sức thống nhất quản lí nhà nước về BCVT và CNTT, thúc đẩy quá trình vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các doanh nghiệp; chủ động mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy nhanh tiến trình tin học hoá nền kinh tế xã hội; xây dựng công nghiệp CNTT ở Việt Nam.

Đến tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin. Việc thành lập Bộ Thông Tin và Truyền Thông thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.

Sau 9 năm thành lập, ngày 19/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 28/8 là ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông. Kỷ niệm ngày truyền thống của ngành giữa những ngày tháng Tám lịch sử, cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Thông tin và Truyền thông càng thêm phấn khởi, tự hào và quyết tâm tiếp nối thành quả của các thế hệ đi trước.

Ở Vĩnh Phúc, lịch sử truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông là những năm tháng phục vụ sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, từ hoạt động bí mật đến công khai, từ phục vụ đấu tranh giành chính quyền đến hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng hậu phương và đổi mới, hội nhập. Những năm tháng đó, biết bao thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Thông tin và Truyền thông đã đóng góp trí tuệ, công sức và cả máu xương vì sự nghiệp chung. Nhiều chiến sỹ giao thông liên lạc tỉnh ta đã ngã xuống trên những nẻo đường quê hương, đất nước. Họ đã phấn đấu, tận tuỵ, trung thành, hy sinh gian khổ để đảm bảo thông tin liên lạc luôn luôn thông suốt.

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Thông tin và Truyền thông của tỉnh đã thực hiện chiến lược “đi trước một bước, đi tắt đón đầu”, khẳng định vai trò, vị trí là động lực tác động vào sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực khác và không thể thiếu trong chặng đường phát triển, hội nhập của tỉnh.

Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc hôm nay là ngành kinh tế, chính trị, kỹ thuật, dịch vụ tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, CNTT, điện tử, báo chí, xuất bản, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại...vừa đóng vai trò phục vụ công ích vừa sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Lĩnh vực viễn thông có những bước tiến mới về cơ sở hạ tầng. Loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú; chất lượng dịch vụ được đảm bảo; tinh thần, thái độ phục vụ chuyên nghiệp hơn. Đến nay, 100% số thôn, bản có điện thoại và báo Đảng đến trong ngày; cáp quang đã đến 100% số thôn của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 910 nghìn thuê bao điện thoại các loại; đạt mật độ 90 máy/100 dân. Internet băng thông rộng liên tục tăng, hiện đạt hơn 86.000 thuê bao. Các năm 2012 đến nay, mặc dù nền kinh tế của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới và khu vực, doanh thu ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc vẫn tăng trưởng ấn tượng: Năm 2014 đạt 2.972 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013; năm 2015 đạt 3.574  tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2014; 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5.620 tỷ đồng.

Mạng lưới và dịch vụ bưu chính được đổi mới và tăng cường. Bên cạnh các dịch vụ truyền thống được hiện đại hoá, một số dịch vụ bưu chính mới chất lượng cao như trả lương hưu, trợ cấp xã hội, chuyển phát nhanh, tài chính bưu chính... được đưa vào khai thác. Với trên 141 bưu cục, điểm phục vụ bưu chính, bán kính phục vụ được rút xuống còn 1,6 km/điểm.

Lĩnh vực Báo chí - Xuất bản khởi sắc trên cả 4 loại hình: Báo viết, báo nói, báo hình và báo mạng điện tử. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã thực hiện phát sóng trên vệ tinh với thời lượng 24 giờ/ngày và chuyển hoàn toàn sang phát sóng số vào 31/12/2016. Báo Vĩnh Phúc xuất bản tất cả các ngày trong tuần với 3 ấn phẩm: báo hằng ngày, báo cuối tuần và báo chủ nhật. Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử Vĩnh Phúc ngày càng đổi mới về nội dung thông tin, dữ liệu; giao diện thận thiện, đáp ứng tốt nhu cầu tra cứu thông tin của độc giả.

CNTT đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả to lớn trong hoạt động các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Sở Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tại 34 địa phương, đơn vị; duy trì hoạt động 34 Cổng TTĐT thành phần; hệ thống thư điện tử công vụ với hơn 8.000 tài khoản, tạo nền tảng hướng tới xây dựng chính quyền điện tử. Hiện 25% tổng lượng văn bản đi/đến trên địa bàn được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng, gần 70% văn bản đi/đến được chuyển song song trên môi trường mạng và qua đường công văn; khoảng 85% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc.

Kết quả đạt được trong những năm qua đã tạo ra những cơ hội, tiền đề để Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc tiến  bước nhanh hơn, mạnh hơn, hội nhập sâu và mạnh mẽ. Chặng đường phía trước đang mở ra nhiều thời cơ, song cũng không ít thách thức cho sự nghiệp Thông tin và Truyền thông tỉnh nhà. Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, đưa Thông tin và Truyền thông trở thành ngành mũi nhọn, khẳng định vai trò, vị trí là động lực tác động vào sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực khác, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ chủ yếu:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về cơ chế chính sách phát triển ngành; củng cố tổ chức bộ máy theo chức năng, nhiệm vụ mới; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; chú trọng các lĩnh vực, nhiệm vụ có nhiều liên quan đến tổ chức, công dân, trật tự an toàn xã hội và các nhiệm vụ mới được giao (thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại).

Hai là, có những đột phá mạnh mẽ trong thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử; tiếp tục phát huy vai trò mở đường, nắm bắt các xu thế mới của thời đại, sử dụng công nghệ để tạo nên sức bật mới; đưa CNTT trở thành động lực phát triển cho tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ, cho cả nền hành chính của tỉnh.

Ba là, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành tháo gỡ khó khăn, phát triển hạ tầng mạng lưới và sản xuất kinh doanh, nhất là ở vùng nông thôn; đảm bảo vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa bảo vệ tốt quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Bốn là, phối hợp chỉ đạo, tập trung quản lý các cơ quan báo chí trên địa bàn làm tốt công tác thông tin tuyên truyền; phát huy hơn nữa vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân nhằm tạo đồng thuận xã hội, tạo bầu không khí chính trị tích cực để vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.

Năm là, c trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên có phẩm chất đạo đức và chuyên nghiệp, có lòng nhiệt tình, say mê và tinh thần trách nhiệm cao; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành, ở mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.
Trong xu thế hội nhập, những năm tới, Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ cao, có chiều sâu, với sự bùng nổ ở một số lĩnh vực, nhất là cơ quan thông minh, thông tin di động, Internet băng rộng. Điều này tạo nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mới với ngành Thông tin và Truyền thông. Với sự nỗ lực vượt khó, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, toàn ngành đang tập trung triển khai các giải pháp, tạo động lực quan trọng đưa Vĩnh Phúc hội nhập sâu rộng, từng bước tiến tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc T.Ư trong tương lai gần.

Trần Gia Long
TUV, GĐ Sở TT&TT

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 42 bản ghi

Số lượt truy cập: 90.773.591

EMC Đã kết nối EMC