Đó là cảm nhận chung của nhiều người khi nói về sự phát triển của ngành Bưu điện. 70 năm qua, những đổi thay nhanh chóng về công nghệ, hạ tầng cũng như thái độ phục vụ của ngành đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân.
Ông Lê Thu, cán bộ hưu trí xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường: “Thông tin liên lạc phát triển một cách chóng mặt”
 |
Trước khi nghỉ hưu, tôi là Phó Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lạc. Tôi chỉ cần kể một câu chuyện đơn giản về việc chỉ đạo, xử lý công việc những năm 90 của chúng tôi thì mọi người sẽ hiểu được sự phát triển vượt bậc của bưu chính, viễn thông hiện nay: Huyện ủy có một việc khẩn cấp cần họp cán bộ lãnh đạo chủ chốt các xã, chúng tôi phải cử một cán bộ thật sự tin cậy đến từng xã để truyền đạt nội dung. Như vậy, đến khi tổ chức được cuộc họp, chúng tôi cũng phải mất ít nhất 2 ngày. Giờ đây, nếu muốn tổ chức một cuộc họp khẩn chỉ cần mất khoảng vài chục phút cho việc thông báo. Lúc ấy, muốn đánh một bức điện phải ra Bưu điện huyện mới thực hiện được; trong khi phải chờ đợi rồi đến được tay người nhận bức điện cũng phải mất vài ngày. Các thiết bị, máy móc phục vụ thông tin liên lạc thời đó cũng thô sơ, lạc hậu; cả khối Huyện ủy mới có một chiếc điện thoại phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, liên lạc và các nhiệm vụ chuyên môn. Cán bộ, nhân viên ngành Bưu điện thời ấy còn ít, chưa thể đáp ứng được nhu cầu phục vụ người dân. Từ câu chuyện đó, tôi muốn nói rằng thông tin liên lạc thời nay tiện lợi, dễ dàng, đến từng ngõ ngách, thôn xóm.
Dần dần, cùng xu thế phát triển và phải cạnh tranh theo thị trường, ngành tiếp tục đổi mới và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tất nhiên, nếu để so sánh khoảng thời gian hơn 20 năm mọi người cho là khập khiễng, nhưng theo cảm nhận của tôi, đến nay, ngành Bưu điện đã có sự phát triển nhanh đến chóng mặt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, nhiều dịch vụ của ngành còn ngang tầm quốc tế.
Ông Kim Đình Phê, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương: “Nhiều dịch vụ thuận lợi, tiện ích”
 |
Ấn tượng của tôi về hình ảnh Bưu điện thị trấn Hợp Hòa cách đây 20 năm rất nhỏ bé, chật hẹp với các loại sách, báo nghèo nàn; dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tôi còn nhớ, năm 1990, tôi là bộ đội đóng quân trong Nam, muốn gửi thư về nhà phải khoảng nửa tháng mới nhận được, tình trạng thất lạc thư là chuyện xảy ra thường xuyên. Đến nay, nhiều dịch vụ của ngành Bưu điện phát triển đa dạng, thuận lợi, tiện ích với thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo của các cán bộ, nhân viên công tác trong ngành. Tôi đang là độc giả của Báo Phụ nữ Việt Nam hơn chục năm nay; việc mua, đặt báo không khó khăn như trước, báo được đưa đến tận nhà. Gia đình tôi cũng đang sử dụng một số dịch vụ như: Truyền hình MyTV, trả lương hưu qua hệ thống bưu điện; thỉnh thoảng cũng sử dụng dịch vụ mua hàng trả tiền; tôi thấy các dịch vụ này rất tốt, giảm được thời gian, chi phí đi lại mà vẫn đảm bảo kịp thời, chất lượng.
Ông Lỗ Đức Triệu, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên: Ngành Bưu điện đã có những con người dấn thân như thế!
 |
Tôi vốn là một "người Bưu điện" đã về hưu. Gần 40 năm gắn bó với ngành, đi qua những năm tháng vất vả, chứng kiến những bước thăng trầm của ngành, tôi càng yêu và tự hào hơn với truyền thống "Trung thành, tận tụy, sáng tạo, nghĩa tình". Người công tác Bưu điện là những người có mặt trên khắp các hang cùng ngõ hẻm của đất nước, họ gìn giữ từng giây cho sự liên tục của toàn mạng lưới. Họ tận tụy bất kể ngày đêm để nối thông liên lạc mà chẳng bao giờ phàn nàn. Tuy vất vả nhưng lúc nào họ cũng vui và vẫn lạc quan. Có thể nói, từ công nghệ analog tới công nghệ số là bước tiến dài của ngành. Với tôi, những năm 90 của thế kỷ trước, khi công nghệ số hóa bắt đầu vào ngành là giai đoạn đáng nhớ nhất. Đó là thành quả của sự nỗ lực, bứt phá, tư duy sáng tạo của những người đứng đầu ngành. Ngành Bưu điện đã có những con người dấn thân như thế. Đến nay, khi fax đã thay thế cho điện báo; điện thoại di động dần thế chỗ diện thoại cố định; thông tin liên lạc cực kì thuận tiện, nhanh chóng, phẩm chất của con người Bưu điện vẫn vậy, chỉ có áp lực cạnh tranh và yêu cầu đổi mới nhiều hơn. Mong sao truyền thống của ngành vẫn mãi được giữ gìn, là điểm tựa thôi thúc các thế hệ cán bộ , nhân viên ngành Bưu điện cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của ngành, của đất nước.
Hồng Yến (t.h)