Sign In

Ứng dụng CNTT - giải pháp quan trọng góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

23/08/2016
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) công bố chính thức từ năm 2005. Từ năm 2010 đến nay, dù các chỉ số thành phần có thay đổi về số lượng và điểm trọng số nhưng chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin luôn có trọng số 20% trong thang 100 điểm của PCI, điều đó cho thấy vai trò của chỉ số thành phần này.

Năm 2011, PCI của Vĩnh Phúc xếp thứ 17/63 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó, chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin xếp thứ 11/63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, năm 2012, PCI của tỉnh bị sụt giảm mạnh, xếp thứ 43/63, trong đó một phần nguyên nhân do chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin sụt giảm nghiêm trọng, xếp thứ 59/63. Để cải thiện tình hình này, UBND tỉnh đã ban hành Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2015. Đề án xác định mục tiêu đưa chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin nằm trong nhóm 30 địa phương tốt nhất vào năm 2013, trong nhóm 20 địa phương tốt nhất năm 2014 và 10 địa phương tốt nhất vào năm 2015.

Thực hiện Đề án, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số này. Sở thường xuyên đôn đốc, theo dõi, hỗ trợ các ngành, địa phương triển khai đồng bộ hệ thống Cổng, trang thông tin điện tử nhằm tăng cường cung cấp nhanh chóng, kịp thời các thông tin, thủ tục hành chính, dịch vụ công, các tài liệu quy hoạch, kế hoạch, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các văn bản pháp lý trên các Cổng Thông tin Giao tiếp điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử của sở, ngành, địa phương. Các hệ thống khác như: Thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến tất cả các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện. Trung tâm Hạ tầng thông tin đi vào vận hành từ tháng 01/2014 góp phần bảo đảm hạ tầng nền tảng cho phát triển các ứng dụng CNTT dùng chung trên địa bàn tỉnh.

Nhờ có sự quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo tỉnh và phấn đấu nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương, chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin đã có sự thay đổi tích cực. Năm 2013 và 2014 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; năm 2015 xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố.

Mặc dù đã có sự cải thiện mạnh mẽ trong năm 2013 và 2014, tuy nhiên năm 2015, chỉ số này lại giảm so với mục tiêu của Đề án. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các tài liệu quy hoạch, kế hoạch, tài liệu pháp lý. Số lượng và chất lượng các Cổng, trang thông tin của các cơ quan nhà nước tuy được cải thiện nhưng còn ít các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp ở mức độ cao (mức độ 3 và 4). Nhiều đơn vị chưa cập nhật thông tin thường xuyên, không cập nhật dữ liệu đầy đủ và kịp thời trên Cổng thông tin điện tử. Tỷ lệ sử dụng, trao đổi thư điện tử công vụ chưa cao. Đa số các đơn vị sử dụng quy trình quản lý văn bản đến nhưng chưa sử dụng triệt để quy trình quản lý văn bản đi trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm một cửa điện tử chưa được triển khai tại các cơ quan, đơn vị.

Để tăng cường chỉ số minh bạch, khắc phục các tồn tại nêu trên, cần sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành trong ứng dụng CNTT, triển khai dịch vụ công trực tuyến và cung cấp trên Cổng thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, bộ phận tham mưu, chuyên trách triển khai các ứng dụng CNTT cần chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, triển khai các công việc tại Kế hoạch số 1136 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết 36a của Chính phủ về chính phủ điện tử, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tăng cường triển khai các ứng dụng CNTT nền tảng xây dựng chính quyền điện tử phục vụ tổ chức, công dân, doanh nghiệp, công khai minh bạch nền hành chính: Thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản, cổng thông tin điện tử, phần mềm một cửa điện tử, các dịch vụ công trực tuyến.

Ứng dụng CNTT không những có vai trò quan trọng trong việc cải thiện vị trí, xếp hạng của chỉ số Tính minh bạch mà còn tác động vào điểm số các chỉ số thành phần khác như: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Chi phí không chính thức, ... Vì vậy tăng cường ứng dụng CNTT là giải pháp quan trọng góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ thông tin cần bảo đảm tính hiệu quả và để hiệu quả, rất cần có sự nhất trí, đồng thuận phấn đấu, quyết tâm cao của lãnh đạo, của toàn thể cán bộ công chức, viên chức các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Cao Nguyên

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 42 bản ghi

Số lượt truy cập: 46.460.543

EMC Đã kết nối EMC