Sign In

Đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh

09/04/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; thực hiện ký cam kết giữa 3 bên gia đình - nhà trường - học sinh về chấp hành pháp luật an toàn giao thông; tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông; tổ chức các buổi ngoại khóa về an toàn giao thông cho học sinh ở các cấp học… là những giải pháp quan trọng, cách làm tạo hiệu ứng tích cực trong công tác bảo đảm an toàn giao thông học đường của tỉnh từ nhiều năm nay, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh.
 

Lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
và triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh 

 
Cụ thể hóa Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, thời gian qua, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao như: Thực hiện giao ước đã kí kết giữa lực lượng Công an và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về chương trình phối hợp tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn học sinh, sinh viên các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Giám hiệu các trường học đưa nội dung phổ biến pháp luật về an toàn giao thông vào trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ đầu tuần; lồng ghép nội dung hướng dẫn kỹ năng lái xe, tham gia giao thông an toàn cho học sinh các cấp học… Trong năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 305 buổi tại các trường học trên địa bàn tỉnh với gần 213.000 học sinh và hơn 11.800 giáo viên tham gia; ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông với trên 271.400 lượt giáo viên, học sinh; tổ chức cho trên 206.400 lượt phụ huynh học sinh ký cam kết không giao xe cho học sinh không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Bên cạnh đó, thường xuyên đăng tải các nội dung tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông trên các trang mạng xã hội; phối hợp với các nhà trường chia sẻ video, bài viết tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông đến từng học sinh và phụ huynh qua nhóm zalo; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh lưu động, trên đài phát thanh của cấp huyện, cấp xã tại cổng trường học và các khung giờ cao điểm. Đồng thời, duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản về an toàn giao thông tại các cổng trường học trong giờ cao điểm nhằm hướng dẫn giao thông, điển hình như mô Cổng trường an toàn giao thông”, “Đội thanh niên tình nguyện”, “Đội cờ đỏ”, “Xếp hàng đón con” tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông tại cổng trường.

Thực tế cho thấy, so với cùng kỳ năm 2023, trong năm 2024, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh giảm cả ba tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông. Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã lập biên bản trên 2.590 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 477 triệu đồng; lập biên bản 198 trường hợp phụ huynh học sinh vi phạm về hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong năm, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh, làm 29 người chết, 44 người bị thương, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội. Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông trên là do các em học sinh còn thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không chấp hành các quy định khi tham gia giao thông như: Đi không đúng phần đường, làn đường quy định; không chú ý quan sát khi chuyển hướng, tránh vượt xe không đúng quy định; không nhường đường, không giữ khoảng cách an toàn; không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy xe quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là tình trạng học sinh, thanh thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi...

Mô hình Cổng trường an toàn giao thông góp phần tạo thói quen chấp hành các quy định của
pháp luật về giao thông tại cổng trường

 
Trước thực trạng báo động về tình hình vi phạm và tai nạn giao thông trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, các cấp, ngành, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công an tỉnh Vĩnh Phúc với vai trò nòng cốt đã phối hợp tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 13 thực hiện Chỉ thị số 31, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, trong đó, chỉ đạo và quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng liên quan trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để tình hình trật tự an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh diễn biến phức tạp.

Để việc thực hiện Chỉ thị số 31 đạt hiệu quả rõ nét hơn nữa, cấp ủy chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, tiếp tục triển khai nghiêm túc nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông cho các đoàn viên, hội viên; tuyệt đối không giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển và chịu trách nhiệm khi người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn giao thông. Các trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông  cho học sinh, sinh viên, từng bước hình thành và xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh ngay từ khi các cháu đang học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Vì sự an toàn của chính bản thân mình và mọi người, mỗi người hãy bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất như đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, đi đúng tốc độ và phần đường, làn đường quy định. An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà, chúng ta hãy ngăn chặn tai nạn giao thông bằng những hành động thiết thực để mỗi con đường đi là con đường an toàn, mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui.

 
Thu Thủy
 
 
 

 

   
   
   
EMC Đã kết nối EMC