Sign In

Tăng cường tháo gỡ “nút thắt” cho các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

24/03/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sức sống mới, giúp đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các vùng quê ngày càng khởi sắc, với hệ thống cơ sở hạ tầng, từ đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp, các mô hình phát triển kinh tế mới được nhân rộng, giúp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực nông thôn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 53 xã duy trì đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; 15 xã duy trì đạt 18/19 tiêu chí; 10 xã duy trì đạt 17/19 tiêu chí; 16 xã duy trì đạt 16/19 tiêu chí; 8 xã duy trì đạt 15/19 tiêu chí xã nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025; 231 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 71% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; 34 thôn được công nhận thôn thông minh, tăng 209%; 37 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, đạt 88%; 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 54,5% so với kế hoạch của giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến hết quý II/2025, Vĩnh Phúc có 42 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 đề ra.

 
Từ xây dựng nông thôn mới, đường làng, cảnh quan và đời sống người dân xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường ngày càng khởi sắc

Đối với xây dựng huyện nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Phúc có thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Vĩnh Tường đã cơ bản hoàn thành các điều kiện, tiêu chí huyện nông thôn mới và đã hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới (lần 2) đề nghị cấp trên thẩm tra, thẩm định, xét công nhận huyện nông thôn mới năm 2024. Các huyện Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch,  Tam Đảo đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành các điều kiện, tiêu chí huyện nông thôn mới theo quy định. Còn nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có Tờ trình số 1527 đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Lạc đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024, đạt 100% mục tiêu kế hoạch đề ra.

Với sự nỗ lực, cùng vào cuộc của các cấp chính quyền, hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 63 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,47%; hộ cận nghèo giảm còn 1,27%. Đặc biệt, để 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, các địa phương đã gắn xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa nông thôn; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; triển khai thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn; đẩy mạnh phong trào thi đua Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới, nhất là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”; phong trào “Ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh”...

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57/102 xã lập quy hoạch xây dựng phát triển kinh tế - xã hội gắn với đô thị hoá nông thôn. Toàn tỉnh có 100% đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện; 100% đường trục thôn, đường liên thôn; gần 99% đường ngõ, xóm; trên 85% đường trục chính nội đồng được cứng hóa; 351/487 trường học đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Đồng thời, có 7/9 trung tâm văn hóa, thể thao huyện đạt chuẩn; 102 xã có trung tâm văn hóa, thể thao có đủ các hạng mục đạt chuẩn theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao các địa phương phát triển, với trên 50% người dân thường xuyên luyện tập thể thao; 42% gia đình thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao; tỷ lệ người dân tham gia sinh hoạt thường xuyên tại Nhà văn hóa thôn đạt từ 55 - 70%.

Xây dựng nông thôn mới, không chỉ bộ mặt nông thôn được thay đổi mà ý thức của người dân trong việc gìn giữ môi trường nông thôn được nâng lên, tạo nên những tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải toàn tỉnh đạt trên 90%; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường đạt trên 85%; 100% cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung có hầm biogas.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện một số tiêu chí như: Tiêu chí tổ chức sản xuất, tiêu chí y tế, tiêu chí môi trường, tiêu chí chất lượng môi trường sống trong giai đoạn nước rút gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, bởi theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thì tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đối với xã nông thôn mới nâng cao phải đạt từ 65% trở lên; huyện nông thôn mới từ 43% trở lên; huyện nông thôn mới nâng cao đạt từ 53% trở lên. Thế nhưng, trên thực tế, đến nay, huyện Tam Đảo mới có 11,25%; huyện Lập Thạch có 15,55%; huyện Sông Lô có 20,7%; huyện Tam Dương có gần 36% hộ gia đình sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Bên cạnh đó, do tỉnh đang tạm dừng triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình, dự án cấp nước sạch tập trung cho các xã theo Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh, nên tiến độ hoàn thành chỉ tiêu này của các xã nằm trong vùng cấp nước đã có nhà máy nước sạch tập trung phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các xã nằm trong vùng cấp nước nhưng chưa có nhà máy nước sạch tập trung thì việc hoàn thành chỉ tiêu này trong giai đoạn 2021 - 2025 càng khó khăn.

Riêng đối với tiêu chí môi trường, do người dân các địa phương chưa đồng thuận với việc triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung nên tình trạng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn manh mún, thiếu đồng bộ và không thể tổ chức phân loại rác thải tại nguồn.

Để gỡ khó cho các tiêu chí trên và hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp cung cấp nước sạch. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; kịp thời giải quyết các bức xúc, tồn tại trong xây dựng cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống, đưa nước sạch về nông thôn. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thu hút cán bộ, đảng viên, Nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Cùng với đó, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách hỗ trợ Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...

 
Thanh Nga

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 4420 bản ghi
EMC Đã kết nối EMC