Sign In

HỢP NHẤT TỈNH, TIẾP TỤC SẢN XUẤT VÀ CHIẾN ĐẤU, GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ HAI CỦA ĐẾ QUỐC MĨ (1968 -1972)

07/09/2011
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

 HỢP NHẤT TỈNH, TIẾP TỤC SẢN XUẤT VÀ CHIẾN ĐẤU,
               GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ HAI CỦA ĐẾ QUỐC MĨ (1968 -1972)

Vào những ngày cuối cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất vô cùng ác liệt của đế quốc Mĩ, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ quyết định hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 26/1/1968, Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh số 504/NQ - QH được thông qua. Tỉnh Vĩnh Phú hợp nhất có diện tích 5.103  km2 với gần 1 triệu 30 vạn dân, trong đó có 9 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số. Các đơn vị hành chính gồm: Thành phố Việt Trì, ba thị xã (Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên), 18 huyện, 4 thị trấn và 422 xã.

Tỉnh Vĩnh Phú hợp nhất trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân hai miền Nam - Bắc đang giành được những thắng lợi quan trọng. Việc hợp nhất đã phản ánh yêu cầu khách quan của sự phát triển của cách mạng, yêu cầu xây dựng mạnh mẽ kinh tế địa phương, biến mỗi tỉnh có trên dưới 1 triệu dân, có phạm vi đất đai nhất định thành một đơn vị chính trị kinh tế, xã hội tương đối hoàn chỉnh có công nông nghiệp phát triển, phù hợp với đường lối công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nhân dân Vĩnh Phú cũng phải đối mắt với những khó khăn thử thách to lớn. Cụ thể là: Vĩnh Phú đất rộng, người đông, địa hình chia cắt, tuy có tiềm năng to lớn nhưng chưa được khai thác triệt để kết cấu hạ tầng thấp kém, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trong khi phải thực hiện nhiệm vụ cung cấp sức người, sức của và tài nguyên cho sản xuất và chiến đấu. Nền kinh tế chủ yếu của Vĩnh Phú là nông nghiệp nhưng sản xuất chưa thực sự ổn định vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Trong công nghiệp, các nhu cầu về nguyên, nhiên, vật liệu và trang thiết bị cho các nhà máy, xí nghiệp vừa thiếu, vừa không đồng bộ, sản xuất vẫn trong tình trạng phân tán, lãng phí còn lớn, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao.

Khi tỉnh Vĩnh Phú mới được hợp nhất thì miền Nam, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 thắng lợi đã giáng một đòn sấm sét vào đầu Mĩ nguỵ. Thắng lợi này cùng với thắng lợi của bốn năm chiến đấu anh dũng chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của quân và dân miền Bắc đã buộc đế quốc Mĩ phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc và chấp nhận đàm phán với ta. Sau khi Mĩ tuyên bố chấm dứt ném bom, miền Bắc nói chung và Vĩnh Phú nói riêng bước vào thời kì mới, khẩn trương khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, tiếp tục nhiệm vụ tăng cường chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Giữa lúc phong trào cách mạng cả hai miền Nam - Bắc đang giành thắng lợi quan trọng thì ngày 2 /9 /1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Nhân dân cả nước để tang Bác trong 7 ngày (từ ngày 4 đến ngày 10/ 9 /1969). Thực hiện chủ trương của Đảng và Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch trước lúc qua đời Tỉnh ủy và nhân dân Vĩnh Phú hăng hái tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi khắp trong toàn tỉnh.

Sau chiến tranh, nhân dân Vĩnh Phú bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Trong ba năm (1968 -1970), dân quân tự vệ đã đóng góp hàng vạn ngày công để phá gỡ hơn 100 quả bom chưa nổ và hơn 2.000 quả bom bi, đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao, góp phần đáng kể vào việc đảm bảo sản xuất cho nhân dân.

Trong nông nghiệp, năm 1968, Vĩnh Phú liên tiếp gặp thiên tai (lũ lụt, hạn hán). Năm 1969, Lập Thạch là một trong số 5 huyện trong tỉnh Vĩnh Phú bị ngập lụt nặng nề. Để khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển sản xuất, tỉnh đã có nhiều biện pháp đối phó lũ. Năm 1968, nhân dân huyện Yên Lãng sau 42 ngày lao động khẩn trương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình thuỷ lợi như các kênh số 6, Đại Độ và Thạch Phú; nhân dân huyện Kim Anh tham gia lao động trên các công trường kênh Anh hùng, hồ Nguyễn Văn Bé. Đặc biệt, chỉ riêng công trình đắp đập ngăn sông Cà Lồ, hơn 1 vạn thanh niên tham gia lao động trong 1 tháng, tạo thành hồ chứa nước mang lại hiệu quả sản xuất cao. Trong năm ngày (từ ngày 10 đến ngày 15/12 /1969), 2.670 đoàn viên thanh niên huyện Yên Lãng đào đắp gần 20.000 m3 đất, hoàn thành các công trình thuỷ lợi phục vụ kịp thời cho việc lấy nước làm vụ chiêm. Các trạm bơm điện trung thuỷ nông được xây dựng và đưa vào sử dụng: trạm Xuân Kỷ (Kim Anh), trạm Lạc Ý (Yên Lạc), trạm Tiên Hường, Đá Bia, Sơn Lai (Bình Xuyên), trạm Đồi Cấm (Phúc Yên) . . .

Để có đủ phân bón ruộng, phong trào thi đua làm phân bón được đẩy mạnh, đoàn viên thanh niên là lực lượng xung kích với những phong trào "dũng sĩ nghìn cân", "7 sào 2 tấn" Huyện Yên Lãng đã lập 314 tổ làm phân chuyên trách các hợp tác xã và 16 đội chuyên tận thu chế biến phân các trại chăn nuôi, với gần 1.000 đoàn viên tham gia đã tạo ra nhiều nguồn phân bón đồng ruộng, huyện Yên Lãng đã trở thành điển hình làm phân bón trong tỉnh.

Đi đôi với phong trào làm thuỷ lợi lấy nước tưới và làm phân bón ruộng, tỉnh có nhiều biện pháp khuyến khích sản xuất, đẩy mạnh áp dụng kĩ thuật, thâm canh tăng vụ. Nhiều giống mới có năng suất cao được đưa vào sản xuất trên diện rộng. Đến cuối năm 1970, vụ mùa toàn tỉnh đạt năng suất bình quân cao hơn năm 1969 là 8.5%; tổng sản lượng quy thóc tăng 3 vạn tấn, lần đầu tiên Vĩnh Phú đạt mục tiêu 5 tấn thóc/ha cả năm. Trên địa bàn Vĩnh Phúc, diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực quy thóc đều tăng. Toàn tỉnh có 200 hợp tác xã đạt 5 tấn thóc ha cả năm, trong đó hợp tác xã Tuân Lộ (Vĩnh Tường) đạt hơn 8 tấn thóc/ha, hợp tác xã Thanh Bình (xã Thanh Lãng, Bình Xuyên) đạt 7.5 tấn thóc/ha. Chăn nuôi cũng có bước phát triển, đàn trâu đạt 49.162 con (tăng gần 20% so với năm 1965), riêng huyện Lập Thạch có đàn trâu hơn 10.000 con; đàn bỏ giảm so với năm 1965; đàn lợn đạt 224.691 con tăng thêm 30% so với năm 1965.

Phong trào thi đua xây dựng những cánh đồng năng suất cao thắng Mĩ xuất hiện nhiều nơi. Phong trào "Thi đua 226" (mỗi lao động làm 226 ngày công một năm) góp phần vào việc quản lí lao động trong các hạp tác xã và phấn đấu thực hiện "Ba mục tiêu trong nông nghiệp" (5 lấn thóc, 2 con lợn, 1 ha gieo trồng/lao động). Đến đầu năm 1971, tỉnh Vĩnh Phú có 1.064 hợp tác xã bậc cao, thu hút 98% nông dân vào hợp tác xã, quy mô hợp tác Xã đạt bình quân 216 hộ, 1.112 người, 403 lao động, 112 ha đất canh tác và 104 con trâu, bò cày. Có 118 hợp tác xã toàn xã, bằng 11,25% tổng số hợp tác xã

Tháng 7 - 1971, Vĩnh Phú gánh chịu trận lũ lụt chưa từng có trong lịch sử, làm vỡ đê và sụt lở nghiêm riêng nhiều nơi. Trận lũ lụt gây ra những hậu quả rất nặng nề: 320/422 xã trong tỉnh bị ngập úng, 45 vạn dân phải chạy lụt; 2 vạn ha lúa và 500 ha hoa màu, cây công nghiệp bị ngập hỏng. Hệ thống đường giao thông, bưu điện, công trình xây dựng cơ bản bị thiệt hại nặng, thông tin liên lạc bị gián đoạn.

Trước tình hình đó, nhân dân trong tỉnh đã kịp thời chống úng, giữ đê, khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục sản xuất, đảm bảo làm vụ mùa nhanh chóng, ổn định đời sống và chăm lo sức khoẻ cho dân. Trên các tuyến đê Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lãng, lực lượng chống lũ có lúc lên đến hàng vạn người, có nơi từ 3.000 đền 5.000 người như Yên Lạc, Đa Phúc. Các phương tiện, nguyên vật liệu được huy động đến mức cao nhất. Các cửa hàng thương nghiệp của tỉnh đem hàng hoá thông thương, nhất là muối, dầu hoả, áo mưa, giấy dầu lớp nhà cung cấp cho nhân dân vùng lũ lụt. Nhà nước cũng kịp thời cứu trợ lương khô và 2.000 tấn gạo cho người dân, 2.000 tấn lương thực cho gia súc, 21.272 mét vải, 11.250 chiếc chiếu và nhiều vật dụng khác.

Nhờ nỗ lực của nhân dân Vĩnh Phú, đến đầu tháng 10 - 1971, tất cả các tuyến đê bị vỡ, bị hư hỏng đều được hàn khẩu và tu sửa với khối lượng đào đắp gần 1 triệu m3 đất đá, các tuyến đường giao thông sắt bộ được khôi phục, các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp bắt đầu sản xuất trở lại. Đời sống nhân dân từng bước được ổn định, các dịch bệnh được loại bỏ. Chiến thắng lũ lụt năm 1971 là kết quả của quá trình nhiều năm đóng góp sức người, sức của củng cô đê điều của nhân dân trong tỉnh, là kết quả đúc kết kinh nghiệm nhiều năm chiến đấu với thiên tai, là sức mạnh đoàn kết của quân dân trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Trong công nghiệp và thủ công nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng tiêu dùng ngày càng lớn, năm 1970, Phòng Thủ công nghiệp được tách ra từ Ti Công nghiệp để thành lập liên hiệp Xã thủ công nghiệp của tỉnh. Nhờ những cố gắng chung của đội ngũ cán bộ và công nhân trong việc khắc phục khó khăn phục hồi sản xuất, công nghiệp địa phương đã vươn lên đóng vai trò quan trọng về "hậu cần tại chỗ". Năm 1969, giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương tỉnh Vĩnh Phú đạt 55.521.000 đồng, bằng 97% kế hoạch (tăng 1,5% so với năm 1968). Giá tri sản lượng mặt hàng phục vụ nông nghiệp vượt 2,5%, phục vụ xuất khẩu vượt 9,9% so với kế hoạch. Đến năm 1970, giá trị sản lượng thủ công nghiệp chiếm 50% tổng giá trị công nghiệp địa phương, 84% thợ thủ công chuyên nghiệp đã tham gia vào 90 hợp tác xã và 45 tô sản xuất thủ công với tổng số 5.515 xã viên. Ngành thủ Công nghiệp huyện Yên Lạc được Ti Công nghiệp Vĩnh Phú tặng cờ đơn vị khá nhất".

Đi đôi với khôi phục và phát triền kinh tế, sự nghiệp văn hoá giáo dục được tăng cường. Tháng 3 - 1968, báo Vĩnh Phú – Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh ra số đầu tiên. Phòng truyền thanh được thành lập trực tiếp quản lí Đài truyền thanh tỉnh, 15 đài truyền thanh huyên, thị xã và 28 trạm truyền thanh cơ sở. Hệ thống truyền thanh được củng cố và xây dựng mới nhiều xã, hàng vạn cuốn sách và báo chí được phát hành rộng rãi, đảm bảo thông tin tuyên truyền phục vụ kịp thời nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động văn hoá văn nghệ được duy trì. Toàn tỉnh có trên 100 đội văn nghệ xung kích, thường xuyên phục vụ chiến sĩ và nhân dân. Từ năm 1968 đến năm 1970, hai hội diễn văn nghệ công nông binh được tổ chức, thu hút hơn 100 tập thể và cá nhân tham dự, đóng góp trên 500 tiết mục tự biên, tự diễn.

Về giáo dục, tỉnh chủ trương phải nâng cao chất lượng giáo dục đi đôi với phát triển số lượng trong tất cả các ngành học. Năm học 1969 - 1970, học sinh phổ thông cấp I, II, III của tỉnh Vĩnh Phú có 308.602 em, tăng 171.186 em so với năm 1960 - 1961; trên địa bàn Vĩnh Phúc mở thêm trường phổ thông cấp III Lập Thạch tại Liễn Sơn. Phong trào thi đua "Hai tốt" xuất hiện các trường điển hình tiên tiến.

Ngày 30/3/ 1972, quân dân miền Nam mở đợt tiến công lớn trên chiến trường phá vỡ tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch trên ba địa bàn chiến lược quan trọng là Quảng Trị, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Để cứu vãn sự sụp đổ của nguỵ quân, nguỵ quyền và chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, ngày 6/ 4 /1972, Mĩ vội vàng cho không quân và hải quân đánh phá ồ ạt nhiều khu dân cư từ Quảng Bình - Vĩnh Linh đến Lạng Sơn, chính thức tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Tại Vĩnh Phúc, ngày 17/ 5 /1972, đế quốc Mĩ cho máy bay đánh phá cầu Việt Trì, mở đầu chiến tranh phá hoại lần thứ hai vào tỉnh. Từ ngày 17 /5 đến 24/ 10 /1972, đế quốc Mĩ đã huy động 297 lần tốp máy bay đánh phá 101 trận vào 163 mục tiêu quân sự, kinh tế, trường học, bệnh viện và khu dân cư; số bom đạn địch ném xuống Vĩnh Phú là 2.755 quả bom phá, bom phát quang, 49 thùng bom bi và 52 quả tên lửa. Hầu hết các huyện trong tỉnh đều bị đánh phá, trong đó huyện Kim Anh và Đa Phúc nằm trong vùng trọng điểm bị máy bay địch đánh Phá nhiều lần. Trên địa bàn huyện Bình Xuyên, ngày 10/9 /1972, máy bay Mĩ thả 138 quả bom xuống trường Đại học Xây dựng sơ tán làm thiệt mạng 68 người và 80 người khác bị thương. Tháng 10/1972, Mĩ tiếp tục thả 264 quả bom xuống xã Hương Sơn, làm chết và bị thương nhiều người.

Có thể thấy rằng, cuộc chiến tranh phá hoại lần này đã vượt xa cuộc chiến tranh phá hoại lần trước về số lượng bom đạn, quy mô và thủ đoạn tàn bạo. Do được chuẩn bị từ trước và luôn luôn tư thế sẵn sàng chiến đấu, quân dân Vĩnh Phú đã sửa gấp hầm hào phòng tránh, sơ tán người và tài sản các khu vực trọng điểm như Vĩnh Yên, Phúc Yên. Đến tháng 11/1972, nhân dân đã sửa chữa và đào mới 269.035 hầm nơi công cộng, 736.746 hầm trong gia đình, 486.558 mét giao thông hầm hào làm trong 7 tháng gần bằng số đã làm trong bốn năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Toàn tỉnh có 587 đội cứu tải thương và 534 đội chữa cháy, 548 đội đào bới cứu sập và 326 đội công binh.

Phát huy truyền thống "Tay cày tay súng, tay búa tay súng", quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược", quân và dân Vĩnh Phú cảnh giác, phối hợp với bộ đội phòng không chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, băn rơi máy bay Mĩ Đêm 17/10 /1972, dân quân xã Tiền Châu (huyện Yên Lãng) bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F111, nâng tổng số máy bay Mĩ bị bắn rơi Vĩnh Phú lên 112 chiếc và là chiếc máy bay thứ 4.000 bị bắn rơi trên miền Bắc.

Không đạt được mục tiêu mong muốn, sau khi tái đắc cử tổng thống Mĩ (11 - 1972), Nichxơn đã tăng cường các hoạt động chiến tranh hết sức căng thẳng. Ngày 14/ 12/ 1972, Nichxơn chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích ồ ạt bằng không quân chiến lược đánh vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh”Lainơ Bếchcơ 2", nhằm gây sức ép trên bàn đàm phán. Đêm ngày 18/12/1972, cuộc tập kích diễn ra, kéo dài suốt 12 ngày đêm liên tục cho đến hết ngày 29/ 12 /1972.

Tại Vĩnh Phú, từ ngày 18 đến ngày 20/12/ 1972, đế quốc Mĩ đã huy động 362 tốp gồm 1.068 chiếc, trong đó có 20 tốp gồm 60 chiếc B52, đánh phá 44 lần với 6.474 quả bom phá, bom phát quang và 2 thùng bom bi, 9 lần bắn tên.lửa, với tồng số gần 300 tấn bom đạn các loại ném xuống 54 mục tiêu, trong số đó có 28 mục tiêu là khu đông dân cư, 10 mục tiêu là cơ quan, kho tàng, xí nghiệp, 4 mục tiêu là cầu phà, đường giao thông trên địa bàn Vĩnh Phúc. Khu vực sân bay Nội Bài và các xã vùng phụ cận thuộc các huyện Kim Anh, Đa Phúc. Yên Lãng. Vĩnh Yên, ngày nào máy bay Mỹ cũng đánh phá, gây nhiều tổn thất. Chỉ tính riêng huyện Kim Anh, đêm 28 và ngày 29/ 12/ 1972, B52 rải 1.848 quả bom tàn phá Xuân Mai, Đai Phừng (xã Phúc Thắng), Cao Minh, làm chết 135 người, 18 người bị thương, gần 200 ngôi nhà phá hủy, 240 mẫu ruộng bị tàn phá nặng nề.

Chủ động theo dõi sát từng bước diễn biến của tình hình và âm mưu địch, với tinh thần cảnh giác cao, quân và dân Vĩnh Phú đã giáng cho địch những đòn thích đáng. Dân quân xã Đạo Trù (Tam Đảo), tự vệ trương cấp I và bệnh viện thị xã Phúc Yên bắt sống giặc lái Mĩ Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mĩ quân dân Vĩnh Phú bắn rủi 27 máy bay, trong đó có 2 chiếc B52 và 1 chiếc F111 hiện đại nhất của Mĩ , góp phần vào thắng lợi to lớn của quân và dân miền Bắc, của quân dân Hà Nội, Hải Phòng làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không" vĩ đại chưa từng có trong lịch sử, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô nhất, tàn bạo nhất của đế quốc Mĩ buộc Tổng thống Mĩ phải tuyên bố ngừng mọi hoạt động đánh phá miền Bắc nước ta.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, lại có kinh nghiệm kết hợp chiến đấu và sản xuất trong thời kì chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Vĩnh Phú vẫn vững vàng trước bom đạn của tỉnh. Các hoạt động sản xuất vẫn được giữ vững.

Trong nông nghiệp, phát huy truyền thống anh dũng trong chiến đấu và lao động sản xuất, nhân dân tỉnh Vĩnh Phú đã vượt qua khó khăn thử thách và giành thắng lợi. Trong phong trào thi đua "Mở hội lập công, giành cờ đại hội" đã xuất hiện nhiều hợp tác xã tiên tiến về các mặt, số hợp tác xã đạt từ 5 tấn thóc/ha trở lên ngày càng nhiều, trong đó cần hợp tác xã khu Đông (Thổ Tang), Chùa An (Ngũ Kiên) và Tam Phúc (Vĩnh Tường) đạt trên 7 tấn, một số hợp tác xã đạt 3 mục tiêu trong nông nghiệp là Đồng Xuân (Lập Thạch), Vân Hội, Yên Thượng và Hoàng Đan (Tam Dương).

Hưởng ứng phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ", công tác trồng cây, trồng rừng đạt trên 100% kế hoạch. Nhiều đồi cây và đường cây mang tên Bác, đường cây, đồi cây kết nghiã Bến Tre - Long Châu Sa ra đời. Trong công nghiệp, mặc dù công nghiệp của tỉnh phần lớn được xây dựng và trưởng thành trong chiến tranh, quy mô tổ chức sản xuất mang nặng tính tạm thời và phân tán, song thông qua các phong trào thi đua như: Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giành 3 điểm cao (năng suất, chất lượng, tiết kiệm) đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thủ công nghiệp. Ở huyện Bình Xuyên, hợp tác xã đúc Quyết Tiến, ngói Thống Nhất sản xuất đều vượt kế hoạch. Tại thị xã Phúc Yên, quy mô hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp được mở rộng, sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng như mũ, làn, van, bóng chuyền, bóng đá, thêu ren xuất khẩu... ở Vĩnh Tường cũng có nhiều hợp tác xã thủ công nghiệp sản xuất tốt như rèn Lí Nhân, đan Bích Chu. Năm 1971, giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Vĩnh Phú đạt 98,7% kế hoạch, tăng 8,9% so với năm 1970.

Công tác giao thông vận tải thời chiến được đặc biệt coi trọng. Vận tải bước đầu định mức tiêu hao nhiên liệu, giá thành, thêm ca, thêm chuyến, đưa năng suất vận chuyển và ngày công tăng hơn trước. Tổng khối lượng vận chuyển hàng hoá năm 1971 đạt 106% kế hoạch, tăng 12% so với năm 1970.

Cuộc chiến đấu chống Mĩ miền Nam đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn của hậu phương miền Bắc. Đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến lớn miền Nam, trong 5 năm (1968 - 1972), nhân dân Vĩnh Phú đã đóng góp trên 3 vạn tấn lương thực, nhiệm vụ tuyển quân chi viện tiền tuyến được đảm bảo. Các phong trào "Mở hội tòng quân", “Trích huyết ghi cờ”, “Trao gậy Trường Sơn”, “Toàn dân bàn đánh Mĩ”…thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tình nguyện nhập ngũ lên đường đánh Mĩ thị xã Phúc Yên mở hội tòng quân có 3.000 đơn tình nguyện, trong đó có hàng trăm đơn viết bằng máu của các cá nhân và tập thể thầy trò trường cấp III Bến Tre. Năm 1971, 768 thanh niên huyện Yên Lãng nhập ngũ. Năm 1972, 1.165 thanh niên Lập Thạch tham gia quân đội. Sự chi viện của nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng, Vĩnh Phú nói chung kết hợp với nhân dân toàn miền Bắc góp phần quyết định cùng nhân dân miền Nam đánh thắng chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của địch.

Tóm lại, sau 5 năm sáp nhập tỉnh, nhân dân Vĩnh Phú nói chung, nhân dân trên địa bàn Vĩnh Phúc nói riêng đã giành được những thắng lợi quan trọng trong sản xuất, xây dựng và chiến đấu, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ bảo vệ vững chắc hậu phương, chi viện kịp thời sức người sức của cho tiền tuyến miền Nam, góp phần cùng cả nước tạo ra bước ngoặt mới của cách mạng.

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-3 / 3 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.612.742

EMC Đã kết nối EMC