TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG ĐIỀU KIỆN CHIẾN TRANH NGÀY CÀNG ÁC LIỆT
Để cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn của nguỵ quân, nguỵ quyền, Mĩ đã chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền
Nam, đồng thời tiến hành và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Tháng 3/1964, Mĩ đã thông qua kế hoạch OPLAN - 34A dùng không quân và
hải quân đánh phá miền Bắc. Ngày 5/8/1964, Mĩ dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc
bộ", lấy cớ cho máy bay ném bom một số nơi ở miền
Bắc như cửa sông Gianh, Vinh, Bến Thuỷ …Ngày 7/2/1965, lấy cớ trả đũa
cuộc tiến công của quân giải phóng vào Plâycu, Mĩ đã ném bom ồ ạt miền
Bắc, chính thức tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng
không quân và hải quân đối với miền Bắc nước ta.
Tại
Vĩnh Phúc, ngày 7/11/1965, máy bay Mĩ bắt đầu bắn phá trạm Rađa Tam
Đảo. Sau đó, chúng ráo riết tiến hành các hoạt động trinh sát mục tiêu.
Như vậy, ngày 7/1/1965 là ngày chính thức mở đầu cuộc chiến tranh phá
hoại của đế quốc Mĩ đối với Vĩnh Phúc.
Mục đích của đế quốc Mĩ là nhằm triệt phá tiềm lực kinh tế, quốc phòng, phá vỡ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm lung lay quyết tâm chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta ở cả
hai miền Bắc - Nam. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc chủ trương
Vĩnh Phúc phải tiếp tục công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bất cứ
hoàn cảnh nào, vừa sản xuất vừa chiến đấu, đồng thời hết lòng hết sức
chi viện cho miền Nam. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của yếu tố hậu phương
trong chiến tranh ngày 1/4/1966, Nghị quyết của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã
nhấn mạnh: Việc Xây dựng hậu phương về các mặt kinh tế, chính trị, quân
sự, văn hoá... góp phần tích cực vào công cuộc chống Mĩ bảo vệ
miền Bắc, cùng nhân dân cả nước đánh bại giặc Mĩ xâm lược, giải phóng
miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.
Hoà
chung khí thế quyết tâm đánh thắng đế quốc Mĩ của quân dân miền Bắc,
quân dân Vĩnh Phúc đã dấy lên phong trào thi đua chống Mĩ cứu nước sôi
nổi. Noi gương anh hùng Nguyễn Viết Xuân - Người con ưu tú của quê hương
Vĩnh Tường, trong quân đội nêu cao khẩu hiệu "Nhằm thẳng quân thù,
bắn!". Giai cấp công nhân nêu quyết tâm “tay súng, tay búa", nông dân
tập thể nêu quyết tâm "Tay cày, tay súng". Thanh niên có phong trào ba sẵn sàng (sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào và làm bất
cứ việc gì Tổ quốc cần). Phụ nữ có phong trào ba đảm đang (đảm đang sản
xuất, công tác, đảm đang công việc gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu
và chiến đấu).
Với
quyết tâm như vậy, trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, sản xuất mọi mặt
vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Trong nông nghiệp, từ năm 1961 đến năm
1965, mỗi năm Vĩnh Phúc đào đắp hàng vạn mét khối đất đá để xây dựng
3.000 hồ, đập, giếng, kênh, mương...Toàn tỉnh đã vượt mức kế hoạch làm thuỷ
lợi 44,5%. Sản xuất năm 1965 đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Nhưng sang
năm 1966, tình hình sản xuất nông nghiệp có chiều hướng giảm dần do
nhiều nguyên nhân (thời tiết khắc nghiệt, do chiến tranh, nguyên vật
liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu thốn, thiếu nhân lực …) nhưng
quan trọng nhất là vấn đề quản lí trong hợp tác xã, đặc biệt là hiện
tượng làm việc không hiệu quả của các hợp tác xã làm ăn tập thể. Trước
tình hình đó, Vĩnh Phúc tiến hành triển khai thí điểm hình thức "khoán
hộ" với nhiều hình thức khác nhau trong cả trồng trọt và chăn nuôi.
Về
trồng trọt thực hiện bốn hình thức khoán: khoán cho hộ làm một hoặc
nhiều khâu sản xuất trong thời gian dài; khoán cho hộ các khâu dài ngày
hoặc cả vụ; khoán sản lượng cho hộ, nhóm và khoán trắng ruộng đất cho
hộ. Mỗi hình thức khoán trên được thực hiện ở từng địa phương khác nhau. Cùng với việc khoán theo bốn hình thức trên, một số lớn tư liệu sản xuất cũ được bán cho xã viên.
Trong
chăn nuôi, hình thức khoán cũng được áp dụng cho các hộ. Do có lợi ích
thiết thực nên việc khoán chăn nuôi (chủ yếu là chăn nuôi lợn) phát
triển khá rầm rộ ở hầu
khắp các huyện trong tỉnh, điển hình như: hợp tác xã Tân Lập (Lập
Thạch), Văn Quán (Yên Lãng), Yên Lỗ (Bình Xuyên)…Ngoài ra, các hợp tác
xã còn tiến hành giao khoán chăn nuôi cả gia cầm như gà, vịt...
Trên
thực tế, khoán hộ đã phát huy được rất nhiều ưu điểm (tận dụng lao động
trong mỗi hộ, khắc phục tình trạng phóng điểm của các hợp tác xã…). Mặc
dù chiến tranh ác liệt, nhưng có khoán hộ nên sản xuất nông nghiệp Vĩnh
Phúc năm 1967 vẫn thu được thắng lợi đáng kể. Những điển hình năng suất
cao xuất hiện ngày càng nhiều. Năm 1965 là năm được mùa mới có 15 xã,
48 hợp tác xã và một huyện đạt năng suất trên 5 tấn thóc/ha cả năm thì
sang năm 1967, tuy chiến tranh ác liệt, hạn hán kéo dài, toàn tỉnh lại có
2 huyện, 46 xã và 160 hợp tác xã (bằng hơn 70% số hợp tác xã) đạt năng
suất bình quân từ 5 tấn đến trên 7 tấn/ha. Trong đó có 7 xã, 23 hợp tác
xã đạt trên 6 tấn, 4 hợp tác xã đạt trên 7 tấn/ha.
Chăn
nuôi cũng có những bước tiến khá vững chắc, nhất là đàn lợn tăng nhanh
kỉ lục. Tổng đàn lợn có 307.000 con, tăng 20% so với năm 1966 và 38% so
với năm 1965. Thắng lợi đó đã tạo nền tảng cho nông nghiệp phát triển;
đồng thời thể hiện sự quyết tâm của quân dân Vĩnh Phúc đưa nông nghiệp
đi lên toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc.
Thắng
lợi trên mặt trận nông nghiệp cũng có ý nghĩa rất lớn đối với việc đảm
bảo đời sống nhân dân và hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Trong suốt
thời gian 1965 - 1968, Vĩnh Phúc đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ lương
thực, thực phẩm đạt hàng vạn tấn được Chính phủ khen ngợi.
Về
công nghiệp, do sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên công nghiệp Vĩnh
Phúc rất nhỏ bé. Đến năm 1967, do nhu cầu nhiều mặt tăng, các xí nghiệp
cơ khí cấp huyện và một số cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm được xây
dựng. Cuối năm 1967, ngành cơ khí Vĩnh Phúc có hệ thống từ tỉnh đến
huyện và 200 xưởng cơ khí nhỏ ở các
xã. Tổng sản lượng công nghiệp toàn tỉnh năm 1966 đạt 82% kế hoạch, năm
1967 đạt 95% kế hoạch. Tỉ trọng công nghiệp quốc doanh chiếm 51% . Tốc
độ tăng của công nghiệp quốc doanh đạt 14% so với những năm trước.
Ngành công nghiệp địa phương đã phục vụ đắc lực cho sản xuất nông
nghiệp. Năm 1967, ngành sản xuất được 72 máy tuốt lúa, 40 máy nghiền
thức ăn gia súc, 52 máy thái rau, 5.000 cào cỏ cải tiến, 2.750 xe cải
tiến và 2.355 bộ phụ tùng xe cải tiến. Sự phát triển tuy không hoàn toàn
đóng vai trò quyết định đối với toàn bộ nền kinh tế của tỉnh nhưng có
tác dụng rất lớn, giúp thay thế một phần sức lao động con người bằng máy
móc, củng cố hơn truyền thống đoàn kết công nông.
Ngành
thương nghiệp cũng có nhiều cải tiến trong khâu phân phối phục vụ sản
xuất, chiến đấu và phục vụ đời sống nhân dân. Ngoài hệ thống mậu dịch
quốc doanh, hệ thống hợp tác xã mua bán được kiện toàn và tăng cường hơn
trước cả về vốn, hàng hoá và các điểm phục vụ, ở tất
cả các xã đều có cửa hàng phục vụ nhân dân. Hợp tác xã mua bán có hệ
thống dọc từ tỉnh đến cơ sở đã cùng với thương nghiệp quốc doanh phục vụ
đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong
điều kiện chiến tranh, hoạt động tài chính - ngân hàng vẫn đảm bảo đúng
chế độ, nguyên tắc quản lí mà Nhà nước quy đinh. Mặc dù có nhiều nhu
cầu đột xuất do yêu cầu quốc phòng, sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng
ngành tài chính - ngân hàng của tỉnh đảm bảo hoạt động đúng chức năng,
phục vụ kịp thời, an toàn, tuyệt đối, giữ vững truyền thống của ngành.
Lĩnh
vực văn hoá, xã hội vẫn tiếp tục phát triển trong chiến tranh. Trong
giáo dục, số học sinh phổ thông năm học 1966 - 1967 tăng hơn năm học
trước 14% (bằng 22% dân số). Mặc dù trường lớp phải sơ tán, điều kiện
giảng dạy và học tập khó khăn hơn, nhưng các nhà trường vẫn duy trì
phong trào thi đua Hai tốt đạt chất lượng ngày càng cao. Do đó, kì thi
tốt nghiệp năm học 1966 - 1967 học sinh toàn tỉnh đỗ đạt tỉ lệ chung
95,5%. Trong đó, cấp I đạt 96,8%; cấp II đạt 93,7%; cấp III đạt 96%.
Trong cả ba cấp có 99 trường có số học sinh đỗ tốt nghiệp 100%. Phong
trào bổ túc văn hoá phát triển khá mạnh. Toàn tỉnh có 152 xã mở trường
cho xã viên hợp tác xã, 123 xã có trường lớp riêng cho thanh niên, 120
xã có "Trường ba đảm đang" cho phụ nữ, 68 xã có trường cho cán bộ đang
tại chức. Công tác đào tạo cán bộ của tỉnh cũng đảm bảo cơ bản yêu cầu
nhiệm vụ đặt ra.
Về
y tế, theo yêu cầu thời chiến, cuối năm 1966, công tác sơ tán các bệnh
viện tỉnh đã hoàn thành, đồng thời tất cả các bệnh xá huyện chuyển thành
bệnh viện, phương tiện, cán bộ được đầu tư cho trạm xá xã... nhằm
nâng cao năng lực phục vụ của ngành trong công tác phục vụ chiến đấu và
sản xuất; 100% số xã trong tỉnh có trạm xá với những trang thiết bị cần
thiết nhất (90% trạm xá có 1 y sĩ và 30% số trạm xá có 2 y sĩ). Ngoài
ra, Vĩnh Phúc còn xây dựng 19 trạm cấp cứu phòng không ở các khu vực trọng điểm.
Trong
năm 1967, trước tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, tỉnh đã cố gắng
tăng cường trang bị, mở tương đối đầy đủ các khoa, đảm bảo số y, bác sĩ
và nhân viên phục vụ để bệnh viện cấp tỉnh có thể đảm đương được nhiệm
vụ của tuyến 4, bệnh viện huyện đảm nhận tuyến 3 và 116 trạm xá xã đảm
nhận tuyến 2. Mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng với những nỗ lực của
ngành, công tác y tế vẫn đảm bảo khám chữa bệnh kịp thời cho nhân dân,
khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, không để xảy ra những thiếu sót
đáng tiếc.
Về
văn hoá, với phương châm phục vụ sát đồng ruộng và chiến trường", năm
1966, ngành văn hoá đã tổ chức trên 3.600 buổi chiếu phim, văn công phục
vụ cho trên 4 triệu lượt người xem (tăng 23 - 40% so với năm 1965). Bám
sát phương châm thiết thực đó hoạt động văn hoá ngay từ đầu năm 1966 đã
có sự chuyển hướng, đáng chú ý là phong trào văn hoá, văn nghệ nghiệp
dư. Trong năm 1966, hoạt động văn hoá nghiệp dư tổ chức được trên 4.000
buổi diễn phục vụ trên 3 triệu lượt người xem.
Tháng
1/1957, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc phối hợp với Ty Văn hoá tổ chức hội diễn
văn nghệ với chủ đề "Cất cao lời ca chống Mĩ cứu nước" trong toàn lực
lượng vũ trang địa phương. Qua hội diễn đã chọn được 35 diễn viên, 7
tiết mục có chất lượng tốt, có 3 tiết mục được giải thưởng là "Đạo Trù
đổi mới", "Chống bọ dầy" và "Vĩnh Phúc lập công đầu”.
Vĩnh
Phúc đã phát hành trên 3 triệu đầu sách trong hai năm 1966 - 1967,
trong đó 33% là sách khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất (chủ yếu là kĩ
thuật nông nghiệp và 5% là sách phục vụ chiến đấu).
Hoạt động thông tin chủ yếu ở cơ sở với trên 6.000 loa đài (bình quân 5 hộ 1 loa hoặc 1 đài)
thường xuyên cung cấp thông tin cho nhân dân. Đáng chú ý là trong chiến
tranh, các hoạt động thư viện, câu lạc bộ ngày một tăng. Năm 1967 so
với năm 1966 thư viện tăng 20% và câu lạc bộ tăng 133%; đồng thời trong
hai năm cũng triển khai tốt cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá. Do
vậy, đến cuối năm 1967, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho trên 300
gia đình văn hoá.
Trong
hai năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mĩ, mặc
dù mức ác liệt ngày càng tăng, khó khăn càng lớn, nhất là đối với một
tỉnh nông nghiệp, nhưng với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự
do", nhân dân Vĩnh Phúc đã vượt lên mọi khó khăn để đưa kinh tế phát
triển, đáp ứng được yêu cầu vừa chiến đấu tại chỗ vừa ổn định đời sống,
mặt khác góp phần cùng miền Bắc chi viện cho miền Nam và đặt tiền đề lâu
dài cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này.