KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - VĂN HOÁ DỐC SỨC CHI VIỆN CHO CÁCH MẠNG MIỀN NAM GIÀNH THẮNG LỢI HOÀN TOÀN (1973 - 1975)
|
Do thất bại trên chiến trường Việt Nam
và Đông Dương, Mĩ buộc phải lùi bước trong chiến tranh, đi đến kí kết
Hiệp định Pari về “chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam" (27/ 1/1973). Sau khi Hiệp định Pari về Việt Nam được kí kết, miến Bắc nước ta đã bước sang thời kì mới - thời kì hoà bình xây dựng đất nước.
Trước
tình hình và nhiệm vụ mới, Tỉnh uỷ Vĩnh Phú chủ trương đẩy mạnh khắc
phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hoá,
trọng tâm là khôi phục sản xuất và từng bước ổn định lâu dài đời sống
sinh hoạt của nhân dân, kịp thời chuyển hướng hoạt động của các ngành
sao cho phù hợp với điều kiện hoà bình và đáp ứng mọi nhu cầu của cách
mạng miền Nam.
Phấn
khởi trước thắng lợi về quân sự và ngoại giao vừa giành được, nhân dân
Vĩnh Phú nói chung và nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng hăng hái lao động,
sản xuất nhằm khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục kinh
tế. Trong hai năm 1973 - 1974, nhân dân đã đóng góp gần 5 vạn ngày công
đào và phá huỷ hơn 200 quả bom chưa nổ, sửa chữa hơn 100.000m3 nhà ở,
kho tàng, trường học và làm thêm nhiều nhà mới bằng tranh tre, nứa, lá
phục vụ nơi ăn ở và làm việc của cán bộ công nhân viên. Hệ thống giao
thông vận tải đường sắt, đường bộ, nhất là các cầu phà bị địch bắn phá
đều được nhanh chóng tu sửa, phục hồi. Chỉ riêng năm 1973, nhân dân đã
tu sửa và làm mới được 3.718 cầu, cống lớn nhỏ. Hệ thống giao thông vận
tải được khôi phục tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và
phục vụ đời sống nhân dân trong tỉnh.
Trong
nông nghiệp, sau một thời gian áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng
việc cải tiến kĩ thuật, đưa nhiều giống mới vào sản xuất, tình hình nông
nghiệp dần đi vào ổn định và đặt nhiều kết quả đáng tự hào: Một số hợp
tác xã có sự phát triển nhảy vọt về sản lượng lúa như: Bồng Mạc (Yên
Lãng), Vân Xuân (Vĩnh Tường), Yên Thư (Yên Lạc). Năm 1974, năng suất lúa
cả năm đạt bình quân 5.129 kg/ha, sản lượng lương thực quy thóc đạt
456.977 tấn, các loại hoa màu đều vượt kế hoạch. Trên địa bàn Vĩnh Phúc,
các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Yên
đạt trên 6 tấn thóc/ha trong đó huyện Bình Xuyên đạt cả 3 mục tiêu trong
nông nghiệp.Trong chăn nuôi, mô hình nông trường Tam Đảo trở thành cơ
sở kiểu mẫu cho nhân dân trong tỉnh xây dựng theo. Nông dân tỉnh đã xây
dựng được trên 240 điểm nhân giống lợn thuần chủng và tạo được những
điển hình chăn nuôi tốt như: Hợp tác xã Đồng Xuân (Bình Xuyên), Khả Do
(Kim Anh), Văn Quán (Yên Lãng). Nông dân Lập Thạch lại sử dụng mặt nước
ao hồ, đắp đập khoanh vùng nuôi thả cá, thành lập trai thuỷ sản quốc
doanh và liên doanh Cầu Mai, Cầu Triệu, hàng năm cung cấp hàng triệu con
cá giống và hàng trăm tấn cá thịt.
Bên
cạnh việc sản xuất lương thực và chăn nuôi, một số cây thực phẩm và cây
công nghiệp như chè, mía, thuốc lá, lạc được chú trọng phát triển cả về
diện tích, năng suất và sản lượng, hàng năm thu hoạch hàng vạn tấn sản
phẩm.
Trong
công nghiệp, đến năm 1973, các công trình công nghiệp của tỉnh đã được
xây dựng xong và đưa vào sản xuất, trong đó có nghiền apatít Phúc Yên.
Một số hợp tác xã chuyên tiểu thủ công được trang bị công cụ và máy móc
tương đối khá như: gạch ngói Thống Nhất (Bình Xuyên), rèn Lí Nhân (Vĩnh
Tường). Các sản phẩm chủ yếu của năm 1973 tăng từ 15% đến 151% so với
năm 1970 như: cày bừa, gạch ngói, vôi vữa, dầu lạc. Năm 1974, Vĩnh Phú
căn bản hoàn thành 45 công trình xây dựng và đưa vào sử dụng, trong đó
có trạm máy kéo Kim Anh là một trong những công trình trọng điểm của
tỉnh. Đồng thời, Vĩnh Phú hoàn chỉnh và tu bổ hệ thống kênh 2 thuộc
huyện Tam Dương.
Trong
tài chính - ngân hàng, đến tháng 3/ 1975, Vĩnh Phú có trên 472.800 xã
viên hợp tác xã mua bán, 527 điểm mua bán hàng ở nông thôn và 77 xã nâng
mức cổ phần xã viên lên 5 đồng.
Sự
nghiệp giáo dục tiếp tục được phát triển, năm học 1973 - 1974, Vĩnh Phú
có 8.130 lớp học, 9.472 giáo viên và 346.947 học sinh các cấp; năm học
1974 - 1975 tăng 1,5 %. Phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" được đẩy
mạnh, các lớp bổ túc văn hoá vẫn được duy trì phát triển, đặc biệt là ở
Tam Phúc, Tứ Trưng (Vĩnh Tường).
Về
y tế các cơ sở khám, điều trị và sản xuất thuốc chữa bệnh cho nhân dân
được củng cố xây dựng lại, trang thiết bị y tế được tăng cường. Chất
lượng khám và điều trị bệnh được nâng lên với số bệnh nhân hàng triệu
lượt người mỗi năm. Điển hình của Vĩnh Phú về công tác y tế và bảo vệ
sức khỏe bà mẹ, trẻ em là xã Văn Tiến (Yên Lạc).
Công
tác quốc phòng an ninh luôn luôn được chú trọng. Trong điều kiện vừa
phải sản xuất, vừa phải chiến đấu chống giặc, các lực lượng vũ trang địa
phương được phát triển ngày càng lớn mạnh. Đến năm 1974, lực lượng dân
quân tự vệ chiếm 11,4% dân số cả tỉnh. Hệ thống quân sự từ tỉnh đến xã
được kiện toàn thêm một bước. An ninh chính trị, trật tự an ninh xã hội
được giữ vững. Lực lượng vũ trang phối hợp cùng dân quân tự vệ đã thực
sự là lực lượng xung kích trong sản xuất, chống lũ lụt và khắc phục hậu
quả thiên tai, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển
kinh tế, văn hoá, xã hội.
Nhằm
đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, Vĩnh Phú đã khẩn
trương tổ chức các đợt cung cấp sức người, sức của cho chiến trường. Với
tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", lương
thực thực phẩm hàng năm do nhân dân Vĩnh Phú đóng góp cho nhà nước đều
đạt và vượt chi tiêu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu quốc phòng về nguyên vật
liệu của cải vật chất khác. Nhiệm vụ tuyển quân chi viện chiến trường
năm nào cũng vượt chỉ tiêu. Trong 10 năm (1965 - 1975), toàn tỉnh có
145.437 thanh niên nhập ngũ, hàng trăm gia đình có 4 đến 5 người nhập
ngũ, chỉ riêng huyện Bình Xuyên có trên 40 gia đình. Hàng nghìn người
con của quê hương hi sinh anh dũng hoặc để lại một phần thân thể trên
các chiến trường. Cùng với lực lượng nhập ngũ, toàn tỉnh còn có 3.950
nam nữ thanh niên hoạt riêng trong các đội thanh niên xung phong chống
Mĩ cứu nước, phục vụ trên khắp các chiến trường cả nước.