Sign In

Truyền hình số mặt đất đem lại nhiều lợi ích cho người dân

03/08/2016
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đặt mục tiêu đến hết năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn tất chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình từ công nghệ tương tự sang công nghệ số. Theo lộ trình, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố thuộc nhóm II sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog vào ngày 31/12/2016. Để tìm hiểu về đề án cũng như lợi ích của việc chuyển từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất, phóng viên Cổng TT-GTĐT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông.

PV: Tại sao phải chuyển từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Huy: Số hóa truyền hình mặt đất được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu, xem từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất. Quá trình số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện cả ở phía phát và phía thu nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, công nghiệp truyền hình và Nhà nước. Khi quá trình số hóa hoàn thành, truyền hình số mặt đất sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất. Truyền hình tương tự mặt đất sẽ ngừng hoạt động và đi vào lịch sử như truyền hình đen trắng trước đây được thay thế bởi truyền hình màu. Số hóa truyền hình mặt đất có nhiều ưu điểm:

Thứ nhất. Số hóa truyền hình là xu thế tất yếu trên thế giới. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã và đang hoàn thành việc chuyển đổi từ công nghệ tương tự sang công nghệ số đối với hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Trong khu vực, hầu hết các nước cam kết hoàn thành thực hiện việc chuyển đổi này trước năm 2015. Nằm trong xu thế trên, Việt Nam cũng phải thực hiện việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất để đảm bảo sự phát triển hiệu quả và hội nhập thành công của truyền hình thế giới.

Thứ hai. Về công nghệ, việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mang lại nhiều lợi ích như: Nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình với hình ảnh, âm thanh tốt hơn so với công nghệ truyền hình tương tự; tăng số lượng kênh chương trình, giảm đầu tư phát triển hạ tầng, cho phép phát các kênh truyền hình có độ phân giải cao (HDTV), truyền hình 3 chiều (3D), các dịch vụ truyền hình tương tác; cho phép sử dụng ăng ten nhỏ hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn, góp phần cải thiện mỹ quan đô thị, giảm hiệu ứng nhà kính và thân thiện với môi trường.         

Thứ ba. Việc số hóa giúp giải phóng một phần băng tần đang sử dụng cho truyền hình để chuyển sang sử dụng cho các dịch vụ băng thông rộng khác, vì một kênh tần số có thể truyền được nhiều kênh chương trình truyền hình số. Đây là nguồn tài nguyên tần số quan trọng để triển khai các dịch vụ thông tin vô tuyến băng rộng khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Số hóa hệ thống truyền dẫn phát sóng truyền hình còn tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại các Đài PT-TH trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, đảm bảo hoạt động hiệu quả trên cơ sở phân định rõ hoạt động nội dung thông tin với hoạt động truyền dẫn, phát sóng.

PV: Vậy số hóa truyền hình sẽ đem lại lợi ích gì cho người xem truyền hình và người dân cần phải làm gì khi chuyển đổi sang truyền hình số?

Ông Nguyễn Tuấn Huy: Việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang số hóa truyền hình mặt đặt sẽ đem lại nhiều lợi ích thiệt thực cho người dân.

Thứ nhất: Truyền hình kĩ thuật số cho chất lượng  âm thanh, hình ảnh rõ, sắc nét hơn, trung thực hơn, người xem sẽ không gặp phải hiện tượng nhiễu hình ảnh như hiện tượng “ruồi”, “méo hình”, “bóng mờ” như khi xem truyền hình tương tự. Thứ hai: Với truyền hình kĩ thuật số, các đài truyền hình có thể cung cấp nhiều kênh truyền hình hơn hiện nay để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân về thông tin, văn hoá, giải trí… Lúc đó, người dân ở một địa phương không chỉ thu xem được kênh truyền hình tỉnh mà còn có thể xem được các kênh truyền hình của các tỉnh khác trong cùng khu vực. Tại Vĩnh Phúc, người dân có thể xem được 14 kênh chương trình truyền hình địa phương của các tỉnh trong khu vực Bắc Bộ. Bên cạnh đó, truyền hình kĩ thuật số còn có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình khác nhau, trên nhiều loại thiết bị như TV, máy tính, điện thoại di động... phục vụ việc thu xem của người dân mọi nơi mọi lúc.            

Khi thực hiện tắt sóng truyền hình truyền thống analog tại Hà Nội, các hộ dân ở Vĩnh Phúc và các tỉnh giáp ranh Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng, những gia đình có máy thu truyền hình tương tự sẽ không xem được các kênh Trung ương, địa phương bằng công nghệ truyền hình analog, buộc phải chuyển đổi thu xem truyền hình số. Để xem được truyền hình số, người dân đang sử dụng Tivi đã mua từ những năm trước, chưa tích hợp bộ thu tín hiệu truyền hình số thì chỉ cần mua thêm một đầu thu tín hiệu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T2 là có thể thu được tất cả các các kênh truyền hình thiết yếu, các phần còn lại như tivi, anten… đều sử dụng lại bình thường. Các hộ gia đình đang sử dụng truyền hình số VTC phải liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hành của đài truyền hình kỹ thuật số VTC để được điều chuyển từ DVB-T sang DVB-T2. Riêng các hộ gia đình đang sử dụng truyền hình trả tiền như: Truyền hình cáp, truyền hình Internet, truyền hình K+, AVG... sẽ không bị ảnh hưởng khi truyền hình mặt đất ngừng phát sóng.

PV: Xin ông cho biết, những đối tượng nào trên địa bàn tỉnh sẽ được nhận hỗ trợ đầu thu truyền hình số?

Ông Nguyễn Tuấn Huy: Việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất được thực hiện theo Quyết định số 1168 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Trong đó, có hỗ trợ kết nối truyền hình số với mục tiêu bảo đảm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước thu xem các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu qua hệ thống truyền dẫn, phát sóng tín hiệu truyền hình công nghệ số. Điều kiện nhận hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có máy thu truyền hình tương tự nhưng chưa sử dụng dịch vụ truyền hình số, truyền hình cáp, truyền hình Internet. Nguồn kinh phí từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam do các doanh nghiệp viễn thông đóng góp theo quy định của Luật viễn thông.

Tại Vĩnh Phúc, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, Sở TT&TT đã phối hợp với UBND các huyện, thành, thị, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai cấp, lắp đặt đầu thu DVB-T2 cho hộ nghèo, cận nghèo. Theo đó, từ ngày 23/6 đến ngày 4/7/2016, có 20.814 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn đã được hỗ trợ và lắp đặt miễn phí bộ đầu thu DVB-T2.

PV: Công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần làm nên thành công cho Đề án. Với trách nhiệm của ngành, Sở TT&TT đã và đang tuyên truyền như thế nào để mọi người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định về truyền hình số?

Ông Nguyễn Tuấn Huy: Để thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền trình mặt đất, Sở TT&TT đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thông tin tuyên truyền số hóa truyền hình năm 2015-2016 trên địa bàn tỉnh. Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, bản tin, trang TTĐT, đài truyền thanh, phòng VH-TT các huyện, thành, thị, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, dễ hiểu đến mọi tầng lớp nhân dân về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền trình mặt đất, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Người dân trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được tiếp cận đầy đủ thông tin về số hóa truyền hình, như: vùng phủ sóng, doanh nghiệp phát sóng, thiết bị hợp quy trên thị trường, cách thức chuyển đổi số hóa, lợi ích số hóa truyền hình mang đến cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước...

Sở cũng tổ chức biên soạn, xuất bản 150 đĩa CD có nội dung tuyên truyền số hóa truyền hình cung cấp cho hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và xã phát thanh trong ngày; xuất bản 5.500 cuốn sổ tay “Hỏi đáp về số hóa truyền hình” và 290.000 tờ rơi tuyên truyền những điều cần biết về số hóa truyền hình với các câu hỏi: Cần làm gì khi chuyển đổi sang truyền hình số? Có cần mua ti vi mới hay không? Cần mua thêm thiết bị gì? Thời điểm chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự tại Vĩnh Phúc cùng các thông tin về các kênh truyền hình số mặt đất phát miễn phí; dấu hiệu nhận biết khi mua ti vi mới có tích hợp đầu thu số hoặc đầu thu số trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của người dân khi chuyển sang truyền hình số mặt đất; tiến hành lập danh sách xác định và thực hiện hỗ trợ xong bộ đầu thu truyền hình số mặt đất cho 20.814 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Sở tham mưu với UBND tỉnh, Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2016-2020.

Tôi tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực của các cấp, các ngành, lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu xem truyền hình ngày càng cao của người dân. 

Xin cảm ơn ông! 

Bích Phượng (T/h)

 

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 42 bản ghi

Số lượt truy cập: 46.462.229

EMC Đã kết nối EMC