Tại kỳ họp cuối năm 2011, HĐND tỉnh khóa XV đã thông qua Nghị quyết 41 về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức làm về công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012 - 2015. Thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức làm về công nghệ thông tin coi đó như là động lực nỗ lực cống hiến, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, góp phần phát triển công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, từng bước xây dựng nền hành chính công hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công nghệ thông tin - truyền thông là công cụ rất quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có tác động lớn vào sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả lao động. Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn nhân lực, ứng dụng và hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và phát triển kinh tế, xã hội.
Nhìn lại hơn 4 năm về trước - năm 2011, khi chưa có các chính sách hỗ trợ về công nghệ thông tin, các hệ thống mạng nội bộ hoạt động độc lập chưa kết nối tạo thành mạng diện rộng của tỉnh; chưa có hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ triển khai các ứng dụng lớn của các ngành, địa phương; các sự cố đơn giản về phần cứng, kết nối internet, ứng dụng... không được chủ động giải quyết. Cấp huyện chưa có cán bộ quản lý, theo dõi về công nghệ thông tin - truyền thông; nhiều cơ quan được giao biên chế về công nghệ thông tin nhưng việc tuyển dụng cán bộ được đào tạo từ các trường đại học có uy tín rất khó khăn/ Mỗi năm có hơn 10% cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin (chủ yếu là cán bộ có năng lực) trong các cơ quan Đảng và Nhà nước của tỉnh đã chuyển đến làm việc tại các địa phương khác hoặc các doanh nghiệp có mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn. Ngoài ra, việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin tại các ngành, địa phương còn hạn chế; tin học hóa các thủ tục hành chính, các dịch vụ công trực tuyến chưa được quan tâm đầy đủ, nhiều đơn vị còn thiếu cập nhật các biểu mẫu, hướng dẫn.
Trước yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển, nhằm phục vụ tốt nhất mọi đối tượng nhân dân và hướng tới mục tiêu chính phủ điện tử, việc tuyển dụng đủ, kết hợp với các chính sách hỗ trợ để ổn định và thu hút đội ngũ cán bộ cũng như nâng cao hiệu quả ứng dụng, hạ tầng về công nghệ thông tin - truyền thông trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã trở nên cấp thiết. Nghị quyết số 41 được triển khai, nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin - truyền thông được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng; thu hút và giữ chân được nhiều cán bộ có trình độ. Hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin của từng cơ quan, địa phương đã được đầu tư đúng xu hướng và có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là các ứng dụng dùng chung, liên thông giữa các cơ quan, đơn vị.

Sau hơn 4 năm triển khai Nghị quyết, toàn tỉnh có 136 người làm công tác công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, nhà nước được hỗ trợ, tạo sự gắn bó, nhiệt huyết với công việc, đồng thời, tăng trách nhiệm của cán bộ làm về công nghệ thông tin. Hiện 100% cơ quan nhà nước cấp huyện, cơ quan Đảng cấp tỉnh và đa số cơ quan Đảng cấp huyện đã có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; nhiều cơ quan đã tuyển dụng được cán bộ công nghệ thông tin từ các trường đại học có uy tín. Các sự cố thông thường đã được cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin chủ động giải quyết. Đến nay, chưa có trường hợp cán bộ công nghệ thông tin - truyền thông được tuyển dụng xin chuyển công tác.
Nguồn nhân lực được củng cố đã góp phần quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn. Những năm qua, việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin - truyền thông của tỉnh đã có bước đột phá. Hạ tầng mạng diện rộng (WAN) đã được xây dựng, kết nối 32 đơn vị, địa phương qua hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị, các ban Đảng, đảng uỷ trực thuộc tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ, kết nối internet. Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh được đưa vào vận hành qua đó đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và phục vụ triển khai các ứng dụng lớn của các ngành, địa phương. 3 phần mềm dùng chung của tỉnh gồm: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thư điện tử công vụ, Cổng Thông tin điện tử thành phần được triển khai đồng bộ.
Theo ông Trần Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng UBND tỉnh: "Vĩnh Phúc đang trong giai đoạn quyết định về xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính phủ điện tử với rất nhiều hạ tầng và ứng dụng dùng chung, liên thông, triển khai cung cấp các dịch vụ công. Do đó, tỉnh rất cần đội ngũ cán bộ làm về công nghệ thông tin - truyền thông có năng lực, kinh nghiệm. Nhìn sang các tỉnh bạn, nhiều địa phương trong cả nước đã quan tâm ưu tiên đầu tư và có chính sách hỗ trợ cán bộ làm về công nghệ thông tin - truyền thông đến năm 2020 như: Hà Nội, Lào Cai, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Lâm Đồng …Việc HĐND tỉnh xem xét thông qua Nghị quyết Hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức làm về công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, Đoàn thể và Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020” tại kỳ họp lần này là thực sự cần thiết."
Đức Hiền