Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật ở sân golf Đại Lải, nằm trên địa bàn xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên. Giải phóng mặt bằng và xây dựng từ năm 2004, đến tháng 11/2010, sân golf Đại Lải đã chính thức khai trương đưa vào hoạt động sân 18 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là sân golf có nhiều du khách tới chơi thể thao và khu vực sân có nhiều người tới tham quan bởi nằm cận kề với khu du lịch, đặc biệt có hồ Đại Lải cảnh quan thơ mộng và không gian thoáng mát quanh năm. Tuy nhiên, điều làm cho mọi người đến đây không vui đó là phải chứng kiến trên 60 hộ dân các thôn thuộc xã Ngọc Thanh đang sống trong phạm vi sân golf mà chưa chịu di dời đi nơi khác.
Sân golf Đại Lải có tổng diện tích 298 ha. Đến nay, có khoảng trên 90% diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng, phần còn lại chưa được giải phóng là đất của trên 60 hộ dân 2 thôn Đồng Dè, Ngọc Quang, xã Ngọc Thanh. Nguyên nhân chưa giải phóng được do người dân đòi hỏi giá bồi thường cao, tương ứng như giá thị trường mới chịu di dời; trong khi đó Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam chỉ trả người dân giá đất theo giá Nhà nước quy định, có trường hợp Công ty thoả thuận nhưng cũng chỉ hơn giá Nhà nước quy định một chút. Vậy mới có chuyện dân cả thôn vẫn sống trong sân golf.
Ông Hoàng Ngọc Hà, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, cho biết: Hiện nay, khu vực bên ngoài sân golf đã có khu tái định cư cho tất cả các hộ dân liên quan đến dự án sân golf; khu tái định cư có điện sinh hoạt, đường giao thông, chợ...nhưng người dân không chịu di dời đến nơi ở mới. Ngoài đơn giá bồi thường mà người dân cho là quá thấp, bà con còn cho rằng, do phong tục tập quán canh tác và quen sinh sống nơi rộng rãi, do đó bà con không muốn ra bên ngoài...Trên 60 hộ dân ở trong phạm vi sân golf đã và sẽ làm rất nhiều điều phiền toái cho doanh nghiệp, làm đảo lộn sinh hoạt của cán bộ sân golf cũng như du khách. Đó là chưa kể gia súc, gia cầm của các hộ nuôi và chăn thả sẽ gây khó khăn trong việc bảo vệ tài sản, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sinh thái, cảnh quan tổng thể...
Người dân các thôn xung quanh sân golf cho rằng: Khi phải ra nơi ở mới, bản thân cũng như con em của họ không biết làm gì để kiếm sống. Phía doanh nghiệp thì khẳng định chắc chắn, sân golf Đại Lải hiện nay đã thu hút 322 lao động; trong đó có 85% lao động là người dân xã Ngọc Thanh và 50% trong tổng số lao động nêu trên là của các thôn mất đất: Đồng Dè, Đồng Quang, Đồng Đầm, Thanh Cao. Thu nhập bình quân của người lao động ở sân golf Đại Lải đạt từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Khi toàn bộ Dự án hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ thu hút thêm vài trăm lao động, chủ yếu là người địa phương.
Hiện nay, chính bà con sống trong sân golf cũng ngán ngẩm cảnh sống "đi cũng dở, ở chẳng xong"!
Nguyễn Trọng Lịch