Sign In

Vĩnh Phúc thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

11/04/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Được đánh giá là "vùng đất vàng" cho phát triển các du lịch, những năm qua, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch. Từ đó hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc giàu đẹp, thân thiện được ghi dấu sâu đậm trong lòng du khách và ngày càng mở rộng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
 
Lợi thế đặc biệt về du lịch
 
Chia sẻ với phóng viên Trung tâm Thông tin - Công báo, ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh cho biết, Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, một trong những địa phương có nhịp độ phát triển kinh tế cao trong cả nước, bên cạnh thế mạnh về phát triển công nghiệp, với lợi thế giáp ranh thủ đô Hà Nội, đặc biệt là gần sân bay quốc tế Nội Bài - cửa ngõ đối ngoại quan trọng nhất của miền Bắc thì tiềm năng về văn hóa, du lịch cũng là một trong những thế mạnh đặc biệt có thể khai thác phát triển tốt, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
 
Nằm trọn trong vùng chuyển tiếp địa - văn hóa miền núi, trung du Tây Bắc xuống đồng bằng Đông Nam châu thổ sông Hồng, thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc đủ 3 vùng cảnh quan: Miền núi, trung du, đồng bằng; tạo cho Vĩnh Phúc một chỉnh thể "Núi bọc sông bao, sơn kỳ thủy tú". Trên địa lý - cảnh quan ấy là một hệ giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời, đồng thời tạo riêng cho Vĩnh Phúc một thế mạnh, tiềm năng du lịch hấp dẫn và độc đáo.
 

Nghi lễ dâng hương tại đền Mẫu Tây Thiên, Khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Tây Thiên,
huyện Tam Đảo hằng năm để tưởng nhớ và tri ân Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu,
Chính Vương phi của Hùng Chiêu vương thứ VII
 
Trên lưu vực sông Hồng, Vĩnh Phúc là trung tâm sinh tụ, nơi phát lộ dấu tích của người Việt cổ, những chủ nhân đầu tiên của nền văn minh lúa nước sông Hồng, hình thành nên quốc gia Văn Lang thời Hùng Vương dựng nước, trong đó di tích Đồng Đậu, huyện Yên Lạc là minh chứng cho nguồn gốc văn hóa bản địa với sự lưu tồn dấu tích của bốn giai đoạn văn hóa: từ văn hóa Phùng Nguyên qua văn hóa Đồng Đậu, rồi văn hóa Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn. Người Vĩnh Phúc từ ngàn đời đã kết tụ những giá trị văn hóa dân gian "Đất trăm nghề" xứ Đoài xưa: Gốm Hương Canh - Hiển Lễ, Mộc Bích Chu, làng công thương kẻ Giang, kẻ Gốm, kẻ Mỏ... Hàng trăm làng cổ Vĩnh Phúc còn lưu giữ những giá trị trò diễn - lễ hội thuộc bản sắc độc đáo người Việt: Đấu vật Yên Dương; hú đáo Lũng Ngoại, múa gậy Dịch Đồng, kéo song Hương Canh, cướp phết Bàn Giản, trống quân Đức Bác,...
 
Theo ông Đô, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số hơn 1400 di tích lịch sử, văn hóa, với 533 di tích đã xếp hạng, trong đó 69 di tích cấp quốc gia (06 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia), 464 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn nổi tiếng với các di sản văn hóa đặc sắc đã được cấp bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, lễ hội kéo Song Hương Canh, lễ hội Rước nước đền ngự dội; các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo: hát Trống quân Đức Bác, hát Soọng cô. Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 làng nghề truyền thống với đa dạng các ngành nghề từ mây tre đan, gốm, chạm khắc đá, mộc…, một số sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng như: Mây tre đan Triệu Đề, huyện Lập Thạch, gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên, mật ong, ba kích, huyện Tam Đảo, các sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường… các trò chơi dân gian cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương như cá thính, su su, bánh hòn, cháo se… tạo sức hút rất lớn đối với du khách khi đến Vĩnh Phúc.
 
Khơi thông tiềm năng phát huy lợi thế
 
Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư phát triển toàn diện ngành du lịch. Du khách đến với tỉnh Vĩnh Phúc không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi về diện mạo, cảnh quan, cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
 
Trao đổi bên lề Hội nghị xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch Vĩnh Phúc đang diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu nhấn mạnh, những năm qua, Vĩnh Phúc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nhất là các khu du lịch trọng điểm như: Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên…. Mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch đã được hoàn thiện và thường xuyên được bảo trì, sửa chữa. Hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, mạng Internet cũng được lắp đặt, phủ sóng ở các khu vực miền núi để bảo đảm chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách.
 
Giai đoạn từ 2015 đến nay, ngân sách Nhà nước của tỉnh đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong các khu du lịch trên 2.500 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh có tổng số 40 dự án lớn của các nhà đầu tư và một số công trình đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 21.000 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án Flamigo Đại Lải, đạt tiêu chuẩn 5 sao với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4.630 tỷ đồng;  Dự án Tam Đảo II của Tập Đoàn SunGroup với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.987 tỷ đồng; dự án Thanh Xuân Valley Vĩnh Phúc tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng; Khách sạn Grand Victory Tam Đảo tổng vốn đầu tư 250 tỷ …
 
Công tác quản lý và chính sách thu hút đầu tư cũng thể hiện sự chú trọng của lãnh đạo tỉnh đối với ngành du lịch. Song song với việc chủ động dành quỹ đất cho các dự án, tỉnh chủ trương cải thiện chính sách và thủ tục hành chính theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn để tạo lập một môi trường đầu tư thuận lợi nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận, nhất là những địa phương có ngành du lịch phát triển để xây dựng những tour du lịch nội địa hấp dẫn du khách. Đồng thời, việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông ở các điểm du lịch cũng được chỉ đạo sát sao nhằm dẹp bỏ các tệ nạn và việc buôn bán kinh doanh trục lợi làm ảnh hưởng đến du khách và danh tiếng của ngành du lịch tỉnh.
 

Vĩnh Phúc chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch thu hút du khách
 
Công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến cho du lịch của Vĩnh Phúc đã được chú trọng hơn trước thông qua các phương tiện truyền thông, các sự kiện về chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh; các hội chợ triển lãm du lịch, đồng thời liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và các tỉnh, thành trong vùng nói riêng.
 
Phát huy những lợi thế sẵn có, song song với phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, lễ hội. Vĩnh Phúc đầu tư mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE và du lịch thể thao Golf nhằm hướng tới du khách có mức thu nhập và chi tiêu cao. Trong những năm gần đây, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE, Du lịch golf đã có bước đột phá, mang về nguồn thu lớn cho ngành du lịch Vĩnh Phúc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khu nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Đại Lải resort được tạp chí  http://www.designboom.com đánh giá là top 10 resort đẹp nhất thế giới. Năm 2024, thị trấn Tam Đảo tiếp tục được nhận giải thưởng “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” và hệ thống sân golf Vĩnh Phúc được lọt top 5 sân golf được yêu thích nhất góp phần tiếp tục nâng cao vị thế của du lịch Vĩnh Phúc không chỉ trong khu vực mà trên phạm vi toàn cầu, thu hút đông đảo du khách quốc tế. Khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng nhanh, giai đoạn 2015 - 2019 tăng trưởng bình quân về lượt khách là 15%/năm, năm 2024, du lịch Vĩnh Phúc ước đón: 10.600.000 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch ước đạt: 4.000 tỷ đồng.
 
Thời gian tới, để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, tỉnh Vĩnh Phúc cam kết không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đồng thời, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững… 
Đức Hiền

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 4437 bản ghi
EMC Đã kết nối EMC