Chiều 11/4, tại Công an tỉnh, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội do đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội làm Trưởng đoàn có buổi khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, giai đoạn 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh. Dự buổi khảo sát có đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy. Chỉ đạo Công an tỉnh mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy; tập trung triệt xóa các điểm, tụ điểm, các đường dây, ổ nhóm, địa bàn, khu vực, đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, nhất là các đối tượng ở tỉnh ngoài vào địa bàn hoạt động.
Cùng với công tác đấu tranh, triệt phá tội phạm ma túy, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai hiệu quả. Công tác cai nghiện, phục hồi tại Cơ sở cai nghiện được duy trì tốt từ khâu phân loại để có phác đồ điều trị đạt hiệu quả, tổ chức cho học viên tham gia lao động trị liệu, gia tăng cải thiện đời sống, học nghề. Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và quản lý sau cai nghiện ngoài cộng đồng, góp phần tích cực trong công tác quản lý, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy. Sau khi cai nghiện ma túy, các đối tượng nghiện đều được lập hồ sơ quản lý; lực lượng Công an cấp xã đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thường xuyên gọi hỏi, răn đe, định kỳ hằng tháng đều có biên bản cảm hoá giáo dục yêu cầu các đối tượng ký cam kết không sử dụng ma túy và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong 2 năm 2023 và 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 937 vụ, 1.286 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ hơn 16.819,7g heroin; hơn 60.280,3 g ma túy tổng hợp; 218ml methadone...
Tuy nhiên, tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi thông qua mạng xã hội để liên lạc, trao đổi mua bán trái phép chất ma túy; sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua số điện thoại của các điểm kinh doanh để thanh toán; sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, shipper để mua bán trái phép chất ma túy. Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, dịch vụ lưu trú... để sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra ở nhiều địa phương; một số cơ sở kinh doanh có điều kiện, vì lợi nhuận chủ các cơ sở dùng mọi thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng, thiết kế các quán karaoke với hệ thống cửa cuốn, nhiều lớp cửa để bảo vệ, chỉ sử dụng thang máy có người kiểm soát, chốt chặn cầu thang bộ, giám sát từ xa gây khó khăn cho công tác kiểm tra, đấu tranh, bắt giữ.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị tỉnh làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy; công tác quản lý cai nghiện; công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, quản lý sau cai nghiện; việc điều trị cai nghiện bằng methadone...
Đánh giá cao kết quả của tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong công tác phòng, chống ma túy, nhất là sau khi chuyển giao nhiệm vụ này từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về Công an tỉnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan đề nghị Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung báo cáo để làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định, quản lý đối tượng cai nghiện; những bất cập về cơ chế, chính sách trong phòng, chống ma túy. Với các kiến nghị, Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị của tỉnh làm căn cứ để báo cáo với Quốc hội, đề xuất với Chính phủ.
Tiếp đó, Đoàn khảo sát đã đi thăm thực tế công tác quản lý, cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Thanh Nga – Thu Thủy