Triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, chính quyền các địa phương tăng cường hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc có trên 8.300 ha cây trồng lâu năm; trên 83.000 ha gieo trồng cây hằng năm, trong đó, cây lúa khoảng trên 51.000 ha; cây ngô trên 9.000 ha; rau các loại gần 11.000 ha; cây khoai lang 1.600 ha; cây đậu tương 0,6 ha; cây lạc trên 2.100 ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng trên cùng một đơn vị canh tác, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, mở rộng diện tích cấy giống lúa chất lượng cao; chuyển đổi những diện tích lúa bấp bênh, không chủ động nước, năng suất thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản; hình thành các vùng sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGap. Riêng năm 2024, toàn tỉnh đã chuyển đổi 585,4 ha diện tích trồng lúa bấp bênh, không chủ động nước, năng suất thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trong đó, chuyển 372 ha sang trồng cây hàng năm khác; 6,6 ha trồng cây lâu năm; 208,8 ha trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, cung ứng hơn 800 tấn giống lúa chất lượng với diện tích hơn 16 nghìn ha; nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ với quy mô 420 ha; hỗ trợ gần 1.600 ha rau quả các loại; hỗ trợ 1,52 triệu con cá giống các loại, 37.000 con cá giống nuôi lồng, bể...

Các vùng chuyên canh rau ngày càng nhiều hơn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh
Chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng để xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đặc trưng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Chẳng hạn như tại các huyện Sông Lô, Lập Thạch, thay vì chỉ trồng sắn, bạch đàn, cấy lúa 2 vụ/năm, những năm qua, từ việc được tham gia các lớp tập huấn, bà con nông dân các địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấy các giống lúa chất lượng cao hoặc tiến hành trồng lúa kết hợp với thả cá trên các cánh đồng trũng tại các xã Sơn Đông, Tiên Lữ, Đồng Ích...; trồng nhiều giống cây mới cho hiệu quả kinh tế cao như: Thanh long ruột đỏ, bưởi, chanh tứ quý, mía, trám đen, ba kích; xây dựng các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung: Bí đỏ, dưa chuột, ớt, cà chua...Đến nay, tỷ lệ giống lúa chất lượng cao tại huyện Lập Thạch và Sông Lô đạt trên 70% tổng diện tích gieo trồng lúa. Thu nhập và đời sống của bà con nông dân ngày càng tăng. Tính hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tại 2 địa phương này từ 63,5 - 65 triệu đồng/người/năm.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, nhờ thực hiện cơ cấu sản xuất 3 vụ/năm và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, giá trị sản xuất trồng trọt tiếp tục tăng. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh từng bước hình thành các vùng trồng trọt hàng hóa tập trung, có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ như: Thanh long ruột đỏ Lập Thạch; sản xuất bí đỏ tập trung tại xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường và xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc; chuối tiêu hồng tại các xã vùng bãi của huyện Yên Lạc; các vùng chuyên canh rau tại các xã, thị trấn: Đại Đồng, Thổ Tang, Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường; xã Hội Thịnh, huyện Tam Dương; na dai xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo... Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác cao hơn so với trồng lúa từ 50 -180 triệu đồng/ha; hiệu quả kinh tế trung bình tăng từ 6 - 8 triệu đồng/ha; những diện tích chuyển sang trồng rau, quả tăng từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận cao gấp 2,5 - 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Riêng lĩnh vực thủy sản, giá trị sản phẩm thủy sản/ha đất nuôi trồng thủy sản đạt gần 230 triệu đồng, tăng 35,2% so với năm 2020. Nhiều mô hình nuôi thủy sản thâm canh cho năng suất đạt hơn 20 tấn/ha, lợi nhuận tăng gấp 2 - 3 lần so với nuôi theo phương pháp truyền thống.
Để bảo đảm an ninh lương thực, hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu, ngành Nông nghiệp đã tham mưu tỉnh chỉ đạo sản xuất, thâm canh 3 vụ sản xuất trong năm, tập trung vào vụ lúa Xuân muộn, lúa Mùa sớm và cây vụ Đông; mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường như: Hoa, cây ăn quả, cây dược liệu; phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng địa phương; xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, HACCP; hình thành liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”.
Thanh Nga