Sign In

Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp lợi thế của địa phương

27/03/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Với nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, có những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm đặc trưng, gắn với chế biến, tiêu thụ.
 
Các sản phẩm của DBFood ngày càng được tiêu thụ mạnh ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước 

Công ty cổ phần Thực phẩm Điện Biên (DBFood), thành phố Phúc Yên được thành lập và đi vào hoạt động năm 2019 trên sự chuyển giao công nghệ sản xuất của Công ty TNHH Nông sản thực phẩm sinh thái Điện Biên. DBFood là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm từ hạt gạo. Sau nhiều năm nghiên cứu tách vỏ trấu và giữ lại màng lứt, doanh nghiệp đã chế biến hạt gạo lứt thành nhiều sản phẩm dinh dưỡng khác nhau, tạo thành thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng. Để khẳng định chỗ đứng trên thị trường, tất cả các sản phẩm DBFood đều làm từ nguyên liệu gạo trồng và chăm sóc theo quy trình VietGap. Trong quá trình chế biến, công ty không tiến hành rang gạo theo cách thông thường mà thực hiện chiết tách nano nhằm giữ nguyên những thành phần dinh dưỡng của lớp màng gạo, tạo ra các sản phẩm gạo lứt chất lượng, khác biệt trên thị trường. Hiện công ty có 9 sản phẩm chế biến từ gạo lứt được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, như: Bột sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên vị mặn, bột sữa gạp lứt sinh thái Điện Biên vị ngọt, bột sữa gạp lứt sinh thái Điện Biên dành cho người ăn kiêng; sản phẩm sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên dạng nước đóng chai; trà gạo lứt nguyên hạt hoa bách hợp, trà gạo lứt nguyên hạt hoa đậu biếc, trà gạo lứt nguyên hạt cây chùm ngây…

Chị Hoàng Thị Thùy Linh, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, DBFood đã lựa chọn vùng nguyên liệu sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc bảo quản gạo; đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Với chiến lược kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm và chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao, các sản phẩm của DBFood đã được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước, với sản lượng bình quân từ 800 - 1.500 hộp sản phẩm/ngày. Năm 2024, công ty sản xuất và đưa ra thị trường 5 tấn trà gạo lứt phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Công ty cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh được thành lập năm 2021, là công ty đầu tiên trên địa bàn huyện Vĩnh Tường hoạt động về lĩnh vực chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa bò tươi. Với việc đầu tư mạnh vào hệ thống hạ tầng, dây chuyền và thiết bị hiện đại, công ty có công suất thiết kế từ 1.500 đến 2.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Đặc biệt, sản phẩm luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018 trong quy trình sản xuất. Trong đó, 100% nguồn nguyên liệu của Vinhtuongmilk là sữa bò tươi, mới, nguyên chất, không chứa chất bảo quản, không sử dụng hương liệu trong quá trình sản xuất và sử dụng công nghệ lên men tự nhiên. Vì vậy, các sản phẩm mang thương hiệu “Sữa Vĩnh Tường” giữ lại trọn vẹn lượng vitamin và khoáng chất từ sữa bò tươi nguyên chất.

Năm 2024, các sản phẩm của công ty đã được vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đến nay, có gần 40 trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc với hơn 12.000 học sinh đang sử dụng các sản phẩm của Vinhtuongmilk.

Mỗi năm, ngành Nông nghiệp tỉnh sản xuất khoảng 320.000 tấn lúa, 240.000 tấn rau các loại, 60.000 tấn trái cây, 75.000 tấn thịt lợn hơi, 44.550 tấn sữa bò, 620 triệu quả trứng và 1.900 tấn thủy sản. Với mục tiêu phát huy lợi thế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có lợi thế gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ; ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ, khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ.

Năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ triển khai 21 mô hình sản xuất trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ, quy mô từ 2 - 3 ha/mô hình; hỗ trợ sản xuất hơn 1.500 ha rau, củ, quả theo quy trình VietGAP. Hiện nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, xây dựng thương hiệu đáp ứng được yêu cầu của thị trường như: Thanh long ruột đỏ Lập Thạch; bưởi Vĩnh Tường; vùng chăn nuôi bò sữa tại các xã thuộc huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo; chăn nuôi lợn tại các xã thuộc huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã thuộc huyện Tam Dương, Tam Đảo. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã cấp 45 mã số vùng trồng nội địa, 2 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích hơn 170 ha, góp phần tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn lên 63 triệu đồng/người/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2023.

Trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa, chất lượng cao; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của vùng, địa phương. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi công nghiệp, theo mô hình trang trại; tập trung vào các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản; phát triển kinh tế lâm nghiệp kết hợp với bảo vệ chặt chẽ, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; hình thành liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác lợi thế của địa phương. Tập trung đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 
Hồng Yến
 

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 2363 bản ghi
EMC Đã kết nối EMC