Sign In

Phát triển cụm công nghiệp xanh, bền vững

24/03/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Xác định việc phát triển các cụm công nghiệp là chủ trương đúng đắn, phù hợp nhằm đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương, thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển các cụm công nghiệp chặt chẽ, đúng quy hoạch, có chọn lọc, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định, nhất là các tiêu chí về môi trường.

Cùng với việc hình thành các khu công nghiệp, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo, nhất là trong việc ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp. Giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp như: Hỗ trợ 100% kinh phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tự hạ tầng cụm công nghiệp, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, rà, phá bom, mìn trong cụm công nghiệp; hỗ trợ 700 triệu đồng/ha vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng hệ thống điện phục vụ cụm công nghiệp và nhà điều hành, quản lý cụm công nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được đầu tư bằng 100% vốn của doanh nghiệp trong nước khi thực hiện hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp cũng được hỗ trợ 10% giá thuê mặt bằng. Với quan điểm phát triển các cụm công nghiệp chặt chẽ, đúng quy hoạch đã được phê duyệt; phát triển cụm công nghiệp mới có chọn lọc, không ồ ạt, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, trình tự thủ tục theo quy định, nhất là các tiêu chí về môi trường, tỉnh đã quan tâm lựa chọn doanh nghiệp thực hiện đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp có năng lực, kinh nghiệm về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đồng thời có khả năng xúc tiến, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp có chất lượng vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 16 cụm công nghiệp đã được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng với tổng diện tích hơn 490 ha. Trong đó, một số cụm công nghiệp được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp với cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Điển hình phải kể đến Cụm công nghiệp Đồng Sóc với tỷ lệ lấp đầy gần 80% với 18 dự án, trong đó có 6 dự FDI và 12 dự án DDI, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư vào khu vực, chuyển dịch cơ cấu trên địa bàn. Trên tổng diện tích hơn 75 ha được phê duyệt, chủ đầu tư còn đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, nhà máy nước sạch, nhà máy xử lý nước thải công suất 15.000 m3/ngày đêm.

 
Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thành Tiến - chi nhánh Vĩnh Phúc, Cụm công nghiệp Đồng Sóc
tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng

Nhìn chung, các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đều phát huy hiệu quả, thu hút gần 700 cơ sở sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 42,43%, góp phần tạo việc làm cho khoảng 6.700 lao động. Đáng chú ý, có 4/16 cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, gồm: Yên Đồng, Tề Lỗ, thị trấn Yên Lạc và Hùng Vương - Phúc Thắng. Qua đó, góp phần hỗ trợ, bổ sung cho các khu công nghiệp, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tại các làng nghề có nhiều cơ hội để tiếp cận mặt bằng, có địa điểm phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với trình độ khu vực nông thôn. Điều đáng nói, việc phát triển các cụm công nghiệp còn góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, từng bước giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu sản xuất tập trung tại khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mục tiêu đặt ra; đóng góp cho phát triển công nghiệp và thu ngân sách còn tương đối thấp. Ngoài ra, tiến độ triển khai các dự án hạ tầng cụm công nghiệp hầu hết còn chậm, năng lực một số nhà đầu tư còn yếu kém. Hạ tầng một số cụm công nghiệp xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ. Việc giải phóng mặt bằng, giao đất cho các cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến nay, số lượng cụm công nghiệp hoàn thành hạ tầng mới đạt gần 24%; tỷ lệ cụm công nghiệp đã thành lập có hệ thống xử lý nước thải mới đạt 25%. 

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ quy hoạch phát triển mới 31 cụm công nghiệp, đưa tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 47 cụm; đến năm 2050 toàn tỉnh có 51 cụm công nghiệp. Để phát triển cụm công nghiệp theo hướng bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, phân tích cụ thể những khó khăn, vướng mắc đối với từng cụm công nghiệp, từ đó có biện pháp xử lý, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị nhằm giải quyết có hiệu quả hạn chế, bất cập đối với các cụm công nghiệp; giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng của cụm công nghiệp đã được thành lập. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện dự án, năng lực của chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động, đề xuất chấm dứt, thu hồi đối với dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan để lựa chọn chủ đầu tư mới theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ dự án, phát huy hiệu quả quỹ đất công nghiệp của tỉnh; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường, kinh phí duy tu, bảo dưỡng tại các cụm công nghiệp do đơn vị sự nghiệp công lập quản lý hoặc thực hiện chuyển đổi mô hình, đơn vị quản lý theo quy định của pháp luật; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng đúng kế hoạch cho các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, thành phố… Tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư tập trung nhân lực, nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp đồng bộ theo đúng quy hoạch và tiến độ đã duyệt, bảo đảm quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy… và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm; ưu tiên nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường; tiến hành cải tạo, nâng cấp, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp.
Phùng Hải
 

   
   
   

Số lượt truy cập: 44.959.542

EMC Đã kết nối EMC