Sign In

Quy hoạch vùng sản xuất, tạo nền tảng phát triển nông nghiệp hàng hóa

15/01/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất, những năm qua, tỉnh đã chủ động đi trước một bước trong công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng tập trung chuyên canh. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế, thay đổi dần tư duy tiểu nông sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững.
 

Việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn, lên tới hơn 800 ha, song trước đây, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch lại không phát huy được lợi thế cạnh tranh trong phát triển nông nghiệp, nhiều nơi bỏ ruộng, không canh tác. Được biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do ruộng đồng manh mún, phân tán, sản xuất nhỏ lẻ, không đem lại cho nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Và để hồi sinh một diện tích lớn ruộng hoang hóa, hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, năm 2018, xã Đồng Ích đã tập trung thực hiện các giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, toàn xã đã thực hiện dồn đổi được 360 ha đất nông nghiệp ở 4 thôn: Tân Lập, Hoàng Chung, Xuân Đán và Đại Lữ.

Anh Đỗ Quốc Đoàn, cán bộ Nông nghiệp xã Đồng Ích phấn khởi cho biết: Từ sau thực hiện dồn thửa đổi ruộng, sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã có sự thay đổi tích cực. Khi ruộng đồng được liền bờ, liền thửa, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng được triển khai đồng bộ. Nhờ đó, sức lao động của nông dân từng bước được giải phóng, diện tích ruộng bỏ hoang trên địa bàn xã đã giảm đáng kể, tạo ra sức lan tỏa, mở đường cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung hiện đại. Đặc biệt, địa phương đã khuyến khích người dân đưa những giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt và sản xuất theo hướng an toàn để tạo nên vùng sản xuất hàng hóa, có quy mô, có thương hiệu. Đến nay, đã xây dựng được các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ; mô hình trồng khoai tây hồng 15 ha hay mô hình trồng cây gai xanh 4 ha…

Hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung, thời gian qua, huyện Yên Lạc đã chủ động lập quy hoạch các vùng sản xuất theo tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Theo đó, vùng trồng lúa chất lượng cao 3.300 ha được thực hiện tại các xã: Yên Phương, Liên Châu và Đại Tự. Đối với 800 ha đất bãi ven sông và hơn 400 ha đất lúa kém hiệu quả, huyện định hướng phát triển rau màu, cây ăn quả; quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Đặc biệt, để phát huy lợi thế các vùng quy hoạch, huyện tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, công trình thủy lợi tại các vùng sản xuất; xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Nhờ quy hoạch bài bản cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời, những vùng bãi ven sông Hồng và vùng đất trũng ngày nào nay được cải tạo thành vùng trồng ngô, chuối tiêu hồng, cam, bưởi, nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều diện tích đất lúa khó canh tác được chuyển đổi sang những vùng chuyên canh rau an toàn VietGAP, phát triển kinh tế trang trại.

Từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị của các cấp, các ngành, đồng ruộng được quy hoạch phù hợp với nhu cầu thực tiễn, hệ thống giao thông, thủy lợi được nâng cấp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương trong tỉnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800 ha tại 71 xã, phường, thị trấn. Cùng với đó là vùng trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch; vùng trồng chuối tiêu hồng tại huyện Yên Lạc; vùng trồng lúa hữu cơ tại các huyện Bình Xuyên và Lập Thạch… Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số vùng sản xuất tập trung cũng được duy trì và nhân rộng như: Chăn nuôi lợn ở huyện Lập Thạch và Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm ở Tam Dương, Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo... Nhìn chung, các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung đã thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý, một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, gắn với mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm để truy xuất nguồn gốc, thậm chí còn được xuất khẩu ra nước ngoài như: Thanh long ruột đỏ, ớt quả, chuối tiêu hồng.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, số vùng sản xuất hàng hóa tập trung của tỉnh hiện còn ít, quy mô khiêm tốn. Nguyên nhân được cho là do diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thu hẹp, manh mún, nhỏ lẻ, khó hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung. Mặt khác, chính sách quản lý đất đai còn nhiều bất cập, một số quy hoạch chuyên ngành, định hướng lớn về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương đã hết hiệu lực, dẫn đến chưa tham mưu xây dựng được vùng trọng điểm sản xuất trồng trọt, sản xuất chăn nuôi...

Kiên định mục tiêu phát triển nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn với quy hoạch tỉnh; phát triển bền vững quy hoạch vùng, hỗ trợ kinh phí cho vùng sản xuất; duy trì khảo sát, đánh giá nhằm điều chỉnh cây trồng, con giống phù hợp với từng vùng quy hoạch. Đồng thời, chú trọng xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất nông sản an toàn tập trung quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt; phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch bệnh, phát triển các cơ sở sản xuất giống và hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm, gắn với chế biến sản phẩm chăn nuôi; tăng cường kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Phùng Hải

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 2366 bản ghi
EMC Đã kết nối EMC