Chiều 20/4, Đoàn ĐBQH tỉnh có buổi giám sát tại Sở Tài chính về thực hiện chính sách pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực giai đoạn 2016-2021. Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi giám sát.
Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, những năm qua, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về công tác quản lý, sử dụng ngân sách, phí, lệ phí, chế độ, định mức chi tiêu; về phân cấp quản lý tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm và giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Đồng thời, ban hành các văn bản liên quan đến việc quản lý tài sản công, quy định danh mục mua sắm tập trung cấp tỉnh và đơn vị; quy định về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác…

Nhờ đó, giai đoạn 2016-2021, ngân sách tỉnh đã tiết kiệm được trên 3,6 tỷ đồng từ dự toán chi thường xuyên; năm 2020, tiết kiệm trên 61,5 tỷ đồng từ thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% chi hội nghị, đi công tác trong nước, ngoài nước; năm 2021 tiết kiệm được 78 tỷ đồng từ thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên và cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước theo Nghị quyết 58 của Chính phủ. Đặc biệt, qua công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành trên địa bàn tỉnh, các cơ quan thẩm tra đã loại khỏi giá trị quyết toán, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 383 tỷ đồng; bảo đảm hiệu quả việc quản lý, sử dụng kinh phí cho chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2021; các nhiệm vụ đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Đồng thời, thực hiện tốt các quy định về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; quản lý, sử dụng xe ô tô công; việc huy động, quản lý các khoản vay, trả nợ công, bù đắp bội chi ngân sách, bảo đảm nguồn chi nhà nước cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Riêng tại Sở Tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 130 của Chính phủ, giai đoạn 2016-2021, Sở đã sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ và đã tiết kiệm được gần 4,1 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị Sở Tài chính phân tích, làm rõ kết quả tiết kiệm qua công tác kiểm toán nhà nước, qua hoạt động thanh tra; kinh phí tiết kiệm từ thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; việc đầu tư, mua sắm, thu hồi, thanh lý ô tô; việc sắp xếp phương án sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, việc giao đất, cho thuê đất. Cùng với đó, tăng cường công tác dự báo, khắc phục việc chuyển nguồn lớn hằng năm; chủ động phối hợp với ngành Thuế có giải pháp khắc phục nợ đọng thuế, khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác huy động, quản lý các khoản vay, trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Mạnh đề nghị Sở Tài chính chủ động tham mưu UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo về xử lý tài sản dôi dư; ban hành chương trình hành động, chương trình kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh kế hoạch bố trí vốn đầu tư công phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, của đất nước giai đoạn 5 năm, 10 năm; giải pháp xử lý các dự án đầu tư công kéo dài nhiều năm, hiệu quả thấp; công tác quản lý, sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường quản lý hoạt động của các quỹ; công tác đôn đốc việc gửi báo cáo, số liệu liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có đánh giá cụ thể về tiết kiệm, chống lãng phí từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Thanh Nga