Không chỉ là lực lượng xung kích, dẫn đầu các phong trào thi đua yêu nước, bằng sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, thanh niên Vĩnh Phúc còn là lực lượng tiên phong chuyển đổi số khi đã và đang từng bước đổi mới, nắm bắt thời cơ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để khởi nghiệp, vươn mình hội nhập với thế giới.
Chủ động ứng dụng công nghệ số
Cuối tháng 3 vừa qua, ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV diễn ra tại tỉnh, với nhiều chuỗi sự kiện không chỉ để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các học sinh, sinh viên mọi miền Tổ quốc mà còn là động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên làm chủ công nghệ của các đoàn viên, thanh niên Vĩnh Phúc khi tại ngày hội này, học sinh của Trường THPT Trần Phú đã xuất sắc vượt qua 70 đội thi lọt vào vào chung kết và giành giải nhất khối học sinh THPT với dự án "WELLIFE - Ứng dụng hỗ trợ quản lý dùng thuốc và kết nối trong điều trị”.
Lan tỏa tinh thần ngày hội và thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho lực lượng thanh niên, ngày từ đầu năm, Tỉnh đoàn đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể về chuyển đổi số. Chị Tạ Thị Kim Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn cho biết: Thanh niên ngày càng khẳng định là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện toàn tỉnh có gần 350.000 thanh niên trong độ tuổi từ 16-30, chiếm trên 30% dân số và gần 50% lực lượng lao động. Để thanh niên tiếp cận, khai thác và tham gia vào quá trình chuyển đổi số, trên cơ sở các nhiệm vụ Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, Tỉnh đoàn đã ban hành kế hoạch; thành lập Tổ chuyển đổi số tham mưu BTV Tỉnh đoàn trong công tác chỉ đạo và quyết định chương trình hợp tác, cơ chế phối hợp với các đơn vị để thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số trong đoàn viên thanh niên, tổ chức đoàn các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh viên về chuyển đổi số.
Theo chị Huệ, việc chuyển đổi số sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Tỉnh đoàn sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm; số hóa phần mềm quản lý nghiệp vụ đoàn viên, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; tổ chức đại hội thanh niên không giấy tờ, quét mà QR đọc tài liệu; số hóa việc học tập các nghị quyết, tài liệu, văn bản các cuộc họp; vận hành các trang thông tin điện tử trên các Fanpage, Zalo; tổ chức các cuộc thi, hội nghị, hội thảo theo hình thức livestream hoặc sử dụng các phần mềm online kết nối với các cơ sở đoàn...“Với sức trẻ, tinh thần chủ động, nhiệt huyết, tuổi trẻ sẽ quyết tâm đẩy nhanh các mục tiêu, định hướng của tỉnh trong công cuộc chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay”- chị Huệ khẳng định.
Tiên phong trong chuyển đổi số, ngay trong tháng 4/2022, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên đã phối hợp với Công ty cổ phần cung ứng nhân lực chất lượng cao CLC triển khai ứng dụng i-HR trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2026 nhằm tạo sự tương tác trực tiếp, trực tuyến 24/7, kết nối nhanh chóng 3 bên: Người lao động – doanh nghiệp – cơ sở giáo dục.
Chị Trần Thu Hằng, Trưởng phòng Tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên cho biết: Trước đây, nếu các đoàn viên thanh niên có nhu cầu tìm việc làm thì sẽ phải gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc mang hồ sơ đến Trung tâm đăng ký và trực tiếp tham gia các ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm, còn các doanh nghiệp sẽ phải trực tiếp đến ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm để phỏng vấn tuyển dụng. Tuy nhiên, từ tháng 4/2022, với giải pháp công nghệ i-HR, tài khoản IP tự động cấp cho người lao động, nhà tuyển dụng, cơ sở giáo dục, các đoàn viên thanh niên có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh tải ứng dụng i-HR, điền đầy đủ các thông tin theo hướng dẫn và cập nhật dữ liệu là ứng dụng này sẽ tự động số hóa thông tin hồ sơ, tự động phân tích năng lực lao động, xác định chỉ số LCS dựa trên 3 yếu tố là chuyên môn, sức khỏe, kỷ luật và tự động tư vấn việc làm phù hợp cho người lao động. Đặc biệt, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng tìm kiếm được nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu nhờ hệ thống LCS; các cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong việc quản lý hồ sơ, dữ liệu về số người tham gia tuyển dụng, số doanh nghiệp tuyển dụng và những giao dịch việc làm thành công.

Nhờ ứng dụng i-HR, chị Hằng - Trưởng phòng tư vấn, giới thiệu việc làm dễ dàng quản lý được hồ sơ giao dịch việc làm
Cũng theo chị Hằng, với những ưu điểm vượt trội của ứng dụng i-HR, trong tuần tới, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng ứng dụng cho các huyện, thành đoàn, các tổ chức đoàn, hội trong các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, sẽ mở mục “ATM việc làm” trên App i-HR để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tìm kiếm việc làm. Phấn đấu trong năm 2022 mỗi xã, phường, thị trấn phát triển 50 user là thanh niên, người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề; mỗi huyện, thành đoàn phát triển tối thiểu 10 user là doanh nghiệp và 1 user là cơ sở giáo dục đăng thông tin tuyển sinh, tuyển dụng lao động trên App - iHR.
Nắm bắt cơ hội, khởi nghiệp thành công
Chủ động vượt qua khó khăn, nắm bắt những cơ hội chuyển đổi số mang lại, nhiều thanh niên trên địa bản tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi tạo ra những sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chất lượng, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Chẳng hạn như anh Mầu Văn Dũng, thôn Đại Định, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường với mô hình sản xuất tranh kính 3D.
Với kiến thức học được sau những tháng ngày đi làm và tham gia các lớp tập huấn tháng 8/2019, anh Dũng đã mạnh dạn đầu tư 360 triệu đồng để cải tạo nhà xưởng, mua mới 1 máy cắt kính và 1 máy in phun ACME. Đồng thời, tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất các mặt hàng kính cường lực, kinh dán an toàn cung cấp cho các công trình xây dựng dân dụng. Đến nay, sau hơn 4 năm khởi nghiệp, các sản phẩm do cơ sở của anh sản xuất đã được nhiều khách hàng trong và huyện tin dùng, với doanh thu bình quân mỗi năm trên 14 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 năm lao động địa phương, với mức lương bình quân từ 8-10 triệu đồng. “Nắm bắt những cơ hội chuyển đổi số mang lại, thời gian tới cơ sở sản xuất sẽ đầu tư mua sắm các máy móc hiện đại theo hướng tự động hóa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng” – anh Dũng cho biết.

Ứng dụng công nghệ số đã giúp cơ sở sản xuất của anh Dũng tạo ra những sản phẩm chất lượng
Khác với anh Dũng, dù tốt nghiệp trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải và từng đi làm cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng anh Đỗ Trung Kiên, sinh năm 1991, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương lại chọn nông nghiệp để khởi nghiệp và đã thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Anh Kiên cho biết, cơ duyên đến với nông nghiệp chính từ quãng thời gian làm việc, học tập bên Nhật Bản khi được thăm những trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, gặp những người nông dân gắn bó với nông nghiệp nhưng không hề vất vả mà thu nhập cao. Đặc biệt, được mắt thấy, tai nghe và thưởng thức những loại rau, củ, quả thơm ngon, chất lượng cao ngay tại nơi sản xuất, anh đã nung nấu ý định phát triển cho mình một mô hình như vậy ngay trên chính quê hương, để góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng cho thị trường cũng như thay đổi tư duy sản xuất cho người nông dân.
Do đó, ngay khi trở về nước năm 2018, anh Kiên đã mạnh dạn thuê đất, đầu tư xây dựng, thử nghiệm vận hành hệ thống nhà kính với cây ớt chuông- loại cây trồng tưởng chừng chỉ thích hợp với những nơi có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt nhưng với sự chăm sóc kỹ lưỡng, sự cẩn thận trong từng khâu từ chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, phân bón, nhất là điều chỉnh được tiểu môi trường trong nhà kính, sau hơn 2 tháng, 1.500 m2 ớt trồng thử nghiệm theo tiêu chuẩn VietGAP đã cho thu hoạch. Những quả ớt xanh, ớt đỏ, to đều, có vị ngọt hăng đặc trưng. Tuy không thể sánh với năng suất ở những vùng thích hợp và trồng trái vụ nhưng tổng sản lượng trồng thử nghiệm vẫn đạt trên 12 tấn. Từ những thành công ban đầu, anh Kiên đã tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng, nhà kính trồng thêm nhiều loại cây khác như dưa lưới, dưa chuột, hoa, các loại rau ăn lá và thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên. Đến nay, Công ty đã mở rộng được trên 10.000m2 để sản xuất rau an toàn theo quy trình Vietgap, giúp doanh nghiệp đạt doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho từ 5-7 lao động.
Theo anh Kiên, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn nhưng về lâu dài sẽ tiết kiếm được khoản chi phí lớn do cắt giảm được tiền thuê nhân công, chủ động được việc tưới, bón phân cho cây trồng, tiết kiệm được nước nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt, không gây lãng phí, nhất là dù có trực tiếp có mặt ở khu vực sản xuất hay không thì việc theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng vẫn được thực hiện tốt nhờ hệ thống giám sát được cài đặt trên điện thoại.
Không chỉ có anh Dũng, anh Kiên tiên phong trong chuyển đổi số mà chuyển đổi số đã và đang là yêu cầu tất yếu với thanh niên, bởi lực lượng đoàn viên thanh niên với ưu thế là có sức khỏe, tri thức, sự sáng tạo, nhất là có kiến thức, hiểu biết về công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật nên sẽ có nhiều lợi thế, tiềm năng để thực hiện thành công tiến trình chuyển đổi số, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. Điều này cũng thể hiện vai trò xung kích, tiên phong của tuổi trẻ trong việc đảm nhiệm những phần việc khó, việc mới.
Thanh Nga