Sáng 15/4, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị.
Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Tại điểm cầu Vĩnh Phúc
Báo cáo hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, gọi tắt là Quy hoạch điện VIII cho biết, hệ thống điện Việt Nam hiện đang vận hành với nhiều cấp điện áp từ hạ áp (0,4 kV) đến trung áp (6-35 kV), cao áp (110, 220 kV) và siêu cao áp (500 kV). Tới cuối năm 2020, cả nước có 8 527 km dường dây 500 kV, 18.477 km đường dây 220 kV, 37 trạm biến áp 500 kV, tổng dung lượng 42.900 MVA, 136 trạm biến áp 220 kV tổng dung lượng 67.824 MVA. Ngoài ra, có 866 trạm biến áp, 24.318 km đường dây 110 kV, 360.000 km lưới điện trung áp, 350.000 km lưới điện hạ áp, bảo đảm cung ứng điện cho 28,94 triệu khách hàng, 100% số xã, 99% số hộ dân.
Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW, trong đó miền Bắc 25.121 MW (36,2%), miền Trung 12.323 MW (17,8%) và miền Nam 31.898 MW (46%). Về cơ bản, hệ thống điện bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải của toàn quốc. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số các dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch là 175 dự án với tổng công suất 19.126 MWp (tương ứng khoảng 15.400 MW). Các dự án được sung quy hoạch tập trung chủ yếu tại miền Trung và miền Nam (chiếm trên 96%).
Về cơ bản, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải cực đại của toàn quốc nhưng mức độ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống chưa cao (9.06% vào mùa mưa và khoảng 8,16% vào mùa khô); sự chênh lệch mức dự phòng khả dụng giữa các miền khá lớn. Nhiều nguồn điện xây dựng chậm tiến độ, phát triển nguồn điện chưa phù hợp với sự phân bổ phụ tải. Tăng trưởng nguồn điện tại miền Bắc thấp hơn so với tăng trưởng công suất cực đại (9,3% so với 4,7%); tăng trưởng nguồn điện tại miền Trung và miền Nam cao hơn nhiều so với tăng trưởng công suất cực đại. Cơ cấu nguồn điện phân bố không đều tại các miền: miền Bắc chủ yếu là nhiệt điện than, miền Trung chủ yếu là thủy điện và miền Nam chủ yếu là nhiệt điện khí.
Chương trình phát triển nguồn và lưới điện của Quy hoạch điện VIII tính toán cho kịch bản phụ tải cơ sở, tương ứng với kịch bản tăng trưởng kinh tế trung bình và phương án phụ tải cao, tương ứng với kịch bản tăng trưởng kinh tế cao. Theo đó, kịch bản phụ tải cơ sở phù hợp với bối cảnh phát triển trong nước, có xét đến mức tăng thu nhập đầu người và bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ thương mại. Phương án phụ tải cơ sở phát triển theo hướng công nghiệp hóa của các nước như Nhật Bản, Pháp, Đức ... đến năm 2045. Kịch bản phụ tải cơ sở có hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP đạt 1,24 lần giai đoạn 2026-2030 và giảm dần xuống 0,46 lần giai đoạn 2041-2045; phản ánh xu hướng chuyển dịch tiêu thụ điện giữa miền Nam và miền Bắc: miền Nam giảm tỉ trọng tiêu thụ điện từ 47,4% năm 2020 xuống 43,6% năm 2045, miền Bắc tăng tỉ trọng tiêu thụ điện từ 42,4% năm 2020 lên 45,8% vào năm 2045.
Theo phương án phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất các nhà máy điện là 145.930 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát). Truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc sẽ tăng dần từ giai đoạn 2030 trở đi với sản lượng truyền tải tăng từ 21 tỷ kWh vào năm 2035 tới 40 tỷ kWh vào năm 2040 và khoảng 52 tỷ kWh vào năm 2045. Chương trình phát triển lưới điện mới góp phần giảm triệt để phát thải khi CO, so với các phương án đã trình trước đây do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra mạnh mẽ với sự dịch chuyển mạnh từ các nguồn điện phát thải khí nhà kính sang các nguồn điện xanh, sạch. Tới năm 2030, các nguồn điện gió đạt 31,3% tổng công suất đặt nguồn điện. Chương trình phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 141,59 tỷ USD, trong đó nguồn điện là 127,45 tỷ USD và lưới điện truyền tại là 14,14 tỷ USD; tổng chi phí vận hành hệ thống giai đoạn đến 2021-2030 là 317,24 tỷ USD.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã thảo luận, tham gia ý kiến và đề xuất, kiến nghị các nội dung liên quan đến việc hoàn thiện Quy hoạch điện VIII: dự báo nhu cầu điện và nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện; quy hoạch nguồn điện; quy hoạch lưới điện và tổng vốn đầu tư; các giải pháp điều hành quy hoạch phát triển điện lực cho giai đoạn tới...
Đức Hiền