Sign In

Vĩnh Phúc khôi phục và phát triển kinh tế sau khi thống nhất đất nước (1975 - 1985)

28/11/2014
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975 đã hoàn toàn chấm dứt 21 năm gian khổ kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Trong niềm vui chung của ngày hội chiến thắng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phú cùng nhân dân cả nước vững tin bước vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng mới: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Đây là giai đoạn đất nước gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh chung đó, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ để lại, liên tục chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt do bão, lũ lụt, hạn hán,…gây ra. Đồng thời, tích cực khai thác tiềm năng của các địa phương trong tỉnh, đẩy mạnh sản xuất, từng bước phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị các cấp, đảm bảo kịp thời yêu cầu lãnh đạo và công tác quản lí địa phương, đóng góp sức người, sức của cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Bước vào giai đoạn cách mạng mới, tỉnh Vĩnh Phú còn gặp nhiều khó khăn, do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, nền kinh tế vẫn chủ yếu mang tính tự cấp, tự túc; cơ chế quản lí tập trung quan liêu bao cấp đã lỗi thời, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất chậm phát triển, năng suất lao động thấp, đời sống nhân dân và các lĩnh vực xã hội còn nhiều khó khăn,

Đng trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982), trên cơ sở vận dụng các quan điểm, chủ trương đường lối của Trung ương Đảng và thực tiễn địa phương, nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh thi đua lao động sản xuất, khắc phục khó khăn, từng bước phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bằng nhiều biện pháp tích cực và sự nỗ lực vươn lên của quân dân toàn tỉnh, các lĩnh vực đều từng bước chuyển biến và giành được những kết quả quan trọng.

Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh được khôi phục và dần đi vào ổn định, kinh tế phát triển theo hướng công - nông nghiệp xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nông, lâm nghiệp là ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trên địa bàn Vĩnh Phú, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, như vùng lúa Vĩnh Lạc, vùng dứa Tam Đảo, Lập Thạch… Sản lượng lương thực quy thóc hàng năm giai đoạn 1976 - 1980 đạt trung bình 340.000 tấn. Vùng sản xuất dứa hàng năm cho thu hoạch đạt trung bình trên 4.000 tấn. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp mà trọng tâm là lương thực, thực phẩm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của đời sống nhân dân. Sản lượng lương thực hàng năm luôn bấp bênh, bình quân chỉ đạt 75% - 80% kế hoạch, tình trạng thiếu hụt lương thực kéo dài, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, vấn đề nổi lên và được quan tâm hàng đầu là lương thực và thực phẩm.

Để giải quyết khó khăn về lương thực, thực phẩm, tỉnh chỉ đạo tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp. Tỉnh xác định địa bàn Vĩnh Phúc (ngày nay) là nơi có nhiều lợi thế nhất tỉnh nên đã tích cực quan tâm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp Vĩnh Phúc, đồng thời chủ động tìm tòi, nghiên cứu cách quản lí mới trong sản xuất. Năm 1979, Vĩnh Phú tiến hành làm thí điểm khoán cây màu và sau đó là cây lúa. Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 1980, Ban Nông nghiệp Trung ương chọn huyện Vĩnh Lạc làm nơi thực hiện khoán thí điểm cây lúa hai hợp tác xã Thổ Tang và Đồng Văn. Hình thức khoán này đã được nhân rộng ra điạ bàn huyện Vĩnh Lạc và toàn tỉnh. Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết và khẳng định: phương thức khoán sản phẩm Vĩnh Phú và một số địa phương khác cho thấy tính ưu việt của cơ chế quản lí mới, đó là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đảng ta tiếp tục hoàn thiện những vấn đề lí luận, đề ra chủ trương, chính sách mới nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tháng 1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100 quyết định mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp, bước đầu tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển.

Từ năm 1981, triển khai cách khoán mới hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, sản xuất nông nghiệp có bước tiến mới. Sản lượng lương thực quy thóc liên tục tăng, năm 1982 đạt 353.000 tấn, đến năm 1985 tăng lên 398.000 tấn. Vĩnh Lạc là huyện trọng điểm về lương thực, thực phẩm của tỉnh nên đạt năng suất và sản lượng cao nhất. Tổng mức huy động lương thực 5 năm 1981 - 1985 đạt 329.000 tấn, tăng 119.000 tấn so với 5 năm 1976 - 1980. Diện tích và sản lượng các loại cây công nghiệp và hoa màu được giữ vững và tăng cao, trong đó địa bàn Vĩnh Phúc chủ yếu là cây lạc, mía, đậu các loại, cây ăn quả và các loại cây làm nguyên liệu giấy. Đáng chú ý, hợp tác xã Hợp Thịnh (Tam Đảo) là nơi có sáng kiến trồng cây ngô trên nền đất ướt, mở đầu cho phong trào vụ đông vùng đồng bằng phát triển, sau đó mở rộng đến các vùng trung du và miền núi của tỉnh.

Về chăn nuôi, đàn trâu, bò giai đoạn 1976 - 1980 luôn duy trì mức 150.000 con, năm 1985 tăng lên 192.000 con, đàn lợn đạt 379.642 con. Nuôi thả cá được quan tâm và mở rộng trong các hợp tác xã nông nghiệp và hộ xã viên. Hoạt động tổ chức lại sản xuất và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng quy mô lớn. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và giao thông vận tải từng bước được đầu tư, mở rộng. Công nghiệp Trung ương và công nghiệp quốc phòng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh hơn công nghiệp địa phương, tuy nhiên công nghiệp địa phương trong từng giai đoạn cũng có bước tiến. Một số ngành có giá trị sản lượng đạt khá như hoá chất, nguyên liệu giấy, cơ khí, chế biến lương thực, gỗ, dệt, may mặc, đồ da, gạch hoa. Năm 1985, giá trị tổng sản lượng công nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đạt 2.209 triệu đồng, công nghiệp địa phương đạt 727 triệu đồng.

Hoạt động thương nghiệp và phân phối lưu thông đã có cố gắng đảm bảo nguồn hàng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đến cuối năm 1983, các xã, phường trong tỉnh có cửa hàng hợp tác xã mua bán; hoạt động xuất nhập khẩu có bước tăng trưởng khá, mặt hàng chủ yếu là nông lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp địa phương.

Tỉnh đã tích cực quan tâm đầu tư đến lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, trường sở được triển khai xây dựng phục vụ sản xuất và đời sống; kết cấu hạ tầng nông thôn được củng cố và phát triển, nhất là mạng lưới đường dây tải điện.

Hoạt động tài chính - ngân hàng đã đảm bảo công tác thu, chi và có dự trữ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 1985, Vĩnh Phú cùng cả nước tiến hành đợt tổng điều chỉnh giá lương - tiền.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực, đáng chú ý là ngành giáo dục đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp và nhân dân quan tâm đầu tư, ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, số trường, lớp và học sinh các cấp đều tăng. Vĩnh Lạc là một trong những huyện khá nhất của tỉnh. Phong trào học tập và bổ túc văn hoá ngày một phát triển. Đến năm 1980, Vĩnh Phú là tỉnh hoàn thành xoá nạn mù chữ và năm 1983 được Bộ Giáo dục công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục cấp I.

Công tác y tế được chú ý quan tâm thường xuyên, hệ thống bệnh viện các cấp ngày càng được tăng cường về cơ sở vật chất và trang thiết bị khám chữa bệnh, 100% các xã có trạm y tế, nhà hộ sinh. Phong trào vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch được phổ biến và hưởng ứng rộng rãi trong nhân dân.

Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi trong các cơ quan, trường học, xí nghiệp, xã, phường, với nhiều hoạt động phong phú. Phong trào thể dục- thể thao cũng thu hút đông đảo người dân tham gia, tuy nhiên thành tích đạt được chưa cao.

Sau ngày đất nước thống nhất, đề đảm bảo kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, nhiệm vụ củng cố kiện toàn hệ thống chính trị các cấp được triển khai với nhiều sự kiện quan trọng, có tác động tích cực đến đời sống chính trị, xã hội và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú lần lượt tổ chức bốn kỳ Đại hội Đảng. Trên cơ sở quán triệt những chủ trương, quan điểm, đường lối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và thực tiễn lãnh đạo, tổ chức thực hiện địa phương, các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp, mục tiêu cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm tăng cường công tác vận động và tập hợp quần chúng nhân dân, năm 1976, Ban Dân vận và Mặt trận tỉnh được thành lập, cùng hệ thống chính trị hoạt động đóng góp tích cực cho việc đảm bảo ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Tuy nhiên, những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội đã làm cho một số cán bộ, đảng viên và nhân dân có những tư tưởng lệch lạc. Do đó, vấn đề xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng và tổ chức trong thời kỳ này được Đảng bộ tỉnh tăng cường, như thường xuyên tổ chức các lớp học tập cho cán bộ, đảng viên, giúp họ nhận thức đúng đắn về tình hình đất nước, địa phương, quán triệt những tư tưởng của Trung ương Đảng về phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh công tác xây dựng Đảng, công tác xây dựng củng cố chính quyền vững mạnh cũng được chú ý. Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân tham gia các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (khoá VI và khoá VII) đảm bảo an toàn, thắng lợi. Tổ chức và lãnh đạo các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 1977-1981 và nhiệm kì 1981-1985 đạt tỉ lệ trên 99%. Sau bầu cử Hội đồng nhân dân, chính quyền nhân dân các cấp trong tỉnh được tăng cường củng cố mọi mặt, công tác quản lí và lề lối làm việc được cải thiện đáng kể. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các Nghị quyết của Đảng địa phương được kịp thời và đạt hiệu quả. Từ giữa năm 1976, thực hiện nghị quyết Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, Uỷ ban hành chính các cấp được đổi thành Uỷ ban nhân dân.

Các đoàn thể quần chúng: Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn, Hội Nông dân cũng được tăng cường củng cố, kiện toàn về tổ chức và thống nhất về tư tưởng. Do đó, các phong trào thi đua diễn ra khá sôi nổi trên khắp địa bàn tỉnh, đạt kết quả cao như: Thanh niên với phong trào "Lao động tình nguyện vượt mức kế hoạch Nhà nước", phong trào "Ba xung kích làm chủ tập thể", "Sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại", "Theo bước chân những người anh hùng",…đã thu hút đông đảo thanh niên tham gia vào các hoạt động sản xuất, đi xây dựng vùng kinh tế mới, tòng quân bảo vệ Tổ quốc,...

Đáng chú ý là khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, toàn tỉnh đã huy động 2,7 vạn quân dân. Trong đó, chủ yếu là thanh niên tham gia xây dựng phòng tuyến và chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc. Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh sôi nổi với phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực… Hoạt động của công nhân và tổ chức Công đoàn với cuộc vận động "Phát huy sáng kiến, tiết kiệm, hợp lí hoá sản xuất và thi đua phục vụ sản xuất nông nghiệp", phong trào ba điểm cao"… diễn ra sôi nổi, nhiều sáng kiến được áp dụng trong lao động sản xuất đạt hiệu quả. Hội Nông dân các cấp tích cực vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua, đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi

Các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi các cấp, các ngành, các đoàn thể; nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn và sự phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, công tác quân sự địa phương và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo và giữ vững. Lực lượng vũ trang địa phương và các đơn vị trên địa bàn tỉnh đóng vai trò tích cực trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, chống bão lụt và giúp đỡ nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Khi chiến tranh biên giới xảy ra, công tác quân sự và an ninh trật tự được tăng cường mạnh mẽ, đảm bảo tốt công tác tuyển quân và các phương án sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản nhân dân. Công tác huấn luyện quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh mọi mặt được duy trì thường xuyên, góp phần cùng lực lượng vũ trang cả nước giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.

Thực hiện quyết định của Trung ương, địa bàn hành chính các huyện trong tỉnh liên tục có những điều chỉnh, tháng 7-1977, Chính phủ ra quyết định hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Từ 22 huyện, thành, thị xuống còn 11 huyện, 1 thành phố và 2 thị xã. Địa bàn Vĩnh Phúc thời điểm này có thị xã Vĩnh Yên và các huyện Vĩnh Lạc, Tam Đảo, Sóc Sơn, Mê Linh. Đến tháng 2-1979, Trung ương tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính, các huyện Mê Linh, Sóc Sơn sáp nhập Hà Nội, huyện Tam Đảo tách thành hai huyện Tam Đảo và Lập Thạch; huyện Tam Đảo mới gồm huyện Tam Dương và Bình Xuyên (cũ).

10 năm sau ngày đất nước giải phóng và thống nhất (1976-1985), mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phú đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng. Đến năm 1985, Vĩnh Phú là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước có sáng kiến trong viện thực hiện khoán sản phẩm, góp phần cung cấp cơ sở thực tiễn để Trung ương Đảng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lí mới, mở đường cho sản xuất nông nghiệp cả nước phát triển. Kết quả đạt được của Vĩnh Phú đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, thực trang kinh tế - xã hội luôn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, bức xúc và có nguy cơ lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất nhỏ, manh mún, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước giảm sút. Trước thực tế đó, yêu cầu đổi mới trở thành vấn đề cấp thiết để nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, tiếp tục tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 8 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.590.461

EMC Đã kết nối EMC