Sign In

KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC

07/09/2011
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC

Ngay từ đầu thời Bắc thuộc nhân dân Vĩnh Phúc đã nổi dậy đấu tranh chống ách đô hộ ngoại xâm. Khi Triệu Đà lần đầu đem quân xâm lược Âu Lạc thất bại nên đã dùng kế trá hàng. Thấy rõ âm mưu thâm hiểm của kẻ thù, nhiều quan lại và tướng lĩnh triều đình Cổ Loa đã kiên quyết phản đối. Thần tích vùng Vĩnh Phúc cho biết có ba ông Chung, Túc, Hoà vì việc can gián không được vua An Dương Vương nghe theo đã phẫn nộ trở về đất Mê Linh kêu gọi dân chúng khởi nghĩa chống Triệu. Khi nhà Hán đem quân đánh Triệu ở Phiên Ngung, một làn sóng đấu tranh giành độc lập đã diễn ra manh mẽ khắp cõi âu Lạc cũ, trong đó tiêu biểu nhất là trên vùng đất căn bản của hai vua Hùng - Thục. Tại miền Vĩnh Phúc, các tướng Trần Kiện, Nguyễn Đức, Đinh Tuấn, Phạm Thông đã dựa vào địa thế hiểm yếu và sự che chở của nhân dân vùng Tam Đảo, Lập Thạch để xây dụng căn cứ chống Hán, nhiều phen khiến quân giặc khiếp vía và bị hao tổn năng về lực lượng.

            Truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh của người dân Vĩnh Phúc càng được hun đúc, kết tinh và toả sáng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân xâm lược Hán.

            Theo truyền thuyết dân gian và chính sử đều cho biết Hai Bà Trưng là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh. Tại làng Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) hiện vẫn còn ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, dân gian quen gọi là đền Hạ Lôi, nằm ở rìa phía nam làng. Tương truyền, ngôi đền được xây dựng trên nền nhà cũ của mẹ Hai Bà. Chính sự tồn tại của ngôi đền cùng với kí ức dân gian là căn cứ quan trọng để khẳng định làng Hạ Lôi là quê hương của Hai Bà Trưng.

            Chính sử không ghi chép năm sinh cũng như tuổi tác của Hai Bà. Nhưng ngọc phả làng Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) và làng Hát Môn (huyện Phúc Thơ đều chép Hai Bà là chị em ruột, sinh đôi cùng ngày mồng một tháng tám năm Giáp Tuất, tức năm 14. Trong hai chị em, Trưng Trắc là chị, Trưng Nhị là em. Chồng Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên (vùng lưu vực sông Đáy và mở sang cả sông Hồng bao gồm khu vực Hà Nội, Hà Nam hiện nay).

Chính sách cai trị tàn bạo của nhà Đông Hán đã thôi thúc Thi Sách, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị hiệp mưu nổi dậy chống lại và địa bàn hai huyện Mê Linh, Chu Diễn trở thành trung tâm tụ nghĩa. Song chẳng may việc bị bại lộ, Tô Định đã thẳng tay đàn áp và giết chết Thi Sách trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra.

Chính sử của ta và Trung Quốc đều xác nhận việc Thái thú Tô Định giết chết Thi Sách - chồng Trưng Trắc chỉ là nguyên nhân trực tiếp thổi bùng lên ngọn lửa khởi nghĩa, còn chính sách cai trị tàn khốc của nhà Hán, tập trung trong thời Tô Định mới là nguyên nhân sâu sa.

            Tư liệu dân gian khá giống với chính sử khi đều cho rằng Hai Bà "đem binh Phong Châu đánh hãm các quận huyện". Thần tích làng Hạ Lôi có đoạn: Trưng Vương khởi binh được một năm, tướng sĩ nam nữ có tới ba vạn người, hội tại thành Phong Châu... Cử binh đến cửa sông Hát, đại hội ở bãi Trường Sa". Thực ra, thời ấy chưa có địa danh Phong Châu. Đó là tên gọi một châu mãi đến thời Tuỳ, năm 598 mới đặt. Châu này ra đời trên một phần đất của huyện Mê Linh đời Hán, nên các sử gia đời sau dùng tên Phong Châu để chỉ khu vực Mê Linh cũ. Như vậy, ngay trước cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng ngay trên quê hương mình là đất Mê Linh.

            Tháng 3 năm 40, Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị tổ chức hội thề, phát động khởi nghĩa ở khu vực cửa sông Hát (nay thuộc huyện Phúc Thọ). Tại hội thề sông Hát, Trưng Trắc đã kịch liệt lên án chính sách cai trị tàn khốc.

            Hưởng ứng lời kêu gọi, các anh hùng, hào kiệt và nhân dân yêu nước bốn phương đã rầm rập kéo về tụ nghĩa dưới ngọn cờ Hai Bà Trưng. Ngay trên mảnh đất Vĩnh Phúc, ngọc phả và truyền thuyết dân gian cho biết có chàng Hối, Lũ Luỹ, Hùng Thiên Bảo, Trần Nang, ở Lự Bạch Trạch, Vĩnh Gia Công chúa (ở Mê Linh); Quách A Nương, Vĩnh Hoa (ở Yên Lạc); Nguyễn Tuấn, Nguyễn Trì, Nguyễn Lĩnh, Thục Nương, Quý Lan Nương (ở Lập Thạch); Cả Lợi, Hai Lợi, ả Chàng, ả Chạ, ả Lã,  Đống Vịnh, Đại Đạo Song Nga (ở Vĩnh Tường); ả Dưỡng, ông Bỉnh, ông Bạc, Tuấn Công, Đạm Nương, Hồng Nương, Thanh Nương, Do La, mẹ con chàng Vịt (ở Bình Xuyên) đã sớm tham gia khởi nghĩa dưới quyền Hai Bà Trưng. Trong đó có những vị anh hùng đã lập nhiều chiến công và hi sinh anh dũng, để lại gương sáng ngàn đời như: chàng Hối, ông Phạm Công Huyền, vợ chồng Hùng Thiên Bảo và Trần Nang,...

            Hai Bà đã triệt để khai thác vị thế thuận lợi của vùng cửa sông Hát để chuẩn bị lực lượng, xây dựng căn cứ và phát động khởi nghĩa. Đây là đầu mối của các luồng giao thông đường thủy quan trọng nhất nước ta khi đó.

            Trước đây, dân làng Hát Môn thường tổ chức lễ hội lớn vào ngày mồng 4 tháng chín hàng năm. Đó được coi là ngày Hai Bà cử hành tế cáo trời đất và xuất quân. Hội thề sông Hát mùa Xuân năm 40 đã đi vào lịch sử như một Hội thề đầu tiên quy tụ sức mạnh của cả nước và cũng là Hội thề Non nước đầu tiên.

Rồi từ cửa sông Hát, từ bãi Trường Sa đại quân của Trưng Trắc theo dòng sông Hồng kéo xuống đánh chiếm Đô uý trị ở Mê Linh (nay thuộc Hạ Lôi Mê Linh), tiến đánh thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) và từ đây mở cuộc tiến công có ý nghĩa quyết định vào dinh thái thú Tô Định, giải phóng châu thành Luỹ Lâu (nay thuộc xã Thanh Khuông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là sào huyệt cuối cùng của chính quyền đô hộ Đông Hán.

Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng và được sự hưởng ứng của nhân dân khắp các địa phương. Phong trào đã nhanh chóng trở thành cuộc nổi đậy của toàn dân, đánh đấu sự bùng phát mạnh mẽ của tinh thần dân tộc Việt chống ách đô hộ ngoại bang.

  Trước sức tấn công ồ ạt của cuộc khởi nghiã, chính quyền đô hộ tan rã và sụp đổ nhanh chóng. Bọn quan lại Đông Hán hoảng sợ bỏ hết của cải tháo chạy về nước. Thái thú Tô Định đã phải bỏ ấn tín, cắt tóc, cạo râu lẻn trốn về Nam Hải. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, ngọn cờ chính nghĩa của Hai Bà Trưng đã tập hợp được 65 huyện thành. Nền độc lập dân tộc được phục hồi sau hơn 200 năm chìm đắm dưới ách đô hộ ngoại bang. Trưng Trắc được suy tôn làm vua, sử cũ gọi là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh.

Về sự kiện này, nhà sử học đời Trần Lê Văn Hưu nhận xét: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương"

Đánh đuổi quân Hán, dựng nước, xưng vương nhưng Trưng Trắc không đóng đô tại Liên Lâu là trị sở của chính quyền cũ, cũng không chọn quê chồng là huyện Chu Diên mà trở về định đô tại quê cha, đất bản bộ của Lạc tướng Mê Linh xưa.

Kinh đô Mê Linh thời Trưng Vương nay thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Người dân Hạ Lôi cho biết trước đây trong làng có một toà thành đất, dân gian gọi kiêng là thiềng, tương truyền là toà thành của Hai Bà Trưng. Cho đến đầu những năm 1970, dấu vết còn lại của toà thành nằm trải rộng trên một khu đất rộng tới 100 mẫu Bắc bộ, chiều dài có chỗ lên tới 1.700m, chiều ngang nơi rộng nhất hơn 500m. Hình dáng của toà thành này không ổn định, bình diện bao gồm ba ô thành khác nhau có hình chữ nhật và một ô thứ tư hình đa giác lồi, chiếm hơn nửa diện tích thành. Bên cạnh cấu trúc cổ điển hào - luỹ thì tường thành có đoạn được đắp gồm hai lớp song song có khoảng cách từ 1-3m tạo nên một đường ống ở giữa, tục gọi là "thành ống". Thành ống bao lấy bốn xóm được coi là cổ nhất làng, mang những tên Đường, Hội, Nội, Kiên. Tương truyền, xóm Nội - nằm trong ô thành thứ hai tính từ đông sang tây xưa là nhà bà Trần Thị Đoan, mẹ Hai Bà và cũng là nơi Hai Bà sinh hạ.

            Bên cạnh Mê Linh là trung tâm chính trị quan trọng nhất, Trưng Vương còn phân phong các quan lại, tướng sĩ trấn trị ở nhiều nơi trọng yếu trong nước, khắp từ miền núi, trung du, đồng bằng cho đến miền biển. Ngay trên Vĩnh Phúc, một hệ thống phòng thủ liên hoàn, vững chắc được tạo nên nhằm trực tiếp bảo vệ cho Kinh đô.

Đặc biệt, bản ngọc phả làng Cư An (nay thuộc xã Tự Lập, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) cho biết bà Trưng Nhị sau khi cùng chị thành đánh đuổi Tô Định đã được Trưng Vương phong làm Phó vương, Bình Khôi công chúa và về đóng bản doanh ở đây. Toà thành mà Trưng Nhị trấn giữ có tên là Cự Triền (cách thành Mê Linh khoảng 6 km về phía tây bắc), tục gọi là thành Dền, thành Trại, thành Cờ, hoặc thành Tam Kha. Cách khoảng 2km về phía đông là một toà thành đất khác có tên thành Vượn (nay thuộc làng Nam Cường, xã Tam Đồng huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Dân gian địa phương cho biết khi Mã Viện đem quân đến đánh Trưng Nhị ở thành Dền trong nhiều ngày nhưng không thắng đã cho đắp ở đây một tòa thành làm nơi trú quân lâu dài. Xét đấu tích còn lại cho thấy thành Vượn được xây dựng giống với kiểu dáng "cái kén" mà sử sách Trung Quốc gọi là Kiến thành (thành kén). Sự tồn tại của thành Vượn có thể coi là một cứ liệu gián tiếp chứng minh cho sự tồn tại của thành Dền thời Hai Bà Trưng. Đến thế kỉ XIX, sách tại Nam nhất thống chí xác nhận: "Ở xã Cư Yên huyện Yên Lãng, có hai luỹ, cách nhau không xa, nền cũ nay vẫn còn. Tương truyền, đấy là luỹ cũ của Trưng Vương". Trải bao tháng năm, dấu vết của những toà thành cổ nay vẫn còn.

  Dưới thời Trưng Vương trị vì, nhân dân được vui hưởng cuộc sống thái bình, an lạc sau hơn 200 chịu ách thống trị ngoại bang.

            Được tin báo Trưng Trắc khởi nghĩa và xưng vương, vua Quang Vũ nhà Hán tức khắc "hạ chiếu cho các quận Trường Sa, Hợp Phố, Giao Chỉ sắm sửa xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông miền khe núi, trữ sẵn thóc gạo", ráo riết chuẩn bị lực lượng và hậu cần tái chiếm nước ta.

            Mùa hạ năm Kiến Vũ thứ 18 (năm 42), Hán Quang Vũ phong cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, thống suất đại quân kéo sang xâm lược nước ta. Trong đoàn quân xâm lược còn có Phó tướng Phù Lạc hương hầu Lưu Long, Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí, Bình Lạc hầu Hàn Vũ, cùng với 2 vạn quân và 2 nghìn thuyền xe lớn nhất.

Từ phía Nam Trung Quốc, Mã Viện chia quân làm hai cánh, theo hai đường thuỷ bộ sang xâm lược nước ta. Theo sự chỉ huy của Mã Viện, cả hai đạo thuỷ, bộ luôn bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với nhau trong hành quân và tác chiến.

Chủ động đôi phó, Trưng Vương đã bố trí lực lượng đánh địch ngay tại vùng địa đầu sông nước của Tổ quốc (khu vực cửa biển Bạch Đằng, cửa sông Cấm thuộc các huyện Thuỷ Nguyên, An Hải và nội thành Hải Phòng). Nhưng vì lường trước thế địch quá mạnh nên Hai Bà quyết định không dồn toàn bộ binh lực ra vùng địa đầu mà sau một vài trận tập kích bất ngờ đã chủ động lui về phía sau, lập phòng tuyến chặn đứng và tiêu diệt giặc ở Lãng Bạc (Gia Lương, Bắc Ninh).

Tại chiến trường Lãng Bạc, nghĩa quân đã nhiều phen khiến quân địch lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh không thể thực hiện; quân sĩ hao tổn, mất sức chiến đấu; lương thực thiếu thốn... khiến chúng có lúc phải tính đến chuyện rút quân về nước, chấp nhận thất bại. Nhưng vì tương quan lực lượng quá chênh lệch và sau một thời gian củng cố lại quân ngũ, Mã Viện đã dần giành lại thế chủ động. Thấy không thể cầm cự được lâu, Trưng Trắc quyết định rút quân khỏi Lãng Bạc, lui về giữ thành Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Tại kinh đô cũ của vua Thục, nghĩa quân Hai Bà Trưng dựa vào sự kiên cố của toà thành, kiên cường chiến đấu nhưng cũng không bám trụ được lâu vì sức quân giặc quá mạnh.

Trước tình thế đó, Trưng Trắc quyết định đem quân về giữ đất căn bản là kinh đô Mê Linh (Hạ Lôi, Mê Linh, thành phố Hà Nội). Quân giặc bám sát phía sau. Cuộc chiến đấu xung quanh thành Mê Linh diễn ra vô cùng cam go, quyết liệt. Vết tích của chiến trận Mê Linh chống quân Hán còn được lưu lại trong các truyền thuyết dân gian, địa danh và những tục hèm trên một vùng rộng lớn nơi đây.

thôn Hạ Lôi hiện vẫn còn nhiều tên đất, xứ đồng liên quan đến trận chiến của Hai Bà chống Mã Viện như Đồng Vỡ tương truyền là nơi quân Hán bị tan vỡ, Đồng Đống là nơi xác quân Hán chết chất thành đống, Đồng Dai là nơi hai bên giao chiến dằng dai suốt cả ngày, Đồng Đỗi là nơi một cánh quân của Hai Bà được lệnh đòi lại, tức dng lại....

Ở làng Tráng Việt có tục hèm liên quan đến bà Hồ Thị Đề, một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Tục cúng hèm này được dân làng cử hành vào lúc trời đã tối hẳn, tương truyền là vì khi xưa bà thường cho quân sĩ ăn tối rất muộn trước khi xuất kích. Hèm cầu bà Là Lương ở Chu Phan có tục giã bánh dày (dân làng thường gọi là hội bó mo), vì theo truyền thuyết quân Hai Bà khi xưa đánh nhau liên tục đã được dân làng tiếp tế bằng bánh dày. . .

Thành Mê Linh được giữ vững một thời gian, nhưng vì lực lượng mỏng nên nghĩa quân không đủ sức phản công để giành thắng lợi quyết định. Trong khi đó, lực lượng quân địch ngày một đông, Mã Viện lại là viên tướng già gian manh nên chúng dần giành lại thế chủ động, vòng vây ngày càng xiết chặt. Thấy không thể giữ nổi Mê Linh, Trưng Trắc cho quân rút lên thành Cự Triền phía Bắc hợp lực với Trưng Nhị.

Sau khi chiếm được thành Mê Linh, Mã Viện đã dồn toàn lực đuổi đến vây hãm Cự Triền. Tuy nhiên, trước toà thành quân sự hiểm yếu, đặc biệt là phải đối diện với đội quân quyết tử của Hai Bà, Mã Viện đã không thể thực hiện được chiến thuật tấn công chớp nhoáng. Hắn lệnh cho quân lính đắp một toà thành đất bên cạnh để vây hãm lâu dài, tục gọi là thành Vượn. Chiến trận xung quanh thành Cự Triền diễn ra dằng dai và vô cùng quyết liệt. Cuối cùng, thành Cự Triền bị hạ, Hai Bà buộc phải lui về cố thủ khu căn cứ Cấm Khê - bên hữu ngạn sông Đáy, đoạn từ chân núi Ba Vì thuộc huyện Thạch Thất cho đến vùng chùa Hương, huyện Mĩ Đức.

Cố thủ Cấm Khê, Trưng Vương hy vọng có thể lấy sông Đáy làm hào ngoài, lấy núi Ba Vì hiểm yếu làm chỗ dựa, lại có miền Cửu Chân (Thanh - Nghệ - Tĩnh) làm hậu cứ phía sau, từ đó duy trì lực lượng lâu dài khi có thời cơ thuận lợi sẽ trở thành bàn đạp cho nghĩa quân tổ chức phản công chiếm lại vùng châu thổ sông Hồng, đánh đuổi bè lũ xâm lược.

Hai Bà Trưng và các tướng sĩ đã chiến đấu rất anh dũng, bảo vệ đến cùng căn cứ Cấm Khê. Cuộc chiến đấu ác liệt kéo dài cả năm trời. Nhưng rồi, khoảng đầu hè tháng 4 năm 43 căn cứ Cấm Khê bị vỡ, Hai Bà Trưng đã anh dũng hi sinh tại chiến trường. Đại quân bị đánh bại, người bị giết, người bị bắt đem về Trung Quốc.

Hai Bà Trưng anh dũng hi sinh, nhưng dư âm và làn sóng đấu tranh của cuộc khởi nghĩa vẫn tiếp diễn trong một thời gian sau đó. Quân Hán vẫn phải tiếp tục chống đỡ, chịu nhiều tổn thất mới dập tắt được hoàn toàn cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta. Ngay trên vùng đất Vĩnh Phúc, nhiều cuộc chống trả quyết liệt vẫn không ngừng nổ ra. Tại huyện Mê Linh, có cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chàng Hối và Lũ Luỹ; huyện Yên Lạc có cuộc chiến đấu của bà Vĩnh Hoa; huyện Vĩnh Tường có hai anh em Cả Lợi và Hai Lợi...

Tuy không giành được thắng lợi cuối cùng, nhưng khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một mốc son chói ngời trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sự kiện đó khẳng định những giá trị trường cửu của thời đại dựng nước Hùng Vương - An Dương Vương, của nền văn hoá, văn minh Văn Lang - Âu Lạc, đồng thời đặt cơ sở nền tảng cho thắng lợi cuối cùng trong công cuộc đấu tranh trường kì đi đến độc lập hoàn toàn gần một thiên niên kỷ sau.

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-2 / 2 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.560.904

EMC Đã kết nối EMC