PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN VĨNH PHÚC
TỪ SAU KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG ĐẾN CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG NĂM 938
Sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng, phong trào đấu tranh chống phong kiến phương Bắc vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ ở Vĩnh
Phúc và khắp cả nước. Mặc dù chính quyền đô hộ luôn thi hành mọi thủ
đoạn xảo quyệt và thâm độc, nhưng chúng không thể khuất phục được tinh
thần quật khởi của nhân dân ta. Quan
cai trị từ nhà Hán là Dương Hùng đã thừa nhận: "Dân cậy hiểm xa thường
hay phản loạn". Thứ sử Tiết Tống đời Ngô khi dâng sớ về cho Tôn Quyền
viết: "Giao Chỉ đất rộng, người nhiều, hiểm trở, độc hại, dân xứ ấy rất
dễ làm loạn, rất khó cai trị".
Tiêu
biểu cho phong trào đấu tranh giai đoạn này là những cuộc khởi nghĩa
của nhân dân quận Nhật Nam (thế kỉ I-II) và sự thành lập nước Lâm Ấp
(cuối thế kỉ II), khởi nghĩa Chu Đạt (năm 157), khởi nghĩa Lương Long
(năm 178), khởi nghĩa Bà Triệu - Triệu Thị Trình (năm 248). . . Đến giữa
thế kỉ thứ VI, cao trào đấu tranh đã được quy tụ và bùng phát mạnh mẽ
dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Lí Bí và sự thành lập nhà nước Vạn Xuân.
Lí
Bí (Lí Bôn) xuất thân là một hào trưởng địa phương ở huyện Thái Bình
(phía trên thị xã Sơn Tây, khu vực hai bên bờ sông Hồng), tổ tiên vốn
người phương Bắc nhưng đã bẩy đời định cư ở phương Nam nên trở thành
người Việt. Ông là người văn võ toàn tài, có thời từng giữ một chức quan
nhỏ của nhà Lương (chức giám quân, kiểm soát quân sự) ở Cửu Đức (Hà
Tĩnh). Căm
phẫn trước chế độ cai trị và bóc lột tàn khốc của nhà Lương, thấu hiểu
nỗi thống khổ của quần chúng nhân dân, Lí Bí đã từ quan trở về quê hương
Thái Bình cùng Tinh Thiều toan việc khởi nghĩa.
Tinh
Thiều là người nổi tiếng học rộng, tài cao, ông từng lặn lội sang tận
kinh đô nhà Lương ở Nam Kinh xin được bổ quan, nhưng vì triều đình nhà
Lương khinh rẻ, chỉ cho ông giữ chức gác cổng thành, chán ghét ông bỏ về
cùng Lí Bí mưu toan việc lớn.
Cuộc
khởi nghĩa do Lí Bí lãnh đạo nhanh chóng liên kết được với hào kiệt các
châu, thu hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều hào
kiệt lúc bấy giờ như cha con Triệu Úc (tù trưởng ở Chu Diên), Triệu
Quang Phục, Phạm Tu đã cùng nhau quy tụ dưới ngọn cờ Lí Bôn.
Được
tin Lí Bí khởi nghĩa, chính quyền đô hộ nhà Lương điên cuồng tìm cách
đàn áp, chúng ráo riết truy lùng ông khắp nơi. Theo truyền thuyết dân
gian, để tránh sự truy sát của kẻ thù, Lí Bí đã trốn lên Gia Ninh, đến ở
chùa Diến Táo (xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên) và dùng đây làm nơi liên
lạc với hào kiệt bốn phương. Chùa Diến Táo khi ấy do sư Triệu Quang Hành
(anh trai Triệu Túc) trụ trì. Cùng theo Lí Bí còn có Triệu Quang Phục
(con trai Triệu Túc). Cũng trong thời gian này, nhiều thổ hào đất Tân
Xương đã tìm đến Diến Táo hội quân, như Nguyễn Bát Lang, Khoan Khoáng
(sau được thờ nhiều ở vùng Yên Lạc), ba anh em họ Vũ (đền thờ họ có ở
nhiều nơi thuộc huyện Vĩnh Tường), cùng nhiều đinh tráng người địa
phương. Vợ và con gái của Lí Bí thì dạy dân trồng dâu, nuôi tằm. Sau khi
đất nước được giải phóng, Lí Bí lên ngôi, ông đối xử rất hậu với dân
hai làng, ban tặng vàng lụa cho các bô lão, miễn sưu thuế cho dân, lại
cho dân làng được phép mở xưởng đúc tiền . . . Đến khi triều đình
Vạn Xuân bị đánh bại, Lí Nam Đế phải rút chạy, quanh ông chủ yếu chỉ
thấy người làng Yên Lỗ và Diến Táo, ông cảm động ban cho họ nhiều vàng
bạc và sai đem vợ con về lại quê cũ. Giữa Lí Bí và người dân hai làng có
một tình cảm gắn bó đặc biệt.
Tháng
Giêng năm 542, cuộc khởi nghĩa toàn dân do Lí Bí lãnh đạo chính thức
bùng nổ và không đầy 3 tháng sau đã giành thắng lợi hoàn toàn. Thứ sử
nhà Lương là Tiêu Tư hoảng sợ, vội vã bỏ châu thành Long Biên (vùng Bắc
Ninh) chạy thoát thân về Quảng Châu. Chính quyền đô hộ như rắn mất đầu,
tan rã và hoàn toàn sụp đổ. Nghĩa quân nhanh chóng chiếm được châu thành
Long Biên và vươn ra làm chủ toàn bộ đất nước.
Vua
Lương không cam chịu thất bại đã sai Thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh và
Thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng cùng với Trần Hầu, Ninh Cự. Lí Trí đem
quân tái chiếm Giao Châu. Dự liệu trước kế hoạch tiến quân của địch, Lí
Bí chủ động đưa lực lượng lên đón đánh chúng ngay ở Hợp Phố (Quảng Đông,
Trung Quốc). Dưới sự chỉ huy của các tướng Lí Phục Man, Tinh Thiều,
Triệu Tu, quân ta đại thắng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép:
"Bọn Tử Hùng đi đến Hợp Phố, mười phần chết đến sáu, bẩy phần, quân tan
rã mà về". Trên đà thắng lợi, Lí Bí còn tổ chức lực lượng đánh tan cuộc
tấn công xâm lấn của Lâm Ấp ở phương Nam, bờ cõi được giữ yên.
Tròn
nửa thiên niên kỉ bền bỉ đấu tranh kể từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đất
nước một lần nữa được giải phóng khỏi ách đô hộ ngoại bang. Khởi nghĩa
Lí Bí toàn thắng là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Tháng Giêng năm Giáp Tý (544), Lí Bí lên ngôi Hoàng đế (Lí Nam Đế), dựng nước Vạn Xuân. Lí Bí là người Việt Nam
đầu tiên tự xưng Hoàng đế, đặt mình ngang hàng với các Hoàng đế Trung
Hoa. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên quyết định phế bỏ niên hiệu của
phong kiến phương Bắc (niên hiệu của nhà Lương), đặt niên hiệu
mới cho riêng vương triều mình là Thiên Đức, đồng thời lấy niên hiệu đó
để đúc tiền - tiền Thiên Đức, khẳng định nền tài chính độc lập của vương
triều. Lí Bí cũng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhận ra vị
trí trung tâm của vùng đất ngã ba sông Nhị Hà - Tô Lịch để chọn đó làm
nơi đóng đô, để gần 500 năm sau vị vua khai sáng triều Lí vững tin khẳng
định đây "đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời".
Đánh giá toàn diện về sự nghiệp dựng nước của Lí Bí, Ngô Thì Sĩ cuối thế kỉ XVIII từng nêu: "Tiền Nam
Đế là một nhà hào tộc khởi binh, có Tinh Thiều giúp việc mưu mô, có
Triệu Túc chủ việc quân ngũ. Châu quận hưởng ứng, hàn kiệt đồng tâm,
trục xuất được Tiêu Tư, đánh đuổi được Tử Hùng, lại phá được quân Lâm Ấp
ở Cửu Đức. Uy binh vang dội, thế mạnh dần lên, rồi lên ngôi vua, đặt
niên hiệu, đặt tên nước là Vạn Xuân, hiệu vua xưng là Nam Việt. Có nơi
triều hội, có tướng võ, tướng văn, quy mô dựng nước hoàn chỉnh có thể
coi được. Cho nên sử phương Bắc đối với việc xưng đế, đặt niên hiệu,
việc sai tướng đánh tan quân địch đều không bỏ mất sự thực, mà có ghi
chép không thể ví như những kẻ vô danh, vùng lên trộm giữ. Từ sau khi
Hai Bà Trong mất tới đây là 490 năm nội thuộc làm châu phụ biên, một khi
vùng lên chống chọi với binh hùng tướng mạnh của Tam Ngô, khiến cho
người trong nước có chỗ nương nhờ, quốc thống có nơi hệ thuộc. Ở vào thế
rất khó khăn, mà lập được công rất kì diệu. Bọn giặc Man do đó hết cơ
hội quấy rối, quân phương Bắc vì thế cũng nhụt chí xâm lăng. . .".
Đất
nước Vạn Xuân của Lí Bí chỉ được yên bình trong khoảng hơn một năm thì
tiếp tục phải chống lại cuộc tấn công xâm lược lần thứ ba của giặc
Lương. Sau thất bại Hợp Phố, vua Lương mất mặt đã xử tử hai tướng bại
trận là Trương Quýnh và Lư Tử Hùng, đồng thời gấp rút chuẩn bị binh mã,
vạch kế hoạch đánh Vạn Xuân. Nhà Lương phong Dương Phiêu làm Thứ sử Giao
Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã dẫn theo một đội quân đông gấp bội hai lần
trước sang cướp nước ta. Chiến sự quyết liệt xảy ra vào mùa hè năm 545 .
Mặc
dù chủ động đối phó, nhưng vì quân giặc quá mạnh nên triều đình Vạn
Xuân liên tiếp chịu thất bại. Tiền quân của ta do tướng Lí Phục Man Chi
huy bị bại trận ở vùng ven biển Đông Bắc. Ba vạn quân do Lí Nam Đế trực
tiếp chỉ huy cũng không giữ nổi thành Chu Diên. Đại quân lui về dồn sức
giữ thành ở cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Phòng tuyến Tô Lịch lại vỡ, tướng
Phạm Tu anh dũng hi sinh Lí Nam Đế không còn cách nào khác buộc phải
rút quân lên thành Gia Ninh (Phú Thọ), rồi vào đất của người Lạo (đồng
bào dân tộc thiểu số) ở Tân Xương. Tại Tân Xương, Lí Bí mộ thêm được một
số nghĩa quân, lực lượng được phục hồi một phần.
Tháng
8 năm 546, Vua lại đem 2 vạn quân từ trong đất Lạo ra đóng ở hồ Điển
Triệt, đóng nhiều thuyền đậu chật cả mặt hồ. Quân Lương sợ cứ đóng lại ở cửa hồ không dám tiến vào. Trần Bá Tiên đã nghĩ đến thất bại hoàn toàn nếu cứ mạo hiểm tiếp chiến với Lí Bí.
Hồ
Điển Triệt nay thuộc xã Tứ Yên huyện Sông Lô, nằm bên bờ bắc sông Lô và
cách sông khoảng 300 mét. Xét địa thế, vùng hồ này vô cùng hiểm yếu, có
đủ điều kiện để xây dựng một căn cứ quân sự thủ hiểm. Địa điểm này gồm
mấy chục quả đồi, rộng khoảng 500 mẫu Bắc bộ. Hai mặt nam và bắc toàn là
đầm lầy mênh mông. Quân Lương nếu muốn tấn công vào căn cứ chỉ có cách
vượt qua vùng đầm lầy hoặc hồ sâu, trong khi phương tiện hành quân chính
của chúng là đi bộ hoặc thuyền lớn đi trên sông.
Tại căn cứ Điển Triệt, Lí Nam
Đế cấp tốc cho tuyển mộ thêm quân sĩ, người dân quanh vùng đã hưởng ứng
và theo về rất đông. Sử cũ và truyền thuyết dân gian cho biết Lí Bí
được người Di Lão ở Tân
Xương nhiệt thành ủng hộ, chỉ sau vài tháng đội quân của ông đã lên đến
3 vạn. Triều đình Lí Bí được đóng tại thành Dền. Hàng ngày ông trực
tiếp đôn đốc nhân dân đức thuyền độc mộc và huấn luyện binh sĩ tập thuỷ
chiến trên hồ Điển Triệt.
Quân
thuỷ bộ của Trần Bá Tiên theo đường sông Lô tập kết trước vùng hồ,
nhưng khi thấy thuyền quân ta đâu kín, thanh thế rất lớn nên đã sợ hãi
không dám tiến đánh. Bị giam chân lâu ngày, quân Lương mệt mỏi, hao tổn
và đứng trước nguy cơ bị quân ta phản công tiêu diệt. Nhưng đáng tiếc là
thiên thời đã cho chúng một cơ hội rất tốt để chuyển bại thành thắng.
Lúc ấy đã là tháng 8 âm lịch nhưng nước sông Lô vẫn còn dâng cao 7 thước
(4m), tràn ngập hai bên bờ. Vùng đồi ven hồ Điển Triệt trước đây hiểm
trở địch không dám tiến, nhưng giờ đây đã trở thành một ốc đảo giữa biển
nước lũ mênh mông. Chớp thời cơ, Trần Bá Tiên cho thuyền chiến từ sông
Lô tiến vào bao vây tứ phía. Đặc biệt, chúng còn bố trí một lực lượng
lớn khoá chặt đường rút lui của quân ta vào núi Tam Đảo. Nơi diễn ra
trận quyết chiến này nhân dân quen gọi là Đê Thác. Không chống đỡ nổi
trước thế tiến công của quân địch, Lí Nam
Đế cùng triều đình và quân sĩ đã buộc phải xuống thuyền rút lui sang
phía hữu ngạn. Tiếp đến, ông cho quân vượt sông Hồng sang động Khuất
Liêu (Tam Nông, Phú Thọ). Tại đây, Lí Bí lâm bệnh nặng, trao lại
binh quyền cho Triệu Quang Phục và mùa xuân năm 548 ông mất. Triệu Quang
Phục dẫn quân về đầm Đa Trạch (Hưng Yên) xây dựng căn cứ, xưng Triệu
Việt Vương, tiếp tục tổ chức kháng chiến thắng lợi. Nền độc lập được
khôi phục và tồn tại cho đến năm 602 khi cuộc kháng chiến chống Tuỳ của
Lí Phật Tử thất bại.
Từ sau thất bại của Lí Phật Tử, phong trào đấu tranh của nhân dân ta, trong đó có sự tham gia của người dân Vĩnh Phúc chống phong kiến phương Bắc tiếp tục diễn ra.
Năm
687 Lí Tự Tiên và Đinh Kiến lãnh đạo nhân dân miền núi Tây Bắc nổi dậy
khởi nghĩa, kéo đến vây hãm và phá tan phủ thành Tống Bình, giết chết
tên đô hộ nhà Đường là Lưu Thiên Hựu.
Năm 722, Mai Thúc Loan khởi nghĩa thành công, giải phóng đất nước, xưng Mai Hắc Đế.
Năm
766, hào trưởng đất Đường Lâm (Sơn Tây) là Phùng Hưng lãnh đạo nhân dân
khởi nghĩa, kéo quân vào vây hãm phủ thành Tống Bình, quan cai trị nhà
Đường là Cao Chính Bình lo sợ phát bệnh mà chết. Phùng Hưng – Bố Cái Đại
vương chiếm phủ thành, tổ chức cai trị và
duy trì chính quyền tự chủ của mình được 9 năm (từ 782 đến 791), qua hai
đời vua (con Phùng Hưng là Phùng An làm chủ đất nước được 2 năm, từ 789
đến 791).
Đến
năm 819, Thứ sử Hoan châu là Dương Thanh cùng con đã dẫn quân giết chết
tên đô hộ nhà Đường là Lí Tượng Cổ, chiếm thành Tống Bình.
Đầu
thế kỉ X, chính quyền Trung ương nhà Đường suy yếu và sụp đổ Nhân cơ
hội ấy, hào trưởng đất Hồng Châu (Hải Dương) là Khúc Thừa Dụ được sự ủng
hộ của dân chúng đã lật đổ chính quyền đô hộ nhà Đường, tự xưng Tiết độ
sứ. Chính quyền tự chủ của họ Khúc được duy trì suốt 25 năm, từ 905 đến
930, qua ba đời (sau Khúc Thừa Dụ là Khúc Hạo và Khúc Thừa Mĩ ).
Năm
930, nhà Nam Hán đem quân xâm lược Giao Châu. Triều đình Khúc Thừa Mĩ
không chống đỡ nổi đã đầu hàng. Năm 931, tướng cũ của Khúc Hạo là Dương
Đình Nghệ đem quân từ Châu Ái (Thanh Hoá) ra Giao Châu đánh đuổi quân
Nam Hán, vẫn xưng Tiết độ sứ và tiếp tục công cuộc tự chủ của họ Khúc.
Đầu
năm 937, Dương Đình Nghệ bị viên thuộc tướng là Kiều Công Tiễn giết hại
để đoạt chức Tiết độ sứ. Ngô Quyền khi ấy đang trấn giữ vùng châu Ái
(Thanh Hoá) đã đem quân ra Đại La trừng trị Kiều Công Tiễn. Công Tiễn
hoảng sợ đã cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán lấy cớ một
lần nữa đưa quân sang xâm chiếm nước ta.
Chiến
thắng lịch sử vang dội trên sông Bạch Đằng mùa đông năm 938, nhân dân
ta dưới sự chỉ huy của Ngô Quyền đã đánh tan đạo quân xâm lược Nam Hán,
bảo vệ vững chắc nền độc lập của tổ quốc, đồng thời mở ra một kỷ nguyên
mới trong lịch sử dân tộc - kỉ nguyên độc lập, tự chủ và phục hưng toàn
diện đất nước.